Tu Dưỡng Thắng Nhân Diễn Giải (P3)

Sống Duy Dân

Sống Duy Dân là gì? Ba chủ đề Sống Biết, Sống Thực, và Sống Đúng đó là sống Duy Dân. Tuy nhiên diễn giải trong phần này dành cho những ai quan tâm về tư tưởng Duy Dân. Đã có rất nhiều người nói về Duy Dân, thuộc làu từng câu, từng chữ nhưng họ chưa hề sống Duy Dân.

Sống Duy Dân để hiểu rằng tư tưởng Duy Dân khởi đầu từ những cái đơn giản trong cuộc sống và đi vào cái phức tạp của cuộc sống là xã hội. Xã hội càng ngày càng phức tạp thì cần có một tư tưởng, một hệ thống để giải quyết những phức tạp đó và tự điều chỉnh cái hệ thống đó cho phù hợp với thực tại của xã hội.

Xã hội hình thành từ những con người. Những con người có nhiều sự khác biệt từ tri thức, điều kiện, thể chất. Những khác biệt đó đưa đến khả năng của mỗi người khác nhau. Sống Duy Dân phải hiểu là khi đọc, tìm hiểu về tư tưởng Duy Dân thì mỗi người có sự tiếp cận khác nhau bởi những điều kiện sống, kinh nghiệm sống, ý chí sống của mỗi người sẽ cho họ có khả năng tiếp cận tư tưởng Duy Dân ở nhiều cấp độ khác nhau. Có người nói rằng tôi học Duy Dân 10 năm thì tôi có khả năng hiểu Duy Dân hơn người mới vào học. Đây là một lối suy nghĩ phản Duy Dân. Đây là lối suy nghĩ hoàn toàn không hiểu gì về Duy Dân.

Thực tế thì đã có cán bộ Duy Dân, khi vào tuổi 90, mới phát hiện là suốt cuộc đời của mình hoàn toàn không hiểu Duy Dân cho đến mấy năm gần cuối cuộc đời, chỉ bởi vì sự tự kiêu, đọc Duy Dân mà không tiêu hóa tư tưởng Duy Dân. Vậy thì hiểu tư tưởng Duy Dân không phải là do sự tiếp cận với tư tưởng đó bao lâu mà là có tiêu hóa được tư tưởng đó trong tri thức của mình hay không. Khi tiêu hóa được nghĩa là đọc một bài viết của ai đó, người đọc sẽ thấy được tác giả đang nói đến Duy Dân mà tác giả hoàn toàn không biết Lý Đông A, hoàn toàn chưa đọc tài liệu Lý Đông A. Nhìn một sự kiện nào đó trên truyền hình người hiểu Duy Dân sẽ thấy được thuyết Duy Dân thể hiện ở phần nào trong sự kiện xảy ra đó. Đọc một bài viết nói về Duy Dân, người hiểu Duy Dân sẽ thấy được cấp độ hiểu biết của người diễn giải là nhai chữ hay diễn giải theo sự hiểu biết của tri thức, vượt ra ngoại lý của Duy Dân.

Duy Dân là một thuyết mở cho nên góc nhìn Duy Dân của một cá nhân A có thể khác với B bởi B đứng từ một góc nhìn khác. Tuy khác nhau nhưng cái chung điểm giống nhau, tức là hướng về cuộc sống của Người. Mà cuộc sống của người luôn luôn có nhiều mặt cho nên người đứng góc nhìn bên phải và người đứng cái nhìn bên trái, tuy sự giải thích, diễn giải hiểu biết Duy Dân của mình có khác nhau nhưng đều hướng về một chung điểm gốc đó là Người. Phải nhận diện ra được vấn đề này và nếu không thì sẽ có sự tranh cãi vô ích.

Ai vẫn còn tranh cãi về nhất nguyên, đa nguyên, vô nguyên thì đây là những người bị “tẩu hỏa nhập ma” qua tư tưởng Duy Dân. Khi đã hiểu Duy Dân rồi, bạn sẽ không mất thời giờ để tranh cãi những vấn đề trên hầu chứng minh là mình hiểu Duy Dân. Cái khó để nhận diện sự hiểu biết Duy Dân là ở đâu? Đó chính là ở những luận điểm đem Duy Dân vào cuộc sống của con người, của thực tại để đánh giá sự hợp lý của nó chứ không phải là tranh luận bởi cái nhìn của anh khác cái nhìn của tôi.

Bạn có thể hiểu Duy Dân ở mức độ hiểu biết của bạn. Giống như việc đi học của mỗi cá nhân trong đời sống là chúng ta học từ tiểu học, trung học, đại học, và trên đại học. Sự hiểu biết Duy Dân của chính bạn cũng giống như cấp bậc học vấn của bạn ở trường sở. Tùy theo sự Tu Dưỡng Bản Thân của chính bạn, sự hiểu Duy Dân ở cấp độ nhai chữ, thấp, trung bình, cao, và hiểu ngoại lý. Phải biết trình độ mình ở đâu và đây là cái khó khăn nếu mức tu dưỡng bản thân không có để tự mình đánh giá trình độ của mình.

Bạn hiểu Duy Dân nhưng không có nghĩa là bạn có thể diễn giải Duy Dân bởi sự diễn giải đòi hỏi khả năng suy luận, viết, so sánh, đặt nghi vấn cũng như đưa ra dẫn chứng cho lý luận của mình. Điều này không phải ai cũng làm được. Có nhiều người nhai chữ Duy Dân nhưng lại nghĩ là mình diễn giải Duy Dân. Người đọc có thể không thấy nhưng một người đọc có tri thức sẽ thấy sự nhai chữ và mâu thuẫn trong bài viết so với tư tưởng Duy Dân. Bạn phải xác định rõ bạn có khả năng nào và nếu bạn có khả năng diễn giải, chính bạn phải làm chuyện này để đem tư tưởng Duy Dân vào đáy tầng chứ không thể tiếp tục nhai chữ từ hơn 80 năm nay. Dĩ nhiên trong quá khứ đã có những quyển sách diễn giải tư tưởng Duy Dân nhưng sự diễn giải đó thuộc dạng học thuật chứ không phải là diễn giải cho đáy tầng. Thực hiện tư tưởng Duy Dân chỉ thành công nếu đáy tầng hiểu được tư tưởng đó để sống biết, sống thực, sống đúng. Còn đáy tầng không hiểu thì cho dù thượng tầng có áp dụng Duy Dân vào cơ chế cầm quyền thì đó là một tư tưởng Duy Dân không có hồn, không có lực, không có tâm và tư tưởng đó sẽ bị sửa đổi đáp ứng điều mà giới lãnh đạo, giới cầm quyền muốn.

Tu dưỡng bản thân của bạn ra sao để đánh giá sự hiểu biết tư tưởng Duy Dân của bạn thật hay giả. Trong sinh hoạt với nhau, bạn vẫn “xài bạc giả” (ngụy biện, nói dóc, nói những điều không có dẫn chứng điều mình nói, xem thường người khác chỉ bởi vì mình có bằng cấp cao) thì sự hiểu biết tư tưởng Duy Dân của bạn cần phải xét lại. Bạn hiểu Duy Dân hay bạn đang lợi dụng Duy Dân để thực hiện chủ đích cá nhân với danh nghĩa tư tưởng Duy Dân của Lý Đông A?

Sống Duy Dân là chọn thái độ tự chủ chứ không phải thái độ “nô lệ”, người máy, ngoan ngoãn nghe lời từ người “lãnh đạo” bảo sao làm vậy mà không dùng cái đầu của mình để xem lối ứng xử của “lãnh đạo” có Duy Dân hay lối ứng xử phản Duy Dân.

Sống Duy Dân phải biết lui về một bản vị lợi ích chung. Tại sao trong Cơ Năng Hiến Pháp, Lý Đông A đề nghị giới hạn tuổi trong sự lựa chọn người nằm trong vị thế lãnh đạo quốc gia? Bởi vì Lý Đông A quan niệm Thế Hệ, được nói đến trong Bông Lau, là có ba thế hệ: Dự bị, lãnh đạo, và rút lui. Ở thế hệ (tuổi) nào đó thì bạn nên rút lui để thế hệ nối tiếp nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo và thế hệ dự bị tự tôi luyện để có thể đủ tri thức, tâm thức nhận lãnh trách nhiệm ở tương lai. Nếu bạn trên 70 hoặc 75, hãy lui về một bản vị có lợi ích chung để thế hệ nối tiếp làm việc. Bạn chỉ làm nhiệm vụ cố vấn khi thế hệ chủ lực cần đến bạn chứ bạn không thể nào tiếp tục làm “lãnh đạo”, hành xử “lãnh đạo”, mọi ý kiến chủ trương đều do bạn đưa ra và dùng ngụy biện để chối bỏ “quyền lãnh đạo” bằng thuyết Cơ Năng và Bản Vị khi ai đó đặt vấn đề độc tài hành xử của bạn. Mà ngay cả thuyết Cơ Năng và Bản Vị vẫn phải có người “lãnh đạo”, giống như một dàn nhạc, mỗi người chơi nhạc là một cơ năng riêng biệt và những cơ năng đó hợp thành bản vị ban nhạc. Nhưng ban nhạc đó sẽ không làm được việc gì nếu không có vị “lãnh đạo” là nhạc trưởng đều hợp các cơ năng để biết khi nào ai thổi kèn, đánh trống, đánh đàn được phát lên trong buổi hòa tấu.

Khi Lý Đông A viết tư tưởng Duy Dân ông biết rằng người Việt khối dân tộc vẫn chưa có đủ tư tưởng, lý luận để đối chọi lại với thuyết cộng sản. Ông cũng biết rằng nền dân chủ ở các nước tư bản chỉ là nền dân chủ đảng tranh mà các chính trị gia dùng sinh mệnh tâm lý để người dân có cảm tưởng mình thực hiện quyền làm chủ của chính mình chứ thực tế người dân chỉ là công cụ cho các chính trị gia được bầu vào vị thế cầm quyền và họ làm luật cho các công ty lớn vận động hành lang cho quyền lợi của công ty, không quan tâm đến quyền lợi của xã hội. Vậy thì đối với người lãnh đạo, cần phải đánh giá chính xác tư tưởng Duy Vật, Duy Tâm, Duy Sinh bởi thực tế của các triết học này hoàn toàn phá sản, chỉ giải quyết một phần của cuộc sống xã hội mà không giải quyết toàn phần. Cuộc sống của Con Người không những sống vì vật chất (thức ăn) mà gồm cả tinh thần (tâm linh, tư tưởng, ý chí), và đồng thời biết thay đổi cho phù hợp với thực tế để được sống còn đến hôm nay. Khi nắm được thực tế của ba tư tưởng đã bị phá sản thì lúc đó, hy vọng người lãnh đạo mới hiểu rõ Duy Dân để sống Duy Dân cho đúng nghĩa.

Người lãnh đạo sống Duy Dân là người cần có một tu dưỡng bản thân thật cao bởi nếu không, người lãnh đạo sẽ lợi dụng Duy Dân để thực hiện ý đồ cá nhân với mục đích cá nhân nhưng được bao bọc bởi mục đích chung của đất nước và dân tộc. Tu dưỡng cao thì sẽ hiểu tại sao Lý Đông A không nói đến làm cách nào để đem Duy Dân xuống đáy tầng — mà chuyện đem xuống đáy tầng chính là trách nhiệm của những ai có khả năng lãnh đạo để thực hiện chuyện đào tạo người trên mặt lãnh đạo, nhân sự, công việc, “cán bộ” Duy Dân.

“Cán bộ” Duy Dân là những con người sống trong xã hội, quan tâm đến cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sống; quan tâm đến cuộc sống của Con Người mà không cần biết họ từ đâu, sắc tộc nào, quốc gia nào. Chính sự quan tâm đó và qua tu dưỡng bản thân, họ là những “cán bộ” Duy Dân và họ sẽ có trách nhiệm đem Duy Dân vào đáy tầng. Họ biết, họ hiểu tư tưởng Duy Dân chỉ có giá trị khi đáy tầng nắm được tư tưởng đó ở lý luận thực tế của đáy tầng. Họ không lệ thuộc vào bất cứ người lãnh đạo nào bởi họ có tinh thần tự chủ rất cao và sẵn sàng thách thức người lãnh đạo để hiểu rõ Con Người lãnh đạo ra sao. Người lãnh đạo Duy Dân không có đủ tu dưỡng sẽ không nhận diện những “cán bộ” Duy Dân này và phân biệt nhiều thành phần “cán bộ” Duy Dân ở nhiều cấp độ khác nhau hầu đem Duy Dân vào đáy tầng.

Lãnh đạo Duy Dân cần phải nhìn ra thực tế là diễn giải Duy Dân theo kiểu học thuật với mơ ước đưa tư tưởng Duy Dân vào xã hội Tây phương là không tưởng, không thực tế nếu không muốn nói là đi trên mây như giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam thời xa xưa cũng như hôm nay — bởi khi mỗi cá nhân không đạt được sự tu dưỡng bản thân thì khi tiếp cận với tư tưởng Duy Dân họ sẽ hoàn toàn không hiểu được chiều sâu, tính toàn thể của tư tưởng. Cho nên bất cứ sự thảo luận nào về các tài liệu của Duy Dân, từ Đường Sống Việt, Duy Nhân Cương Thường, Sinh Mệnh Tâm Lý, Chu Tri Lục, Cơ Năng Hiến Pháp hay Bình Sản Kinh Tế sẽ trở nên vô ích, phí thời gian khi cá nhân không có sự tu dưỡng bản thân cao. Và khi sự tu dưỡng bản thân không có hoặc thấp thì sẽ không tiêu hóa được tư tưởng Duy Dân. Mà nếu không tiêu hóa được tư tưởng Duy Dân thì sẽ tiếp tục giết hại tư tưởng Duy Dân ở thời gian tới như 80 năm đã qua.

Kết Luận

Tu dưỡng bản thân là gốc của vấn đề. Khi mọi người có sự tu dưỡng để Sống Biết, Sống Thực, Sống Đúng, và Sống Duy Dân thì lúc đó, tư tưởng Duy Dân mới có thể hình thành từ đáy tầng và tiến lên thượng tầng để tạo ra một xã hội Duy Dân trong một đất nước Việt mới ở tương lai.

Tu dưỡng có nhiều cấp bậc và dựa vào sự tu dưỡng đó, khả năng bạn có, lý tưởng bạn có để bạn đóng góp công sức cho đúng với vị trí trong bộ máy của xã hội. Tu dưỡng bản thân của bạn càng cao thì bạn có điều kiện để nắm giữ những chức vụ cao trong cơ cấu thiết kế và chấp hành nhân sinh. Tu dưỡng bạn càng cao thì bạn có đủ khả năng để nhìn tư tưởng Duy Dân ở cấp độ cao, tổng thể, hướng thượng và thấy được giá trị thực tế của tư tưởng Duy Dân.

Đừng vì tham vọng bởi thiếu tu dưỡng để rồi bạn treo đầu heo bán thịt chó (chẳng hiểu Duy Dân là gì mà chỉ lợi dụng Duy Dân để rao hàng trình làng, tạo tiếng tâm trong khi khả năng hoàn toàn không có), khả năng chỉ có thể làm lính nhưng lại muốn làm tướng, khả năng chỉ ở “cấp độ tiểu học” nhưng lại tự phong cho mình là ở “cấp độ đại học”. Đây chính là những con người Duy Dân không có tu dưỡng nhưng luôn luôn đem tư tưởng Duy Dân rao giảng và cũng nói về tu dưỡng nhưng lại là sự tu dưỡng nhai chữ chứ không đem tu dưỡng vào thực tế.

Tu dưỡng khởi đầu từ lúc sinh ra và cho đến lúc nằm xuống thì sự tu dưỡng mới chấm dứt. Đừng nghĩ rằng tu dưỡng của mình đã thành, đã chấm dứt. Tu dưỡng là trường đời mà trường đời thì học không bao giờ hết. Cái học chỉ chấm dứt, cái biết chỉ chấm dứt khi chúng ta nằm xuống. Còn khi nhịp tim của chúng ta vẫn còn đập, chúng ta vẫn có khuyết điểm và chúng ta phải sẵn sàng phát hiện khuyết điểm để sửa đổi hầu tạo cho mình có một cuộc sống tốt hơn, vượt lên cái khuyết điểm mình có để tự thắng chính mình.

Tu dưỡng không thể nào bắt đầu khi bạn ở cái tuổi không thể tu dưỡng bởi giống như một cây đã trưởng thành và cong thì cây đó sẽ không bao giờ thẳng được nữa. Thành ra phải xác định được khả năng tu dưỡng của mình để đánh giá sự hiểu biết của mình trong việc học hỏi Duy Dân. Còn chuyện bạn đọc sách nhiều không có nghĩa là bạn có tu dưỡng hoặc sẽ tu dưỡng thành công để hiểu Duy Dân. Đọc sách chỉ là một trong những tiến trình của tu dưỡng. Hiểu Duy Dân ít hay nhiều, tổng thể hay không tổng thể là ở sự tu dưỡng bản thân, cuộc sống Duy Dân và tri thức của bạn. Nói thế không có nghĩa là có những trường hợp ngoại lệ bởi nếu nhà Phật nói bỏ dao đồ tể để sám hối, để ngộ và khi đã ngộ thì “thành Phật” (tâm Phật chứ không phải hiểu là Phật sống như sư cô Thanh Hải tuyên bố mình là Phật sống).

Bạn làm được điều đó hay không là ở chính bạn. Nếu bạn tự thành thật với mình, có ý chí cao thì bạn sẽ làm được, sẽ đạt được sự tu dưỡng ở trong khả năng của bạn để góp công sức vào việc hình thành một xã hội Duy Dân ở tương lai.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 6 năm 2020 (Việt lịch 4899)

Tu Dưỡng Thắng Nhân Diễn Giải P1

Tu Dưỡng Thắng Nhân Diễn Giải P2

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s