Con người sống trong xã hội thì mọi sinh hoạt, tương tác đều có ý nghĩa chính trị nhưng đa số không ý thức đó là chính trị. “Giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị” (Lý Đông A). Vậy giáo dục như thế nào để con người có ý thức về chính trị? Phải chăng như người Nhật giáo dục đứa trẻ đặt sự quan tâm đến cộng đồng, tập thể lên trên bản thân sẽ dẫn đến ý thức chính trị? Hay như sự giáo dục đứa trẻ về giấc mơ Mỹ (American dream) là sống hạnh phúc? Hay sống dân chủ, tự do, nhân quyền, cơ hội và bình đẳng sẽ dẫn đến ý thức chính trị?
Vậy đâu là từng bước khởi đi từ cá nhân con người đến tập thể xã hội và ý thức chính trị phát xuất từ đâu? Trước khi con người gia nhập hay tạo dựng một cộng đồng, bộ lạc (xã hội) thì tự bản thân đã có suy nghĩ, hành động để đối xử với những biến cố xảy ra trong cuộc sống hàng ngày? Nếu “quan sát là khởi điểm và chung điểm của giáo dục” (Krishnamurti) thì mọi sự kiện xảy ra trong đời sống, xã hội mà mọi người đều thấy, trải qua nhưng ai thực sự là “người quan sát”? Cũng là thấy, chứng kiến nhưng mỗi người sẽ suy nghĩ, nhận xét khác nhau, và quyết định là nhớ hay quên trong ký ức. Tiến trình thu nhận các sự kiện bên ngoài để tiêu hóa và tồn trữ trong trí nhớ mỗi người dần dần tạo nên cá tính, tính tình, cư xử của một cá thể. Và cá thể đó dùng vốn liếng thu thập được để đối phó với đời sống xã hội. Trên mặt luật lệ và trật tự thì đó là chính trị, về quyền lợi thì đó là kinh tế.
Vậy chúng ta hãy khảo sát tương quan giữa con người và ý thức chính trị.
1.Tự nhiên, tư tưởng và xã hội thống nhất
Khi con người sống trong thiên nhiên thì tìm mọi cách để hòa hợp với thiên nhiên mà tồn tại. Người sống gần rừng thì săn bắn; gần biển thì chài lưới, đánh cá; sống đồng bằng thì trồng trọt. Đặc biệt khi con người phải sống nơi khí hậu khắc nghiệt như sa mạc hay băng tuyết thì phải thích ứng với khí hậu cũng như thổ sản địa phương có thể cung ứng thực phẩm và họ sống từ thế hệ này qua thế hệ khác. Sự tồn tại và phát triển của con người cho thấy phải suy nghĩ (tư tưởng); và qua xã hội loài người thì mọi ý kiến phải được trao đổi, phối hợp để thành sản phẩm chung như nhà cửa, đường xá, trường học, buôn bán… và cuối cùng là chính quyền. Vậy 3 yếu tố: thiên nhiên, con người và xã hội phải hợp nhất (thống nhất) để tạo thành một đơn vị: quốc gia.
Một khi thiên nhiên gây biến cố (thiên tai) hay con người thiếu suy nghĩ (giáo dục, triết học) hoặc xã hội con người có bất đồng ý kiến đưa đến xung đột thì “quốc gia” đó sẽ bị hủy diệt. Như vậy mối tương quan giữa con người (hay xã hội) với thiên nhiên là quan trọng. Và tương quan giữa người với người để kết thành xã hội cũng là quan trọng. Đó là Hiến Pháp.
2.Triết học, sử học và khoa học thống nhất
Lịch sử loài người cho thấy con người tiến bộ qua những phát minh, suy nghĩ về đời sống, văn hóa, khoa học…. Những nền văn minh Hy Lạp, Ai Cập phát xuất từ những nhà triết gia suy nghĩ những điều khôn ngoan nhất để chỉ đường cho con người hành động. Con người có thể hành động tùy ý muốn nhưng đa số là có suy nghĩ để chọn lựa cái hay, đẹp (triết học) qua kinh nghiệm quá khứ (lịch sử) để làm cho tốt đẹp hợp lý hơn (khoa học). Như vậy để tránh tái diễn những lỗi lầm lịch sử, thỏa tính tò mò qua phương thức khoa học để phát triển trong hướng đi hoàn thiện nhất của triết học. Có như vậy đời sống con người mới thăng hoa, hòa bình, thịnh vượng.
Nếu không thì chúng ta đã thấy sai lầm của triết học Marx. Chúng ta thấy sai lầm của các chế độ độc tài tái diễn những lỗi lầm lịch sử qua chiến tranh. Chúng ta thấy sai lầm của khoa học khi sáng chế những vũ khí hủy diệt loài người, phá hoại môi sinh. Do đó nhu cầu thống nhất giữa triết học (suy nghĩ), khoa học (hành động), lịch sử (kết quả) cần được chú ý nơi mỗi cá nhân, mỗi xã hội.
3.Bản thể luận, nhận thức luận và phương pháp luận thống nhất
Mỗi cá nhân bị giam hãm trong một hình hài với giới hạn về thể chất (bản thể luận). Tùy theo thể chất và tinh thần khỏe hay yếu, lành mạnh hay bệnh hoạn sẽ khiến cá nhân đó có những suy nghĩ, nhận thức (nhận thức luận) về đời sống, hoàn cảnh xung quanh để ứng xử. Khi có những người sống trong cùng hoàn cảnh, thời gian, biến cố (thí dụ: người VN sống tại miền Nam từ 1954-1975) đã có những nhận thức khác biệt qua những suy luận khác nhau vì cá tính, kiến thức, lối sống của từng cá nhân. Và tùy theo mỗi cá nhân đó sẽ dẫn đến phương thức (phương pháp luận) suy luận, lý luận. Khi con người sống tùy thuộc hoàn cảnh địa lý, cơ thể bẩm sinh và điều kiện xã hội sẽ hợp nhất thành cuộc sống của cá nhân.
4.Duy tâm, duy vật, duy sinh quan thống nhất trong dân sinh thực hiện quan
Trình độ văn minh của loài người được đóng góp qua giáo dục. Giáo dục từ học đường hay ngoài đời qua sự quan sát được đúc kết với thời gian để trở thành những hệ thống triết học Duy Tâm, Duy Vật, Duy Sinh, Duy Văn…. Mỗi hệ thống có những hay, dở của thời đại mà con người phải duyệt qua để tránh sự tái diễn trong tương lai. Triết gia không phải là những người suy tư để làm giàu (kinh tế) hay tham vọng quyền lực (làm chính trị) mà để cải tiến trình độ sống của con người trong xã hội (dân sinh thực hiện quan). Triết học là giới hạn cuối cùng của con người trước khi đi vào thế giới tâm linh (tôn giáo) huyền hoặc với những sự kiện mà con người không giải thích được. Nếu chính trị giới hạn con người trong biên giới của quốc gia, chủng tộc thì Triết học giúp con người vượt qua khỏi những rào cản của địa phương để tạo sự thông cảm (hay tranh chấp) giữa loài người.
Do đó các nhà chính trị, kinh tế thường tự cho vai trò của mình là quan trọng để bỏ qua những quan niệm triết học (trình bày về nhân sinh quan của con người qua thời đại, không giới hạn biên giới quốc gia) mà chỉ chú trọng đến mục đích hạn hẹp của một hướng đi, tiến trình, cho một quốc gia qua những kế hoạch thiếu chiều sâu, thiếu uyển chuyển, đa diện…. Một khi loài người thiếu một nhân sinh quan thống nhất (nhân quyền) vì khác biệt chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, chính trị thì sự hiện diện của một Liên Hiệp Quốc sẽ không hữu hiệu để giải quyết các xung đột thế giới.
Con Người và Chính Trị (P2)
Trần Công Lân
Tháng 9 năm 2022 (Việt lịch 4901)