Khi Người Mỹ Tranh Luận (P2)

Trường học và phụ huynh
Cũng như chuyện con nít đi học. Nếu đứa trẻ còn sống qua nạn dịch thì chúng sẽ còn có cơ hội học, dù chậm một vài năm. Còn nếu cứ gửi chúng tới trường trong mùa dịch thì chúng sẽ lây bệnh và chết thì ai sẽ thiệt hại?
Khi con người kết thành xã hội thì nhu cầu giáo dục để huấn luyện đứa trẻ có kiến thức để sống hoà hợp với xã hội. Đó là nhiệm vụ của các nhà giáo dục và hệ thống giáo dục được chia ra cấp tiểu học (sơ cấp), trung cấp và cao cấp. Cấp dưới chuẩn bị cho tuổi trẻ tiến lên cấp trên và đem tài năng đóng góp cho xã hội. Gia đình có nhiệm vụ giúp đứa trẻ hội nhập hệ thống giáo dục. Bầu cử cũng là dịp cá nhân đóng góp quyết định vào hệ thống giáo dục địa phương.
Vậy khi nhà trường quyết định cho trẻ em nghĩ học, đi học, học tại nhà, chích ngừa, mang khẩu trang mặt… thì một số phụ huynh chống đối? Vì sao? Lý do nào?
Tất cả lý do ABC đều dẫn đến sự vô lý khi phải cân bằng giữa cá nhân và xã hội qua bệnh dịch: Bạn viện lý do ABC… vậy còn người khác thì sao? Bạn có muốn con bạn đến trường để bị lây bệnh vì trẻ khác không mang khẩu trang mặt hay không chích ngừa?
Ai cũng cần cho con đi học để còn phải đi làm. Không phải ai cũng có thể làm việc ở nhà và giữ con, dạy con học… Nhưng trong mùa dịch thì đứa trẻ có thất học, buồn hay quậy phá thì cũng còn hơn mắc dịch mà chết thì bạn có vui không?
Nhưng tại sao lại có chuyện gửi con tới trường mà không đóng tiền ăn trưa, cũng chẳng lo cho con mang thức ăn theo. Vậy phụ huynh cố tình bỏ đói con mình hay sao? Hay cứ để con ăn mà không trả tiền? Nếu trường không cho học sinh (không đóng tiền) ăn thì phụ huynh la làng xóm. Vậy thì ai sẽ trả tiền ăn cho học sinh? Nếu bảo là nhà nghèo thì có chương trình giúp học sinh nghèo. Phải chăng phụ huynh cố ý ăn quỵt nhà trường để người khác trả?
Còn chuyện bạn không thích nhà trường (trường công lập) thì cứ việc chọn trường tư theo ý bạn. Một khi bạn đòi XZY thì có nghĩ là sẽ bao nhiêu người khác đòi hỏi như bạn và nhà trường không phải là dịch vụ thương mại để chiều lòng khách hàng.
Còn chuyện phản đối chương trình giáo dục của nhà trường. Đó là nhiệm vụ của nhà giáo dục. Bạn không đồng ý nhưng bao nhiêu phần trăm phụ huynh sẽ ủng hộ? Đã là nhà giáo dục chuyên môn thì nhà trường phải cân nhắc quyết định. Bạn không thích thì đi chỗ khác chơi (như đa số thường nói: nếu bạn không thích ở đây thì về xứ bạn mà ở! Ám chỉ người di dân hay đòi hỏi quá đáng). Rồi còn việc đe dọa giáo chức hay đánh nhân viên giáo dục. Phải chăng đó là máu “cao bồi”, một hình thức hung hăng, lấn hiếp kẻ khác (bully) mà mọi người thường kêu gọi phải ngăn chặn tật xấu đó nơi trẻ em.
Sống trong một xã hội dân chủ với súng đạn dư thừa mà hơi một tí chuyện xích mích là đe dọa giết người? Ai sợ chết? Nhà giàu hay dân nghèo? Kẻ ở lâu hay người mới đến? Đem vũ lực đe dọa mà không nhìn ra sự thật chỉ là hành động ấu trĩ sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả.
Cũng như chuyện biểu tình. Xem hai phe biểu tình hò hét, múa may, phô cờ quạt, biểu ngữ… bạn hãy nghĩ: để làm gì? Thực hiện quyền Hiến Pháp. Đúng. Nhưng có kết quả hay không?
Tại sao không ngồi xuống tranh luận từng điểm một, viết xuống đăng báo, in sách thành tài liệu, chứng cớ. Tại sao có tòa án phân xử đúng sai mà vẫn không chịu là sai?
Giáo dục là tài liệu. Chính trị là hành động. Các nhà chính trị có thể múa rối, nói láo cho qua chuyện. Nhưng khi sự việc đã qua và có người trong cuộc viết lại thành sách thì đó không phải chuyện đùa. Bút sa, gà chết.
Một khi đã viết là phải viết theo sự thật. Viết bậy sẽ bị kiện, phạt vạ. Vậy bạn có đọc sách về sinh hoạt chính trị Mỹ không? Đó là tự giáo dục về dân chủ Mỹ. Học trung học, đại học Mỹ ra đi làm cho Mỹ không có nghĩa là bạn hiểu giáo dục và chính trị Mỹ. Đi vào giáo dục để hiểu tâm lý người Mỹ (đa số, thiểu số ..) và sinh hoạt đảng chính trị.
Người viết sai sẽ bị kiện ra tòa và bị phạt. Thật hay giả, đúng hay sai được vạch ra. Nhưng có mấy ai đọc sách? Bao nhiêu người ghi nhớ? Bao nhiêu người truyền tin đến (hay nhắc nhở) người khác?
Đa số người tham dự sinh hoạt chính trị với tính nông nổi, xúc động cảm tính nhiều hơn là có suy nghĩ, kiến thức … và dễ quên?
Khi sinh hoạt của lưỡng đảng cho phép quăng bùn, chụp mũ, vu cáo, xuyên tạc, bóp méo sự thật… thì cử tri nghĩ sao? Bất cứ cách nào, miễn là thắng? Nếu chính trị gia đã dùng thủ đoạn để thắng đối thủ thì cũng có thể dùng thủ đoạn đối với bạn. Vậy bạn nghĩ sao? Nền dân chủ dựa trên niềm tin (trust) và sự thật (truth). Tại sao bạn chọn ứng cử viên thiếu cả niềm tin lẫn sự thật?
Vậy còn tôn giáo, đạo đức, lương tâm, luân lý bỏ thùng rác hay sao?
Khi tranh cử thì xấu xa. Thắng cử rồi thì kêu gọi sạch sẽ trở lại? (United we stand). Làm gì có chuyện đó.
Đó là lý do tại sao nhà trường Mỹ không dạy luân lý, đạo đức và lý luận triết học mà chỉ dạy về tình dục (sex education); trong khi thanh thiếu niên tiếp tục lạm dụng tình dục, phá thai, có con trước tuổi thành niên… cũng như các hành động gây rối tại trường học, xã hội. Không thấy phụ huynh đề nghị cải tổ. Nhưng chuyện phá thai, chống phá thai thì rất ồn ào.
Vậy trường học dạy gì? Giấc mơ người Mỹ (American dream).
Trong một xã hội đầy súng đạn, ma túy, tình dục, cờ bạc… tuổi trẻ Mỹ đi tìm giấc mơ theo dục vọng? Làm giàu?
Bạn có thể nói một người thành công sẽ giúp hàng triệu người có công ăn việc làm và có thể thay đổi thế giới như: Steve Jobs với Iphone, Elon Musk với Tesla, Mark Zuckerburg với Facebook… nhưng để đổi lại, con người và xã hội sẽ chịu thiệt hại như thế nào? Thông thường người ta chỉ nhìn mặt lợi. Chỉ khi nào mặt hại bùng nổ làm chấn động dư luận thì người ta mới xét lại… và thường là quá trễ như trường hợp Facebook hiện nay.
Người (hay dân Mỹ) quên rằng giáo dục đào tạo con người chứ không phải đào tạo các vài trăm nhà triệu, tỷ phú, thương gia, chủ hãng, chính trị gia … và một xã hội với hàng triệu kẻ đau khổ.
Nếu muốn thay đổi nước Mỹ phải thay đổi giáo dục.

Khi Người Mỹ Tranh Luận (P3)
Trần Công Lân
Tháng 11 năm 2021 (Việt lịch 4900)

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s