Giải Luận: Đất Nước (P6)

MÔI TRƯỜNG CỦA NHIỀU TỔ CHỨC XÃ HỘI
Khi liên minh giữa môi trường học và nhân học hình thành, thì câu chuyện môi trường vẫn chưa được giải quyết, trong ba cụm từ sống chung-thích ứng-chia sẻ, thì động từ làm nên động tác thích ứng mang nhiều ẩn số, trong đó có hai ẩn số cần được mổ xẻ đúng. Tự thích ứng với bản chất môi trường bằng chính nội lực, bản lĩnh, năng khiếu làm nên hiệu quả thích ứng của mình qua từng sinh vật, tại đây thích ứng của một con ó với mọi môi trường từ trời cao tới vực thẳm hoàn toàn khác với một con rùa không có khả năng để bay, không có năng khiếu vượt vực thẳm như ó. Tự thích ứng với mật độ trên môi trường, mà mật độ của các khu vực đông dân hơn 1000 người trong thành thị, không phải là mật độ 1 người trong rừng, nơi mà con người dễ gặp các sinh vật khác hơn là người gặp người. Từ hai nhận định trên, môi trường học đề nghị hai phạm trù lý luận: môi trường trao tặng, tại đây môi trường là không gian trao tặng các nguồn thực phẩm, tài nguyên để các sinh vật sử dụng mà tồn tại, với điều kiện là các sinh vật nhận phải tham gia trọn vẹn để bảo vệ sự tồn tại vững cũng như sự tái sản suất bền của môi trường qua không gian và thời gian. Môi trường của nhiều tổ chức xã hội của nhiều sinh vật khác nhau, tại đây tổ chức xã hội của con người, của động vật, của thực vật rất khác nhau về sinh hoạt, đời sống, quan hệ giữa các thành viên sống cùng một xã hội. chính cụm từ tổ chức xã hội trong môi trường là một chỉ báo khách quan để thấu hiểu các hậu quả của từng xã hội sinh vật lên môi trường.
MÔI TRƯỜNG QUÈ QUẶT CỦA ĐỘC ĐẢNG VÀ THAM NHŨNG
Hai phạm trù phân tích này: môi trường trao tặng và môi trường của nhiều tổ chức xã hội, cho ta thấy chính con người đã tạo ra các hậu quả trầm trọng trên không gian của môi trường với các hệ lụy qua thời gian trên môi sinh. Hãy trở lại với câu chuyện Hà Nội bị xếp hạng là thành phố hiện nay đang bị ô nhiễm nhất thế giới, để lấy ra ít nhất hai kết luận. Thứ nhất, môi trường trao tặng không còn đủ lực để trao tặng, mà ngược lại nó mang những độc chất vừa tiêu diệt môi trường, vừa truy hủy mọi môi sinh từ con người tới thiên nhiên, từ động vật tới thực vật. Thứ nhì, môi trường của nhiều tổ chức xã hội, nhưng trong tình hình của Việt Nam hiện nay nó đã trở thành một môi trường của một tổ chức xã hội có đầu sỏ là hệ độc (độc đảng, độc quyền, độc tài, độc trị, độc tôn), với đầu nậu là hệ tham (tham quyền, tham quan, tham ô, tham nhũng, tham tiền). Tương lai Việt sẽ xám tối như thiên nhiên Việt hiện nay, khi môi trường không thể tự sinh, môi sinh không thể tự tồn, khi độc đảng giữ độc quyền vì độc tiền.
MÔI TRƯỜNG ÁN TREO, MÔI SINH TÙ TREO
Phạm trù lý luận: môi trường án treo, môi sinh tù treo, tới tự nhận định các tai họa từ ô nhiễm tới hủy hoại môi trường, các họa nạn từ truy diệt tới xóa sổ các sinh vật có trong môi sinh. Từ đây, dẫn tới kết luận là con người không thể tái tạo lại môi trường nguyên thủy ban đầu của thiên nhiên, mà con người chỉ có tái tạo thiên nhiên theo hiểu biết giới hạn của con người. Thiên nhiên được con người tái tạo, không còn là thiên nhiên ban đầu, và nó sẽ không bao giờ trở lại nội dung, ý nghĩa, giá trị ban sơ của nó. Tư duy về một thiên nhiên bất di bất dịch, vừa vĩnh hằng vừa phổ quát, thực sự đã không còn, bao năm qua đã không đúng nữa. Hình ảnh thiên nhiên thủa nào là môi sinh của muôn loài, nơi mà các sinh vật sinh sôi nảy nở trong độc lập và tự chủ với các sinh hoạt con người, giờ đây đã hoàn toàn sai. Hãy tìm đến một định đề mới là không có một sinh vật nào hiện nay hoàn toàn độc lập và tự chủ trong môi sinh dưới sự khai thác thiên nhiên của con người trong bao thế kỷ qua. Hãy nhận ra một định luận mới là sinh hoạt khai phá rồi khai thác thiên nhiên một cách triệt để trong phong cách sinh sống và lao động của con người đã biến con người trở thành một chủ lực cột trụ trung tâm, ngày ngày làm thay đổi nội chất của môi trường, như ta đã thấy qua thay đổi khí hậu tạo ra biến hóa rồi biến chất môi trường.
VAI TRÒ CHỦ LỰC CỦA CON NGƯỜI
Nghịch lý càng sâu khi con người trở thành một chủ lực cột trụ trung tâm, ngày ngày thay đổi môi trường, bằng sinh hoạt của nó và chính các sinh hoạt này làm thay đổi khí hậu tới môi sinh, thì con người phải nhận định lại thế nào là một hệ sinh thái mới với vai trò chủ lực của con người. Từ đây, ra đời một nhận định mới, vừa cho môi trường học, vừa cho nhân học với các khám phá và ứng dụng của các ngành sinh học, sinh hóa các sinh vật mới đã, xuất hiện, từ thực vật tới động vật, nửa thuần giống, nửa nhân tạo. Sự xuất hiện các sinh vật mới, từ thực vật tới động vật, vừa lai giống, vừa lai chất, tạo ra các nhu cầu mới trong một quan hệ mới với môi trường. Như vậy lãnh thổ xuất hiện của các sinh vật mới không còn thuần giống mà lai giống đã và đang làm thay đổi môi trường. Mọi sự thay đổi về lãnh thổ hàm chứa một sự thay đổi mới trên biên giới giữa các sinh vật nguyên thủy được xem là nguyên chất, và các sinh vật không thuần chất vì đã lai giống. Đây là thay đổi lớn và sâu, vì con người không thể tiếp tục tư duy và lý luận: thiên nhiên giản dị vì thuần nhất trong một môi sinh thuần chất trong giản đơn. Thay đổi lớn và sâu tạo ra thay đổi rộng và xa trong mọi định nghĩa, định đề, định luận không chỉ cho nhân học mà cho tất cả các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn.
TỪ SINH SỐNG TỚI SINH HOẠT, TỪ SỐNG CÒN TỚI SỐNG SÓT
Câu chuyện về thay đổi từ lãnh thổ tới ranh giới giữa các sinh vật được xem là nguyên chất có trong nguyên thủy, và các sinh vật không thuần chất vì đã lai giống, cũng có giá trị cho các phân tích vĩ mô. Sự có mặt thường xuyên các sinh hoạt của con người sống nhờ rừng và tái tạo lại rừng với quan niệm của nhân sinh không nguyên sinh, không nguyên thủy. Nhưng cùng thời điểm này, chúng ta phải nhận thức thật sắc nhọn một loại hiểm họa khác. Trong mùa hạ cuối tháng 8 năm 2019, thảm nạn cháy nhà máy sản xuất bóng đèn Rạng Đông, tại Hà Nội với sức ô nhiễm độc hại của thủy ngân với số lượng cao. Thảm họa của một nhà máy bốc cháy ngay khu dân cư đã tạo ra ô nhiễm rộng lớn ngay trong môi trường của thủ đô, ô nhiễm độc hại không những không khí mà cả mọi sinh vật từ động vật tới thực vật, từ nguồn nước tới con người. Nơi mà hóa chất của thủy ngân đe dọa từ sức khỏe tới tính mạng mọi sinh vật, nơi mà môi trường một sớm một chiều trở thành độc hại với con người đang tiêu thụ cây trái đã bị thủy ngân nhiễm độc. Khi con người đã trở thành một chủ lực trung tâm ngày ngày làm thay đổi môi trường, thì chính con người phải trả lời cho rõ là con người muốn tiếp tục hay không muốn tiếp tục xem môi trường là đối tác có tầm quan trọng tuyệt đối từ sinh sống tới sinh hoạt, từ sống còn tới sống sót của con người trên trái đất này hay không?
SỐNG NHỜ THIÊN NHIÊN NÊN TÔN KÍNH MÔI SINH, TÔN TRỌNG MÔI TRƯỜNG
Con người phải “chịu khó” mà trở lại các quan niệm của các cộng đồng sắc tộc nguyên thủy đã sống nhờ, sống dựa vào thiên nhiên và đã từ lâu xem mọi sinh vật, từ động vật tới thực vật, ngang hàng với con người, như con người. Xem mọi sinh vật ngang hàng với con người, như con người không hề là một bước lùi của nhân sinh, mà chính là sự thông minh của nhân tri luôn là chỗ dựa cho nhân loại. Ta thường xuyên gặp hai kinh nghiệm tri thức, như hai loại chủ thuyết luôn đối chọi, kình chống, xung đột nhau trong thế kỷ qua: chủ thuyết con người chủ đạo, khai phá rồi khống chế thiên nhiên, chủ động rồi chủ yếu trong vai trò khai thác thiên nhiên, chế ngự để quản lý môi trường, con người tự cho mình vị thế trên cao để điều chế môi sinh. Và chủ thuyết con người không chủ yếu, mà vai trò chủ yếu thuộc về thiên nhiên trong đó con người chỉ là một phận tử của hệ đa sinh thái và các sinh vật không con người, dù lớn dù nhỏ, đều có giá trị sống và quyền sống như nhau. Hai chủ thuyết này vẫn tồn tại trong thế kỷ này, một bên là con người được quyền tiếp tục khai thác thiên nhiên, một bên khuyên răn con người nên trở lại thái độ minh triết của các cộng đồng nguyên thủy là sống nhờ thiên nhiên nhưng tôn kính môi sinh, tôn trọng môi trường, không khai thác thiên nhiên đến kiệt quệ, quỵ gục.
CHUNG ĐỂ CHIA VÀ CHIA ĐỂ CHUNG
Tài nguyên trong thiên nhiên không vô hạn, và khi con người khai thác tài nguyên trong thiên nhiên, thì chính con người gây ít nhất hai hậu quả: ô nhiễm môi trường và truy diệt môi sinh, đây chính là nhược điểm chính của chủ thuyết con người chủ đạo. Thiên nhiên ban đầu thủa nguyên thủy không thể tái tạo lại được nữa, và nếu có thể tái tạo được, thì sinh hoạt để sinh sống của con người cũng sẽ tiếp tục làm cho môi trường thiên nhiên nguyên thủy này thay đổi, biến dạng, đây chính là các nhược điểm chính của chủ thuyết con người không chủ yếu. Sẽ không có một môi trường thiên nhiên nguyên thủy, cũng như sẽ không có một môi trường thiên nhiên không bóng người sống nhờ thiên nhiên. Trong lịch sử của thiên nhiên, cũng như trong lịch sử của con người, luôn có cùng một mẫu số chung là con người sống trong môi trường thiên nhiên, và môi trường thiên nhiên thay đổi, biến hóa cùng con người, cả hai tạo ra một tổng thể chung để chia và chia để chung.
CÁI ĐẸP, CÁI HAY, CÁI SẠCH
Trong môi trường thiên nhiên, có hai loại sinh vật: con người và các sinh vật không phải con người; và con người khi vận dụng kiến thức và tri thức của nó để đưa khoa học kỹ thuật vào thiên nhiên, thì chính con người phải có ý thức bảo vệ môi trường, phải có nhận thức bảo trì môi sinh. Khi con người có đầy đủ hệ thức (kiến thức, tri thức, ý thức, nhận thức) làm nên nhân tố quyết định sự sống còn và sống sót của môi trường thiên nhiên, thì chính con người phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, có bổn phận bảo trì môi sinh. Hệ thức (kiến thức, tri thức, ý thức, nhận thức) này không đơn độc, cô lẻ, mà luôn có ít nhất ba chỗ dựa của nhân đạo: đạo lý bảo vệ cái đẹp của thiên nhiên; đạo đức bảo quản cái hay của môi sinh; luân lý bảo trì cái sạch của môi trường. Cả ba: cái đẹp, cái hay, cái sạch không phải là những danh từ suông, không phải là những tính từ buông, mà chính là tiêu chuẩn làm nên mô thức của con người để có đối xử đẹp thiên nhiên, có ứng xử hay với môi sinh, có hành xử sạch với môi trường để được sống còn, sống sót cùng lực bảo vệ được nhân phẩm của chính mình.

Giải Luận: Đất Nước (P7)

Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s