Tu Dưỡng Thắng Nhân: Giáo Dục

Nói về tu dưỡng mà không nói về giáo dục thì là một điều thiếu sót. Nhưng giáo dục là gì?

Theo tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì giáo dục là “dạy dỗ, rèn luyện về chữ nghĩa, đức hạnh và thể chất”. Nói một cách nôm na là giáo dục để đào tạo một con người hiểu bản chất của mình để từ đó có lối ứng xử người hơn thay vì lối ứng xử mạnh được yếu thua.

Cần phải xác định một điều mà đa số người Việt có cái nhìn sai lầm đó là họ nhìn những người có bằng cấp cao để cho rằng những người đó có giáo dục. Đây là lối suy nghĩ hoàn toàn sai bởi những người có bằng cấp cao thì họ có chữ nghĩa đấy nhưng chưa hẳn là người có giáo dục đúng nghĩa gồm cả chữ nghĩa, đức hạnh và thể chất. Thái độ nhìn người có bằng cấp như thần tượng cũng là một vấn đề cần phải thảo luận. Tất cả chúng ta đều là con người có Tham-Sân-Si. Sự khác biệt giữa những con người đó không phải ở cái bằng cấp mà ở cái Tham-Sân-Si và tự cá nhân đó làm chủ được cái Tham-Sân-Si hay để ba cái kia làm chủ cá nhân. Xin xem Tu Dưỡng Thắng Nhân: Tự Chủ để hiểu rõ vấn đề tự chủ ra sao.

Nếu loại bỏ bằng cấp ra thì phải nhìn giáo dục ở dạng rộng lớn. Giáo dục có thể đến từ trường, từ xã hội, từ gia đình, từ những người chung quanh. Cái giáo dục quan trọng nhất là tự mình giáo dục ở chính mình. Trường sở chỉ dạy cho chúng ta kiến thức và chúng ta áp dụng kiến thức đó vào cuộc sống thực tế ra sao là ở chính chúng ta. Mà để làm được chuyện đó chúng ta phải biết tự mình giáo dục mình.

Tự mình giáo dục mình trước hết phải biết đặt câu hỏi cho chính mình và tìm câu trả lời dựa vào thực tế chứ không phải dựa vào cảm tính của chính mình. Bất cứ chuyện gì nghe, thấy, đọc thì luôn luôn đặt những câu hỏi là đã nghe, thấy, và đọc đủ chưa, hợp lý hay không, vô lý ở chỗ nào, sự thật ở chỗ nào, giả dối ở chỗ nào. Có câu “hình ảnh có giá trị hơn 1000 lời nói”. Tuy nhiên thời đại 2000 này thì hình ảnh, đoạn phim đôi khi hoàn toàn vô giá trị bởi người ta có thể dựng lên một hình ảnh giả dối, một câu chuyện giả dối; hoặc dùng hệ thống kỹ thuật AI để dùng hình ảnh của một cá nhân, nối ghép những chữ mà cá nhân đó đã từng nói để làm một clip mà nhìn vào tưởng chừng là cá nhân đó nói nhưng lại là clip giả.

Tự mình giáo dục để nhìn con người khác không phải ở cái quá khứ của họ mà ở cái hiện tại của họ. Quá khứ và hiện tại là hai cái hoàn toàn khác nhau ở rất nhiều người. Có những người có quá khứ xấu nhưng ở hiện tại họ là người tốt bởi đã “ngộ” và hiểu được cái xấu của mình ở quá khứ và phục thiện ở hiện tại. Ngược lại có những người có quá khứ tốt nhưng hiện tại lại không ra gì, xài bạc giả (nói dối) mà hình ảnh một số vị tù nhân lương tâm đã từng đi tù cộng sản nhưng hôm nay lại ủng hộ ông Trump. Họ (cựu tù nhân lương tâm) sẵn sàng dùng tin tức giả để xây dựng thần tượng Trump đánh Trung Cộng mà không nhìn vào thực tế mục đích của Trump không phải đánh Trung Cộng mà là để cân bằng cán cân thương mại giữa Mỹ và Trung Cộng; và trận chiến thương mại này Mỹ thực sự thua vì thâm thủng thương mại dưới thời của Trump cao hơn thời các vị tổng thống trước đó. Sẽ không có chuyện Trump đánh Trung Cộng sụp như mơ tưởng của người Việt ủng hộ Trump.

Tự mình giáo dục để hiểu rằng sự học hỏi từ giáo dục sẽ không bao giờ có điểm ngừng, sẽ không bao giờ đủ mà tự mình giáo dục là ở ngay chính bản thân mình luôn luôn tĩnh để nhìn mọi vấn đề chung quanh bằng cái nhìn toàn diện. Cái nhìn toàn diện là đánh giá sự lợi ích của một cái gì đó của hiện tại nhưng thấy được cái nguy hiểm của nó ở tương lai và từ đó phải có kế sách để tránh điều nguy hiểm đó xảy ra ở tương lai. Thí dụ điện thoại thông minh. Bạn có cần thiết phải có hay không hay chính bản thân bạn vì không điều khiển được mình nên cho rằng cần phải có điện thoại thông minh, cần phải có data cho sự tiện lợi để rồi bạn sử dụng điện thoại không minh một cách vô tội vạ đến lúc bị “nghiện” mà chính bản thân bạn không nhìn ra điều đó. Sự “nghiện” này có thể tạo ra nguy hiểm ở chính bản thân bạn và gia đình bạn khi bạn lái xe mà vẫn chăm chú vào cái điện thoại thông minh đó thay vì tập trung vào chuyện lái xe. Cái “nghiện” này khi bạn ăn cơm với gia đình bạn vẫn chăm chú vào cái điện thoại thông minh mà không thấy được giá trị của buổi cơm gia đình. Người viết bài này sống tại Mỹ và không có điện thoại thông minh bởi thấy không cần thiết và hoàn toàn không thấy mất mác gì dù không có điện thoại thông minh.

Tự mình giáo dục bằng cách tìm những quyển sách, những bài viết hay có giá trị về mặt nhân bản để tôi luyện nhân cách, nhân phẩm của chính mình. Đọc những quyển sách, những bài viết có giá trị để nâng cao trình độ hiểu biết về mặt nhân sinh và từ đó luyện tâm của chính mình được sáng và tĩnh lặng hầu có thể đối phó với mọi hoàn cảnh xảy ra trong cuộc sống.

Tự mình giáo dục để thấy rằng tương quan giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với thiên nhiên — là tương quan hữu tương, hai bên cùng có lợi; và tìm đủ mọi cách để tránh cái tham-sân-si đè bẹp chính mình để từ đó mình đè bẹp người khác, phá hoại môi trường vì tham-sân-si điều khiển chính bản thân thay vì tự bản thân điều khiển tham-sân-si.

Tự mình giáo dục để thấy sự tác động của chính bản thân mình vào xã hội và sự tác động đó xấu, tốt là do ở chính nhân sinh quan về cuộc sống, về con người. Một số người Việt tuyên truyền những điều giả dối dưới danh nghĩa tự do ngôn luận mà họ không hề nghĩ rằng những lời giả dối đó ảnh hưởng đến số đông ra sao. Hình ảnh Trump tuyên truyền bầu cử gian lận năm 2020 để tạo ra sự kiện người nghe lời của Trump tấn công vào căn nhà Quốc Hội ngày 6 tháng 1 năm 2021 cho thấy hệ quả của sự nói dối của một cá nhân ảnh hưởng đến người khác, đến xã hội như thế nào.

Tự mình giáo dục để hiểu rằng tự do luôn luôn đi kèm theo trách nhiệm. Tự do mà không kèm theo trách nhiệm thì đó là tự do rừng rú, tự do thời nguyên thủy của loài người (mạnh được yếu thua) và là thứ tự do nguy hiểm đến xã hội. Trách nhiệm không những đối với chính bản thân mình mà là trách nhiệm đối với người khác, với gia đình, với xã hội mình đang sống.

Đấy chính là sự giáo dục mà chính bản thân mình cần phải tôi luyện hầu nâng cao phẩm chất Người của chính mỗi người. Khi chúng ta có những con người thực sự vì con người thì xã hội mới tiến hóa, không chiến tranh.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 4 năm 2021 (Việt lịch 4900)

 

 

 

 

Bình luận về bài viết này