BẤT CÔNG VỀ SINH MỆNH VÀ SỐ PHẬN TRƯỚC CÁC HIỂM HỌA VỀ MÔI TRƯỜNG
Trung Quốc đã đối xử vô cùng bất nhân đối với Việt Nam khi khai thác các tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam, cùng lúc gây ô nhiễm môi trường một cách tồi tệ trên môi sinh Việt. Từ khai thác boxite trên Tây Nguyên tới các nhà máy luyện thép, từ các nhà máy nhiệt điện ngay trên đất Việt với các công trình thủy điện ngay trên thượng nguồn sông Mê Kông trên lãnh thổ của Trung Quốc, hiện đang đe dọa sự sống còn của đồng bằng sông Cửu Long. Khi người ta nói bằng ngữ pháp đẹp: cùng một giòng sinh mệnh, với ngữ văn hay: đồng hội đồng thuyền, thì chính các chuyên gia về nhân học môi sinh thấy và thấu rất rõ là cùng một giòng sinh mệnh, nhưng khi gặp hóa chất độc, có kẻ chết trước, có người chết sau. Đồng hội đồng thuyền, nhưng kẻ giàu được ngồi hạng danh dự với bảo hiểm vững, có kẻ ngồi dưới thấp lòng thuyền không một bảo hiểm trong tay khi thuyền gặp giông bão. Cái bất bình đẳng về môi trường luôn song hành cùng cái bất bình đẳng trong sức mạnh kinh tế, tài chính, khoa học, kỹ thuật; nên ngay khi có cùng một giòng sinh mệnh, mà vẫn có nhiều số phận khác nhau về tuổi thọ cũng như về bảo hiểm. Và khi đồng hội đồng thuyền, có kẻ giữ lái thuyền với chỗ thượng hạng, có người phải khoanh tay, mà giao số mệnh cho kẻ lái thuyền. Hãy đặt tên cho hai sự thật này: bất bình đẳng về kinh tế, tài chính, khoa học, kỹ thuật tạo ra bất công về sinh mệnh và số phận trước các hiểm họa về môi trường và môi sinh.
TỪ DỄ SỐNG TỚI KHÓ SỐNG
Trong lịch sử của mình, con người không chỉ định cư trên trái đất, mà định cư bằng sinh hoạt khai thác thiên nhiên, tận dụng môi trường, rồi tư hữu hóa tài nguyên, đến chiếm đoạt môi sinh mà cách sử dụng chỉ theo ý thích, ý muốn, ý đồ của con người, mà không theo một quy luật phân chia hay chung chia với bất cứ sinh vật nào. Trên thực tế của môi trường hiện nay, con người khám phá ra là chính con người đã biến trái đất từ một môi trường dễ sinh sống thành một môi trường ngày càng khó sinh sống, với ô nhiễm từ không khí trên cao tới các nguồn nước sâu dưới đất. Từ dễ sống tới khó sống bởi chính các sinh hoạt của con người tự gây ra ô nhiễm, với tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, đây chính là sự thất bại vừa bất ngờ, vừa kinh hoàng của con người đã tự chặn con đường sống của mình. Để thấy cho thấu sự thất bại này, và tỉnh táo trong sáng suốt để đi tìm một lối ra, một lối thoát, để thoát chết bởi chính các tai họa do mình tạo ra! Sự thật về chuyện ngày càng khó sống ta thấy rõ từng ngày, từng giờ: biến đổi khí hậu, với nhiệt độ tăng cùng các thảm họa hỏa hoạn. Biến đổi khí hậu, với nhiệt độ tăng cùng với lũ lụt, sạt lở…. Biến đổi khí hậu, với nhiệt độ tăng cùng biến đổi môi sinh.
KHÔNG HỀ CÓ SỰ TÔN TRỌNG HỆ SINH THÁI NGUYÊN THỦY
Khi con người trở thành yếu tố có mãnh lực quyết định sự sống còn của thiên nhiên, tài nguyên, môi trường, thì cũng cùng lúc con người đưa các hóa chất mới cùng các sáng tạo sinh học mới vào đời sống con người, rồi tác động thẳng lên đời sống của các sinh vật khác không phải là con người, nhưng cùng chung chia với con người một môi sinh, đó là sự xuất hiện của: thuốc trụ sinh trực tiếp thay đổi các kháng thể, tác động từ canh nông qua chăn nuôi, tự động vật tới thực vật…. Hóa chất chống rầy để bảo vệ canh tác, cùng lúc diệt nhiều sinh vật khác, biến truy diệt hệ đa sinh thái trong môi trường. OGM, dùng khoa học để đổi giống, biến chất các sinh vật, và các sinh vật mới lai giống này tạo ra các hậu quả mới cho các sinh vật đã sống từ lâu trong môi trường ban đầu. Chưa hết, cũng chính con người trên con đường từ sử dụng tới tận dụng thiên nhiên, từ vận dụng tới tư dụng môi sinh, đã đi ngày càng sâu vào tư-dụng-vì-tư-lợi của riêng nó, khi con người biến rừng thành đất canh tác với sự tham gia của các công nghệ nặng. Rồi biến đất canh tác đa dạng biết tôn trọng hệ đa sinh thái thiên nhiên tới kinh tế. Có quốc gia vừa giàu có lại vừa tham lam, khai thác của thiên nhiên thành đất chỉ canh tác một loại hoa màu, mà chọn lựa hoa màu chỉ dựa vào lợi nhuận của kẻ đầu tư, không hề có sự tôn trọng hệ sinh thái nguyên thủy.
TỘI ÁC TRÊN MÔI TRƯỜNG, TỘI ÁC TRÊN ĐỒNG LOẠI
Lịch sử con người từ khi con người biết đi thật xa để tìm tài nguyên trong thiên nhiên tới khi xuất hiện chế độ thực dân có biệt tài là: khai phá, khai quật, khai thác các tài nguyên trong thiên nhiên cho đến khi cạn kiệt, bất chấp ô nhiễm, giúp chúng ta nhận ra một định đề là: những chế độ, những chính quyền, những lực lượng sinh hoạt và sinh sống qua qua trình truy cùng diệt tận môi trường và môi sinh là những tội phạm làm một lúc hai tội ác: tội ác trên môi trường và môi sinh, với ô nhiễm từ khí tầng tới địa tầng; tội ác trên đa số nhân loại đã mất môi trường và môi sinh để sinh sống. Loại tội ác đôi này, ngày ngày ta thấy rất rõ trên môi trường Việt, với bạo quyền độc đảng, tà quyền tham quan, ma quyền tham đất, dùng bạo luật với bạo hành của loài trộm, cắp, cướp, giật từ đất đai tới tài nguyên, và bất chấp môi sinh đang quỵ gục, môi trường đang hấp hối. Khi con người trở thành yếu tố có mãnh lực quyết định sự sống còn của thiên nhiên, tài nguyên, môi trường, môi sinh mà tên gọi khoa học của nó là anthropocène, thì ta cũng đừng quy chụp bừa bãi và chung chung là lỗi của con người! Không đâu, đây là lỗi của các hệ thống, các chế độ chỉ biết khai thác môi trường để trục lợi, chỉ vì tư lợi của chúng; và đa số con người trong nhân loại không phải là tác giả mà thường là nạn nhân của các hệ thống, các chế độ chỉ biết bòn rút rồi vơ vét tài nguyên, chỉ biết mạo dạng lập thủy điện để lấy gỗ rừng, mặc cho lũ quét giết hại từ thiên nhiên tới đồng bào ….
TỈNH THỨC ĐỂ TÌM RA CÁCH SỐNG MỚI
Khi ta nêu tên chế độ và các hệ thống tham nhũng của nó, thì ta phải biết đào sâu hơn nữa trên phân tích để giải thích là từ thực dân tới cộng sản, chỉ cùng một ý đồ đã thành ý thức hệ là kẻ cầm quyền lực là những kẻ trục lợi hóa thiên nhiên, vụ lợi hóa môi trường, tư lợi hóa môi sinh. Với ý thức thượng nguồn về các tai họa truy diệt môi trường, để có nhận thức hạ nguồn về chính giòng sinh mệnh của nhân loại còn hay mất môi trường. Từ đây, nhân loại phải vận dụng tối đa hệ thức: kiến thức tạo tri thức, ý thức sinh nhận thức, để phải tỉnh thức mà tìm ra một cách sống mới, tức là một cách quan hệ mới (trong, sạch, lành, mạnh) với môi trường và môi sinh: cách sống mới trong quan hệ mới với khả năng áp dụng và ứng dụng hệ thức trên không gian rộng nhất của nhân loại, qua thời gian dài nhất của nhân sinh, trong đó mọi cộng đồng, mọi sinh vật được hưởng đầy đủ hệ thức này để cùng nhau sinh tồn trên cùng một trái đất.
SỰ VẮNG BÓNG CÁC CHÍNH SÁCH VỀ MÔI TRƯỜNG
Cuối tháng Tám của năm 2019, Hà Nội vừa bị xếp hạng là thành phố hiện nay đang bị ô nhiễm nhất thế giới; trước tin này người Việt sững sờ khám phá là thủ đô của Việt Nam đang ô nhiễm hơn cả những thành phố của Trung Quốc bị xếp hạng trên hàng đầu những thành phố ô nhiễm nhất bao năm qua. Người Việt vừa có thêm một kinh ngạc mới: không khí trùm phủ trên không gian Việt mang cái độc hại của ung thư cấp vĩ mô, từ cấp vùng đã dần lên cấp quốc gia, với một chính quyền độc tài nhưng hoàn toàn bất tài trong quản lý môi trường. Sự vắng bóng các chính sách về môi trường chắc chắn tới từ sự vắng mặt các tri thức về môi trường trong giới lãnh đạo hiện nay, nơi mà độc đảng lãnh đạo vẫn giữ độc quyền sử dụng, khai thác môi trường như khai thác các tài nguyên vô tri, các không gian vô giác, với sự vắng biệt các kiến thức căn bản về hệ sinh thái trên đất nước Việt. Muốn quản lý hệ sinh thái thì không chỉ cần các kiến thức về môi trường học, mà còn cả các tri thức về nhân học nữa! Nếu nhân học nghiên cứu, phân tích, giải thích về sinh hoạt của con người trên môi trường, thì chính con người tác động trực tiếp và làm thay đổi môi trường bằng các sinh hoạt của con người. Tri thức đôi (môi trường học và nhân học) hiển nhiên hiện diện trong lập luận các chính sách về môi trường trong các quốc gia trọng môi sinh, quý nhân quyền, bằng sự sáng suốt của dân chủ.
QUAN HỆ GIỮA CÁC SINH VẬT
Ngay trong ngữ pháp: quản lý môi trường, các chuyên gia cũng rất thận trọng, vì động tự quản lý, quản trị, là ngữ pháp đặt con người lên trên thiên nhiên, nên một liên minh thông minh giữa môi trường học và nhân học là đưa ra ngay trên thượng nguồn các định đề sáng suốt, mang đầy đủ nội lực của nhân tri: Con người muốn bảo vệ môi trường một cách thông minh thì con người phải biết sống chung với môi sinh trong thiên nhiên, nơi đây cụm từ sống chung với các sinh vật khác, từ động vật tới thực vật, mà con người không hề có một quyền sở hữu gì cả trên số phận các sinh vật này. Ngược lại phải tôn trọng từ tự chủ tới tự do, từ tự tồn tới tự sinh của mọi sinh vật trong môi sinh. Con người sẽ biết thích ứng nếu biết sống chung của mọi sinh vật, cụm từ thích ứng của nhân sinh vào môi sinh, giúp con người nhận ra ít nhất ba loại quan hệ có trong môi sinh: quan hệ giữa con người và thiên nhiên, quan hệ giữa con người và các sinh vật trong thiên nhiên, quan hệ giữa các sinh vật, từ động vật tới thực vật có trong thiên nhiên. Con người sẽ biết chia sẻ cùng các sinh vật vì biết thích ứng để sống chung với các sinh vật này, thì chính con người không thể tiếp tục xem thiên nhiên là kho dự trữ lương thực, và các sinh vật này sống trong thiên nhiên này khi gặp con người là bị giết để bị nuốt, bị nhai, bị ăn… mà chính con người phải tìm ra các quan hệ sống chung-thích ứng-chia sẻ với các sinh vật này không còn là mồi mà là các đối tác cùng nhau vừa bảo quản, vừa trông nom môi trường.
Giải Luận: Đất Nước (P6)
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).