Tu Dưỡng Thắng Nhân Diễn Giải (P1)

Đường vào Duy Dân có nhiều con đường. Có người đọc tài liệu Đường Sống Việt rồi thấy hay nên tìm hiểu ở những tài liệu khác nói về triết lý Duy Dân. Có người đến với Duy Dân bằng tài liệu Duy Nhân Cương Thường, Sinh Mệnh Tâm Lý, Huyết Hoa v.v…. Dù đến với Duy Dân ở những tài liệu khác nhau, một người thấu hiểu được Duy Dân sẽ cùng có một nhận định như nhau. Đó là Duy Dân khởi đầu bằng sự tu dưỡng bản thân để từ đó mình nắm được sinh mệnh tâm lý của chính mình. Trong tiến trình tu dưỡng thì cũng là tiến trình để hiểu rõ Tâm-Sinh-Lý của mình ra sao hầu điều chỉnh cuộc sống, quan niệm sống bản thân để hòa nhập vào cái xã hội mình đang sống bằng sống biết, sống thực, và sống đúng.

Trong các tài liệu của Lý Đông A (LĐA) thì có hai tài liệu nói đại cương về tu dưỡng. Ở tài liệu Hỡi ơi! Tâm Lý Thần Linh Học, LĐA chia sẻ khi nghiệm bản thân về chuyện tu dưỡng của chính mình. Trong tài liệu Thiết Giáo thì nói về tu dưỡng ở nhiều mặt trong xã hội và chính bản thân. Tất cả những chia sẻ đó chỉ là một sơ đồ để mỗi người theo đuổi thuyết Duy Dân, tự chính mình nhìn lại mình để tôi luyện bản thân mình trở thành Con Người Duy Dân trong một tinh thần Duy Dân mở bởi thuyết Duy Dân là thuyết mở chứ không phải đóng khung.

Có cần thiết mỗi cá nhân phải đạt được những điều đã ghi trong tài liệu Duy Dân nói về tu dưỡng không? Tu dưỡng là một nghệ thuật đặc biệt ở chính bản thân mình. Mà đã là nghệ thuật thì mỗi người có cách tu dưỡng khác nhau miễn sao đạt được những điểm chính trong việc tu dưỡng bản thân. Nếu bạn quan tâm về một triết lý Duy Dân thì những điều diễn giải trong bài viết này thuần túy dành cho chính bạn, cố gắng thực hiện để chính mình có cuộc sống và tinh thần của Duy Dân. Đây là điểm khởi đầu của Duy Dân đi từ đáy tầng. Chỉ khi nào đáy tầng hiểu được Duy Dân, sống cuộc sống Duy Dân thì lúc đó đáy tầng mới thấy được những lãnh đạo giả, những con người giả để từ đó không cho những con người đó nắm giữ hệ thống thiết kế và chấp hành nhân sinh.

Đáy tầng ở đây phải được hiểu trong một phạm vi rộng lớn. Đáy tầng là những người thấu hiểu Duy Dân để diễn giải Duy Dân vào thực tế, vào cuộc sống của chính mình và đem cái hiểu biết thực tế đó vào cuộc sống của người dân để người dân nắm rõ kiến thức Duy Dân hầu có thể nhận diện những cá nhân giả Duy Dân (nói Duy Dân nhưng cuộc sống giả dối, không có tu dưỡng bản thân; nói tự do dân chủ nhưng hành xử “độc tài” trong sinh hoạt và xem những người khác là bù nhìn, là lính của mình). Bạn có thể không đồng ý họ là thành phần đáy tầng nhưng chính họ, bản thân họ đã từ đáy tầng mà lớn dậy. Tuy cuộc sống hiện tại của những người này có thể khác với cuộc sống hiện tại với đáy tầng nhưng không có nghĩa là họ không phải là đáy tầng. Chính sự quan tâm về Con Người, xã hội đấy là tinh thần của đáy tầng.

Đáy tầng là những người, không hề tiếp cận tư tưởng Duy Dân nhưng những nghiên cứu, những bài viết của họ chuyên về Nhân Bản, Nhân Tính, Nhân Sinh tức là họ đang thực hiện Duy Dân bởi họ nhắm vào mục đích thiết kế và chấp hành nhân sinh.  Trong đó những bài viết của họ thuộc dạng giáo dục Con Người nhìn ra chính bản thân của mình trong việc tu dưỡng bản thân trên Tam Nhân. Những người này họ không phô trương tư tưởng Duy Dân nhưng họ sống Duy Dân, họ có sự tu dưỡng bản thân để hiểu Duy Dân ở một khía cạnh của Duy Dân qua sự hiểu biết của họ về Con Người.

Đáy tầng là những người chưa hề tiếp cận với tư tưởng Duy Dân nhưng cuộc sống của họ là cuộc sống Duy Dân bởi họ có sự tu dưỡng bản thân từ nhỏ. Họ quan tâm về Con Người, Xã Hội và họ chọn cuộc sống thật, giản dị, thành thật với chính mình và mọi người hầu tạo ra một xã hội hài hòa, nhân bản, nhân tính, nhân sinh bằng những hành động âm thầm để thay đổi cái hiện tại thối nát của xã hội. Hình ảnh những người tù lương tâm, hình ảnh người nông dân chống lại bạo quyền trong việc chiếm lấy đất của mình đó là hình ảnh của những người đáy tầng, tuy chưa tiếp cận tư tưởng Duy Dân nhưng đã sống với tinh thần Duy Dân bởi họ chọn cuộc sống vì Con Người, chống lại tất cả những chính sách đi ngược lại thiết kế và chấp hành nhân sinh.

Cần nhấn mạnh là tài liệu diễn giải này chỉ là một góc nhìn trong vấn đề tu dưỡng bản thân để thắng ở chính mình. Một cá nhân khác sẽ có một góc nhìn khác trong vấn đề tu dưỡng bản thân nhưng cái gốc của vấn đề là để hình thành một con người Duy Dân với tinh thần Duy Dân trong một xã hội Duy Dân thì cần phải có tu dưỡng bản thân thật và quá trình tu dưỡng này luôn luôn tiếp tục xảy ra. Ai bảo rằng tôi đã có đủ tu dưỡng rồi thì cần phải xét lại bởi sự tu dưỡng sẽ không bao giờ đủ, không bao giờ chấm dứt nếu sự hiện hữu của cá nhân vẫn còn.

Sống biết

Tại sao phải sống biết? Mà sống biết là gì? Lịch sử của loài người cho thấy nhờ bộ óc của con người cho nên con người Biết để thực hiện cuộc sống của mình thăng tiến, người hơn thay vì là cuộc sống của một con vật. Nhờ cái biết đó mà Con Người cải tạo thiên nhiên hầu phục vụ nhu cầu sống của chính mình. Nhờ cái biết đó mà con người ăn chín thay vì ăn sống như loài thú. Sống biết của thời đại hôm nay, hơn bao giờ hết, là nhu cầu quan trọng mà mỗi cá nhân cần phải dùng sự hiểu biết của chính mình, tự mình dẫn dắt mình để không bị ảnh hưởng của mạng xã hội, của kỹ thuật tuyên truyền tinh vi mà nếu không cẩn thận, chính bản thân mình bị lạc vào thế giới ảo mà tưởng là thật. Có vài cái biết mà chúng ta cần phải thảo luận để tìm hiểu rõ hơn hầu giúp chính mình tu dưỡng ở bản thân mình.

a. Biết mình

Để biết mình thì tâm cần lắng đọng để soi gương xem chính con người mình ra sao. Soi gương nhưng lại không có gương để soi là chuyện rất khó nhưng không có nghĩa là không làm được. Cái quan trọng là tâm của mình có thực sự lắng đọng và thành thật ở chính bản thân mình để thấy những ưu và khuyết điểm của chính bản thân. Chỉ có chính mình mới hiểu được mình nếu thực sự cá nhân đó thành thật với chính bản thân.

Khuyết điểm là cái mà ít khi chúng ta nhìn ra hoặc biết nhưng lại sợ hãi, che giấu cho dù ở chính mình. Có những khuyết điểm rất là bình thường nhưng lại ảnh hưởng đến lối ứng xử của chính mình với người khác trong xã hội. Thí dụ tính dễ nóng giận, tính nói dối, tính lợi dụng, tính ích kỷ, tính ỷ lại, tính tự cao, tính tự ti mặc cảm v.v…. Những khuyết điểm của chính bản thân đều hình thành từ thói quen mà đôi khi chính bản thân không nghĩ rằng đó là khuyết điểm. Không ai trên thế gian này hoàn hảo cho nên chuyện có khuyết điểm là chuyện rất bình thường. Cái quan trọng là nhận diện ra khuyết điểm của mình để sửa đổi trong tinh thần tôi luyện tâm tính của mình.

Ưu điểm là cái mà chính bản thân của mỗi người có được qua kinh nghiệm sống hoặc do bản năng có sẵn để hình thành cái ưu điểm của mỗi người. Thí dụ khả năng lý luận giỏi, làm việc cẩn thận, quan sát sự kiện và đưa đến kết luận nhanh, dễ hòa đồng trong mọi hoàn cảnh, giỏi tính toán trên lãnh vực làm thương mại v.v…. Những ưu điểm này cộng với khuyết điểm của chính bản thân sẽ tạo ra quan niệm sống của mỗi cá nhân trong đời sống xã hội.

Quan niệm sống của cá nhân tốt hay xấu là do sự tương tác giữa ưu-khuyết điểm của mỗi cá nhân. Sự tương tác này sẽ được phân tích trong phần quan niệm sống.

b. Biết người

Biết mình đã khó mà biết người lại càng khó hơn. Tại sao cần phải biết người khác và biết cái gì? Quan hệ giữa người với người là quan hệ bắt buộc xảy ra trong cuộc sống bởi con người không thể sống đơn độc mà là một tập thể cùng nhau giúp đỡ để sống còn. Quan hệ giữa người với người tạo ra hợp tác cùng nhau làm việc. Mà để sự hợp tác hữu hiệu, chúng ta cần biết người chúng ta hợp tác ra sao. Biết ưu – khuyết điểm của cá nhân để sự hợp tác được phân công cho hợp lý, thích hợp với khả năng của mỗi cá nhân. Thí dụ người không có khả năng viết lách mà đưa vào ban biên tập thì rõ ràng đã đặt cá nhân đó không đúng vị trí.

Tìm hiểu ưu – khuyết điểm của người khác đôi khi phải trả giá khá đắt bởi nếu một con người gian manh, xảo quyệt — họ sẽ giấu cái gian manh đó. Đến khi cùng nhau hợp tác thì tùy theo trường hợp, người hợp tác sẽ thấy được con người thật của đối tượng mà mình hợp tác và có thể mất cả tài sản hoặc tính mệnh để trả giá cho sự biết đó. Sự hợp tác ngoài xã hội là những hợp tác mang tính chất cộng đồng, giúp cộng đồng cùng nhau tiến bộ. Trong sự tương tác làm việc này sẽ hiện rõ bản chất của con người khi va chạm về ý tưởng, cách giải quyết vấn đề. Nhưng có những hợp tác mang tính chất sống còn, chẳng hạn như hợp tác để làm cách mạng thay đổi cơ chế cầm quyền, thì sự hợp tác này cần phải cẩn thận và hiểu rõ người hợp tác để có sự tin tưởng trong hoàn cảnh sự bảo mật thật cao, để bảo toàn tính mạng của nhiều người. Không thể nào hợp tác với người “xài bạc giả” đã bị bắt quả tang một lần dù rằng cách “xài bạc giả” đó cố ý hay không cố ý thì bản chất vẫn là sự gian dối.

c. Biết xã hội

Biết mình, biết người vẫn chưa đủ mà cần phải biết xã hội mình đang sống ra sao, xã hội ở những quốc gia khác ra sao. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi xã hội nhanh chóng, tốt có, xấu có. Cần phải biết cái nào tốt và cái nào xấu đang xảy ra để chuẩn bị cho chính mình đầy đủ tri thức ứng phó với cái xấu, không để cho cái xấu làm biến dạng con người của chính mình.

Cần phải biết sự phát minh của bất cứ khoa học nào nếu không có cái nhìn dài hạn mà chỉ nghĩ đến quyền lợi ngắn hạn thì hậu quả lâu dài có thể ảnh hưởng đến môi trường sống, tâm sinh lý của những người sống trong xã hội đó.

Biết xã hội để thấy không phải bề ngoài mà bề trong của xã hội đó hầu đánh lên tiếng nói cảnh tỉnh, thay đổi khi mà bề trong của xã hội đang xuống cấp cho dù bề ngoài vẫn là hình ảnh tốt đẹp.

d. Biết quan niệm sống

Con người hành xử theo quan niệm sống của chính mình. Mà quan niệm sống phát xuất từ bên trong đồng thời bị tác động từ bên ngoài.

Quan niệm sống của bạn là gì? Bạn đã học hỏi gì từ những tài liệu Duy Dân mà bạn đã có dịp xem qua? Quan niệm sống của bạn có thay đổi sau khi đọc qua các tài liệu Duy Dân?

Đa số mọi người có quan niệm sống rất đơn giản: Sống vì mình, gia đình mình. Tuy nhiên cuộc đời không đơn giản như thế. Xã hội luôn luôn tác động vào cuộc sống của chính mình. Cuộc sống của con người ngay từ thời tiền sử cũng quan niệm sống vì mình, gia đình mình. Nhưng rồi quan niệm đó được thay thế khi mà sự hình thành xã hội là nhu cần cần thiết thể bảo đảm sự sống còn của một bộ tộc, bộ lạc, hay quốc gia.

Làm sao chọn cuộc sống đơn giản khi mà xã hội đang sống đua đòi theo vật chất? Làm sao chọn cuộc sống lý tưởng vì mình và xã hội khi mà thực tế xã hội đối xử với nhau chỉ vì cá nhân mà quên đi xã hội? Làm sao chọn cuộc sống lý tưởng khi mà sự thiệt thòi về mặt tinh thần, vật chất quá nhiều? Giữa sự lựa chọn sống vì lý tưởng và sống làm nô lệ bạn chọn cuộc sống nào? Lịch sử Việt đã chứng minh Việt tộc không chấp nhận làm nô lệ mà sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng để chọn cuộc sống tự chủ mà Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi là những tấm gương để lại cho Việt tộc ngàn đời sau. Sử Việt cũng chứng minh đảng cộng sản Việt Nam tình nguyện làm nô lệ cho quốc tế cộng sản, làm nô lệ cho Trung Cộng, làm nô lệ cho quyền hành, tiền tài và xem thường sự sống còn của dân tộc.

Cần phải quan tâm đến ưu điểm và khuyết điểm của mình để nhận ra sự tương tác của cái xấu và cái tốt và kết quả là xấu cho toàn xã hội mà đảng csvn là thí dụ điển hình. Một thí dụ khác về cá nhân, bạn có khả năng biện luận giỏi nhưng bạn lại có tính xấu lừa gạt người khác về mọi lãnh vực. Thế là bạn dùng khả năng biện luận của mình, phối hợp với tính xấu lừa gạt để đạt cái bạn muốn về tiền bạc, tình cảm, danh vọng v.v….

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 6 năm 2020 (Việt lịch 4899)

Tu Dưỡng Thắng Nhân Diễn Giải (P2)

Tu Dưỡng Thắng Nhân Diễn Giải (P3)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s