Nhân Quyền-Tù Nhân Chính Trị-Tù Nhân Lương Tâm (P2)

II .Tù nhân lương lâm
Con người có giá trị hay không là ở lương tâm chứ không phải bề ngoài hay bằng cấp. Có lương tâm là biết suy nghĩ Phải -Trái, Thiện-Ác. Và đó là sự khác biệt giữa con người cộng sản (ác) và chống cộng sản (thiện). Vì cộng sản dùng bạo lực để chiếm chính quyền và người dân không có phương tiện để chống đối đành chịu đựng sống dưới chế độ độc tài. Một số người sẽ theo đuôi với cộng sản để làm ăn, đa số còn lại chịu đựng, bịt tai, nhắm mắt sống qua ngày. Nhưng lương tâm vẫn còn tồn tại trong một thiểu số nào đó. Khi sự áp bức của cộng sản tới một mức độ họ không còn chịu đựng nổi thì sự phản kháng bộc phát. Họ bị nhà nước bắt giam. Chúng ta có những người tù nhân lương tâm.
Tù nhân lương tâm có thể là những người hoàn toàn lớn lên dưới sự cai trị độc tài của cộng sản, có thể họ không biết gì về chế độ dân chủ Tây phương hay sống như thế nào là tự do, dân chủ nhưng từ chính trong tâm họ đã phát sinh Nhân tính (tình người). Và khi thấy nhà nước, công an, viên chức chính quyền áp bức người dân bất kể luật lệ, nhiệm vụ mà chính kẻ áp bức tuyên truyền hàng ngày thì lương tâm thúc đẩy họ phải lên tiếng, hành động cho dù biết hay không biết hậu quả sẽ như thế nào.
Dĩ nhiên nhà nước sẽ thẳng tay trừng trị vì họ biết những người có lương tâm như vậy chỉ là thiểu số nhưng nếu không dập tắt thì sự phản kháng sẽ lan rộng, gây bất ổn xã hội là điều cộng sản lo sợ nhất cho chế độ độc tài. Cô lập loại người này theo thời gian sẽ chận hiểm họa đe dọa sự cai trị của cộng sản vì cộng sản biết họ không có ý thức chính trị (lý thuyết) dễ có thể trở thành mối nguy hiểm lâu dài cho chế độ. Đã có những tù nhân lương tâm bị đẩy ra nước ngoài. Lương tâm của họ vẫn còn đó nhưng họ sẽ làm gì để giúp những người còn lương tâm trong nước?
Tù nhân lương tâm là những người chiến sĩ đơn độc. Họ đứng lên vì không thể chấp nhận sự đàn áp của chính quyền đối với một số người dân. Nhưng chính họ và những nạn nhân cũng bị nhà nước cô lập vì công an bao vây, báo chí chỉ là tay chân của nhà nước sẽ không phổ biến tiếng nói của họ. Hàng xóm, thân nhân của họ bị đe dọa. Và đám đông còn lại ngó lơ vì chỉ muốn an phận sống qua ngày. Thiếu lãnh đạo và bị cô lập thì không có cuộc đấu tranh nào có thể tồn tại.
III. Nhân quyền
Những người đấu tranh cho nhân quyền tại VN đều hiểu bản chất của chế độ cộng sản là giả dối. Ngay cả hiến pháp của nhà nước cộng sản cũng chỉ là trò hề che mắt thế giới. Nhưng vì không thể chống chế độ cộng sản bằng võ trang nên họ chọn con đường thách thức với bạo quyền qua tiếng nói. Dù biết rằng họ không thể thắng khi cả hệ thống chính quyền, tòa án, báo chí, công an… đều do đảng quyết định trong bóng tối thì cuộc đấu tranh của họ chỉ cố đem ra trước ánh sáng dư luận những gian dối của chế độ độc tài và ghi nhận tội ác của cộng sản trước lịch sử dân tộc.
Những người đấu tranh cho nhân quyền không hy vọng gì cộng sản sẽ thay đổi hiến pháp hay nhân quyền vì nếu người dân có nhân quyền có nghĩa là chế độ sẽ mất quyền lực cai trị. Chọn con đường nhân quyền thì ít nhất họ cũng có lý luận, suy nghĩ nhưng vì sao từng cá nhân đấu tranh xuất hiện là bị cô lập, cuộc xử án họ cũng xảy ra rất nhanh và gọn. Cuối cùng là tù đày hay bị trục xuất ra khỏi nước. Cuộc đấu tranh của họ hầu như chỉ là cá nhân vì không thể lan rộng hay ảnh hưởng tới quần chúng. Tuy vậy vẫn có người tiếp nối nhưng họ có học được bài học của người đi trước hay không? Kết quả rõ ràng nhất là thế giới tiếp tục ghi nhận VN là nước vi phạm nhân quyền cao nhất. Nhưng rồi thế giới vẫn giao thương với VN và chế độ cộng sản vẫn tồn tại.
Vậy cựu tù nhân đấu tranh cho nhân quyền khi ra khỏi nước sẽ làm gì để giúp những người đã và đang đấu tranh cho nhân quyền trong nước? Chúng ta, người Việt hải ngoại, đã hiểu gì nhân quyền (của quốc gia đang cư ngụ) và làm như thế nào để sử dụng “nhân quyền” trong cuộc chiến chống độc tài cộng sản?
Mặt trận nhân quyền không thể đứng đơn độc. Nhân quyền cần liên kết với các tổ chức chính trị để phối hợp trong cuộc chiến đem lại tự do, dân chủ cho VN. Vậy thì các tù nhân chính trị đã làm gì?
IV. Tù nhân chính trị
Đã là tù nhân chính trị tất nhiên họ đã có ý thức chính trị về độc tài cộng sản và không cộng sản. Nhưng khi chọn đấu tranh chính trị họ tất hiểu rằng con đường đó có rất ít hy vọng thành công mà có nhiều cơ hội vào tù. Cũng như tù nhân lương tâm hay nhân quyền, họ không thể ngồi yên trước sự cai trị của chế độ độc tài cộng sản. Sự xuất hiện của họ chỉ là cái gai trước mắt chế độ cần phải dẹp bỏ. Họ cũng chấp nhận làm vật đổi chác giữa chế độ cộng sản và thế giới để có chút cải thiện cho đời sống người dân. Nhưng rồi họ cũng chung số phận tù đày và cuối cùng bị đưa ra nước ngoài. Cuộc đấu tranh bị cắt đứt liên lạc với quần chúng thì sẽ không còn đe dọa chế độ nữa.
Vậy cuộc đấu tranh chính trị trong nước sẽ như thế nào khi cá nhân đấu tranh bị cô lập với đám đông? Họ có tổ chức, lãnh đạo hay không? Hay cũng chỉ vì lương tâm thúc bách nên phải hành động? Đấu tranh chống chế độ độc tài cộng sản không phải trò chơi cút bắt của trẻ con. Nếu họ biết rằng chủ trương của cộng sản là “giết lầm còn hơn bỏ sót” và lịch sử đã cho thấy khi cộng sản nhận diện những ai nguy hiểm cho sự tồn vong của chúng thì với bất cứ giá nào phải loại bỏ chứ không có chuyện tha lầm hay đưa đi nước ngoài (bài học của Trotsky cần phải ghi nhớ bởi những người muốn chống cộng).
Đã đi vào lãnh vực chính trị thì tầm nhìn, suy nghĩ, lý luận của họ phải hơn những người đấu tranh vì nhân quyền hay lương tâm. Vậy thì từ khi còn trong nước họ đã suy nghĩ như thế nào và ngày nay, ở hải ngoại, họ đã suy nghĩ những gì?
Tất cả đều có kinh nghiệm với chế độ và con người cộng sản. Có thể họ chưa nắm vững về sinh hoạt dân chủ nhưng đó là con đường phải đi qua để có thể giúp đỡ những thế hệ sau tiếp nối cuộc đấu tranh của họ vì đó là bản chất của con người “Sống”.
Vì sao họ chưa ngồi lại với nhau? Vì lương tâm? Vì nhân quyền? Hay khác biệt chính kiến? Hay tôn giáo?
V. Tôn giáo
Tìm hiểu các tôn giáo, chúng ta đều thấy sự kêu gọi đời sống đạo đức, giúp đỡ người khác, sống lương thiện…. Nói chung là làm điều tốt cho bản thân và xã hội. Nhưng nhìn vào thực tế của thời đại khi tôn giáo đã thành lập ít nhất 2000 năm trước thì giáo điều trở thành sáo ngữ vì chẳng còn ai sống theo lời dạy của vị sáng lập. Nếu có thì họ đã không xuất hiện trong đời thường. Mà đã xuất hiện trong đời thường thì đa số là đồ giả. Nhưng vì con người sống cần có niềm tin cho nên những kẻ rao bán niềm tin vẫn sống thịnh vượng.
Đặc biệt là tại các nước nghèo, thiếu thốn đủ thứ vật chất thì món ăn tinh thần là niềm tin càng đắt giá. Các tôn giáo đã phát triển mạnh tại các nước nghèo, độc tài là điều không tránh được. Cộng sản tuy ban đầu chống tôn giáo kịch liệt nhưng sau khi đổi mới thì cộng sản thấy rằng “tự do” tôn giáo có lợi cho sự cai trị nếu dân chúng và tôn giáo không chống lại sự độc tôn của đảng cộng sản. Tuy nhiên sự kiểm soát của đảng đôi khi gây xung đột với tín đồ vì cộng sản vẫn e ngại sự tu tập, truyền đạo sẽ dẫn đến âm mưu chống chế độ.
Niềm tin và sự kiểm soát quần chúng dẫn đến xung đột giữa giáo hội và chính quyền. Tại Trung Hoa và VN thì tôn giáo vẫn còn hoạt động cho tới khi nhà nước cảm thấy bất an thì ngăn cấm. Giáo dân chống đối cũng giống như các nhà đấu tranh vì lương tâm, nhân quyền hay chính trị nhưng họ có lãnh đạo, tổ chức. Đó là điều chính quyền e ngại nhất.
Nhưng như chúng ta thấy khi Công Giáo biểu tình thì các tôn giáo khác im lặng. Khi Phật Giáo biểu tình thì cũng vậy. Vì mạnh ai nấy lo nên nhà nước có cơ hội dẹp từng nhóm. Vì lý do nào đó mà không có sự kết hợp thì chỉ có người trong cuộc mới trả lời nổi.
Nếu quốc gia, dân tộc là một thì cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ phải đồng nhất. Nếu vì tôn giáo (hay đức tin) mà chia rẽ trong công cuộc chống bạo quyền độc tài thì đó không còn là tôn giáo mà là tà giáo (cult).
Có thể nào con người tu dưỡng để có Nhân chủ và xây dựng dân chủ mà không đi qua tôn giáo?
Trần Công Lân
Tháng 2 năm 2023 (Việt lịch 4902)

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s