Lời hứa khi tranh cử
Chính trị là tiên liệu mà người hay thì tính toán đúng, còn kẻ dở thì hay sai lầm. Vì thế trong các cuộc tranh cử, các ứng cử viên thi nhau dụ dỗ cử tri qua các lời hứa XZY. Bổn phận của cử tri là đặt vấn đề (đòi hỏi) về các chương trình (hứa hẹn) của ứng cử viên. “Cung” và “cầu” trong chính trị dễ trở thành đồ giả nếu người mua (cử tri) không biết chọn hàng (nhu cầu) và người bán hàng (ứng cử viên).
Nếu so sánh sinh hoạt chính trị giữa Mỹ và Nhật thì sẽ thấy sự khác biệt: thủ tướng giải thể quốc hội, các dân biểu trở về vận động cho cuộc tranh cử sắp tới. Như vậy sẽ không còn chuyện mượn quyền bất khả xâm phạm (vì còn là dân biểu) để nói láo hay làm bậy mà không bị tội. Trong khi sinh hoạt tại Mỹ thì ngoài chuyện vận động tài chánh vô giới hạn còn là chuyện chửi bới, bôi xấu, xuyên tạc, tung tin giả, gài người phá đám, kiện tụng vô cớ để lung lạc cử tri … miễn sao thắng cử thì thôi. Sự kiện này nói lên tư cách của ứng cử viên, ban tham mưu cũng như uy tín của đảng. Đây không phải là lần đầu xảy ra mà là sự phát triển qua nhiều cuộc tranh cử kể từ thời Kennedy (chiến tranh VN) qua Nixon (vụ án Watergate), Carter (con tin Iran), Reagan (Nicaragua), Bush I (chiến tranh Iraq), Bush II (chiến tranh Afghanistan, Iraq & Syria, vỡ nợ 2007), Obama (cải tổ y tế)…. Cứ sau mùa bầu cử, phe đa số thắng cử đã thi hành chính sách làm mất lòng phe thiểu số. Mối hận chồng chất đến mùa bầu cử sau đó. Khi thế cờ lật ngược thì sự kiện tái diễn. Kẻ nắm quyền làm điều phe mình muốn. Khác nhau ở chỗ là lãnh đạo dở thì làm tình hình tệ hại hơn, chia rẽ nhiều hơn, bạo động nhiều hơn, khoảng cách giàu- nghèo càng tăng…
Khi giới truyền thông bị mua chuộc bởi giới nhà giàu thì người dân đổ dồn sang mạng xã hội (social media). Nhưng tin trên mạng xã hội đa số là tin đồn, không kiểm chứng, có xu hướng là tin nổ để kích động độc giả (và chủ nhân dựa vào số đông theo dõi để có quảng cáo hay tiền thưởng). Thêm vào đó kỹ thuật thực hiện tin giả (âm thanh, hình ảnh…) tân tiến khiến nhiều người tin là thật. Cũng như luật pháp đã tạo cơ hội cho kẻ có tiền chơi trò ném đá giấu tay trong mùa tranh cử khiến hỗn loạn chồng chất để làm nản lòng dân đen đa số là dân lao động vất vả, ít có thì giới theo dõi tin tức hay đi tham dự bầu cử. Khi thế lực gian và giàu thắng thế thì cả nước bị nạn. Đó là hậu quả của của 4 năm 2017-2020.
Bạn có thể lý luận ngang-dọc hay ABC, XZY… nhưng rõ ràng bạn không thể phủ nhận dư luận thế giới nghĩ về nước Mỹ (không nói đến các nước độc tài cộng sản). Còn nếu bạn cho rằng nước Mỹ (hay công dân Mỹ) là số một (American first) và có thể làm bất kỳ những gì mình muốn, không cần quan tâm đến các nước khác thì đó không còn là nước Mỹ dân chủ nửa mà chỉ là đế quốc.
Hãy nghĩ lại những gì Hiến Pháp Mỹ đã đưa ra: nhân quyền, con người bình đẳng… vậy thì người da đỏ (thổ dân), người da đen nô lệ, người Trung Hoa di dân lao động cho đường xe lửa Đông-Tây để mở mang nước Mỹ… có được tôn trọng quyền làm người hay không? Nếu dân Mỹ đi ra nước ngoài có muốn bị đối xử rẻ mạt như họ đã đối xử với thế giới?
Lời hứa tranh cử của ứng cử viên có thể không thực hiện được vì tình hình thay đổi nhưng không vì thế mà người đại diện dân biến chất, đổi đảng hay làm ngơ ý kiến của cử tri. Hiện tại, hệ thống chính trị biến người đại diện dân trở thành bất khả xâm phạm một khi đắc cử và cử tri không thể làm gì khác ngoài chuyện chờ mùa bầu cử tới. Đó là một trò gian lận, phản dân chủ mà không ai muốn sửa. Vì muốn sửa phải đắc cử và một khi đắc cử thì ai lại đi làm chuyện tự hại vị thế của mình.
Khi cử tri nghe ứng cử viên vận động tranh cử thì phải nhìn vào các vấn đề cần giải quyết tại địa phương (hay quốc gia) chứ không phải vì đảng X muốn, hay do ứng cử viên bày ra, hay chỉ trích đối thủ. Hãy nói chuyện trước mắt, có thật, cần làm chứ không phải chụp mũ, xuyên tạc quá khứ, hay hứa hẹn việc làm, cắt thuế…. Nếu hứa việc làm không xảy ra thì ai chịu tội? Nếu giảm thuế để rồi thiếu thuế và cả tiểu bang (hay cả nước phải đóng dưới hình thức khác) thì ai chịu tội lừa gạt?
Nếu bảo rằng nước Mỹ hỗn loạn thì phải chăng vì nền dân chủ không cân bằng. Quyền lợi không đi đôi với trách nhiệm từ dân cho đến lãnh đạo. Hãy nhìn các nước dân chủ khác (Âu Châu, Nhật) để thấy rằng nền dân chủ Mỹ cần thay đổi thật nhiều vì hiến pháp không phải là thánh kinh để thờ. Và nếu hiến pháp không còn phù hợp với lòng dân thì phải thay đổi vì người sống hôm nay không thể “sống” với tín điều của người đã chết hơn 300 năm trước.
Có thể vì thế nên các quan lớn “có quyền” tham nhũng?
Khi Người Mỹ Tranh Luận (P4)
Trần Công Lân
Tháng 11 năm 2021 (Việt lịch 4900)