Bạn thân
Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, bạn có bao giờ để ý đến các quảng cáo ở trên đài truyền hình, phát thanh và ngay cả trên những trang mạng mà bạn định mua vé máy bay, đặt chỗ ở khách sạn và mướn xe?
Tất cả đều là trò chơi tâm lý để bạn quyết định mua món hàng đó càng sớm càng tốt. Hãy cùng nhau tìm hiểu một vài trò chơi tâm lý của các công ty hay của các trang mạng.
Khi bạn tìm kiếm để đặt xe, mua vé máy bay, hoặc khách sạn ở một thành phố nào đó thì bạn sẽ thấy ở đầu trang mạng có những câu tâm lý như sau: Xe ở thành phố bạn đang tìm có rất nhiều người mướn. Hoặc khách sạn bạn đang tìm chỉ còn một số ít phòng thôi. Hoặc vé máy bay bạn đang tìm chỉ còn một vài vé thôi. Những câu như bên trên, bất cứ lúc nào bạn vào, bạn cũng đều thấy như thế.
Cho dù bạn chuẩn bị một chuyến đi nghỉ phép 6 tháng trước đó hoặc 3 tháng trước đó, bạn sẽ thấy những câu tâm lý bên trên hiện diện mỗi lần bạn tìm kiếm. Và một điều ít có ai để ý là khi bạn đặt một chiếc xe (hay khách sạn) thì vài ngày sau, vài tuần sau, bạn tìm kiếm cũng loại xe (hay khách sạn) bạn muốn, ở thành phố (hay phi trường) bạn muốn đến, bạn sẽ thấy giá khác biệt rất là nhiều (từ vài chục đến cả trăm). Biết rẻ hay không thì cứ vài ngày, bạn vào mạng để tìm kiếm, cho dù vào cùng một mạng mà trước đó bạn đã đặt xe. Nếu bạn có thời gian thì cứ làm như thế trong vòng một tháng sau khi bạn đã đặt xe thì bạn sẽ thấy cái giá bạn đã chọn, chưa chắc là đã rẻ như bạn nghĩ. Trường hợp này chỉ áp dụng ở chuyện đặt xe và mướn khách sạn thôi. Bởi hai chuyện này, bạn có thể xóa (cancel) và đặt lại cái mới với giá rẻ hơn. Còn vé máy bay khi bạn đã mua thì đành chịu. Cho nên khi mua vé máy bay, bạn cũng nên tìm kiếm một vài tuần để xem cái giá nào mình có thể chấp nhận, lúc đó thì mới mua vé. Thường mua vé máy bay loại rẻ tiền, bạn không có cơ hội để hoàn trả lại.
Một trò chơi tâm lý khác đó là giá cả điện. Tùy theo nơi bạn ở là tiểu bang nào, có những tiểu bang hãng điện độc quyền, bạn không có sự lựa chọn. Tuy nhiên ở những tiểu bang hãng điện không độc quyền, các bạn sẽ thấy nhiều loại quảng cáo trên truyền hình là cuối tuần hay ban đêm được sử dụng điện miễn phí không tính tiền. Thực tế như thế nào? Có phải cuối tuần hay vào ban đêm bạn sử dụng điện là không trả tiền hay không? Đối với hãng điện là thực sự số điện bạn sử dụng vào cuối tuần hay ban đêm họ sẽ không tính tiền. Nhưng để bù lại cái không tính tiền, khi bạn chọn chương trình đó, giá tiền điện mà bạn trả ban ngày thường gấp đôi hoặc gấp ba giá bình thường. Chưa kể ai sẽ kiểm soát số điện bạn sử dụng ban ngày là bao nhiêu và ban đêm là bao nhiêu? Bạn sẽ không kiểm soát được chuyện này mà chỉ có hãng điện mới biết (hy vọng là thế). Hãng điện chơi trò chơi tâm lý để khuyến dụ bạn vào chương trình điện như thế mà họ là người nắm đằng cán, lợi luôn luôn về họ. Và có lẽ họ thành công cho nên những quảng cáo như thế này vẫn tiếp tục xảy ra trên đài truyền hình vài năm nay vẫn còn, ở nhiều hãng điện khác nhau trên tiểu bang Texas.
Công ty sử dụng tâm lý để bán hàng còn các chính trị gia cũng sử dụng tâm lý để lấy lá phiếu của bạn vào mùa bầu cử. Khi đã thắng cử rồi thì họ bỏ phiếu theo đảng tính chứ chẳng hề quan tâm đến những gì bạn quan tâm. Có bao nhiêu người nhận ra được trò chơi tâm lý của xã hội hôm nay và tránh phải những cái bẫy của tâm lý đó?
Trần Thị Lan Anh
Tháng 4 đen năm 2019 (Việt Lịch 4898)