Kinh tế
Sau thời Covid kinh tế thế giới suy sụp vì giao thông, chuyển vận hàng hoá bị cản trở, nhân viên không đến sở làm việc vì bệnh, trường học đóng cửa…. Nhiều nơi nhà nước phải cấp tiền, thực phẩm cho dân. Khi dân bỏ hệ thống chuyên chở công cộng vì sợ lây bệnh thì xe hơi trở thành khan hiếm. Nhu cầu về vật liệu điện tử khan hiếm khiến sản xuất các sản phẩm dùng “chip” điện tử bị rối loạn cung cầu. Rồi đến chiến tranh Nga- Ukraine gây khó khăn kinh tế cho Âu Châu và Trung Cộng. Dầu xăng, khí đốt lên giá, khan hiếm khiến kinh tế Mỹ lạm phát. Dân Mỹ bất mãn và muốn chính quyền giải quyết ngay. Yếu tố bầu cử gian lận chỉ là mồi lửa cho đám cháy đã sẵn sàng.
Nhiều người cho kinh tế là quan trọng. Khi kinh tế phồn thịnh thì ai cũng vui vẻ. Khi thị trường chứng khoán suy thoái, mất việc làm, vật giá tăng, hàng khan hiếm thì mọi người bất mãn, phản đối, chê trách chính quyền. Nhưng họ quên rằng thời buổi kinh tế toàn cầu thì không phải chỉ một quốc gia (dù là cường quốc) có thể giải quyết theo ý muốn. Và kinh tế Mỹ không phải do tổng thống hoàn toàn quyết định. Các công ty vì lợi đã chuyển công việc và những ai không thích ứng kịp thời thế đã không tìm được việc làm. Chuyện Trump hứa giữ việc làm tại công ty Carrier (máy lạnh) Ford (xe hơi)… chỉ là trò xảo thuật vì một thời gian sau các công ty vẫn dời xưởng và việc làm ra nước ngoài.
Tổng kết
Đó là lý do mà đa số dân thường ngả theo khuynh hướng chọn lãnh đạo như Trump, vượt khỏi lề luật để làm ngay những gì theo họ là đúng, cần thiết. Họ quên đi hiến pháp, luật lệ dân chủ đã tạo cơ hội cho họ sống qua ngày.
Khi đa số dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa ủng hộ Trump chống bầu cử gian lận 2020 (stop the steal) cũng như bỏ phiếu không xác nhận kết quả bầu cử thì họ chối bỏ vai trò của Ủy Ban 1/6 và kêu gọi “bỏ qua” (move on). Vậy đâu là quyền Hiến Pháp của Quốc Hội khi bị tấn công trong đó có cả đảng Cộng Hòa?
Khi tổng thống đòi xóa kết quả bầu cử, treo cổ phó tổng thống, xúi giục tấn công Quốc Hội (lập pháp) trong khi Tối Cao Pháp Viện đã từ chối xét gian lận bầu cử vì không có bằng cớ. Đâu là dân chủ? 10,000 người biểu tình để thay đổi kết quả 82 triệu phiếu cho người thắng và 75 triệu phiếu cho kẻ thua thì có nghĩa lý gì để gọi “nước Mỹ trước tiên” (America first)?
Con người khi chạy theo ham muốn thường dễ quên quá khứ. Nếu không có chính quyền điều hành dân chủ mỗi ngày thì cuộc biểu tình 1/6 có xảy ra được không? Từ giao thông, điện nước, thực phẩm, khách sạn, ngân hàng, dịch vụ… đã giúp nhóm tổ chức thành hình, liên lạc để thực hiện biến cố 1/6.
Nếu những người ủng hộ nhóm biểu tình nghĩ ngược lại: họ là những người trong Quốc Hội hôm đó và nhóm biểu tình là người thiểu số, da màu, di dân… thì phản ứng của họ sẽ ra sao?
Nếu bạn coi thường biến cố 1/6 thì có lẽ ý thức dân chủ của bạn cần phải xét lại cũng như quyền hiến pháp, tự do ngôn luận… vì chính bạn đã thiếu tự chủ mà chỉ chạy theo lời người khác xúi giục.
Những ai coi thường cuộc điều tra của Ủy Ban 1/6 là thiếu ý thức dân chủ vì cuộc tấn công của đám biểu tình (cho dù bất cứ ai đứng sau) là chống lại cơ chế dân chủ (đang hợp thức hóa bầu cử 2020). Ủng hộ Hành Pháp (Trump) uy hiếp Lập Pháp là phá hoại dân chủ. Nếu cho là có gian lận thì thử hỏi cũng là các nhân sự của ủy ban bầu cử địa phương từ 2014, 2016, 2018 thì tại sao trước đó không có gian lận mà 2020 mới gian lận? Nếu có gian lận thì tại sao không có xảy ra cấp Thượng Viện, Hạ Viện, tiểu bang, quận? Nếu đã ăn gian phải có tổ chức, hệ thống…. Nếu chỉ là một vài cá nhân đơn độc mà chụp mũ cả 50 tiểu bang thì vô lý.
Ai là người khởi sự tố cáo gian lận? Trump. Vậy ông ta có thấy tận mắt hay nghe nói lại? Các người ủng hộ ông ta tin theo sự tưởng tượng của ông ta và dựa vào “tự do ngôn luận” để lập đi lập lại sự giả tưởng đó là thật?
Những người bạo động còn vịn cớ theo lời tổng thống kêu gọi. Tại sao nếu có gian lận thì các bộ phận kiểm soát, cơ chế dân chủ từ địa phương, tiểu bang sẽ phải lên tiếng can thiệp vì đó là những người do họ đã bầu, chọn từ những cuộc bầu cử trước. Cũng như tòa án, thanh tra, cảnh sát, báo chí… các nơi đã không chấp nhận là có gian lận. Mà nếu có thì các tiểu bang địa phương đã xảy ra điều tra rồi. Vì không có nên chỉ vài ngàn người kéo về thủ đô làm loạn và xưng là chính nghĩa yêu nước? Và nay đe dọa “nội chiến” (civil war)? Phải chăng bạn đã phủ nhận vai trò của các đại diện dân cử từ địa phương cho đển trung ương đã làm việc trong bao năm qua (không có gian lận?).
Nay chỉ vì một người (dù là tổng thống, vì thất cử) hô hào gian lận là bạn nhắm mắt tin theo để lật đổ tất cả? Tại sao các ứng viên Thượng Viện, Hạ Viện cũng tranh cử mà không kêu gào, thưa kiện gian lận mà chỉ các chính trị ngoài chu kỳ tranh cử mới cho là gian lận? Mà nếu có gian lận thì tại sao các đồng viện (cùng đảng) lại đắc cử? Đã thắng cử mà còn kêu là gian lận là thế nào?
Sinh hoạt chính trị là phải dùng trí óc suy luận chứ không thể nghe lời đồn đãi của những nhân vật mất tư cách. Lỗi là ở bạn không biết nhận xét người, không theo dõi đủ tin tức, không phân tích suy luận mà chỉ nghe lời đường mật, ai nói trúng ý mình thích thì cho là đúng.
Ủy ban điều tra 1/6 tìm bằng cớ bạo loạn không phải là bênh Biden hay Đảng Dân Chủ mà để bảo vệ sinh hoạt dân chủ không để những kẻ nói láo, cuồng Trump phá hoại nền dân chủ và xã hội.
Cũng vì tinh thần dân chủ nên nước Mỹ để cho bạn “kêu gào” gian lận chứ nếu muốn dập tắt thì cũng dễ thôi: Đánh cuộc với ai tố cáo gian lận là nếu không trưng bằng cớ trong vòng 7, 30 ngày thì: ở tù, mất quyền công dân, phạt tiền, không được biểu tình, hay phàn nàn gian lận.
Chúng ta vì tự do, dân chủ đã đến đất nước này; là người tỵ nạn cộng sản chúng ta có bổn phận theo dõi Ủy Ban Điều Tra 1/6 làm việc và kết quả. Nếu chúng ta không học tập để phân biệt đúng, sai mà chỉ nghe lời đồn thì đã góp phần phá hoại nền dân chủ thay vì đóng góp. Như vậy thì còn hy vọng gì đòi hỏi dân chủ cho Việt Nam.
Trần Công Lân
Tháng 7 năm 2022 (Việt lịch 4901)