Cây Gạo Cứu Đói ATM

Sau 45 năm CS cai trị VN, một ánh sáng cuối đường hầm đã hiện lên, rất tiếc nó đã không đến từ đảng CS mà đến từ tư nhân: Cây gạo ATM.

Đó là một máy tự động phát gạo (giống như các máy rút tiền tại các ngân hàng) bằng cách nhận diện đối tượng xuất hiện trước ống kính. Đó là sự đóng góp của nhà kinh doanh Hoàng Anh Tuấn và các nhà thương mại tại thành phố Sài Gòn đưa ra 13-4-2020 để giúp đồng bào nghèo trong cơn dịch Covid-19.

Không thấy nhà nước CS lên tiếng phản đối hay ăn có. Đó cũng là chuyện lạ. Có lẽ vì thấy đảng không làm gì hay, mà có người khác làm giúp thì để nó làm. Tuy nhiên chuyện có ăn hối lộ hay không (hay chấm mút) thì chưa biết. Dù sao nhà nước không quê mặt mà bắt giam ông Hoàng Anh Tuấn thì cũng là điểm son sắt cho chính quyền.

Trên mặt xã hội thì không có chen lấn, chụp giựt cũng là hay lắm rồi. Có lẽ vì máy nhận diện “mày đã lãnh rồi, tao không cho mày nữa” (tiêu chuẩn là 24 giờ/một lần). Dĩ nhiên cũng có cảnh hoá trang làm người khác để lấy nữa, hay là dân sang, xiện, đủ ăn mà vẫn “đóng cửa đi ăn mày” để dành ăn với kẻ nghèo. Nhưng có lẽ thời buổi điện thoại di động có thể chụp hình đương sự và đưa lên mạng thì “ngàn năm bia miệng” nên cũng không mấy kẻ làm bậy.

Và đó là điều làm thay đổi xã hội VN tương lai?

Có quá viển vông hay không?

Danh dự?

Tự trọng?

Tự giác?

Người dân Việt qua bao năm chiến chinh, loạn lạc, ngu dân, lừa đảo… dưới chế độ CS có thể nào hồi phục nhân tính mà không qua trường học, cải tạo, đe dọa hay dụ dỗ .…

Có tôn giáo, thần thánh nào công bố là đã đóng góp vào thay đổi này hay không?

Có thể nào đấy là âm mưu của bọn phản động hay CIA muốn bôi xấu chính sách của Đảng và nhà nước VN? Nhưng có ai nói gì đâu? Đó chỉ là một cá nhân có tiền mua gạo cho người nghèo. Cán bộ đảng bây giờ là (hàng trăm) triệu phú hết cả rồi. Chẳng lẽ đi dành gạo với dân đen. Mà vác gạo thì cực lắm, đâu bằng thu đô la bỏ túi dễ hơn.

Vị thế cầm quyền của nhà nước vẫn vững như “lăng của Bác”. Vậy cứ để nó làm.

Đó chỉ là “tiếng vỗ của một bàn tay”.

Mà âm thanh của cái vỗ tay đòi hỏi phải có hai bàn tay.

Vậy bàn tay thứ hai ở đâu?

Ở Hội An.

Đó là một thành phố nhỏ. Phố cổ Hội An được biết đến từ thế kỷ 17 khi các thương gia Bồ đến VN buôn bán. Hội An, Đà Nẵng là vùng đất VN đầu tiên giao lưu với thế giới Tây phương và từ đó thay đổi bộ mặt VN.

Có người nói tại nơi này, bạn gửi xe đạp không cần phải lấy số để kiểm soát. Hỏi tại sao, người giữ xe cho biết: Chẳng ai muốn lấy xe người khác làm xe của mình. Vậy cứ để họ tự động bỏ xe vào, rồi lấy xe ra. Người giữ xe chỉ việc thu tiền. Chẳng có ai kiện cáo chi cả.

Hỏi nếu có chuyện bỏ xe cũ, lấy xe mới của người khác thì sao? Người giữ xe cho biết, mạng xã hội sẽ thông tin cho cả tỉnh biết “thằng đó” chơi xấu, không chơi với nó được thì “thằng đó” chỉ có nước “độn thổ” đi xứ khác sống mà thôi.

Tinh thần tự giác và tinh thần tập thể đồng loạt tẩy chay, cô lập kẻ xấu trong xã hội là biện pháp trừng trị tốt nhất. Tốt hơn nhà tù, trại cải tạo hay bất cứ hình phạt thể chất, tinh thần hay tài vật.

Phải chăng đó là bàn tay thứ hai sẽ kết hợp với bàn tay “ATM” để làm nên tiếng vỗ: Một VN mới.

Trước đây cũng có phong trào cơm bình dân bán cho dân nghèo lao động. Đó là sự giúp đỡ từ người dân đến với nhau. Nhà nước chẳng can dự vào vì có chống phá nước đâu.

Khi người dân có việc làm, có miếng ăn thì phải chăng:

“thuở thái bình, cửa thường bỏ ngõ” (Nguyễn Công Trứ).

Nhưng chỉ kẹt thằng Ba Tàu: Ngoài biển thì cấm dân Việt đánh cá, trong núi (bên Lào) thì xây 5, 7 cái đập ngăn nước sông Cửu Long thì lấy nước đâu mà cấy lúa miền Tây?

Và chuyện này thì dù có 100 ông Hoàng Anh Tuấn cũng không làm gì được. Vậy nhà nước có giúp đở gì chăng?

Trần Công Lân

Tháng 5 năm 2020 (Việt lịch 4899)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s