Tu Dưỡng Thắng Nhân Là Gì?

Theo tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì tu dưỡng là “tu tâm, dưỡng tính, trau giồi tâm tánh cho điềm đạm, tránh lo nghĩ đến việc tranh đoạt lợi, v.v…”

Tu Dưỡng theo quan niệm của Duy Dân ở một nghĩa rộng lớn chứ không đơn thuần tu tâm, dưỡng tánh. Con người là một thực thể phức tạp. Chúng ta đều có một trái tim, một thân thể, một bộ óc; nhưng bộ óc của mỗi người mỗi khác và sự khác biệt của bộ óc, của suy tư tận trong tiềm thức của chúng ta tạo sự khác biệt trong cách ứng xử hằng ngày của chúng ta.

Nếu ví Con Người như một hạt kim cương thì ngay cả chính hạt kim cương, tự bản thân viên đá kim cương lấy từ lòng đất hoàn toàn vô giá trị, thô thiển về hình dạng. Phải đợi đến khi viên đá kim cương được cắt thành nhiều mảnh, nhiều khía cạnh để lóng lánh ánh sáng thì lúc đó viên đá kim cương mới có giá trị của chính nó.

Vậy thì tu dưỡng là cách để tạo bản thể của con người, từ bên trong (nội tại, tiềm thức, tri thức) đến bên ngoài (thân thể) được trong sáng, vượt qua và vượt lên những chướng ngại mà khi sinh ra chúng ta đối diện với nó.

Thí dụ khi một cá nhân sinh ra là người tàn tật thì về thể tạng, cá nhân đó thua những người bình thường nhưng về bộ óc, về ý chí thì chưa chắc cá nhân đó thua những người bình thường. Tu dưỡng là để nhìn ra yếu điểm của mình và dựa vào ưu điểm của chính mình để trau giồi làm giảm bớt đi yếu điểm của chính mình.

Trong trường hợp một cá nhân sinh ra bị tàn tật, cụt hai chân, cụt hai tay. Cá nhân này nhờ ý chí vững mạnh, dùng bộ óc và sự hiểu biết của mình để trau giồi khả năng nói chuyện của mình trước quần chúng và khuyến khích mọi người đừng vì sự tàn tật mà buông lõng những khả năng nội tại mình đã có. Đây chính là sự tu dưỡng về ý chí, vượt lên mọi khó khăn của thể tạng để sống một cuộc sống bình thường, thành công như mọi người. Anh chàng Nick Vujicic là thí dụ điển hình để chứng minh là anh ta đã tu dưỡng được ý chí của mình, dù bị cụt hai tay, hai chân từ nhỏ, anh vẫn có cuộc sống bình thường như mọi người, có vợ con như mọi người (1) (xin mời bạn đọc xem clip link ở dưới bài để hiểu rõ ý chí của anh Nick Vujicic mạnh ra sao).

Chính cá nhân người viết bài này, đã chứng kiến một anh hai chân bị liệt, phải đi bằng đầu gối, và hai tay thì bị cụt lên đến cùi chõ tay; thế nhưng anh này vẫn có vợ, ba con và bồng con như mọi người. Chưa kể anh đã cắn cái muỗng, lấy đồ ăn và đút cho đứa con của mình ăn như chim mẹ đút mồi cho chim con ăn. Đây chính là sự tu dưỡng ý chí của cá nhân, để thắng chính mình và thúc đẩy mình vượt qua những trở ngại về thể xác. Chỉ có những người có ý chí mạnh như thế mới có thể thắng được chính mình.

Thắng Nhân tức là thắng chính con người mình. Đây không phải là chuyện dễ. Thông thường chúng ta hay bị duy ý chí. Tức là ý chí đã được định sẵn do kinh nghiệm bản thân, do thực tại của thực tế để rồi chúng ta thường chấp nhận cái đã có, hay nói đúng ra là không vượt lên chính bản thân mình để tạo cho chính mình có lối ứng xử theo Nhân Bản, Nhân Tính, Nhân Chủ.

Tu dưỡng thắng nhân là sự thử thách với chính mình, một thử thách muôn ngàn khó khăn bởi với chính mình thì thường chúng ta hay dễ dãi, không đặt ra kỷ luật nghiêm minh cho chính mình và từ đó dẫn đến sự thất bại trong việc tu dưỡng.

Tu dưỡng không thuần túy là trau giồi, phát huy những điểm mạnh của mình, vượt lên điểm yếu của bản thân mà còn loại bỏ những cái xấu mà chúng ta không hề nghĩ đó là xấu bởi chuyện đó đang xảy ra trong xã hội; bởi chuyện ăn, uống là chuyện bình thường chứ không phải là chuyện xấu; bởi chúng ta quan niệm sống phải theo thời, nghĩa là thời đại vô đạo đức thì phải sống theo lối vô đạo đức (bởi nếu sống có đạo đức thì tiền đâu để mà sống). Đây chính là những ý nghĩ duy ý chí mà một người Tự Kỷ (tự chính mình kỷ luật mình, đào luyện mình) phải tu dưỡng bản thân để loại bỏ những duy ý chí này, tạo ra một con người mới ở chính mình và vượt lên hoàn cảnh xấu trong xã hội để tạo ra nhân cách của mình, làm gương cho thế hệ sau này.

Tóm lại Tu Dưỡng Thắng Nhân là một đề tài rộng lớn và sẽ mổ xẻ từng vấn đề một cho chủ đề này ở những bài viết trong tương lai. Đây chính là điểm khởi đầu của những ai muốn học hỏi về Duy Dân để có một nước Việt tương lai với những con người Duy Dân. Không tu dưỡng được chính bản thân mà học Duy Dân thì cũng giống như người không có võ nghệ, cầm cây dao múa thì không khéo lại hại chính mình và hại người chung quanh.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 6 năm 2020 (Việt lịch 4899)

  1. https://www.facebook.com/LifeStories.Goalcast/videos/486947428460170/UzpfSTEwMDAwODIwOTkzNzg0NToyMjU4ODM3NzE3NzMzMjA0/?id=100008209937845

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s