Ghi Chú NL: Người Mỹ có câu “catch 22” có nghĩa là làm cũng chết không làm cũng chết. Chuyện Trưng Cầu Dân Ý dưới một chế độ độc tài là một trong những nhiều câu chuyện tiếu lâm ở nước độc tài. Khi dân không có quyền lên tiếng nói thật sự từ trái tim của mình thì tất cả những hoa lá cành của dân chủ được nhà đạo diễn độc tài trình diễn rất là lớp lang, rất là thứ tự để áp đặt ý kiến của nhà cầm quyền vào quần chúng với trò chơi dân chủ giả hiệu. Giả hiệu bởi vì ai sẽ theo dõi cuộc trưng cầu dân ý này để tạo cho sự công tâm? Và nếu bảo là để quốc tế theo dõi thì liệu người dân sống trong một chế độ độc tài sẽ có đủ can đảm để bỏ lá phiếu theo đúng cái suy nghĩ của mình hay sẽ phải bỏ theo lời hăm dọa của các ông tổ trưởng khu phố? Và nếu người dân can đảm nói lên ý kiến của mình thì liệu cái đảng cầm quyền hiện giờ thực hiện ý của dân trong khi thực tế và quá khứ chứng minh cái đảng này chưa bao giờ thực hiện ý của dân. Đây là bài viết đưa phản ánh quan điểm của một người trong nước trong việc trưng cầu dân ý. Chống hay không chống với lý do nào đi nữa thì chúng ta phải nhìn nhận sự khó khăn trong việc trưng cầu dân ý này và nhà cầm quyền sẽ dùng mọi thủ đoạn để giành phần thắng cho dù phải gian dối (truyền thống gian dối đã có sẵn và họ rất giỏi trong việc này hơn phía dân tộc).
Luật trưng cầu dân ý đã được ban hành vào ngày 25/11/2015, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 nhưng chưa bao giờ được đưa vào sử dụng vì dường như luật này chỉ được coi là vật trang trí cho cái gọi là dân chủ của đảng CSVN. Khi nhà nước Việt Nam không có một cơ quan nào đại diện cho quyền lợi thật sự của nhân dân thì đối với dự luật Đặc Khu quan trọng liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia và lợi ích sống còn của toàn dân chỉ còn cách cho tiến hành trưng cầu dân ý dưới sự giám sát độc lập của quốc tế và những người đại diện thật sự do người dân trực tiếp bầu ra trong khuôn khổ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý.
Nhiều người, trong đó có cả tôi lúc đầu, đều đã dành thái độ mỉa mai, châm biếm về cái gọi là muốn “lấy ý kiến nhân dân” của bác thủ tướng Phúc về luật Đặc Khu tại buổi họp chỉ đạo diễn ra chiều ngày hôm qua. Vì ai cũng hiểu rằng sẽ chẳng bao giờ nhà cầm quyền dám tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý cả. Mà nếu có đi nữa thì cũng không thể tin được vào kết quả đã luôn được theo định hướng chỉ đạo của đảng vì họ sẽ tự biên tự diễn, vừa đá bóng, vừa thổi còi với nhau. Tuy nhiên, đến đây tôi lại có chút suy nghĩ khác vì thật ra cho đến bây giờ có gì mà nhà cầm quyền không tự biên tự diễn đâu! Từ bầu cử cho đến thể chế và các chính sách điều hành quản lý đất nước cũng đều là do đảng CSVN quyết định tất cả. Vậy tại sao lần này khi nghe nói đến việc “muốn lấy ý kiến nhân dân” của thủ tướng thì chúng ta lại chế giễu? Vâng, chúng ta chế giễu vì đã mất niềm tin tuyệt đối vào thể chế này! Có ai hiểu được rằng đằng sau sự chế giễu đó thật ra là đong đầy sự xót xa cho nhân dân mình hơn là việc khoái chí cười vào mặt chế độ. Vậy chúng ta đang cần gì? Không phải là chúng ta đang muốn đòi trưng cầu dân ý, chúng ta đang khát khao đòi quyền tự quyết thật sự cho dân tộc hay sao?
Hiện tại trong nội bộ của nhà cầm quyền cũng đang lung lay trước sự phẫn nộ của lòng dân trong những ngày qua và không phải tự nhiên mà họ bỗng chủ động hướng vấn đề về một hình thức hỏi ý dân như thế này. Dù chỉ là một cách “ném đá dò đường” mang tính hình thức để xoa dịu sự bức xúc trong dân nhưng tại sao chúng ta không tương kế tựu kế để lái họ về điều mà dân ta đang thực sự mong muốn? Tại sao chúng ta không tranh thủ cơ hội này để tiến hành đồng loạt việc đòi trưng cầu dân ý và đòi quyền giám sát thực sự trước dự luật Đặc Khu thay vì chỉ chế giễu? Nếu chúng ta chỉ biết làm có thế thì chúng ta đã đi đúng ý của những người cầm quyền rồi. Họ sẽ chỉ chờ có thế để mà không cần phải nỗ lực nữa vì điều đó lại giúp họ khẳng định “dân trí không đủ để trưng cầu dân ý” theo đúng cách mà ông đại biểu quốc hội Hà Minh Huệ, phó chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam đã đưa ra ý kiến trong buổi thảo luận tại tổ về luật trưng cầu dân ý chiều 3/6/2015. “Dân chủ của ta có hạn, dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu có khi gây hại, không thể tùy tiện”.
Dù nhiều người coi mạng xã hội như một một sân chơi mà trình độ người tham gia rất đa dạng nhưng có lẽ việc tránh không đưa ra những lời bình luận vô trách nhiệm lại là một điều cần thiết cho công cuộc chung.Trong những buổi nói chuyện với các bạn trẻ, tôi mới biết dù phần lớn họ chưa dám like các status của chúng ta nhưng họ lại bỏ thời gian đọc khá nhiều những comment, những phản biện mà chúng ta trao đổi sau mỗi status và qua đó giúp họ rút ra được cái nhìn tổng thể của vấn đề đã đề cập. Chính các bạn trẻ đó đã giúp tôi hiểu rằng nhiều khi những comment tưởng chừng như vô thưởng vô phạt trên mạng xã hội chỉ để thỏa mãn sự hả hê, bực bội của chúng ta trong đời thường lại hoàn toàn không vô can như chúng ta vẫn tưởng. Có nhiều lúc các bạn trẻ ấy nhìn vào chúng ta như những người chỉ biết than vãn, chỉ biết chế giễu, thậm chí cả chửi bới trong bất lực nhưng lại hoàn toàn bế tắc trong việc đưa ra giải pháp cho những vấn đề cần giải quyết.
Dự luật Đặc Khu sẽ được thông qua theo đúng quy trình và nếu con cháu sau này của chúng ta có trách chúng ta tại sao lại để cho dự luật Đặc Khu thông qua như thế thì nhà cầm quyền chỉ cần search Internet là thấy ngay mấy bài báo viết rằng thủ tướng đã có chủ trương xin ý kiến rộng rãi của nhân dân về luật Đặc Khu trước khi thông qua…Vâng, chúng ta có dân chủ và dân chủ đến thế là cùng!
Võ Hồng Ly
11.07.2018
Nguồn: https://www.facebook.com/hongly.vo.35/posts/10156445506314520