Nước Mỹ Trước

Khi Tổng Thống Trump đưa ra khẩu hiệu này khi tranh cử 2016, đa số người Mỹ thấy có lý nên bỏ phiếu cho ông ta. Nhất  là khi ông tuyên bố: MAGA (làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại).  Đó là niềm kiêu hãnh của mọi người dân Mỹ từ sau thế chiến thứ hai.

Đa số người Mỹ gốc Việt cũng nhận thấy như vậy.

Có thực như vậy không?

Khi còn ở VN chúng ta thấy nước Mỹ rất hào phóng: Sau Đệ Nhị Thế chiến Mỹ bỏ tiền ra phục hồi lại Âu Châu, xây dựng lại nước Nhật. Chặn cộng sản tại Hàn, Phi, VN…. Đóng góp vào Liên Hiệp Quốc để xây dựng hòa bình và phát triển các nước nghèo, can thiệp và ngăn chặn các cuộc chiến, cứu trợ nạn đói, thiên tai… xảy ra trên thế giới. Ai cũng thắc mắc: Tại sao Mỹ phải làm như vậy? Ích lợi gì cho Mỹ? Mỹ không muốn chiếm đóng thuộc địa hay ăn cướp tài nguyên địa phương. Vậy thì tại sao?

Hãy đến Mỹ và sống để tìm hiểu.

Nước Mỹ được thành lập bởi những người di dân từ Âu Châu, chịu ảnh hưởng văn hóa và tôn giáo của người da trắng định cư trên đất mới. Để vươn lên thành cường quốc vào thời kỳ cuối của chính sách  thuộc địa, Mỹ giải phóng nô lệ da đen từ Phi Châu và nhận các nhóm di dân khắp nơi trên thế giới biến thành sức mạnh kinh tế, sáng tạo, tiên phong trong mọi lãnh vực.

Rồi đến sự xuất hiện của khối cộng sản với tham vọng thống trị thế giới đưa đến chiến tranh lạnh.

Sau 1945, thế giới điêu tàn, chỉ còn nước Mỹ là nguyên vẹn với sức sản xuất kỹ nghệ, thực phẩm phong phú khiến người dân sống thoải mái với niềm hãnh diện cứu chuộc thế giới.

Nhưng nước Mỹ tự nhiên trở thành anh Hai, giữ an ninh thế giới chống lại sự phá hoại, gây rối của cộng sản. Trong các biến cố tại Hàn Quốc, VN, Phi… và các nơi trên thế giới như Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh, Mỹ vẫn bị phản đối dữ dội cũng vì tính “anh Hai” lãnh đạo: Không quan tâm đến vấn đề của người địa phương mà chỉ nhìn theo quan điểm của một cường quốc.

Những thất bại liên tiếp trong thời kỳ 1960-1970s khiến Mỹ phải thay đổi trong việc đối phó với kẻ thù cộng sản luôn luôn muốn tiêu diệt khối tư bản. Khi Reagan thắng khối Liên Xô, Mỹ tưởng đã xong nên khởi động trật tự thế giới mới và kinh tế toàn cầu.

Khi Đặng Tiểu Bình thay đổi Trung Cộng, đàn áp biến cố Thiên An Môn thì Mỹ vẫn tin rằng có thể làm ăn với Trung Cộng.

Mỹ và Anh đã tận tình giúp kinh tế, khoa học kỹ thuật của Trung Cộng vươn lên trong 1990s.

Sau những thời kỳ kinh tế thoái trào 1980, các chính sách kinh tế, thuế… đã giúp các công ty kỹ nghệ, ngân hàng, các nhóm đầu tư trở thành vững mạnh, bắt tay với các giới chức Lập Pháp, Hành Pháp (bất kể là Cộng Hòa hay Dân Chủ) tạo nên sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng.

Sự xuất hiện của Internet và kinh tế toàn cầu khiến các tập đoàn kinh tế chuyển các hoạt động sản xuất sang các nước chậm tiến vì nhân công rẻ. Giới lao động (blue collar) tại Mỹ mất đi những việc làm lương cao dành cho những ai tốt nghiệp trung học. Kỹ thuật về điện toán cũng đòi hỏi trình độ đại học khiến người dân Mỹ phải cạnh tranh với dân xứ khác khi muốn có việc làm tốt.

Sự phát triển kinh tế của hai miền duyên hải Đông- Tây khiến vùng Trung Tây (Mid West) bị bỏ rơi, các cơ sở kỹ nghệ đóng cửa vì chuyển sang nước khác.

Tranh chấp lãnh đạo của Cộng Hòa và Dân Chủ ngày càng phân hóa có tính bè phái, cá nhân hơn là đóng góp cho đất nước, dân tộc.

Thiên nhiên ưu đãi nước Mỹ, tự nhiên nước Mỹ phải hứng lấy trọng trách “anh hai”. Vì nếu không làm thì hỗn loạn sẽ lan tràn trong trật tự thế giới mới và kinh tế toàn cầu (hay thế chiến) thì Mỹ cũng bị ảnh hưởng. Và nếu can thiệp sớm hay ngăn chận thì có thể giảm thiểu thiệt hại, tổn thất cho thế giới. Sau thế chiến thứ nhất đã cho thấy Mỹ không thể đóng cửa sống một mình.

Vậy nếu người dân Mỹ muốn nước Mỹ lãnh đạo thế giới thì phải có chính phủ lớn mạnh, nghĩa là người dân phải đóng thuế nhiều hơn, quan tâm đến thế giới nhiều hơn và đó mới là “nước Mỹ vĩ đại”.

Còn nếu muốn người Mỹ trước (American first) tức là lo cho mình (bản thân) trước, lo cho thiên hạ sau thì nghe cũng có lý. Nhưng đó có phải là đóng cửa bỏ mặc thế giới cho Trung Cộng lấn áp? Hay phải săn sóc từng giới lao động, di dân … về nhà cửa, việc làm, y tế, trường học … và như thế nào là đủ cho giới giàu, giới nghèo?

Tại sao tôi đóng thuế nhiều mà tôi không được có ý kiến?

Nó làm giàu là nhờ đất nước này có sẵn cơ sở, nhân sự, luật lệ, điều kiện để giúp hắn thành công. Nếu bảo là có tài thì thử về các nước nghèo coi có làm nên sự nghiệp gì không?

Tại sao nó đóng thuế (hay không đóng) bao nhiêu mà đòi hỏi nhiều thứ vậy?

Khi dân của thế giới nghèo đói vì chiến tranh, bệnh tật thì lại bu về nước Mỹ. Chạy đâu cho khỏi.

Bắt nhà giàu đóng thuế nhiều thì nó bỏ đi nước khác sống. Nó giàu nhờ khôn khéo làm ăn, nó bỏ đi thì mất nhân tài. Đem tiền đầu tư nước khác thì dân đen làm gì có việc làm mà nhà nước cũng chẳng thâu thuế được xu nào?

Tại sao thế giới đổ xô về Mỹ làm ăn? Vì Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa. Thằng nào muốn bỏ Mỹ đi, cứ đi… có chỗ nào làm ăn bảo đảm như đất Mỹ không? Hong Kong, Singapore, Luân Đôn, Thượng Hải … thử đi rồi biết.

Khi tranh chấp tới mức độ cao thì mọi thủ đoạn được sử dụng ở cấp lãnh đạo chính trị. Trong khi quần chúng đối diện với những tranh chấp  về màu da, giới tính, nam-nữ, di trú…

Biến cố 9/11 vô tình hay cố ý đã dẫn đến biến cố 2008 khiến người dân Mỹ càng bất mãn với giới lãnh đạo chính trị mà họ gọi là vũng lầy (swamp).

Ở đây cũng phải nói đến vai trò của báo chí truyền thông và hệ thống tòa án.

Thời kỳ 1960s báo chí Mỹ bị lợi dụng bởi phe khuynh tả, chống lại chiến tranh VN. Đến 1970s, biến cố Watergate khiến tổng thống Nixon phải từ chức là một điểm son của ngành truyền thông Mỹ. Nhưng khi các thế lực tư bản vững mạnh (gian lận mà không bị phạt tù, mua chuộc các nhà chính trị) đã bắt đầu xâm nhập giới truyền thông bằng cách mua các hãng truyền thanh, truyền hình, báo chí … và từ đó ủng hộ các khuynh hướng Tả, Hữu. Báo chí bắt đầu thiên lệch một cách có hệ thống mà ít người Mỹ để ý. Có bao giờ bạn tự hỏi: Tại sao anh/chị phóng viên lại đặt câu hỏi như vậy mà không hỏi là XYZ? Lý do gì? Vô tình hay cố ý gài bẫy người trả lời?

Còn về các ông Tòa từ cấp thấp đến Tối Cao Pháp Viện cũng biến chất. Khi các đảng chính trị âm mưu chia cắt ranh giới quận, hạt để có lợi cho ứng cử viên của đảng thì vai trò của cán cân công lý cũng bắt đầu nghiêng ngả. Sự chọn lựa các vị Chánh Án của các tòa án do Tổng Thống và Thượng Viện chỉ định. Các đảng đã lợi dụng cơ hội để chọn các vị Chánh Án có khuynh hướng ủng hộ chủ trương của đảng mình (phá thai, di dân, bình đẳng lương bổng, quyền lập công đoàn, môi sinh, quyền giữ súng…).

Sự vận dụng của các nhà chính trị đã khiến người dân chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân mà quên đi quyền lợi quốc gia. Khi các cuộc tranh cử đòi hỏi bạc tỷ và các công ty được Tối Cao Pháp Viện cho phép góp tiền như một con người (pháp nhân) thì “Dân chủ” đã suy thoái. Tại sao các cuộc vận động tranh cử phải chơi những trò dơ dáy, bẩn thỉu mà không tập trung thảo luận các chương trình sẽ thực hiện khi thắng cử. Khi các cuộc tranh cử và chọn ứng cử viên sơ bộ trở thành những trò hề moi tiền các nhóm thiểu số để ủng hộ thì giá trị của ứng cử viên ở đâu?

Thế nhưng trong tâm trí cả giới lãnh đạo lẫn người dân đều nghĩ về một nước Mỹ oanh liệt thời 1945 mà thực tế không còn nữa.

Tự hào về một Hiến Pháp dân chủ nhất thế giới, người Mỹ quên rằng đó chỉ là một xã ước giữa cá thể với tập thể. Tự do hay dân chủ vẫn chỉ là quyền của một cá nhân trong tập thể quốc gia, dân tộc. Đa số có quyền quyết định nhưng thiểu số vẫn có tiếng nói. Sự bóp méo về tự do ngôn luận (freedom of speech) không có nghĩa là xúi dục giết người, nhục mạ hay vu khống người khác. Các nhà chính trị đã lợi dụng để xách động, gây rối loạn có lợi cho âm mưu riêng.

Cũng như sự nhân danh người đóng thuế (taxpayer) để đòi hỏi chính quyền phải thỏa mãn yêu cầu của người dân. Đây cũng là chiến thuật của kẻ muốn tranh quyền dân cử xúi dân đòi hỏi chính quyền phải thỏa mãn yêu sách nếu không thì “tới kỳ bầu cử hãy bỏ phiếu cho tôi, tôi sẽ thỏa mãn yêu sách của quí vị”. Và khi đắc cử họ không làm theo ý dân thì dân cũng chỉ…chờ dịp bầu cử để chọn người khác.

Một vấn đề khác là khi nước Mỹ thành lập, đất rộng, dân thưa, giao thông, thông tin chậm chạp … nên người dân muốn giới hạn  khả năng của chính phủ (small government) và để con người tự giải quyết với nhau cho nhanh. Nhưng khi thời thế thay đổi, phương tiện cải tiến, nhu cầu gia tăng, xã hội phức tạp thì chính phủ phải lớn mạnh mới đương đầu với các biến cố trong và ngoài nước hay thiên tai. Người dân Mỹ đã quên đi vai trò của nhà nước trong xã hội nên khi thiên tai, bệnh dịch hay khi bị giới tư bản bóc lột, công ty sách nhiễu, đe dọa thì kêu cứu ai nếu nhà nước không đủ ngân sách, nhân sự hay thẩm quyền để cứu xét?

Nước Mỹ trước chỉ đúng khi có lãnh đạo có đường lối dẫn dắt thế giới ra khỏi đám mây mù hỗn loạn. Mỹ vẫn là quốc gia có tiềm năng siêu cường để lãnh đạo vì có nhiều điều kiện. Nhưng liệu người dân Mỹ có ý thức những sai lầm để sửa đổi hay vẫn chứng nào tật ấy? “Cái tôi” của dân Mỹ lớn hơn bất cứ dân tộc khác, kể cả Đức, Nhật, Nga, Do Thái, Trung Hoa….

Nước Mỹ trước tiên. Đúng nhưng đó là cái gì? Không phải lại là vĩ đại nữa. Vì cái “vĩ đại của” 1918 và 1945 đã đi vào quá khứ rồi, có đem trở lại vào 2000s thì “xưa rồi, Diễm!”.

Cũng không phải là vai trò của lưỡng đảng “bảo thủ” hay “công bằng xã hội”. Vì có gì tốt để bảo thủ khi anh luôn luôn muốn tiến về phía trước? Đứng đầu thế giới về mọi mặt? Làm sao có công bằng xã hội khi nạn kỳ thị chủng tộc, nam nữ , giàu nghèo vẫn còn? Chính quyền và giáo quyền biệt lập nhưng cả hai đều rơi vào khủng hoảng đạo đức? Tam quyền phân lập khi thành kiến, bè phái xâm nhập cả ba ngành.

Tóm lại nước Mỹ và dân Mỹ vẫn chưa hiểu về luật nhân quả. Rất đơn giản nhưng rất khó xài.

Người dân Mỹ vì sống trong dư thừa lâu nên mất nhạy cảm. May ra có thể một vài anh chị di dân nào đó cố gắng dạy con nên người (như Obama) mà ra tay sửa nhẹ nước Mỹ để đảm đang vai trò dẫn dắt thế giới đi tìm hòa bình.

Trách nhiệm của một công dân trong nước mạnh không phải chỉ là ăn, chơi, du lịch, thể thao… mà phải nhìn ra cộng đồng thế giới. Nếu không lãnh trách nhiệm đó thì có chịu cho người khác (nước yếu, dân nghèo) dẫn dắt hay không?

Nước Mỹ trước tiên phải là nước Mỹ tiên phong, mở đường, sáng kiến nhưng cũng phải giữ vững sự khiêm nhường, bình đẳng, công bằng, giản dị chứ không phải nước Mỹ làm cha nội thế giới như kiểu Trung Cộng thì chắc phải di tản lần nữa.

Trần Công Lân

Tháng 4 năm 2020 (Việt lịch 4899)

One response to “Nước Mỹ Trước

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s