Bạn thân
Khi khoa học kỹ thuật càng ngày càng được tân tiến để mọi người có thể biết tin tức trong vòng vài phút sau khi sự kiện xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới này thì chuyện lừa gạt cũng được gia tăng với trình độ lừa gạt được nâng cấp theo trình độ của khoa học kỹ thuật.
Ngày xưa khi ai đó muốn lừa gạt người khác thì bỏ tiền ra quảng cáo trên facebook để người mua có thể vào đường dẫn vào một trang mạng khác để chọn món đồ mình mua và trả bằng thẻ tín dụng hay thẻ debit. Người mua sẽ chờ mãi mà món đồ không hề đến cho đến khi liên lạc với địa chỉ trên mạng hoặc gọi điện thoại thì sẽ được trả lời vòng vo tam quốc và cuối cùng thì người mua biết rằng mình bị lừa gạt.
Ai sử dụng thẻ tín dụng thì có thể được trả tiền lại còn sử dụng thẻ debit thì xem ra khó mà được trả tiền. Người lừa gạt sẽ mở cửa mạng một thời gian và sẽ đóng trang mạng sau khi đã thực hiện được một số tiền lừa gạt để trang trải quảng cáo trên facebook và dư một số tiền khá lớn nếu so với quốc gia mà người lừa gạt cư trú. Thường những vụ lừa gạt này nạn nhân là người ở Mỹ và người lừa gạt ở ngoài Mỹ. Nhân viên an ninh không có đủ thời gian, nhân lực, chưa kể không có luật để áp dụng với người ngoài Mỹ cho nên đành bó tay cho những vụ lừa gạt này.
Hai năm trở lại đây thì sự lừa gạt được nâng cấp để chứng minh với nhà băng và công ty thẻ tín dụng là họ không lừa gạt bằng chứng là họ có gửi món hàng đó đi qua giấy tờ của công ty dy chuyển mà đa số sử dụng hệ thống bưu điện của Hoa Kỳ.
Bạn có thể mua một kệ đựng sách thật đẹp, to nhưng kẻ lường gạt có thể gửi một món hàng rẻ tiền, nhỏ (không phải là kệ sách mà là một món hàng vài đô sản xuất từ bên Tàu) để khỏi tốn nhiều tiền chuyên chở bởi mục đích chính của người lừa gạt là có giấy tờ chứng minh là họ có gửi ra món đồ đó đến địa chỉ người mua.
Người mua nhận được món đồ nhưng không hề nghĩ đó là món đồ mình mua bởi đó là một thứ đồ tạm gọi là đồ bỏ (junk), cho nên người mua vứt vào sọt rác vì có những công ty hay gửi những loại đồ bỏ này để quảng cáo. Tuy nhiên ở trường hợp này, bạn khó mà có thể đòi lại số tiền từ thẻ tín dụng bởi người lừa gạt đã chứng minh là họ có gửi món đồ đó ra.
Đã có người Việt bị lừa gạt kiểu này hai lần và cả hai lần đều từ quảng cáo trên facebook. Dĩ nhiên facebook không hề chịu trách nhiệm về chuyện này dù rằng họ tạo ra sân chơi cho người lừa gạt tung mẻ lừa gạt từ những người dân sống tại Mỹ, chưa kể người lừa gạt không hề sống ở Mỹ.
Khi xem một quảng cáo nào đó trên facebook với nội dung khó tin (thí dụ Iphone hoặc máy vi tính Dell giá dưới 200 đô) thì bảo đảm đó là một quảng cáo lừa gạt. Bạn có thời gian đọc những lời bình luận bên dưới để thấy nhiều người chỉ ra sự lừa gạt này nhưng có bao nhiêu người đọc những lời bình luận trên? Và khi ai đó báo cho facebook biết đó là quảng cáo lừa gạt thì facebook sẽ phản ứng ra sao?
Để tránh sự lừa gạt này, bạn nên chịu khó chọn những website mà bạn tin tưởng thay vì dựa vào những quảng cáo qua mạng xã hội, đặc biệt là trên facebook. Nếu bạn có mua hàng nào đó và tình cờ nhận món hàng thuộc loại loại đồ bỏ thì đừng vội vứt đi. Giữ món hàng đó với toàn bộ bao thư mà người gửi dùng để gửi hàng. Giữ những dữ kiện trên thì hy vọng bạn có thể lấy lại tiền từ thẻ tín dụng bởi bạn chứng minh cho công ty thẻ tín dụng biết là món hàng bạn nhận không phải là món hàng bạn thực sự đã mua.
Thời đại của mạng tuy có đem lại lợi ích nhưng đồng thời tạo ra những trò chơi lừa gạt càng ngày càng tinh vi. Có lẽ tốt nhất chúng ta trở lại thời kỳ đi mua đồ bằng cách đến thẳng chợ hoặc mua đồ từ những công ty, những trang mạng được nhiều người biết đến thay vì mua những món đồ từ những những trang mạng sáng mở ngày hôm sau đóng khi đã đạt được lợi nhuận của sự lừa gạt qua quảng cáo trên các mạng xã hội.
Trần Thị Lan Anh
Tháng 10 năm 2022 (Việt lịch 4901)