Con Người và Chính Trị (P2)

5.Đạo kỷ là tự kỷ nguyên nhân
Con người sơ khai sống biết từng ngày. Khi trình độ suy nghĩ, lý luận của con người phát triển thì con người nhìn về cuộc sống của mình xa hơn là từng ngày mà là suốt đời người. Trong triết học thì đó là Đạo (con đường). Khi mỗi cá nhân tự chọn (tự kỷ) cho mình một con đường, một lối sống (đạo kỷ) là nguyên nhân đưa đến sự thay đổi cuộc sống của mỗi cá nhân và cuối cùng là thay đổi của xã hội.
Vậy “con người thay đổi xã hội hay xã hội thay đổi con người”? Có hay không là ở “đạo kỷ” vì con người ai cũng có thể tự kỷ (tự biết về mình, nếu có quan tâm) nhưng để có đạo kỷ thì không phải ai cũng đạt được hay tìm được. Vì là con đường (đạo) nên nhiều người có thể đi chung đường mà không bị cái “tôi” gây xung đột.
Khi xã hội đề cao tự do cá nhân (nước Mỹ) thì sẽ tạo cơ hội cho cá nhân phát triển đôi khi vượt quá và gây xung đột với cá nhân khác hay xã hội. Nhưng khi xã hội (tập hợp bởi cá nhân) đồng ý giáo dục đứa trẻ ý thức về sự quan trọng của tập thể (xã hội) qua cách cư xử, quyền lợi, trách nhiệm… để giảm gánh nặng cho chính quyền phải gánh vác hay giải quyết và thường chỉ hiệu lực trên mức độ cao (macro) chứ không giúp ích các chi tiết (micro) của từng lãnh vực, khu vực hay tình trạng người dân trong cộng đồng hay địa dư. Giáo dục từ trong gia đình đóng góp cho sự phát triển của đứa trẻ. Nhưng giáo dục nào sẽ xây dựng đứa trẻ thành con người có suy nghĩ độc lập (tự chủ) hay bị đóng khuôn bởi tập tục, giáo điều mà xã hội áp chế lên mỗi thành viên trong xã hội?
6.Tinh thần và vật chất hỗ tương nguyên nhân
Con người kết tụ bởi tinh thần và thể chất. Tinh thần điều khiển và kiểm soát thể chất. Thể chất hoạt động để nuôi dưỡng tinh thần. Khi con người suy nghĩ và hành động sai lầm có thể gây hại cho thể chất. Cũng như thể chất bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tinh thần. Tính chất “hỗ tương” là yếu tố bắt buộc không thể thiếu nơi mỗi cá nhân trong cuộc sống. Vậy mỗi cá nhân có “tự kỷ” để điều hòa cân bằng tương quan giữa tinh thần và vật chất hay không?
7.Vận động và kết hợp hỗ tương nguyên nhân
Mọi hành động của con người trải qua 3 giai đoạn: trước khi hành động, trong lúc hành động và sau khi hành động. Người khôn ngoan, chu đáo là phải có vận động trước khi hành động. Khi hành động phải đạt đến sự kết hợp để có được kết quả vì một cá nhân, tổ chức không thể bao gồm mọi chuyện. Có thành phần khác tham dự là phải có kết hợp. Kết hợp không chu đáo sẽ gây sơ hở, đổ vỡ dẫn đến thất bại. Do đó mọi hỗ tương, tương quan phải có nguyên nhân chứ không thể nào là vô cớ mà thành cho dù là “bất chiến tự nhiên thành”.
8.Bản vị và cơ năng hỗ tương nguyên nhân
Trên bình diện xã hội, con người phải đứng vào một vị trí, vị thế (bản vị) nào đó trong xã hội và phải có hoạt động (cơ năng) tương xứng với vai trò hay vị thế của cá nhân. Khi con người thăng tiến trong địa vị xã hội hay ngành nghề và mỗi chức vụ có vai trò nhiệm vụ tương xứng. Một khi vai trò cao mà nhiệm vụ sơ sài hay nhẹ nhàng thì đó bắt đầu bất công xã hội hay sự bóc lột cấp dưới. Cá nhân phải ý thức một khi khởi tâm muốn một bản vị, địa vị thì phải chấp nhận trách nhiệm tương xứng.
8.1.Xã hội với Tự nhiên đối lập thống nhất
Xã hội hay tập thể sống trong một đơn vị quốc gia với lãnh thổ, địa dư nhất định thì tất nhiên phải thích ứng để tồn tại dù thích hay không thích. Mọi hoạt động chính trị, kinh tế sẽ dựa trên khả năng thống nhất (phối hợp) tập dân chúng tham dự hay phát triển sinh hoạt dựa trên điều kiện địa lý (tự nhiên hay thiên nhiên) để đạt hiệu quả tối đa. Sẽ có những nhóm (tổ chức, đảng) đưa ra chương trình, kế hoạch xây dựng đất nước qua sinh hoạt dân chủ để cầm quyền. Và xã hội (người dân) có tham dự đóng góp hay chống đối và bị đàn áp là sự khác biệt giữa chế độ dân chủ hay độc tài.
8.2.Cá thể với toàn thể đối lập thống nhất
Con người từ gia đình ra đến xã hội, mỗi cá thể phải đối phó với nhiều hạng người với hiểu biết khác nhau trong phạm vi nhỏ đến phạm vi lớn (toàn quốc). Trong tiến trình đó sẽ có những hoàn cảnh, điều kiện thuận hay nghịch và mỗi cá nhân sẽ chấp nhận, phủ nhận hay tranh đấu để vươn lên vì một mục đích nào đó cho cuộc sống. Nói cách khác khi đứa trẻ lớn lên trong một xã hội mà nó không chấp nhận những điều kiện, luật lệ, tập tục, giáo dục áp chế lên bản thân thì nó sẽ tìm cách phản kháng. Nếu yếu hay sai thì sẽ phải hội nhập hay bị đào thải. Nhưng nếu nó đúng và phát triển thì sẽ là cuộc chuyển hóa xã hội. Do đó vai trò của cá thể với toàn thể giống như sinh hoạt của một dân biểu trong quốc hội. Cho dù là đối lập nhưng phải thống nhất. (Xem “Đối lập chính trị” của Nguyễn Văn Bông).
8.3.Thời gian với tiến hóa đối lập thống nhất
Con người sống và bị chi phối bởi thời gian và không gian. Theo thời gian con người suy nghĩ, học hỏi, phát triển với kiến thức thu thập được. Người đi sau học hỏi những kinh nghiệm, thành quả của người đi trước để tiếp tục phát triển sự tiến hóa. Trải qua những thời đại của chiến tranh hay hòa bình, suy tàn hay thịnh vượng thì sự tiến hóa của loài người sẽ có khuynh hướng tốt, xấu…. Tương quan đó đã được ghi nhận qua lịch sử sinh hoạt của loài người vì trí khôn của con người tiếp tục tiến hóa theo thời gian. Thời gian trôi qua, thiên nhiên biến đổi, con người tiến bộ để tồn tại hay ngừng lại, thoái hóa và bị đào thải.
9.Hỗ tương nguyên nhân là tự kỷ nguyên nhân
Con người sống trong một xã hội tất nhiên phải giao tiếp với cá nhân khác. Từ suy tư của cá nhân sẽ thúc đẩy nhu cầu giao tiếp với nhân vật A hay B để trao đổi ý kiến hay hợp tác hành động. Hay trong tình cờ của đời sống phải tiếp xúc với D hay C tạo dịp may để suy tư về vấn đề XYZ, giúp đỡ qua lại trong cuộc sống, công việc. Và đó là sự hỗ tương giữa con người với con người, tổ chức với tổ chức đem lại kết quả cho việc phát triển xã hội. Do đó tương quan giữa người và người sẽ do mỗi cá nhân tự quyết định hướng đi, sự cam kết, quyết tâm hay nỗ lực đóng góp qua mục đích, mức độ. Cá tính, đặc tính cũng như sự rèn luyện tu dưỡng của mỗi cá nhân trong tiến trình trưởng thành sẽ quyết định hành động với người khác tạo nên tương quan trong xã hội. Xã hội tiến bộ hay suy thoái tùy theo sự tham dự đóng góp của mỗi cá nhân.
Vậy mỗi cá nhân có chịu suy nghĩ về bản thân để sẵn sàng trao đổi (hỗ tương hay đối lập) với cá thể khác hay không? Từ đó phát sinh hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa….
Như vậy nếu bạn nói rằng: ”tôi không quan tâm đến chính trị” là bạn đã tự lừa dối chính mình và người đối thoại. Một xã hội sẽ không bình an khi sự giả dối lan tràn.
Trần Công Lân
Tháng 9 năm 2022 (Việt lịch 4901)

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s