Ghi Chú NL: Đọc bài viết dưới đây, nếu ai đó tinh ý, sẽ thấy được lời nói chân thành và sự thật của người Viết ở đoạn thứ hai sau phần trích dẫn của một quyển sách nào đó. Chân thật bởi người viết thấy được chính mình là dù mình tài giỏi cách mấy thì vẫn có người tài giỏi hơn mình ở một khía cạnh mà mình hoàn toàn không có. Sự thật bởi người viết đã cản đảm nhìn sự thật là nhân vô thập toàn. Chẳng ai hoàn hảo và chúng ta luôn luôn học hỏi, chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống của người. Chính những cái học hỏi, chia sẻ đã dẫn đến một xã hội luôn luôn tiến, vượt lên xã hội trước đó. Còn nếu không học hỏi, chia sẻ mà vẫn giữ ý định mình tài giỏi hơn người (như đảng csvn, ghi rõ trong Hiến Pháp, là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước) thì sẽ dẫn đến một tình trạng dân tộc Việt bị đồng hóa, dân tộc Việt bị xách mũi đi vào con đường xã hội chủ nghĩa mà ngay cả chính ông Tổng Bí Thư, Nguyễn Phú Trọng, hoàn toàn không biết ra sao, có xảy ra hay không. Khi nói về lý tưởng tuổi trẻ và người viết nhìn lý tưởng ở một dạng tổng thể. Chỉ khi nào mỗi người Việt sống, suy nghĩ và ứng xử trong một dạng tổng thể thì lúc đó, chúng ta mới có hy vọng Việt tộc thoát ra khỏi những bế tắc hôm nay. Cuối bài một câu hỏi được đặc ra “khi nào xã hội này thay đổi”. Tác giả bài viết đã có câu trả lời rất là chính xác và đúng thực tế. Xã hội chỉ thay đổi khi chính mỗi con người trong xã hội đó phải thay đổi. Không thể nào muốn có một xã hội mới mà chính bản thân mình vẫn chọn nếp sống thờ ơ, vô cảm.
“Ngày nay các nhà xã hội học, nhà sự học vẫn rất ấn tượng khi nghiên cứu các thế hệ người Đức. Thế hệ trẻ Đức đã vượt lên giữa những di sản mà chế độ Phát Xít để lại sau chiến tranh thế giới thứ hai và họ lại làm tương tự như vậy sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ….”
Mỗi khi viết một thứ gì đó để phê bình thế hệ trẻ, mình rất cẩn thận và đắn đo để viết ra. Vì thứ nhất, mình cũng thuộc về thế hệ này. Mình không dám nói mình tài giỏi vì chính bản thân mình nhiều lúc cảm thấy mình thua kém nhiều người cùng thế hệ. Và quan trọng hơn nữa, nếu chúng ta khẳng định thế hệ trẻ Việt Nam tồi tệ và không thể cải tạo thì coi như một phần tương lai dân tộc này phía trước không mấy sáng sủa. Vì vậy, mình viết những dòng này vẫn trên tinh thần xây dựng, một hy vọng rằng thế hệ trẻ luôn mang trong mình tinh thần nhiệt huyết, lòng ham học và ý chí vươn lên.
Mình luôn cảm thấy thế hệ trẻ Việt Nam vẫn là một lớp người thiếu lý tưởng. Có người có thể hỏi lại mình “Sao có thể nói thế hệ trẻ Việt Nam thiếu lý tưởng? Những người trẻ Việt Nam có trình độ học thức và thành đạt ngày càng nhiều. Giới trẻ ngày càng trở nên năng động hơn, tích cực tham gia vào các dự án khởi nghiệp và các diễn đàn quốc tế”.
Nhưng, lý tưởng, nếu được hiểu là những gì cao cả thì vượt xa những tham vọng hay những thành công cá nhân. Và những điều cao cả bắt đầu từ lòng thương dành cho những người nghèo, người yếu thế trong xã hội hay xung quanh chúng ta. Thế hệ trẻ của chúng ta có bao nhiêu người cảm thấy đau đớn khi thấy đồng bào của mình sống một cuộc sống nghèo khổ, cơ cực và lạc hậu so với sự giàu có thế giới ngày hôm nay. Đã có bao nhiêu người trẻ biết đến sự tồn tại của những người dân oan đang trong tình cảnh khốn quẫn? Và liệu có bao nhiêu người trẻ sẽ dám công khai bày tỏ sự cảm thông, ủng hộ với những người khốn khổ này dù họ ở trong “danh sách đen” của chính quyền. Thế hệ trẻ Việt Nam dửng dưng và có thái độ phó mặc trước những sự kiện lớn của dân tộc như Dàn Khoan 981, Formosa, và vừa rồi là đặc khu kinh tế,… Nhiều người khi nói đến sự vĩ đại của phương Tây thường chỉ tập trung vào khía cạnh phát triển đời sống kinh tế và những tiến bộ về khoa học- kỹ thuật và các tập đoàn không lồ. Nhưng họ có những người không chỉ biết sống vì bản thân mà tận tụy phục vụ cộng đồng, họ có những người trí thức dấn thân vì công lý, họ có những người biết trăn trở trước những bất công, sự đau khổ vẫn còn tồn tại trong xã hội. Đó là những con người Việt Nam thiếu và chính điều đó là làm một nước trở nên văn minh nhân bản hơn chúng ta.
Chúng ta chỉ thấy những người lo nghĩ tìm cách hãm hại nhau, tìm cách để so đo hơn thiệt với nhau hơn là nghĩ cho những người xung quanh và nghĩ cho cộng đồng của mình. Chúng ta chỉ thấy những người nói xấu, rè bỉu nhau hơn là dành những điều tốt đẹp về nhau. Chúng ta vẫn còn lắm sự đố kỵ và còn thiếu nhiều tình thương. Suốt bao nhiêu năm chúng ta vẫn sống như vậy và ngày nay thế hệ trẻ của hôm nay dường như vẫn chưa thể từ bỏ được di sản của quá khứ để vượt lên.
Hôm nay, tự dưng viết ra những dòng này vì một người bạn cũ tự nhiên hỏi mình một cách e dè, bao giờ “xã hội này thay đổi”. Đây là câu hỏi nằm ngoài khả năng trả lời của mình. Nhưng trước nay, một xã hội sẽ thay đổi khi xuất hiện một thiểu số người- dù chỉ là một thiểu số ít ỏi sống cao đẹp hơn, dấn thân hơn những người đương thời. Đó là khi xã hội chuẩn bị chuyển mình.
Thiểu số mà mình nói không có giới hạn về biên giới thế hệ. Thế hệ trẻ là thế hệ có thể nông nổi, có thể vấp phải nhiều sai lầm nhất, nhưng họ cũng là lớp người sẵn sàng đón nhận thay đổi nhất. Do đó, mình hy vọng thế hệ của mình sẽ đóng góp một số lượng lớn vào nhóm người tiên phong này.
Chu Tuấn Anh
(Sep.15.2018)
Nguồn: https://www.facebook.com/chutuananh.hanu/posts/538776226573237?__tn__=K-R