CHUYỂN BIẾN VĂN HÓA CHẬM, CHUYỂN BIẾN XÃ HỘI NHANH
Các diễn biến của tri thức, không những tới tự khoa học, mà còn tới tự xã hội, tự truyền thông… nên liên kết rồi liên minh với xã hội học giáo dục là cần thiết. Giáo dục được tổ chức qua giáo khoa, giáo trình, giáo án đòi hỏi sự ổn định, tức là thời gian tính của đường dài trong thời gian để một học trò mẫu giáo, tiểu học trở thành học sinh của trung học rồi sinh viên của đại học. Nếu chọn giáo dục rất nhanh vì nhạy với các khám phá khoa học, kỹ thuật hiện đại, nhưng cùng lúc nó cần thời gian tính của trường kỳ để đào tạo có bài bản, chính vì lý do này mà nó sẽ không theo kịp của chuyển biến văn hóa qua các thế hệ; và thế hệ các thiếu nhi, thiếu niên, thành niên của thế kỷ này khác khá nhiều với các thế kỷ trước. Chính các chuyển biến văn hóa của một sắc tộc, một quốc gia, một cộng đồng, một địa phương… lại luôn chậm hơn các chuyển biến xã hội, nơi mà đời sống xã hội luôn được truyền thông hiện đại hỗ trợ hay can thiệp; nơi mà sinh hoạt xã hội luôn áp dụng các khoa học kỹ thuật hiện đại nhất để tăng hiệu quả, tăng năng suất; nơi mà quan hệ xã hội giữa các thành phần xã hội luôn được định hướng bởi các phương án mới, hoặc bị điều khiển bởi sự xuất hiện của các lợi nhuận mới.
CÁC PHONG TRÀO XÃ HỘI MỚI, CÁC LỰC LƯỢNG XÃ HỘI MỚI
Các hệ thống giáo dục chuyển biến chậm hơn các chuyển biến văn hóa, mà chuyển biến văn hóa lại chuyển biến chậm hơn các chuyển biến xã hội, và chính các chuyển biến xã hội trong quá trình chuyển biến của nó, thì nó nhận ra là nó chuyển biến chậm hơn các phong trào xã hội mới. Và, các phong trào xã hội này có hùng lực để chế tác ra các lực lượng xã hội mới không những biết đòi hỏi tự do, công bằng, bác ái; mà còn biết cổ vũ cho nhân quyền, dân chủ, đa nguyên, lại còn biết thực hiện các tổ chức nhân đạo, từ thiện rất mới về thông tin và truyền thông, lại còn biết cổ súy cho nhân loại và nhân sinh phải bảo vệ môi trường để gìn giữ môi sinh. Các nhận định trên giúp ta trở lại không gian giáo dục, môi trường học đường hiện nay của Việt Nam, với lãnh tụ độc đảng tại trung ương vô tri trước các diễn biến này có mặt trong các quốc gia văn minh, tiên tiến; với các lãnh đạo của Bộ Giáo dục rất vô minh về các kinh nghiệm hay, đẹp, tốt, lành của giáo lý, luôn biết kết hợp rồi liên kết làm nên phương trình thông minh cho giáo khoa: hệ thống giáo dục-chuyển biến văn hóa-chuyển biến xã hội-chuyển biến qua các phong trào xã hội mới, các lực lượng xã hội mới. Nên hậu quả rất tai hại hiện nay của nền giáo dục Việt Nam hiện nay của độc đảng rất độc tài nhưng lại bất tài về giáo dục; với các lãnh đạo của Bộ Giáo dục thích độc trị nhưng không biết quản trị phương trình này.
NGHIÊM CẨN CỦA GIÁO LÝ
Sự liên minh giữa khoa học giáo dục, xã hội học giáo dục và triết học chính trị giáo dục trong các hệ thống tổ chức giáo dục hiện đại, lại đi ngày càng xa qua các khảo sát, để được ra các nhận định mới, từ đó yêu cầu các chủ thể giáo dục (có trách nhiệm với học đường, có bổn phận với học sinh, lại có sáng kiến để có sáng tạo qua giáo khoa, giáo trình, giáo án). Khi khoa học kỹ thuật đưa tiến bộ vào xã hội, nó trực tiếp hay gián tiếp tạo ra tiện nghi vật chất, chính các tiện nghi này ngày càng nhiều sinh ra một loại xã hội tiêu thụ, trong đó có tâm lý hưởng thụ có thể lấn lướt việc học hành luôn đòi hỏi sự chăm chỉ, chuyên cần, kiên định (có công mài sắt có ngày nên kim), ngược lại với chuyện tận hưởng các tiện nghi (chờ sung rụng).
Khi thời gian bị trùm phủ bởi tiện nghi vật chất, được kích thích bởi tâm lý tiêu thụ dễ dãi và chớp nhoáng, thì chính các tiện nghi vật chất này vừa không khuyến khích chuyện chăm học, lại giới hạn quyết tâm tự học. Khi có thái độ tiêu thụ ngay trong các tiện nghi, với các thói quen chỉ biết tận hưởng các tiện nghi này, tại đây sẽ tạo ra bản năng “đói ăn, khát uống” sinh ra phản xạ “ăn ngay, uống liền”, với thái độ thụ động của “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. Trong khi đó, đi học là “lội suối trèo đèo” để có kiến thức, “vượt rừng, thắng núi” dựng tri thức. Khi mang bản năng loại “ăn tươi nuốt sống” thì sẽ không có trí tuệ “nói uốn lưởi bảy lần”, nếu chỉ biết “hưởng ngay, xài liền” thì sẽ mất cẩn trọng “bút sa gà chết”, quên đi đi học là để thành người khôn: “Người khôn chưa đắn đã đo, chưa ra tới biển đã dò nông sâu”.
HIỆU QUẢ GIÁO DỤC QUA ĐỐI THOẠI GIỮA CÁC THẾ HỆ
Khi khảo sát về các diễn biến không hay, không đẹp, không tốt, không lành này trong các hệ thống giáo dục đương đại và hiện đại, có nêu lên quá trình xấu, tồi, tục, dở của nó; vì nó biến một xã hội tiêu thụ chiếm học đường trở thành một xã hội tiêu thụ mất học đường! Chính tại đây, sinh ra một hiểm nạn cho giáo dục, là biến chúng ta ngày càng nghiêm khắc hóa giáo dục, để o ép hóa giáo trình, bằng cách cứng ngắc hóa sự phát triển của một đứa trẻ đang trưởng thành qua cuộc sống, đây là chuyện phản lại sự thông minh của học sinh đang đi tìm kiến thức, cụ thể là chúng ta chế ra để áp chế cách nghĩ là: trẻ con phải học (học sớm, học đầy, học nhiều, học hoài) cùng lúc đó chúng ta không cho phép chúng được sống chung để sống chia với thế giới người lớn những kinh nghiệm hay, đẹp, tốt, lành của các thế hệ đã trưởng thành, vì đây cũng là học và tại đây hiệu quả giáo dục sẽ rất cao qua đối thoại giữa các thế hệ, mà không hề có chuyện cả vú lấp miệng em. Chúng ta đặt thầy cô trên cao bằng quyền lực của giảng dạy, chúng ta để học sinh dưới quyền lực của giảng dạy một chiều, thầy cô nói một mình trong độc thoại, mà không có đối thoại để đối luận, phản biện để phản luận, để giúp cho kẻ ở trên cao là thầy cô, kẻ ở tận dưới là học sinh gần nhau hơn, qua đối thoại để trực luận, trực luận đúng để trao luận trúng.
GIÁO DỤC MỞ, GIÁO DỤC RỘNG, GIÁO DỤC THÔNG
Chúng ta được học sinh tới trường là để chỉ có học, cùng lúc chúng ta cô lập hóa học sinh, ra khỏi môi trường xã hội, mà trong sinh hoạt xã hội cũng có khoa học (các viện nghiên cứu), cũng có nghệ thuật (các bảo tàng viện), cũng có học thuật (các tác phẩm trong thư viện). Hãy mở (cửa) hệ thống giáo dục để mở (trí) các chủ thể giáo dục. Sự liên minh ở thế liên hoàn bằng chính sách giáo dục cụ thể giữa khoa học giáo dục, xã hội học giáo dục và triết học chính trị giáo dục, đề nghị giáo dục mở là đưa kiến thức học đường gặp giáo lý xã hội, tri thức khoa học, cả hai có hùng lực ngay trong sinh hoạt xã hội, đời sống xã hội, quan hệ xã hội. Giáo dục đóng cửa sẽ đưa học đường vào ngõ cụt. Giáo dục rộng luôn biết chuyển biến phản xạ khép, lấy hệ thông (sự thông thái của giáo khoa để làm nên sự thông suốt của giáo trình, dựng lên sự thông minh của giáo án). Giáo dục thông luôn biết áp dụng hệ thông (thông thái, thông suốt, thông minh) để chế tác ra hệ sáng (sáng kiến mở đường cho sáng tạo làm ra khám phá trong sáng chế).
QUÁ TRÌNH TỪ CÁ THỂ THÀNH CHỦ THỂ
Nếu lấy ba phân tích trên: giáo dục mở, giáo dục rộng, giáo dục thông để đi tìm mô thức tổ chức thích hợp cho một hệ thống giáo dục, thì phải biết thực hiện ít nhất các chuyện sau học sinh dù ở bất cứ tuổi nào đều là một cá thể, mà học đường là nơi giáo dưỡng trí tự chủ, tâm tự tin, quyền tự do biết học để tự học. Học sinh lớn lên trong môi trường học đường, là lớn theo quá trình từ cá thể thành chủ thể: có bổn phận với đồng bào, đồng loại; có trách nhiệm với quê hương, đất nước, lại có sáng tạo để nâng đạo lý hay, đẹp, tốt, lành cho nhân sinh, nhân thế. Học sinh trưởng thành trong môi trường học đường, trở thành sinh viên để trưởng thành trong xã hội, với vai trò của một công dân theo quá trình của chủ thể trí tuệ, có lý trí trong đề nghị, có chính tri trong quyết định, có tuệ giác trong hành động. Học đường không bao giờ cách biệt với xã hội, cũng như giáo dục không bao giờ xa biệt với giáo lý!
THÀNH CÔNG HỌC ĐƯỜNG -THÀNH TÀI NGHỀ NGHIỆP-THÀNH ĐẠT KINH TẾ – THÀNH TỰU XÃ HỘI
Nhiệm vụ của giáo dục vẫn là đầu câu chuyện: học chuyện gì? Học những kiến thức cần thiết để có một cuộc sống tốt, để được sống trong một xã hội tốt, để được đòi hỏi đối xử tốt trong một chế độ tốt, với các cơ chế tốt của nó, tất cả có mặt để bảo vệ các công dân tốt. Học ra sao? Muốn “được học” những chuyện mà chúng ta thích, chớ chúng ta không muốn “bị học” những chuyện mà chúng ta không thích, vì chúng ta không muốn làm nạn nhân của “ép học”. Học để khai sáng trí tuệ qua đa diện, bằng đa dạng của tri thức, biết dựa vào đa trí, đa tài của nhân loại, và từ chối cái độc đảng, cái độc tôn, cái độc quyền trong cái độc đảng. Học để làm gì? Cho phương trình thành công học đường-thành tài nghề nghiệp-thành đạt kinh tế-thành tựu xã hội đây không phải là chuyện ích kỷ của cá nhân, mà kết quả để nhận ra vai trò của chủ thể của giáo dục: có bổn phận với dân tộc, có trách nhiệm với đất nước, lại có thêm sáng tạo qua nghề-nghệ-nghiệp, để thay đời đổi kiếp theo hướng thăng hoa cho ta, vì đồng bào, vì đồng loại. Học cho ai? Cho chủ thể giáo dục là chúng ta thật sự muốn có phương trình thành công học đường-thành tài nghề nghiệp-thành đạt kinh tế-thành tựu xã hội, để hội nhập vào nhân loại, nhân sinh, nhân thế, nhân kiếp bằng nhân lý, nhân tri, nhân trí, làm nên nhân bản, nhân văn, nhân vị, biết tôn vinh nhân đạo, nhân tính, nhân nghĩa, biết vinh danh nhân phẩm của chúng ta, cho đồng bào, cho đồng loại.
MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC: KHAI SÁNG CÁ NHÂN
Thử thách lớn của các hệ thống giáo dục của các quốc gia có văn minh của dân chủ, có văn hiến của nhân quyền luôn định nghĩa không gian giáo dục và môi trường học đường là một hệ thống có hai chức năng: chức năng trao truyền kiến thức và chức năng khai phá sự thông minh của cá nhân được đi học. Hai chức năng này tới từ một lập luận trong quá trình của một cá nhân từ mẫu giáo là một thiếu nhi lần đầu rời gia đình cho tới khi học xong qua các đoạn đường tiểu học, trung học, đại học. Đây là quá trình không những đi tìm để tiếp nhận các kiến thức mà còn là sự tìm tòi để chiếm lãnh các phân tích, các giải thích, các phương pháp của tính khách quan. Chính tính khách quan này mang tới sung lực cho sức thuyết phục, vì biết dùng tin tức, dữ kiện, chứng từ để chứng minh rồi minh chứng một cách khách quan một kiến thức để được mọi người công nhận, đây là một trong những chức năng của giáo dục. Tính khách quan cô lập cuồng đạo có thể tạo ra mê tín; tính khách quan vô hiệu hóa ý thức hệ làm nguồn gốc cho cực đoan, rồi độc đoán tạo ra độc tài, độc quyền, độc quyền, độc tôn làm ra thảm họa độc đảng. Khai phá sự thông minh của cá nhân là khai sáng cá nhân đó, mà bắt đầu là khai thị qua trao truyền kiến thức bằng học tập; tức là giúp cá nhân đó rời cái tôi chật hẹp đang đóng cửa để nhập nội vào môi trường giáo dục có nhiệm vụ khai mở, nêu lên các kiến thức mới trước cá nhân đó, để chính cá nhân sử dụng để thay đổi chính mình.
Giải Luận: Trí Thức (P12)
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).