Người Việt, đặc biệt là những người có bằng cấp cao, thường hay hiểu lầm là khi mình có bằng cấp cao thì mình có trình độ hiểu biết hơn những người khác. Từ đó mà có một số ít người, trong lúc đối thoại, đem bằng cấp ra để cho rằng mình có trình độ hiểu biết hơn người đang đối thoại. Đây là một căn bệnh dành cho những trí thức xem người khác không ra gì.
Bằng cấp là gì? Đó là một mảnh bằng từ trường sở cung cấp cho một chuyên môn nào đó mà cá nhân đó học hỏi. Cái chuyên môn đó từ lúc học xong, ra trường và cho đến thời gian sau đó vài chục năm, nếu cá nhân đó không còn làm trong chuyên môn đã học thì sự hiểu biết về chuyên môn đó đã quá cũ, không còn phù hợp với thực tế của xã hội. Chưa kể bằng cấp cũng có nhiều loại. Có nghĩa là nếu anh ra trường là tiến sĩ thì có loại tiến sĩ hạng A và có loại tiến sĩ hạn B, C, hay nói đúng ra là loại tiến sĩ rất bình thường, chẳng phải thuộc loại thiên tài.
Ngay cả ngành chuyên môn mà cá nhân đó học hỏi, thí dụ là ngành giáo dục, thì cần phải xem những chương trình giảng dạy được áp dụng như thế nào. Nếu chương trình giảng dạy ở trường sở với những bài bản, sách vở thì cá nhân đó, có lẽ (có nghĩa là chưa chắc chắn bởi cũng có thể cá nhân chỉ làm theo cái đã học mà không sáng tạo cho chính mình), sẽ có trình độ cao hơn những người khác trên lãnh vực này. Tuy nhiên nếu sự giảng dạy là sự chia sẻ hay huấn luyện những người khác hoạt động trên lãnh vực nhân quyền, xã hội thì chưa chắc cá nhân này nắm rõ đâu là ngọn, đâu là gốc của vấn đề giảng dạy. Sự giảng dạy này tùy theo quan niệm của mỗi người để nhìn vấn đề gốc và ngọn khác nhau. Có người nghĩ rằng phải giảng dạy cách đối xử giữa con người với con người và thiên nhiên là cái gốc trước khi giảng dạy những sinh hoạt của một tổ chức xã hội dân sự, của một tổ chức kinh tế tài chính, hoặc một nhóm người hoạt động bất bạo động chống lại độc tài đảng trị. Ngược lại có người cho rằng nhân cách con người không quan trọng mà cái quan trọng là đào tạo những con người biết làm cho bộ máy chạy và đó là cái gốc của vấn đề để giải quyết những khó khăn của xã hội. Vậy thì ngay cả trên lãnh vực chuyên môn là giảng dạy, cá nhân này chưa chắc là đã có đủ trình độ để nhận định chuyện giảng dạy bởi giảng dạy có nhiều dạng và cá nhân này chỉ học ở một dạng nào đó của giảng dạy mà thôi. Và như thế không thể nào tự cho rằng mình có trình độ hơn người khác bởi vì mình có cái bằng cấp từ trường với mảnh bằng tiến sĩ, thạc sĩ hay cái chi chi đó.
Trình độ hiểu biết khác với bằng cấp bởi trình độ hiểu biết rất là rộng về nhiều phương diện. Có những người không cần bằng cấp nhưng thành công trên lãnh vực kỹ thuật hoặc những ngành nghề khác mà hoàn toàn không có một mảnh bằng nào. Bill Gates, Steve Jobs là những người không học hết chương trình đại học nhưng tài giỏi để xây dựng những công ty công nghệ cao. Frank Lloyd Wright là kiến trúc sư nổi tiếng của Mỹ chưa bao giờ học xong đại học. Buckminster Fuller là kiến trúc sư, triết học và nhà sáng tạo cũng chưa học xong đại học và bị đuổi ra khỏi Harvard hai lần. James Cameron nhà đạo diễn, Tom Hanks và Harrison Ford là những tài tử phim trường không có bằng cấp đại học nhưng rất thành công trên ngành điện ảnh.
Dĩ nhiên đây là những thiên tài đã có sẵn mà không cần đến trường sở. Tuy nhiên điều này chứng minh không phải cá nhân nào đó có bằng cấp thì là mình có trình độ hơn những người khác cho dù cùng là một ngành nghề đi nữa, cái bằng cấp sẽ chẳng có một giá trị nào ngoài cái mộc cho biết là anh đã học ra trường ở một cơ sở trường ốc nào đó.
Khi nói về trình độ thì phải hiểu là trình độ về chuyên môn và trình độ về sự hiểu biết trong cuộc sống. Những người Việt có bằng cấp cao không phân biệt giữa hai điều này. Họ cứ nghĩ là họ có bằng tiến sĩ, thạc sĩ, cao học, hay đại học là họ tài giỏi hơn người và sẵn sàng đánh giá người đối diện trình độ thấp hơn mình. Đây là sai lầm ở cái gốc con người của cá nhân này.
Ngay cả trình độ hiểu biết về chuyên môn, một người có lòng tự trọng và tôn trọng người khác sẽ không bao giờ so sánh mình với người đối diện là mình có trình độ hơn họ. Người làm chuyện so sánh này phải là người ngoài cuộc chứ không phải người trong cuộc giữa cá nhân A với cá nhân B. Hai người trong cùng một ngành, có những cái cá nhân A giỏi nhưng có những cái cá nhân B giỏi mà cá nhân A không bao giờ đạt đến. Hoặc cả hai cùng giỏi nhưng nói về kỹ năng thì sẽ có một người giỏi hơn và chỉ có người thứ ba mới có thể đánh giá điều đó chứ không phải là người trong cuộc bởi vì cái cảm tính của người trong cuộc đã làm sự đánh giá hoàn toàn sai với thực tế.
Vậy thì trình độ hiểu biết về chuyên môn đã có sự khác biệt thì sự hiểu biết về cuộc sống, những vấn đề khác, người có bằng cấp không thể nào dựa vào đó để cho mình là hiểu biết hết cả, hơn cả mọi người. Con người học hỏi qua cuộc sống nhiều hơn là học hỏi qua trường ốc và cuộc sống thì muôn vạn kinh nghiệm, không thể nào so sánh cái kinh nghiệm này với kinh nghiệm khác để đánh giá hơn thua.
Đã đến lúc người Việt cần đánh giá con người ở cách ứng xử với nhau thay vì đánh giá con người ở bằng cấp, địa vị trong xã hội. Trong lãnh vực sinh hoạt cộng đồng hoặc sinh hoạt học hỏi về tư tưởng, điều đố kỵ nhất khi ai đó nói “về trình độ thì anh có trình độ hơn em, đó là sự thật, nói em đừng giận, em phải nhìn nhận chuyện đó”. Cái trình độ đó là gì nếu không muốn nói là bằng cấp? Còn về trình độ cuộc sống, sự hiểu biết về tư tưởng, con người thì lấy cái thước đo nào để so sánh và sự so sánh đó lại mang nhiều cảm tính giữa cá nhân so sánh với cá nhân đối diện?
Khi mà trong trao đổi, tranh luận — người có bằng cấp đem câu nói đó ra để “hù” người có bằng cấp thấp hơn mình. Sự “hù” đó chẳng giải quyết được vấn đề mà trái lại làm cho người đối diện thấy được cái con người thật của người nói lên câu nói trình độ. Kết quả sẽ ra sao? Một cá nhân xem nhẹ bằng cấp không thể nào làm việc với một cá nhân khác coi cái bằng cấp quan trọng và cứ nghĩ mình có bằng cấp tiến sĩ (thạc sĩ, cao học, đại học) là mình ngon, mình giỏi, mình có trình độ hơn những người làm việc chung và muốn những người làm việc chung nghe như người lính phải nghe lời của vị chỉ huy.
Đã đến lúc người Việt cần phải thay đổi tư duy này. Liệu người Việt có đủ can đảm vượt lên trên bằng cấp hay vẫn mãi mãi ôm bằng cấp và nhìn người khác như rơm, như rác, như “lính” của mình?
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 2 năm 2019 (Việt Lịch 4898)