Giải Luận: Dân Tộc (P19)

SỰ TÔN TRỌNG TỰ DO CỦA NHAU
Đạo đức có trong tự do-công bằng-bác ái của nhân loại đã được khẳng định bởi tiến bộ của dân chủ vì văn minh của nhân quyền. Tự do không phải muốn làm gì thì làm, không phải chuyện cá lớn nuốt cá bé của luật rừng man rợ mạnh được yếu thua, đang xảy ra ngay trên quê hương Việt là trộm cắp đất đai song hành cùng cướp giật nhà cửa của dân lành biến họ thành dân oan; hoàn toàn không phải là áp sưu cao thuế nặng, cùng lúc bóc lột tận xương tủy dân đen biến họ thành dân bụi. Tự do chỉ tồn tại trong bền vững của đạo lý, khi đạo đức của nó được đặt để trên nền móng của công bằng, chính công bằng bảo đảm, bảo trợ, bảo hành cho tự do bằng công lý, để tự do lớn này không ngấu, nghiến, nhai, nuốt tự do bé kia. Tự do có luân lý trách nhiệm của nó, vì nó luôn biết dựa vào gốc, rễ, cội, nguồn của công bằng làm nên nhân lý có bổn phận của nó. Đừng định nghĩa tự do một cách ngô nghê đến man rợ: tự do là muốn làm gì thì làm! Kể cả làm những chuyện vô nhân thất đức là cướp đất, phá nhà người khác. Việt tộc hãy giáo dục rồi giáo dưỡng nhau như các dân tộc văn minh khác đã thực hiện thành công khi họ biến ý thức về tự do thành nhận thức về công bằng: hành động về tự do của tôi sẽ ngừng ngay trước hành tác về tự do của tha nhân! Đây là sự tôn trọng tự do của nhau, cho nhau, vì nhau, đây chính là giá trị của giá trị.

ĐỒNG BÀO LANG THANG RỒI QỤY GỤC TRÊN VỈA HÈ, GÓC PHỐ
Tự do hành động vì tư lợi của mình là một quyền hạn, tự do xây dựng tư lợi của mình có thể được xem như là một giá trị của dân chủ; nhưng giá trị của giá trị là quy luật làm nên nhân luật về công bằng giữa các công dân, nơi mà công bằng phải ngăn chặn cho bằng được chuyện tư lợi này không giết hại tư lợi kia. Nhìn cảnh đầu đường xó chợ để thấy sự thật của nạn nhân, để nhận ra chân lý của công bằng làm nên lẽ phải của tự do là: mỗi lần chính bạn mắt thấy tai nghe thảm cảnh đầu đường xó chợ, thì bạn phải thấy các nạn nhân mất đất, mất nhà đã bị cướp đi công bằng, và có ngày chính bạn sẽ mất công bằng lẫn tự do. Thấy hiện tượng nhiều đồng bào lang thang rồi qụy gục trên vỉa hè, góc phố, thì ta cũng nên đi tìm hiểu nguyên nhân tại sao số lượng đồng bào vô gia cư lại nhiều như vậy? Hãy nhận ra đây có thể là một trong hàng chục ngàn người đã bị cưỡng chế đất tại Thủ Thiêm từ hơn 20 năm qua; đây cũng có thể là một trong hàng trăm người đã bị đập tan nhà cửa tại vườn rau Lộc Hưng, năm 2019…. Chưa hết, đây có thể là một trong hàng chục ngàn người mới bị xua đuổi khỏi Campuchia, trở về lại quê hương với «biệt danh»: người Việt không căn cước, hàng chục ngàn đồng bào đang qụy gục tại Tây Ninh, lạc lõng tại Cồn Dầu… rồi lang thang, thất thểu, vật vờ tìm đường lên Thành Hồ để sống sót.

QUÊ HƯƠNG CỦA NHỮNG KẺ VÔ GIA CƯ?
Vô gia cư không hề là hiện tượng xã hội của một người, một gia đình, một xóm, một làng đang chịu thảm cảnh vô gia cư, mà của hàng triệu đồng bào đang mất đất, mất nhà ngay trên quê hương Việt, tạo nên hình ảnh qua trực quan của thế giới bên ngoài là Việt Nam có phải là quê hương của những kẻ vô gia cư? Nơi mà những nạn nhân mất đất, mất nhà đã cúi đầu-khoanh tay-quỳ gối, bây giờ trong hoạn cảnh màn trời chiếu đất đang gục đầu-xuôi tay-quỵ gối, đang vừa mất nhân vị và nhân quyền, vừa mất nhân bản và nhân phẩm. Một thảm cảnh có nguồn gốc của một bi nạn tới từ một chế độ độc đảng bám độc tài nhưng bất tài mà cứ ngày ngày chồng chất bao bất công; một cơ chế chỉ biết khư khư ôm ghì độc trị nhưng không biết quản trị gì về an sinh xã hội, mà chỉ biết bạo trị bằng công an trị qua trộm, cắp, cướp, giật đất nhà của nhân dân mình. Hệ luận của cộng hòa làm nên cho dân chủ là: Tự do, công bằng, bác ái phải được phân tích rành mạch và giải thích cặn kẽ trong thảm cảnh vô gia cư hiện nay của Việt tộc; và chúng ta nên bắt đầu bằng cách tách ra ngay trên thượng nguồn sự khác nhau giữa công bằng và bác ái. Công bằng, là nguyên tắc của pháp lý làm nên pháp luật, để công lý bảo vệ công dân bằng công luật; mà nguyên tắc của pháp lý thì được bảo trợ từ hiến pháp tới luật pháp.
Bác ái, là tình cảm giữa đồng loại biết xây dựng nên đạo lý đoàn kết trong gian nan, biết chế tác ra đạo đức tương trợ biết nâng đỡ nhau trong thăng trầm của nhân thế.
VIỆT KIỀU PHƯƠNG XA
Cho tới nay các thể chế cộng hòa văn minh cũng chưa pháp luật hóa được bác ái, cụ thể là không ai có thể bắt ai phải bác ái với tha nhân, với đồng loại. Chính đây là thử thách của tiến bộ nơi mà bác ái biết biến nhân phẩm riêng của một cá thể thành nhân phẩm chung của nhân loại. Chính đây là thách đố của văn minh nơi mà bác ái biết biến nhân vị riêng của một công dân thành nhân bản chung của một dân tộc. Chính bác ái sẽ biết xóa đi cái riêng ích kỷ để đưa nó vào cái chung của nhân đạo và nhân nghĩa để con người nhận ra nhân đức: Chung để chia và chia để chung, đây là tiền đề cho mọi vận dụng của các chính sách về công sản xã hội, và khi chúng ta biết tận dụng các quyết sách về công sản xã hội thì chính công sản xã hội sẽ xóa đi các tà sách của cộng sản tham nhũng! Một chuyện thật lạ đã hiện lên: các mảnh đời Việt chân trời cửa bể lại tụ họp, quây quần, gần gũi, khăng khít bên nhau… bất chấp khoảng cách địa lý. Đó là trường hợp các Việt kiều phương xa về thăm quê hương, cứ tưởng là họ thăm gia đình xong thì họ đi du lịch; cứ nghĩ là họ ăn mặc tha hồ, sắm sửa xa hoa, tiêu xài kênh kiệu. Không đâu! Có Việt kiều lẳng lặng đi bộ một mình trên các vỉa hè, đi quanh phố…. Sáng họ thấy người vô gia cư tàn tật này bán vé số bên ngã tư…. Trưa thấy một mẹ già ăn xin giữa nắng cháy…. Chiều thấy hai anh em lang thang dắt nhau đi bán bánh…. Tối thấy cả một gia đình qụy gục giữa công viên mà «chưa ăn uống gì cả»…. Và các Việt kiều phương xa này đã có mặt để nâng các đồng bào vô gia cư đứng dậy…

MẠNG LƯỚI TÌNH THƯƠNG
Đạo lý của ý thức đã đánh thức đạo đức của nhận thức, nơi mà xã hội học về quan hệ xã hội biến thành xã hội học về mạng lưới tương trợ (réseau d’entraide), nơi mà triết học luân lý về đoàn kết cộng đồng biến mạng lưới tình thương. Một chuyện không hề lý thuyết, các Việt kiều này tìm một trung gian địa phương rồi chuyển tiền giúp đỡ đồng bào vô gia cư. Một chuyện không hề mơ hồ trung gian địa phương làm cầu nối có kế toán, có sổ sách. Một chuyện không hề viễn vông, khi kẻ vô gia cư nhận tiền thì có chứng từ của biên lai, có chứng tích của vidéo. Một chuyện không hề xa vời mà rất cụ thể là kẻ vô gia cư nhận tiền và giải thích là mình sẽ sử dụng số tiền nhận để làm chuyện gì? Đầu tư vào phương án nào? Một gia đình bên Mỹ yêu cầu trung gian địa phương tặng 30 triệu đồng cho một bà mẹ có đứa con trai bị liệt não, dùng số tiền để chăm lo thuốc men cho nó cùng chăm lo sức khỏe cho chính bà. Một Việt kiều của Canada yêu cầu trung gian tặng 20 triệu đồng cho một bà cụ đã gần 80 tuổi lại phải nhặt bao nylon, thùng carton cả đêm… mà bán không được 50 ngàn đồng một ngày. Một Việt kiều tại Úc nhờ trung gian tặng 50 triệu đồng tới một ông cụ bán vé số, bị cụt cả hai chân, phải di chuyển bằng xe đẩy thấp sát đất… Còn bao Việt kiều nữa? Không ít! Còn bao người vô gia cư nữa cần được giúp đỡ? Nhiều lắm!
QUÊ CHA ĐẤT TỔ ĐÃ THÀNH ĐẤT CHẾT
Một chính quyền không chăm lo được an sinh xã hội cho đồng bào mình mà biết được các câu chuyện này Đồng bào xa… Việt kiều gần này thì phải biết nhục! Một chính quyền không chăm sóc được công ích xã hội cho dân tộc mình mà biết được các câu chuyện này Đồng bào xa… Việt kiều gần này thì phải thẹn! Nếu không biết nhục, không biết thẹn, thì chắc là loài vô tri trước đạo lý này của tổ tiên Việt: Ở đời ở kiếp chi đây/ Coi nhau như bát nước đầy thì hơn! Một nhóm người ngủ cùng một vỉa hè giữa phố thị, khi điều tra thực địa dùng phương pháp phỏng vấn đào sâu nguyên nhân về thảm họa không nhà, màn trời chiếu đất, thì mới biết được là họ chỉ mới quen biết nhau, họ không cùng quê quán, không cùng địa phương, nhưng họ cùng một nguyên nhân là họ phải rời quê cha đất tổ của họ giờ đã thành đất chết. Người đàn ông này đã hơn 50 tuổi, rời Hà Tĩnh sau thảm họa môi trường gây ra bởi Formosa, mới vào thành Hồ được một năm. Người đàn bà kia tới từ Hậu Giang, sau khi đất ruộng của gia đình bà đã chết vì ngập mặn, vào thành Hồ được ba năm. Gia đình này rời Quảng Ngãi sau khi «không còn gì để ăn», vào thành Hồ được sáu tháng. Mẹ con kia rời Long An sau khi «không còn gì để làm», vào thành Hồ mới ba tháng…. Cha con nọ rời một làng quê miền Bắc nay gọi là «làng ung thư» cạnh nhà máy nhiệt điện, sau khi gia đình đã mất đi 2 người…

OAN KHIÊN CHẤT CHỒNG
Trên một quê hương Việt xưa kia là: gấm vóc, nay có nhiều làng ung thư, ngày ngày thêm nhiều vùng là đất chết: Người chết, súc vật chết, cây cỏ chết, nguồn nước chết…. Một quê hương mà tuyên truyền ngu dân tự xảo ngôn trong điếm luận là một quê hương: «Chưa bao giờ được như thế này!», mà giờ đây có Hà Nội, có thành Hồ là hai thành phố bị ô nhiễm hàng đầu trong thống kê của thế giới. Trên một quê hương mà đồng bào phải bỏ quê, bỏ nhà vì phải bỏ cõi chết, để phải nhận oan kiếp màn trời chiếu đất thì mọi tuyên truyền mị dân phải biết xấu hổ! Trên một đất nước mà dân tộc đó phải bỏ đất, bỏ vườn như phải bỏ vực chết, để phải chịu tủi phận đầu đường xó chợ thì mọi tuyên giáo ngu dân phải biết độn thổ! Oan khiên chất chồng lên các mảnh đời chung vỉa hè khi gục quỵ, chung góc phố khi mệt lã…. Chung vỉa hè để chung kiếp vô cư! Ai hãnh diện trước thảm trạng này? Chỉ có bọn vô loài mới hãnh diện trên thảm cảnh của đồng loại! Một đất nước với bao đứa con tin yêu đấu tranh cho tự do, công bằng, bác ái bằng dân chủ vì nhân quyền, một sớm một chiều bị bắt bớ, tù đầy, trở thành các tù nhân lương tâm, bị nhốt chung với các loại tù hình sự. Nơi mà chỉ một câu của Tô Thùy Yên đã tổng kết được oan khiên của Việt tộc hiện nay: «chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau».
Giải Luận: Dân Tộc (P20)

Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s