Tu Dưỡng Thắng Nhân: Tự Chủ (P1)

Cái quan trọng trong việc rèn luyện bản thân về tri thức chính là tinh thần tự chủ. Mà tự chủ là gì?

Hiểu theo nghĩa bình thường tức là mình phải làm chủ ở bản thân mình cho mọi hành động, suy nghĩ và tri thức của chính mình. Nói thì dễ nhưng làm thì khó bởi thực tế không có trường sở nào dạy chúng ta về kỹ năng tự chủ. Thành ra khả năng đó tạm thời phải do ở chính mình tìm ra phương cách phù hợp cho bản thân để thực hiện được tinh thần tự chủ.

Kỹ năng tự chủ này có thể thực hiện bất cứ lúc nào mà không giới hạn tuổi tác. Thực tế thì có những người trẻ dưới 18 tuổi đã có tinh thần tự chủ trong khi đó có những người già trên 70 tuổi hoàn toàn không có tinh thần tự chủ. Trước khi tìm hiểu về tinh thần tự chủ thì cần phải giải mã câu ca dao tục ngữ “gần mực thì đen gần đèn thì sáng”.

Câu nói bên trên chỉ áp dụng ở vật chất chứ không nên áp dụng ở con người nếu những con người trong xã hội có tinh thần tự chủ. Thí dụ nếu bạn có cái áo trắng mà đem giặt với áo đen dễ ra màu, trong lúc giặt thì bảo đảm áo trắng của bạn sẽ biến thành màu hơi đen chứ không còn trắng đúng nghĩa. Còn đối với con người, nhiều người đã dùng từ ngữ này để biện minh cho những hành động bầy đàn của bản thân bởi vì không có tinh thần tự chủ.

Bạn sẽ hỏi thế trong ca dao tục ngữ Việt có câu nào thể hiện tinh thần tự chủ của con người hay không? Xin trả lời chính là câu “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Đây chính là câu nói thể hiện tinh thần tự chủ của cá nhân, không để ngoại cảnh xấu ảnh hưởng đến tinh thần tự chủ của chính mình.

Khi nói về ngoại cảnh ảnh hưởng đến hành động, suy nghĩ của chúng ta thì đó là thực tế không thể chối bỏ. Lối ứng xử của chúng ta do tác động với xã hội, với ngoại cảnh để từ đó chúng ta có những hành động thực tế, hợp với nhân bản (cương thường của loài người). Những người không có tinh thần tự chủ thường bị ngoại cảnh chi phối cho nên hành động đi ngược lại nhân bản và cho rằng mình sống biết bằng cách hòa vào sự hỗn loạn của xã hội để tồn tại. Sự tồn tại này là sự tồn tại tạm thời bởi bất cứ sự tồn tại nào đi ngược lại cương thường của con người thì không phải là sống biết trái lại đó là sống loạn, sống thác, sống bất cần, sống cho chính mình mà không quan tâm đến xã hội. Còn người có tinh thần tự chủ sẽ vươn lên trong nhân bản dù chung quanh họ là một xã hội đi ngược lại nhân bản đó.

Hãy lấy vài thí dụ để quan sát và nhận định hình ảnh nào gọi là tự chủ.

Hình ảnh thiếu tinh thần tự chủ

Thí dụ 1: Bạn sinh hoạt trong một nhóm quan tâm về Con Người. Bạn hỏi một người nhỏ tuổi hơn bạn về chương trình huấn luyện của bạn cho những người bạn trẻ ở Việt Nam. Người trẻ đó trả lời thành thật là chương trình huấn luyện của bạn chỉ đạt phần ngọn mà không đạt phần gốc của vấn đề. Thay vì tôn trọng ý kiến khác biệt của người trẻ đó, bạn nói với người trẻ là trình độ của bạn cao hơn trình độ của người trẻ và tiếp tục giảng đạo đức mà hoàn toàn không phản biện lại những ý kiến mà người trẻ nói ra. Lối ứng xử này là lối ứng xử do cảm tính làm chủ và bạn không hề có tinh thần tự chủ. Lý do?

Thứ nhất bạn quan niệm trình độ ở góc cạnh nào? Về bằng cấp ư? Về kinh nghiệm tù đày bạn có mà người kia không có? Thực tế bằng cấp, kinh nghiệm cá nhân hoàn toàn không chứng minh được trình độ hiểu biết của một con người. Trình độ hiểu biết được phối hợp ở sự học hỏi từ trường, từ xã hội, từ chính bản thân và cái quan trọng nhất là từ suy tư của chính bản thân đối với Con Người và xã hội. Bằng cấp không nói lên được trình độ của chính bạn. Kinh nghiệm tù đày của chính bạn có thể chia sẻ cho người khác nghe nhưng chưa chắc cái kinh nghiệm đó hữu ích cho người khác bởi hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nhiều lắm. Vì tự ái, tự ti, mặc cảm trước những lời nói thật của người trẻ cho chương trình huấn luyện của bạn để rồi bạn sinh ra tự kiêu đem trình độ (bằng cấp thì đúng hơn) để so sánh với người trẻ đó. Bằng cấp của bạn có thể cao hơn người trẻ đó nhưng sẽ hoàn toàn không đánh giá được trình độ của chính bạn cao hay thấp với người bạn trẻ kia.

Thứ hai bạn dùng thước đo trình độ ra sao khi chính bạn là người trong cuộc? Đã là người trong cuộc thì khả năng đánh giá, so sánh luôn luôn bị chủ quan không ít thì nhiều. Chưa kể nếu bạn có trình độ cao hơn người trẻ kia thì tại sao bạn phải hỏi ý kiến của người trẻ để rồi bạn không tôn trọng sự khác biệt, không đưa ra những lý luận để chứng minh ý kiến người trẻ sai mà bạn chỉ giảng “đạo đức” để chứng minh “trình độ” của bạn thì lối ứng xử này cho thấy bạn hoàn toàn không tự chủ với chính mình.

Thí dụ 2: Bạn là người quản trị địa chỉ điện thư của nhóm sinh hoạt. Khi hai người trong nhóm tạm ngưng sinh hoạt vì thấy cách điều hành của người “lãnh đạo” nhóm không tôn trọng những người sinh hoạt chung mà chỉ lợi dụng để phục vụ quyền lợi cá nhân trong danh nghĩa vì Con Người, quốc gia. Và người “lãnh đạo” kêu bạn loại hai người kia ra khỏi danh sách điện thư của nhóm mà hai người kia hoàn toàn im lặng trước sự kiện này để xem cách hành xử của nhóm quan tâm về Con Người làm việc ra sao. Thế là bạn lấy địa chỉ email của hai người đó ra khỏi nhóm theo lời yêu cầu của người “lãnh đạo”. Rồi vài tháng sau, một trong hai người đó gửi điện thư cho bạn cùng với 2 người khác với chủ đề “trao đổi. Nói thẳng, nói thật để hiểu nhau”. Trong những trao đổi đó có nhắc lại sự kiện loại hai người ra điện thư của nhóm. Thay vì nhìn nhận sự sai trái, bạn lại tiếp tục cho rằng bạn không phải là “lính” của người “lãnh đạo”; bạn không đồng ý với chuyện loại bỏ hai người kia ra khỏi email của nhóm nhưng vì hai người kia xin rút ra khỏi điện thư của nhóm nên bạn thực hiện đúng ý nguyện của họ. Sự kiện hai người kia xin rút ra điện thư của nhóm hoàn toàn là sự dựng chuyện do chính bạn đưa ra. Bạn đã không có tinh thần tự chủ mà bị người “lãnh đạo” sai khiến nhưng bạn không dám nhìn ra sự thật trên mà sẵn sàng “xài bạc giả” để chứng minh mình không phải là “lính”.

Nếu có tinh thần tự chủ thì bạn sẽ không bao giờ thực hiện ý muốn của người “lãnh đạo” bởi ngay chính bạn cũng nghĩ là sai. Tuy nhiên bạn không hiểu tự chủ là gì cho nên bạn thực hiện ý muốn của “lãnh đạo”. Bạn tự biện hộ mình không phải là “lính” của vị “lãnh đạo” nhưng thực tế bạn còn thua anh lính. Bởi nếu là người lính, khi tướng kêu xung phong mà biết sẽ chết, người lính sẽ xung phong trong một tinh thần cẩn thận. Địch bắn đạn ào ào mà vẫn xung phong thì rõ ràng anh lính đó không dại gì xung phong mà sẽ tìm cách khác để xung phong. Còn bạn giống như người máy, cứ làm theo ý vị “lãnh đạo” chứ đâu phải là “lính” đúng nghĩa. Đơn giản là vì bạn hoàn toàn không có tinh thần tự chủ và chính ở điểm đó mà bạn “xài bạc giả” như người “lãnh đạo” đã từng “xài bạc giả”.

Thí dụ 3: Bạn là tù nhân lương tâm. Trong khi bạn bị đi tù, nhà nước csvn bôi nhọ bản thân và gia đình bạn. Họ dùng thông tin giả để bêu xấu con người của bạn. Và thế giới đấu tranh cho bạn ra khỏi tù hoặc bạn ở hết hạn tù của bản án do bạo quyền dựng lên. Sự đấu tranh của bạn để phải đi tù có phải đó là tinh thần tự chủ của bạn? Nhìn bề ngoài thì đây chính là tinh thần tự chủ. Thế nhưng khi bạn ra khỏi tù, vẫn bị công an theo dõi hằng ngày, bạn lên tiếng ủng hộ ông Trump, một ông hoàn toàn sống ở Mỹ, một cá nhân nói dối còn hơn Hồ Chí Minh. Bạn sẵn sàng dùng thông tin giả để chứng minh là bầu cử tổng thống ở Mỹ có gian lận bởi ông Trump của bạn bị thua. Bạn bị các cơ quan tuyên truyền bên Mỹ đưa ra những tin tức giả mà bạn không đủ tri thức để nhận diện hoặc nếu có nhận diện bạn không xem đó là thật bởi sự thật đó không phải là cái sự thật bạn muốn. Thế là tất cả những thủ thuật mị dân của đảng csvn dành cho bạn trong quá khứ được bạn thực hiện để ủng hộ ông Trump chỉ bởi vì bạn tin ông ta chống Trung Cộng. Bạn không có sự tự chủ để nhìn ra sự thật Trump không hề chống Trung Cộng để Trung Cộng sụp mà ông ta chỉ muốn cân bằng cán cân thương mại giữa Mỹ và Trung Cộng. Chính sách cân bằng đó của ông Trump thất bại bởi cán cân đó càng lớn ra so với người tiền nhiệm.

Tu Dưỡng Thắng Nhân: Tự Chủ (P2)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 2 năm 2021 (Việt lịch 4900)

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s