KHÁC MÁU TANH LÒNG?
Khác máu thì là chuyện hiểu được vì không cùng huyết thống, nhưng sao lại phải tanh lòng với người dưng, với người lạ, nhất là với kẻ đang bơ vơ trong mồ côi, đang bụi đời trong cõi người? Một câu mới đọc tưởng là xuôi nghĩa, nhưng khi đọc kỹ để giải luận thì thấy nhân tâm ta bất ổn, ngẫm thật kỹ thì nhận ra nhân tính ta bất an. Khác nhau vì khác máu, khác người vì không cùng gia đình, thân tộc, chớ có gì đâu mà phải: tanh lòng với kẻ lạ, người ngoài? Cụm từ tanh lòng rùng rợn quá! Tanh lòng là nguội lòng, mà nguội tới độ tanh, tức là không ngửi được, không chấp nhận được, không sống chung được… có cái gì bất ổn trong cụm từ tanh lòng này, từ đạo lý của hay, đẹp, tốt, lành tới đạo đức giữa người với người khi sống phải chấp nhận nhau, có chấp nhận nhau mới tôn trọng lẫn nhau được. Cái bất ổn có ngay trong câu nói của kẻ thốt lên câu này, họ hoàn toàn chịu trách nhiệm về câu chữ, về ngôn ngữ, về khẩu nghiệp của họ! Chớ chẳng có ai khác vào đây tha lỗi hay nhận tội cho họ cả. Họ gạt người lạ, họ vất người dưng ra đường, họ ruồng rẫy trẻ mồ côi, họ xua đuổi trẻ bụi đời khi thốt ra câu: khác máu tanh lòng, thì chính người nghe thấy sự bất ổn trong tri thức của họ, thấy được sự bất an trong nhận thức của họ. Người nghe câu này thấy nhân sinh quan chật hẹp, thiếu vị tha ngay trong nhân tính không rộng lượng của họ; người nghe câu này thấy thế gian quan chật chội, thiếu khoan dung ngay trong nhân vị không khoan hồng của họ; người nghe câu này thấy vũ trụ quan bé xíu thiếu từ bi ngay trong nhân đạo không nhân dạng của họ.
MÁU NÀO THẮM THỊT NẤY?
Những kẻ sống ở cõi người mà mắt họ hí như mắt lương, tim họ bé như hạt cát, nên miệng họ khép như con rít! Họ sống mà không mở cửa, mở lòng, vì họ không cho phép kẻ khác, người lạ vào cõi của họ; vậy thì làm sao họ lớn, cao, sâu, rộng lên được ngay trong chính nhân từ của họ, vậy thì làm sao họ hay, đẹp, tốt, lành được ngay trong chính nhân phẩm của họ. Chỉ mong muốn là khi họ đứng trước trẻ mồ côi, ngồi trước trẻ bụi đời, họ đừng nói thêm những câu này: anh em hạt máu xẻ làm đôi, họ đừng khoe khoang anh em họ, mà làm đau lòng trẻ mồ côi, trẻ bụi đời. Rồi máu nào thắm thịt nấy, họ đừng ca ngợi gia đình họ, mà làm bầm gan trẻ mồ côi, trẻ bụi đời. Rồi ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn, họ đừng tôn vinh thân tộc họ, mà làm đứt ruột trẻ mồ côi, trẻ bụi đời. Rồi máu chảy ruột mềm, họ đừng thăng hoa thân quyến họ, mà làm lộn não trẻ mồ côi, trẻ bụi đời. Cái ích kỷ thống tộc lộ ra trong Trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy, họ đừng tự kiêu thống tộc họ mà làm tím mật trẻ mồ côi, trẻ bụi đời. Chỉ mong sao là khi họ đứng trước trẻ mồ côi, ngồi trước trẻ bụi đời, họ đừng nói những thành ngữ, ca dao… loại này, và nếu họ không giúp gì được trẻ mồ côi, trẻ bụi đời, thì họ không được quyền chưởi bới, lăng mạ, sỉ nhục chúng!
ĐÊM ĐÊM MỖI THẮP ĐÈN TRỜI, CẦU CHO CHA MẸ SỐNG ĐỜI VỚI CON.
Đêm đêm mỗi thắp đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con, những ai có cha có mẹ; rồi sau đó bị mất cha, mất mẹ, nghe câu này thì bầm ruột tím gan; những ai còn cha, còn mẹ, lo-đứng-lo-ngồi là một ngày kia, cha mình, mẹ mình phải rời cõi đời này, thì hãy thương cha mẹ hơn đi. Ý thức còn cha mẹ tạo nên nhận thức một ngày kia phải mất cha, mất mẹ, cả hai ý thức và nhận thức dựng lên tri thức của mỗi chúng ta về hai đấng sinh thành, hai giá trị thiêng liêng loại hàng đầu trong đạo lý làm người, trong luân lý muốn nên người. Nhưng những trẻ mồ côi rất sớm, những trẻ bụi đời còn ít tuổi, mất cả cha lẫn mẹ, hay bị cha mẹ bỏ đi, bỏ rơi thì chúng không có ý thức, nhận thức, tri thức này, đây là một thiệt thòi, biến khuyết điểm chuyện không cha, vắng mẹ thành khuyết tật mà chúng phải mang cả đời, mang đến trọn kiếp. Lên non mới biết non cao/ Nuôi con mới biết công lao mẫu từ, câu này đẹp vô cùng với những ai còn mẹ, nhận ra sự hy sinh của mẹ, sau đó làm mẹ và sẽ có nhận thức là mình cũng đã sẵn sàng làm mẹ, mình cũng sẽ biết hy sinh như mẹ. Nhưng câu này trở nên khó hiểu với với một đứa trẻ bụi đời, bị vất ra đường thuở nào, mà nó không sao hình dung nổi về sự hy sinh của một người mẹ, vì nó nghĩ nếu mẹ nó hy sinh đúng nghĩa thì nó đâu có thành: bụi đời! Nên câu này cũng rất tối nghĩa cho những đứa trẻ mồ côi, nó không thấy mẹ, hoặc thấy quá ít thì làm sao lại bắt nó phải hình dung ra sự hy sinh như non, như núi của mẹ nó.
TU ĐÂU CHO BẰNG TU NHÀ, THỜ CHA KÍNH MẸ MỚI LÀ CHÂN TU?
Ngôn từ thông thường của chúng ta là ngôn ngữ của những kẻ có cha, có mẹ, có nhà, có gia đình… nên hẳn nhiên là có: máu chảy tới đâu ruột đau tới đó. Những ngữ văn, ngữ pháp đối với chúng ta rất rõ nghĩa, rất sáng ý: tay đứt ruột xót, trở nên lạ lẫm tới lạnh lùng, nó tối chữ nên mờ nghĩa đối với trẻ mồ côi, với trẻ bụi đời. Ngôn ngữ thật bình thường làm nên đạo đức làm con như: Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu; nó trở nên kỳ quặc, có khi quái lạ đối với trẻ mồ côi, với trẻ bụi đời. Vì khi thành bụi đời là bị mất đạo đức làm con; chưa hết những đứa trẻ này còn mất luôn tình cảm nhớ thương các đấng sinh thành đã qua đời: Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều. Nhưng trong đám trẻ này, có đứa khi xưa, thuở nọ, có biết, có sống chung một thời gian với cha mẹ, thì chúng thấm thía vô cùng các loại câu này: Chiều chiều xách giỏ hái rau/ Ngó lên mả mẹ, ruột đau chín chiều…. Chúng hát cho điếng lòng, cho bầm gan, cho tím ruột câu này: Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi/ ngó không thấy mẹ, ngùi ngùi nhớ thương. Các bạn đọc kỹ nhé: ngó ngược ngó xuôi là kiếp bụi đời, ngó (mà) không thấy mẹ là kiếp: bụi biết đau!
ĐẮNG CAY CŨNG THỂ RUỘT RÀ, NGỌT NGÀO CHO LẮM CŨNG LÀ NGƯỜI DƯNG?
Đắng cay cũng thể ruột rà/ Ngọt ngào cho lắm cũng là người dưng, thật rõ nhưng cũng thật lạ: đắng cay mà ruột rà thì được, thì nhận, thì cán đáng, thì kham luôn; còn ngược lại ngọt ngào cho lắm, tức là đã thật ngọt ngào mà đã là người dưng thì không được, thì không nhận, thì gạt đi à? Sao lạ vậy? Sao cùng trong một nhân thế mà lãnh thổ phân khắt chia khe vậy? Sao cùng một nhân sinh mà biên giới lại khắc nghiệt vậy? Sao cùng một nhân kiếp mà đối xử với nhau nguội lạnh như vậy? Lá rụng về cội, thì giành cho những ai biết, những ai có quê cha đất tổ, nên mới được biết, mới được có nơi: chôn nhau cắt rún. Còn mà đã mồ côi, đã thành bụi đời thì phải biết ngược lại: sống nay chết mai, vì mang kiếp chết gởi sống nhờ, vì đã là bụi thì phải: sống bờ chết bụi! Đời cha trồng cây đời con ăn quả là giành cho những ai có cha, có mẹ, có anh chị em, có gia đình, có nhà cửa….
ĐỜI CHA ĂN MẶN ĐỜI CON KHÁT NƯỚC?
Đã mồ côi, đã thành bụi đời thì có khi phải biết câu ngược lại: Đời cha ăn mặn đời con khát nước, cha hoặc mẹ đã lỡ ăn mặn thì kiếp bụi đời là kiếp chết khát! Khát nhân từ, khát nhân tâm, khát nhân nghĩa; khát luôn nhân vị, nhân phẩm, nhân đạo…. Con đâu cha mẹ đấy là hạnh phúc của gia đình, của cha mẹ, của con cái, chưa hết còn có luôn đạo thờ ông bà trong mọi gia đình của Việt tộc: con cái ở đâu ông bà ở đấy. Cả hai làm nên một đường thẳng xuyên thế hệ mỗi cá thể trong gia đình, không ai lẻ loi, không ai lạc đàn, vì không ai bỏ rơi ai, không ai để ai phải chịu cảnh bụi đời cả. Còn tình đoàn kết, chí tương trợ giữa anh em kiểu Việt thì khỏi lo ra: anh em khinh trước, làng nước khinh sau, vì ai cũng biết đi việc làng giữ lấy họ, đi việc họ lấy anh em. Nên: đường thẳng xuyên thế hệ này chính là đường thẳng liên kết gia tộc, có tên rất đẹp và có hậu: con liền với ruột, nên thật dễ hiểu câu: chim có tổ, người có tông. Có kẻ còn muốn nói cho thật rõ: người nhận họ, chó nhận hơi. Còn đã là mồ côi, đã thành bụi đời thì không sao nói được các loại câu chữ này, vì nói ra chỉ đau lòng cõi bụi! Vì sống bụi thì phải chuẩn bị kiếp: sớm nở tối tàn! Vì kiếp bụi đời là kiếp đàn đứt dây rồi!
CHIM XA BẦY, THƯƠNG CÂY NHỚ BẠN; NGƯỜI XA NGƯỜI TỘI LẮM NGƯỜI ƠI!
Khi bạn hát bên võng, bên nôi để ru con của bạn ngủ: «Chim xa bầy, thương cây nhớ bạn/ Người xa người tội lắm người ơi!», bạn hát nhẹ nhàng, thoái mái, rồi bạn thấy con bạn dần vào giấc ngủ, ngủ thảnh thơi, giấc ngủ ngoan hiền. Nhưng có lần tôi thấy một người lớn trong một trại mồ côi, ru một đứa trẻ mới năm sáu tuổi đã bụi đời, cũng câu này: “Chim xa bầy, thương cây nhớ bạn/ Người xa người tội lắm người ơi!”, tôi thấy đứa trẻ từ từ rơi nước mắt, chỉ vài phút sau là nó khóc dàn dụa! Nó khóc, nó làm tôi “mít ướt” theo, nhớ lại hôm đó tôi cũng khóc như: con nít! Không khóc sao được! Bộ chỉ có con nít mà phải là mồ côi, rồi bụi đời, mới được quyền khóc thôi sao, khi “được” hay “bị” ru câu này; người lớn và “già đầu” như tôi cũng được quyền khóc khi nghe câu này. Bạn ơi, đừng bao giờ “xấu hổ”, đừng bao giờ “mắc cỡ”, đừng bao giờ “hổ thẹn” khi nghe lời ru buồn, lời ru làm ta đau, thì bạn cứ khóc bạn à! Có gì “nhục nhã” đâu! Có gì “đáng cười” đâu khi thấy người khác khóc. Tại đây, để giải thích chuyện khóc là chuyện: thương tâm làm nên nhân tâm! Mà tổ tiên Việt dặn con cháu Việt rất đúng là khi người ta nói: “trúng tim đen” của mình, mà mình muốn khóc: thì cứ khóc! Câu chuyện bụi đời không xa lạ đâu! Nó gần gũi, nó “ruột rà” lắm với thân phận của tất cả con dân Việt: làm bụi trong chiến tranh, giờ thì làm bụi dưới bạo quyền…. Số kiếp bụi đời luôn mồ côi như: chim lạc đàn… suốt đời làm kiếp: chim tìm đàn!
Giải Luận: Dân Tộc (P10)
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).