Những ai quan tâm về triết lý Duy Dân luôn luôn nhìn các tài liệu Duy Dân với một góc nhìn rất là cẩn thận để xem đó là tài liệu thật hay ai đó đạo văn (xài bạc giả), lấy bài viết của ai đó rồi đóng tên mình vào để chứng minh với người đọc mình cũng hiểu, cũng quan tâm đến Duy Dân.
Với nhận định bên trên, tài liệu của Lý Đông A đăng trên trang mạng thangnghia.org, nếu ai đó theo dõi thường xuyên thì những tài liệu đó được thêm chữ, bỏ chữ hoặc đổi tên người viết từ Lý Đông A sang Thái Đạo (Đoàn Viết Hoạt) mà bài Tu Dưỡng Thắng Nhân là thí dụ điển hình. Đây là một hình thức gian lận, xài bạc giả hoặc gọi là Duy Dân giả bởi thiếu sự tu dưỡng bản thân ở mức độ hiểu rõ khả năng của chính mình và biết tôn trọng sự thật.
Bài viết này chỉ ra một sự kiện xài bạc giả trong tài liệu nói về tiểu sử Lý Đông A đăng trên hai trang mạng khác nhau nhưng nội dung hoàn toàn giống nhau và được pha trộn đôi chút, đồng thời đóng mộc bút hiệu của ai đó (giống hình thức làm việc của ông Thái Đạo). Tài liệu nói về tiểu sử Lý Đông A nằm trong trường hợp này, được đăng trên thangnghia.org (tiểu sử LĐA xin vào đường link này) được ghi là do Học Hội Thắng Nghĩa viết; và cùng một tài liệu đăng trên trang mạng Việt Văn Mới ở Pháp được đóng mộc tên tác giả là Vũ Duy Dân (tiểu sử LĐA của VDD xin vào link này để so sánh hai tài liệu).
Tài liệu trên trang mạng Việt Văn Mới ở Pháp không ghi ngày nào bài của ông Vũ Duy Dân đăng lên. Và cũng dựa vào trang mạng trên, ông Vũ Duy Dân ở Sài Gòn, sinh năm 1943. Câu hỏi đặt ra là (1) tại sao cùng một tài liệu mà lại có hai tên khác nhau? (2) Sự khác biệt giữa hai tài liệu đó là gì? (3) Ai đạo văn (xài bạc giả) để đóng tên mình bên dưới bài viết? (4) phản ứng của người quản trị hai trang mạng này sẽ giải quyết vấn đề ra sao?
Xin được trình bài từng vấn đề, dựa vào tài liệu từ hai nguồn trên và dựa vào sự trao đổi với hai người được nhắc trong cả hai tài liệu này.
1. Tài liệu được chọn tên giống nhau là chuyện xảy ra rất thường tình. Nhưng tài liệu chọn tên hơi giống nhau và nội dung hoàn toàn giống nhau từng chữ một, ngoại trừ sửa đổi dàn bài và tên tác giả trên cùng một tài liệu — khác nhau — thì người đọc cũng như người viết bài cần phải đặt dấu hỏi. Ai chính là tác giả thực sự của tài liệu đó? Câu hỏi này sẽ trả lời ở phần 3. Ngay cả bút hiệu Vũ Duy Dân cho thấy người này không ít thì nhiều quan tâm đến Duy Dân cho nên chọn bút hiệu này. Nhưng nếu quan tâm đến Duy Dân mà xài bạc giả thì phải chăng là một dạng Duy Dân giả? Và mục đích của những Duy Dân giả là muốn gì khi thực hiện một hành vi thiếu minh bạch này.
2. Nội dung hai tài liệu đã đăng hoàn toàn giống nhau, tuy được sắp xếp thứ tự một tí và tên bài được thay đổi hoàn toàn khác nhau. Trên trang mạng thangnghia.org thì tựa tài liệu này là “tiểu sử Thái Dịch Lý Đông A và hoạt động của đảng Duy Dân”. Trên trang mạng Việt Văn Mới đề tên tựa là “Chủ Nghĩa Việt Nam Thái Dịch Lý Đông A”. Tên của tựa đề đăng trên thangnghia.org chính xác hơn trong khi tựa đề đăng trên Việt Văn Mới hoàn toàn chẳng dính dáng gì đến tựa đề gọi là ‘chủ nghĩa’ bởi nội dung nói về LĐA chứ không nói về triết lý hay chủ nghĩa Duy Dân của Lý Đông A. Cũng có thể ‘Chủ Nghĩa Việt Nam’ là một chương mục của trang mạng Việt Văn Mới. Nếu đúng như vậy mà để tiểu sử của Lý Đông A vào chương mục này thì hoàn toàn không nói lên được cái ‘Chủ Nghĩa Việt Nam’ mà người quản trị trang mạng muốn đem đến cho người đọc.
Hai điểm khác biệt nữa là hình bản đồ của ông Lê Huệ và ông Huỳnh Việt Lang được thay đổi vị trí. Hình bản đồ của Lê Huệ để trong phần IV, hình bản đồ của Huỳnh Việt Lang để trong phần cước chú (footnote) số 8 trên thangnghia.org. Trong khi đó, bài đăng trên trang Việt Văn Mới thì hình bản đồ của ông Lê Huệ đăng trong phần III và hình bản đồ của Huỳnh Việt Lang đăng trong phần IV.
Phần Phụ Lục 1, 2, 3 có trên thangnghia.org nhưng không có trên Việt Văn Mới.
3. Cùng một bài viết với nội dung giống nhau nhưng tựa khác nhau và người chịu trách nhiệm bài viết lại khác nhau. Câu hỏi đặt ra: Ai là người đạo văn (xài bạc giả)? Phải chăng nhóm Học Hội Thắng Nghĩa đạo văn cho tài liệu này từ ông Vũ Duy Dân?
Hai người được ghi trong tài liệu này là ông Huỳnh Việt Lang và ông Lê Huệ được trích dẫn hai bản đồ từ hai người này cung cấp thì hai người này hoàn toàn không biết ông Vũ Duy Dân là ai. Cả hai người này đã từng sinh hoạt trong Học Hội Thắng Nghĩa và đã từng đóng góp ý kiến trong việc viết tiểu sử của ông Lý Đông A. Theo ông Huỳnh Việt Lang thì bản đồ ông cung cấp chỉ dành cho nhóm Học Hội Thắng Nghĩa chứ không đăng nơi nào. Có lẽ vì do đóng góp của nhiều người, bài trên trang mạng thangnghia.org ghi là Học Hội Thắng Nghĩa. Vậy thì tài liệu này được ông Vũ Duy Dân lấy từ trang mạng thangnghia.org, sửa lại tựa đề và thay đổi vị trí vài cái, sau đó đóng tên Vũ Duy Dân vào bài này. Xem ra thái độ này của ông Vũ Duy Dân hoàn toàn thiếu tinh thần Duy Dân. Có người cho rằng họ thật của tác giả Vũ Duy Dân có thể từng là họ Nguyễn hay họ Đoàn (đây là sự dự đoán, nghi ngờ), bởi cả hai cá nhân này đã xài bạc giả trong quá khứ; thói hư lâu ngày không sửa đã trở thành một cố tật và quán tính bất thường thái này lại cứ tiếp diễn trong việc gian lận, xài bạc giả cho tất cả những gì dính dáng đến Duy Dân. Hoặc Vũ Duy Dân có một họ khác nhưng giống hai họ kia là chơi bạc giả không biết ngượng. Buồn thay cho chuyện này.
4. Thái độ của người quản trị trang mạng thangnghia.org và trang mạng Việt Văn Mới sẽ như thế nào khi đối diện hiện tượng đạo văn và quan điểm của quý vị giải quyết vấn đề này ra sao? Chẳng lẽ bài viết trên có hai tác giả khác nhau dù rằng cùng một nội dung không sai chữ nào? Phải chăng người quản trị hai trang mạng này cần phải có trách nhiệm kiểm chứng và liên lạc để xác định ai là thủ phạm của vụ đạo văn (xài bạc giả) này; để sau đó rút bài xuống và xin lỗi độc giả bởi đã đăng bài từ một nguồn đạo văn, xem thường sự hiểu biết của độc giả? Chúng ta đều biết, thế giới Internet ngày nay và hệ tư tưởng Duy Dân không phải là những khu rừng hoang cho người tham danh tha hồ múa gậy, làm sơn đông mãi võ.
Người viết bài này đã từng sinh hoạt trong Học Hội Thắng Nghĩa và đã xin rút ra vì sự xài bạc giả và thiếu tôn trọng lẫn nhau của một vài người trong nhóm này (có người cho rằng người viết bài này bị đuổi ra khỏi nhóm, một lý luận sai sự thật ngoài chuyện người lãnh đạo của nhóm đơn phương loại bỏ email của người viết bài này ra khỏi nhóm). Nay thấy tài liệu nói về tiểu sử của Lý Đông A được người khác mạo danh, một bên đề là Học Hội Thắng Nghĩa, một bên đề là Vũ Duy Dân với cùng một nội dung giống nhau thì bắt buộc phải lên tiếng. Kinh nghiệm cho thấy một số người nói về Duy Dân, ca ngợi triết lý Duy Dân nhưng cuộc sống của bản thân hoàn toàn không Duy Dân tí nào. Sống Biết, Sống Đúng, Sống Thực và Sống Duy Dân chính là điểm khởi đầu của những ai quan tâm đến triết lý Duy Dân. Người viết bài này sẽ tiếp tục theo dõi các phản ứng của những người có liên quan xem lối ứng xử có văn hóa hay không. Văn dĩ nếu chưa tải được đạo thì cũng không nên tải vô đạo.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 6 năm 2021 (Việt lịch 4900)
Phụ ghi: Người viết đã liên lạc với trang mạng Việt Văn Mới và gửi đường link về những vấn đề mà người viết đặt ra. Chiều ngày 24 tháng 6 năm 2021, người viết được thông báo là đã gỡ bài của ông Vũ Duy Dân xuống và cho biết rằng bài đó lấy từ trang mạng thangnghia.org của nhóm Học Hội Thắng Nghĩa. Cho nên đường link dẫn vào bài viết của ông Vũ Duy Dân đã không còn hiệu lực.