CHA ĐỜI CÁI ÁO RÁCH NÀY, MẤT CHÚNG MẤT BẠN CŨNG MÀY ÁO ƠI
Cha đời cái áo rách này/ Mất chúng mất bạn cũng mày áo ơi, người ta nhận ra ngay kẻ bụi đời với quần áo rách rưới, còn trẻ bụi đời thì nhiều lúc không có quần áo gì cả, còn tệ hơn người rừng. Bạn ơi, nhân dạng qua nhân ảnh khi được quần áo bao bọc, thì quần áo đã làm được chuyện bảo vệ bề ngoài cho nhân cách, có ít nhiều dính dáng tới nhân phẩm, vì để bụi vào đời của mình thì nhân vị xem như đã thành bụi! Đói cho sạch rách cho thơm, là chuyện thường ngày cha mẹ dặn chúng ta khi ra đường, khi phải đối nhân xử thế, thì thơm và sạch vừa là nhân dạng, vừa là nhân cách của mỗi chúng ta. Vậy mà khi một đứa trẻ rơi vào cõi bụi đời, thì thơm và sạch là ước muốn mỗi ngày, là ước mơ cả đời của chúng; nên ai đang còn cha, còn mẹ, còn nhà… thì đừng chê, mắng, rủa, chửi trẻ bụi đời là không thơm và không sạch, là rách rưới và bẩn thỉu… nên hãy cẩn trọng! Vì kẻ nhục mạ người khác là không thơm và không sạch, thì miệng của kẻ đó đã không lành, và lưỡi của kẻ đó đã không sạch. Giấy rách phải giữ lấy lề, là đạo lý của gia giáo, mà cũng là luân lý trong xã hội giành cho những ai có cha, có mẹ, có gia đình, vừa được giáo dục vừa hưởng giáo dưỡng… cùng chỉ bảo cho nhau là phải tìm mọi cách giữ nhân phẩm bằng cách bảo vệ nhân vị; còn ngược lại nếu đã rơi vào cảnh bụi đời thì nhiều khi có áo rách để che thân mà không phải trần truồng đã là một cơ may.
KHÉO ĂN THÌ NO KHÉO CO THÌ ẤM?
Còn chuyện giữ lấy lề, là giữ nhân cách để nhân dạng không bị vùi dập, nên chuyện giữ lấy lề thật là khó, vì đã là bụi rồi, tức là đã rách tả tơi, đã nát tơi bời, đã tan thành bụi rồi, thì còn đâu lề, còn đâu lễ để mà giữ! Có những thành ngữ cứ tưởng nó mang giá trị vĩnh hằng để muôn đời cứ lấy ra xài (và xài lúc nào cũng được), thì đây là chuyện không đúng, có khi là không đàng hoàng, không tử tế trong họa cảnh của trẻ bụi đời Khéo ăn thì no khéo co thì ấm, câu này giúp ta vượt thoát khó khăn, vượt thắng trầm luân, vì nó mang nhân trí để ứng xử với nhân thế, nó tương đối hóa cái tuyệt đối của chuyện đói, chuyện lạnh là hai thử thách kinh hoàng của kiếp người, vậy mà nó nửa đúng, nửa sai trong kiếp bụi đời. Vì kiếp này là ngày đói-đêm lạnh, cho nên các khó khăn, các thăng trầm, các thử thách đều được “bình thường hóa” bởi trẻ bụi đời, chúng biến thành cái tuyệt đối của đói và lạnh, rồi chúng biến thành bình thường luôn cả cái thuở nào phải ra sức, phải gắng sức, phải cố sức lắm mới tương đối hóa được. Vì sống-sót-rồi-sống-còn trong kiếp bụi đời là đã “bình thường hóa” được địa ngục trần gian rồi!
HƠN NHAU TẤM ÁO MẢNH QUẦN; THẢ RA MÌNH TRẦN, AI CŨNG NHƯ AI!
Hơn nhau tấm áo mảnh quần/ Thả ra mình trần, ai cũng như ai, đây là câu chuyện tiền của, vật chất, tài chính… luôn là câu chuyện trầm trọng của kiếp người, vì không cơ sở kinh tế thì xem như trắng tay, mà kẻ trắng tay sẽ dễ mang kiếp bụi, vì rất dễ thành bụi đời! Mà đã thành bụi đời rồi thì các hiểm họa khác sẽ tới, đầu đường xó chợ vì không chốn nương thân; rồi dầm mưa dãi nắng trong tứ cố vô thân! Nghèo hèn giữa chợ ai chơi/ Giàu trong hang núi nhiều người hỏi thăm; đây là thói đời bình thường, nơi đây tư cách làm thấp đi nhân cách của những ai xem trọng tiền của, vật chất, tài chính… cùng lúc nó làm mất đi luôn phong cách trong phương cách đối nhân xử thế của họ. Câu chuyện: nhân cách, tư cách, phong cách thật lạ, không có phong cách thay đời hành thiện, thì đừng mong có tư cách cứu nhân độ thế; và không có phong cách lại không có tư cách, thì xem như đã bị mất đi phần lớn nhân cách rồi! Trong xã hội Việt hiện nay, mà tỷ phú đô la là trọc phú giữa đời lại tự xưng tên đại gia, qua khoe của, khoe tiền, làm trò phung phí trong vương giả (rất giả). Loài trưởng giả học làm sang (để quên đi là mình vô học) này nhìn mà không thấy, có khi thấy lại làm lơ trước bi cảnh lầm than của dân chúng, trước họa cảnh nheo nhóc của đồng bào, giữa cực cảnh của trẻ bụi đời thì nhân cách của loại tỷ phú mà trọc phú thích trác vàng lên thân để làm đại gia, thì chúng còn thấp hơn bụi đời, chúng là bụi bẩn, bụi nhơ: trọc kiếp trong điếm lộ!
“Ở ĐỜI Ở KIẾP CHI ĐÂY; XEM NHAU NHƯ BÁT NƯỚC ĐẦY THÌ HƠN”
Ở đời ở kiếp chi đây/ Xem nhau như bát nước đầy thì hơn, đây là câu chuyện thật hay, giúp kẻ trắng tay, người trắng kiếp, cụ thể là giúp trẻ bụi đời qua cơn hoạn nạn; và đạo lý của Việt tộc không những là chính đạo mà còn là minh đạo, trong cái liêm chính làm nên cái liêm sỉ đã có cái thông minh làm nên cái thông thái, đó là: xem nhau như bát nước đầy. Bạn ơi, bát nước đầy là bát nước chưa bị đổ, chưa bị rơi xuống đất, mà rơi xuống đất rồi thì không ai uống được nữa; bát nước đầy còn là bát nước chưa vơi, nên chúng ta có thể chia nhau mà uống, để cùng nhau sống còn trong nhân sinh đầy thử thách, trong nhân thế đầy thăng trầm, trong nhân tình đầy trắc trở này. Khi gặp trẻ mồ côi đang lạc lõng giữa phố thị, khi nhìn thấy trẻ bụi đời đang quỵ gục trên đường phố, vỉa hè, bạn nhớ lại câu này nhé, nhân phẩm của bạn sẽ được thăng hoa. Thức khuya mới biết đêm dài/ sống lâu mới biết con người có nhân, đây là câu chuyện thật sâu, vì tâm từ bi, lòng vị tha, tính rộng lượng làm nên tình thương là nội chất làm nên nhân phẩm sâu và cao, rộng và xa trong nhân kiếp, phải sống lâu mới thấy, mới hiểu, mới nhận ra để bảo vệ nhân vị của ta, mà cũng để phục hồi nhân cách kẻ đang chịu cảnh bụi đời. Không chỉ có kẻ bụi đời mới chịu cảnh sống bờ chết bụi, mà tất cả chúng ta đều chịu quy luật sống nay chết mai; nên tổ tiên Việt rất sáng suốt khi khuyên con cháu: bền người hơn bền của, nên ông bà ta rất tỉnh táo khi khuyên con cái: vì tình vì nghĩa, ai vì dĩa xôi đầy. Bụi đời cần người, cần tình, cần nghĩa để thoát kiếp bụi!
KẺ KHÓ ĐƯỢC VÀNG NGƯỜI SANG CẤT LẤY!
Con ơi nhớ lấy câu này/ Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan, đây là bi nạn của dân oan, họa cảnh của trẻ bụi đời, chính là tai họa của Việt tộc hiện nay, với lãnh đạo độc đảng sinh ra độc tài nhưng bất tài, độc trị nhưng không biết quản trị, dùng độc quyền để lạm quyền. Chúng chung chia với tà quyền tham quan bòn rút dân tộc qua tham nhũng, lại chống lưng cho ma quyền tham đất vì tham tiền biến dân chúng một sớm một chiều thành dân oan, có bao trẻ bụi đời hiện nay là nạn nhân của ba lực lượng quỷ ám trong trộm, cắp, cướp, giựt giữa ban ngày này: tà nghiệp trong điếm lộ! Trống chùa ai đánh thùng thùng/ Của chung ai khéo vẫy vùng làm riêng, đây là lý lịch, diện mạo (chân dung quyền lực) của bọn lãnh đạo độc đảng, tà quyền tham quan, ma quyền tham đất. Chúng lòn lách như âm binh để tránh luật, né luật, khi không thoát luật, thì chính chúng sẽ xé luật, xóa luật, vì bản chất của chúng chính là phản xạ của chúng, mà ông bà ta đã dặn con cháu phải thận trọng: kẻ khó được vàng người sang cướp lấy, mà người sang đây là có kẻ có quyền để lạm quyền. Chúng sống nhờ hành vi bẩm sinh của chúng là trộm, cắp, cướp, giựt mà chúng hay tráo đổi khái niệm, cướp chúng gọi là cất (kẻ khó được vàng người sang cất lấy) nên tổ tiên Việt dặn dò con cháu phải nhận diện ra chúng: Ăn no rồi lại nằm khì/ Mặc cho dân xiết, khốn nguy nhọc nhằn. Người sao kẻ quạt người hầu/ Người sao nắng dãi mưa dầu long đong, đây là hình ảnh của bất bình đẳng, trong xã hội Việt hiện nay.
ĂN MỘT MIẾNG TIẾNG MỘT ĐỜI
Nhân ảnh của bất công với bọn cướp có kẻ quạt người hầu, với dân đen trong nắng dãi mưa dầu, với dân oan long đong, có trẻ bụi đời trong địa ngục hiện tiền bị tạo ra bởi bọn trộm, cắp, cướp, giựt này! Trong quy luật bụi đời thì tha phương cầu thực, tức là tha phương từng ngày và cầu thực từng giờ; trong khi đó thì bọn âm binh lãnh đạo độc đảng, tà quyền tham quan, ma quyền tham đất thì đã để của cải bòn rút của dân lành bên phương Tây rồi. Nhưng ông bà ta cũng dặn chúng ta: không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, vì đời người là nắng sớm chiều mưa, nhất là luật nhân quả là có thật, vì nhân nào quả nấy, đây không phải là chuyện mê tín, mà là chân lý của cuộc sống. Tổ tiên Việt đã giáo dưỡng cho dân tộc Việt về hành vi bất lương, hành động bất chính: ăn một miếng tiếng một đời, đây chính là nhân học đạo lý làm nên nền móng cho triết học đạo đức. Vì trộm, cắp, cướp, giựt tiền bạc của chính đồng bào mình thì: khó nuốt trôi lắm!
NHÂN KẾT VIỆT
Nhân kết vừa là tổng kết, vừa là hùng lực của Nhân vị tin vào nhân lý, biết dựa vào nhân tri, được nâng cao bởi nhân trí. Nhân bản có nền là nhân văn, có gốc là nhân phẩm, mang rễ của nhân từ. Nhân nghĩa biết trợ lực cho nhân thế, biết trợ duyên cho nhân tình, để nhân loại biết «ăn ở có hậu» ở mãi với nhân duyên. Nhân kết Việt là thuật ngữ tới từ ít nhất là ba lập luận của Việt tộc: giống nòi Việt, gọi nhau là đồng bào vì cùng bào thai, vì cùng huyết thống. Dân tộc Việt, vì vậy có cùng một giòng sinh mệnh, sinh tử có nhau. Quê hương Việt, là mái nhà Việt để bảo vệ mọi công dân Việt. Nhân kết Việt, được tạo dựng qua ít nhất là ba lý luận của Việt tộc: kết thân, vì có cùng một giòng máu, «máu cháy ruột mềm». Kết gia, vì cùng là đồng bào, «anh em một nhà». Kết kiếp, vì là thân phận Việt biết, «một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ». Dân oan là con dân Việt, là đồng bào Việt, là dân tộc Việt, là giống nòi Việt, chia sẻ với chúng ta cùng một nhân kiếp Việt: Việt tộc không thể bỏ rơi dân oan!
DÂN OAN LÀ NẠN NHÂN CỦA THAM NHŨNG
Dân oan là nạn nhân của tham nhũng, tác giả là bọn tham quan tạo ra tham ô, vì tham tiền, nên hiện tượng luận nhân vị phải có lý luận để lột mặt nạ chúng, với hình ảnh như dữ kiện, như chứng từ; từ đó phân tích và giải thích để lý luận về bản chất bất nhân của hệ tham (tham nhũng, tham quan, tham ô, tham tiền). Một hiện tượng luận nhân vị chỉnh lý phải lý luận rành mạch về nội chất và nội dung của hệ tham này. Dân oan là nạn nhân của tham nhũng, nó là con đẻ của độc đảng lấy độc tài để xây dựng độc quyền, lấy độc trị để độc tôn, qua thủ thuật của bạo quyền, qua ma thuật của tà quyền, lấy âm binh công an trị để khổ sai hóa xã hội, lấy tuyên truyền một chiều để ngu dân hóa quần chúng, để rồi tha hóa mọi giá trị đạo đức của tổ tiên. Dân oan là nạn nhân của tham nhũng độc đảng, biến quyền lực thành quyền lợi, rồi biến quyền lợi thành tư lợi, nên chúng chính là tà quyền, là âm binh đang biến chất nhân phẩm Việt, bản sắc Việt, lương tâm Việt. Chúng là bọn cướp công ích của dân tộc, cướp công tài của đất nước, cướp công bằng xã hội, và chúng nhẫn tâm cướp luôn công lý của dân oan, vì chúng bất nhân, thất đức; nên một hiện tượng luận nhân vị phải có minh lý để thông suốt nhân vị của dân oan là một thực thể đại diện cho hệ công (công ích, công tài, công bằng, công lý).
DÂN OAN LÀ NẠN NHÂN CỦA THAM NHŨNG ĐỘC ĐẢNG TRONG TƯ LỢI CỦA TÀ QUYỀN
Dân oan là nạn nhân của tham nhũng độc đảng trong tư lợi của tà quyền; dân oan đấu tranh đòi lại đất của họ, để đòi lại hệ công (công ích, công tài, công bằng, công lý), bằng thái độ liêm chính, bằng hành động liêm sỉ, họ liêm khiết tự lời nói tới quyết tâm. Một hiện tượng luận nhân vị phải có trực lý để diễn luận rõ ràng dân oan đại diện cho hệ liêm (liêm chính, liêm sỉ, liêm khiết), họ chính là đại biểu cho sự thật xã hội, chân lý quần chúng, lẽ phải dân tộc. Dân oan là thực thể đại diện cho hệ công (công ích, công tài, công bằng, công lý), cả cho hệ liêm (liêm chính, liêm sỉ, liêm khiết), dân oan không thể bị bỏ rơi, dân oan không thể đơn độc trong cuộc đấu tranh vì nhân phẩm Việt, được xây dựng trên nhân vị của nhân bản, nhân văn bằng nhân nghĩa, nhân từ của Việt tộc. Chúng ta chung lưng đấu cật, song hành và gắn bó với tiếng gào, tiếng hét, tiếng thét của dân oan, họ đang lâm cảnh màn trời chiếu đất, họ chính là nhân nghĩa Việt phải có trong mỗi công dân Việt.
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).