MÔI TRƯỜNG HỌC ĐƯỜNG SONG HÀNH CÙNG CÁC KHÁM PHÁ CỦA KHOA HỌC
Hệ khai (khai phá, khai sáng, khai thị) luôn song hành cùng hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức, tỉnh thức) để đánh thức hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái). Nó hoàn toàn ngược lại với môi trường giáo dục hiện nay của Việt Nam, qua chuyện: mua điểm bán trường để mua bằng bán cấp để phục dịch cho chuyện mua chức bán quyền trong chuyện học giả-thi giả-điểm giả-bằng giả. Và, một không gian giáo dục bình thường của một quốc gia ổn định trong dân chủ, bền chắc với nhân quyền, thì hai hệ: hệ khai và hệ thức là thượng nguồn của mọi định hướng giáo dục. Môi trường học đường khi song hành cùng các khám phá của khoa học của mọi chuyên ngành từ khoa học kỹ thuật tới thuật lý truyền thông, từ khoa học thực nghiệm tới khoa học xã hội và nhân văn, đưa chúng ta trở lại các quan niệm rất khác nhau, nhưng biết bổ sung cho nhau để kiến thức học đường luôn phục vụ cho kiến thức cá nhân của kẻ được đi học.
CÁI LÝ CỦA NHÂN TRI
Khi được đi học qua trường lớp các kiến thức bằng sự thông minh của mình, thì tại đây con người đã hơn con vật, nhưng quan niệm này còn mơ hồ về xuất xứ của sự thông minh. Vì sự thông minh có xuất xứ trong các quá trình của tư tưởng, có chỗ dựa là trí tuệ, từ đó cho phép ra đời các khám phá, mà các khám phá này không hề liên tục, tức là không liên tiếp theo thứ tự của thời gian. Chúng luôn bị đứt đoạn trong các chuyên ngành, có ảnh hưởng trực tiếp tới giáo dục; và cùng lúc thì những khám phá lớn của khoa học nhờ sự thông minh của một cá nhân đã làm thay đổi kiến thức của nhân sinh, sẽ tác động trực tiếp lên giáo khoa, giáo trình, giáo án. Vậy thì môi trường giáo dục là nơi ta thấy các quan niệm về sự thông minh luôn liên tục bị thay đổi, chỉ vì sự thông minh được hưởng các khám phá của khoa học trong nhận diện được các bối cảnh của nhân sinh đã tác động vào ngay trên trí tuệ của tri thức. Giáo dục là nhận lý tính (lấy cái chỉnh lý để đi tìm cái toàn lý, để hiểu luôn cái hợp lý) ông giúp ta hiểu thêm về quan hệ của một đứa trẻ mới được đi học, qua quan hệ với tha nhân, mà tha nhân trong môi trường học đường ở đây là thầy, cô và các bạn học khác. Chính cái lý của đứa trẻ mới rời môi trường gia đình để đi vào môi trường học đường là nơi mà cái lý của bản năng gặp được cái lý của nhân tri, mà nội dung của nhân tri là văn hóa làm nên văn minh với sự trợ lực của văn hiến; để thay thế cái lý bản năng của cá thể đói ăn, khát uống bằng cái lý giáo dục của tập thể ăn xem nồi, ngồi xem hướng.
HỌC ĐỂ HỌC CÁI MÌNH CẦN CÓ
Khi là thiếu nhi được tiếp xúc với thầy cô cùng bè bạn trong môi trường giáo dục của học đường chính là kẻ đi học để học cách thích ứng vào một môi trường của nhân sinh. Và, đứa trẻ này biết biến sự thích ứng từ kiến thức có cội rễ là kinh nghiệm, mà kinh nghiệm giáo dục là thượng nguồn để chuẩn bị cho sự thích ứng vào xã hội sau này. Giáo dục như vậy là nơi vận dụng các sinh hoạt của kiến thức để hiểu và để tổ chức các kinh nghiệm mai sau của cá nhân trong nhân sinh, trong xã hội. Chính sự đúc kết kiến thức qua kinh nghiệm nhân sinh của một học sinh là quá trình giáo dục lấy kiến thức bên ngoài để thay đổi con người bên trong của học sinh. Quá trình thành nhân của kẻ đi học, tác giả này yêu cầu chúng ta suy nghĩ hệ: cái lợi của chuyện học, vì nếu học mà không thấy lợi cho chính mình thì sẽ tự đánh mất đi động cơ: ham học, chăm học, hiếu học. Vì học để học cái mình cần có, cái mình phải có, để chuẩn bị cho cái vị, cái thế mà mình muốn tới, muốn ngồi. Từ trẻ ở mẫu giáo, tiểu học tới lớn ở cấp trung học, đại học, chính nhận thức ra cái lợi của chuyện học làm tăng năng lực trong học tập, nâng năng lượng trong học hành, để học và hành là ra năng khiếu của ham học, luôn được gia đình, xã hội, học đường bồi bổ và bồi dưỡng. Hệ năng (năng lực, năng lượng, năng khiếu) luôn được giáo dưỡng dài lâu để kẻ đi học thành người trưởng thành bằng chính đạo lý chuyên cần của mình.
«CHĂM HỌC» CHỦ ĐẠO ĐỂ CHỦ TRÌ MÀ THĂNG HOA «BẨM SINH»
Cụ thể là đứa trẻ khi được đến trường, sẽ được thầy cô trao truyền kiến thức bằng ngôn ngữ, và đứa trẻ đó học ngữ vựng đúng, ngữ văn trúng để có ngữ pháp trọn vẹn và chính xác theo sự xếp đặt khách quan của lý trí, và vai trò của trường lớp từ giáo khoa tới giáo án là: học trúng để hiểu đúng một cách khách quan nhất! Nhưng tại sao lại có đứa trẻ này lại «sáng dạ» hơn đứa trẻ kia? Nhưng tại sao lại có học sinh này lại «học giỏi» hơn học sinh kia? Nhưng tại sao lại có sinh viên này lại «học nhanh» hơn sinh viên kia? Giáo dục là môi trường liên đới trong đó sự liên minh của giáo dục gia đình với giáo dục học đường tạo nên môi trường thuận lợi cho quá trình thành công trong giáo dục rồi thành người trong xã hội, tổ tiên Việt rất sáng suốt trong tỉnh táo để nhận ra phương trình này: công cha-nghĩa mẹ-ơn thầy. Giáo dục là môi trường liên đới các công đoạn của phương trình học thành tài để học làm người, và giáo dục khi tăng lực để tăng cấp cho năng lực để tạo ra năng hiệu của «sáng dạ», «học giỏi», «học nhanh», có công nhận chuyện «bẩm sinh», luôn chung lưng đấu cật với chuyện «chăm học». Nhưng chính chuyện «chăm học» là chủ đạo, vì nó là chủ trì để thăng hoa cái «bẩm sinh» qua thông minh của lý trí làm nên thành công của trí tuệ của kẻ được đi học. Nhiệm vụ của giáo dục phải là sự sáng suốt để dự đoán khả năng của học trò có trong tiềm năng của mọi cá nhân, để khai sáng rồi thăng hoa cái toàn năng trong chính học trò này.
SỰ THÔNG MINH CỦA KẺ ĐƯỢC HỌC
Giáo dục là nơi phát triển sự thông minh của kẻ được học, mà sự thông minh không hề là một mô hình độc tôn, một mô thức độc đoán, mà nó là một đồ hình linh động, trong đó khả năng của cá nhân được bản tính của cá tính đưa tới những chân trời mới của kiến thức để thấy-thâu-nhận-tiếp những kiến thức mới này, mà phục vụ cho tuệ giác của cá nhân đó; mà tuệ giác là lý trí rộng của trí tuệ cao. Chưa đủ! Sự thông minh của kẻ được học không bao giờ tìm độc đạo để bị rơi vào ngõ cụt, mà luôn tìm ngã tư, đường nhiều chiều, từ quốc lộ tới đại lộ, từ ngõ ngách tới đường cao tốc… để biết đường đi nẻo về của sự vận hành trí tuệ, của sự chiến biến của lý trí, làm nên tuệ giác tỉnh táo trong sáng suốt. Chưa xong! Ngay trên ghế nhà trường, chỉ có kẻ dại mới chọn độc đạo dẫn tới độc tài, độc quyền, độc trị, độc tôn để làm nạn nhân mà phục dịch cho độc đảng; còn người khôn thì chọn đa nhân để có đa dạng và đa diện, từ đó đi trên đa lộ để thấy đa trí, nhận ra đa tài, hiểu được đa năng, để học được đa hiệu, mà có đa dụng luôn biết dựa vào đa nguyên. Chưa đầy! Trong học đường, ngoài xã hội, sự thông minh của kẻ được học không chỉ có quốc nội, mà có luôn quốc ngoại từ mẫu giáo, không chỉ có quốc gia, mà có luôn quốc tế từ tiểu học tới trung học, để ngay trong đại học biết quốc tế hóa các tri thức mà tháo gỡ sự hạn hẹp của quốc nội, quốc gia, lại còn biết quốc gia hóa các kiến thức hay, đẹp, tốt, lành của tri thức cao, sâu, xa, rộng của quốc ngoại, quốc tế.
MỘT ĐỒ HÌNH LẠI BIẾT TỰ BIẾN HÓA
Sự thông minh của kẻ được học mang nội chất của một đồ hình lại biết tự biến hóa để thành một mạng truyền tin và truyền thông linh hoạt, ngày càng rộng trong không gian kiến thức, ngày càng cao trong không gian tri thức. Sự thông minh này biết luân chuyển từ văn hóa này tới văn hóa kia, biết hành tác từ văn minh này tới văn minh kia, biết lấy văn hiến này để làm giàu văn hiến kia. Sự thông minh không chấp nhận chuyện «ngăn sông cấm chợ», nên chối từ chuyện «bế quan tỏa cảng», vì rất dị ứng với chuyện «kín cổng cao tường» để che phủ rồi dấu kín từ kiến thức tới tri thức. Chúng ta không sao định nghĩa đầy đủ thế nào là thông minh, nên không tù túng hóa sự thông minh để khuôn nó vào một định nghĩa, ỷ vào một mô hình, vì chính sự thông minh này biết sở hữu hóa sự thông minh kia, biết lấy cái thông của người làm ra cái minh của ta. Đây vừa là gốc rễ, vừa là động cơ của phương trình thành công học đường – thành tài nghề nghiệp – thành đạt kinh tế – thành tựu xã hội, cũng vừa là chức năng của giáo dục, vai trò của giáo khoa, nhiệm vụ của giáo trình, làm nên tầm vóc của giáo án, biết đào tạo học sinh qua chân dung mà tổ tiên Việt đã phát họa sẵn cho nghĩa vụ của giáo dưỡng: Người khôn chưa đắn đã đo/ Chưa ra tới biển đã dò nông sâu.
TRI THỨC CỦA LÝ TRÍ, LUẬN THỨC CỦA PHƯƠNG PHÁP
Quy trình giáo dục của học-biết-trao-truyền làm nên mục đích của giáo khoa, định hướng của giáo trình, hành động của giáo án, tất cả phải tôn trọng kẻ học, tức là học sinh không phải là đối tượng để được hoặc bị nhồi nhét kiến thức, mà phải là chủ thể tri thức, và muốn trở thành chủ thể của tri thức thì những kẻ lãnh đạo giáo dục phải rành mạch về nhận định để rõ ràng về nhận thức. Chủ thể tri thức phải là chủ thể lý trí, trong đó các giáo khoa chỉnh lý, các giáo trình thông lý, các giáo án hợp lý làm nên trí tuệ toàn lý của học sinh, nơi mà thầy cô trao truyền các bài học: nếu hiểu được thì giải thích được, nếu giải thích được thì xem như đã hiểu được rồi. Tại đây, không những mê tín, dị đoan không có chỗ đứng trong giáo dục, mà cả ý thức hệ chính trị cũng không có ghế ngồi trong giáo khoa, vì cả hai đều đưa học sinh xa rời chủ thể tri thức, để dần dà tiến gần tới cực đoan trong phán xét, quá khích trong phân tích, rồi rơi vào mù quáng trong hành động. Tri thức chọn lý đúng để giữ tỉnh thức!
CHỦ THỂ TRI THỨC, CHỦ THỂ LÝ TRÍ, CHỦ THỂ PHƯƠNG PHÁP
Chủ thể tri thức phải là chủ thể phương pháp, học có phương pháp và hiểu theo phương pháp, ngược lại giáo điều vô điều kiện với với ý thức hệ, vì phương pháp trao thí nghiệm để thể nghiệm để tìm sự thật, đưa giải thích vào giải luận để nhận diện chân lý, đưa đạo lý hay, đẹp, tốt, lành vào luân lý và trách nhiệm để nhìn ra lẽ phải. Phương trình sự thật-chân lý-lẽ phải là gốc của mọi hệ thống giáo dục; là rễ của mọi cấu trúc giáo khoa; là cội của mọi kiến trúc giáo trình, là nguồn của mọi mô thức trong giáo án. Chủ thể tri thức được xây dựng trên chủ thể lý trí và chủ thể phương pháp, thì mọi kiến thức được trao truyền trong giáo dục; mọi tri thức được giáo dưỡng bởi giáo trình, mọi ý thức được nhận diện qua giáo án phải là thành quả của tri thức có phương pháp, trong đó có vai trò của phương pháp luận, lấy phương pháp này để củng cố phương pháp kia, lấy phương pháp mới để bồi đắp phương pháp cũ, lấy phương pháp sáng tạo để phục vụ kiến thức hàn lâm. Tại đây, có trao đổi nên có tranh cãi, có đối thoại nên có đối trọng, có trực diện nên có trực luận, mà tổ tiên ta đã dạy cho con cháu là: so ra mới biết ngắn dài. Tức là có phương pháp này hiệu quả hơn phương pháp kia, có phương pháp này đa năng hơn phương pháp kia, có phương pháp này cao, sâu, xa, rộng hơn phương pháp kia.
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).