Khái niệm “hướng thượng” trong triết học phương Đông thiên về ý nghĩa “trở nên tốt lành hơn” (向上); bởi chữ thượng (上) ngoài nghĩa thông thường là “đi lên, ở phía trên”, còn có nghĩa là “tốt nhất, tốt hơn” (Ví dụ: thượng sách) – nghĩa này lại thường dùng trong triết học và Phật học.
Nếu dịch sang Anh ngữ, “Hướng thượng” có thể miễn cưỡng dịch là “upwardness”. Tuy nhiên, danh từ này nặng về mô tả một hướng di chuyển, kiểu như “moving up” hoặc “upward mobility” – được dùng trong triết học hiện đại của Hoa Kỳ (như Ph.D. Jennifer M. Morton của City College of New York). Cho nên, Jennifer M. Morton hay dùng chữ “the ethics of upward mobility”.
Nhưng cũng có người hiểu đúng khái niệm “hướng thượng” ở góc độ tinh thần, như Trish Summerfield (b. 1968, New Zealand). Trong tác phẩm “Positive Thinking”, bà ấy viết:
“Suy nghĩ hướng thượng: Là những suy nghĩ dựa trên nền tảng các giá trị, các phẩm chất của cá nhân hay của nhân loại như sự bình an, lòng nhân ái, sự hợp tác v.v. Đó là những suy nghĩ có liên quan đến việc nhận thức ý nghĩa sâu sắc của cuộc sống, hay những sự việc diễn ra xung quanh ta. Suy nghĩ hướng thượng không chỉ liên quan đến những vấn đề hiện thực trước mắt mà còn liên quan đến kết quả của các hành động. Suy nghĩ hướng thượng giúp chúng ta có một tầm nhìn xa, không mang tính vị kỷ mà hướng đến lợi ích của tất cả mọi người. Chúng ta có thể tập trung một cách có ý thức các suy nghĩ này và làm cho chúng trỗi dậy trong tâm trí mình. Các suy nghĩ hướng thượng được tích lũy dần dần qua việc tìm hiểu về đời sống tinh thần, suy nghĩ về ý nghĩa của sự vật và quan sát các hành vi của chúng ta. Suy nghĩ hướng thượng mang lại cho chúng ta một cảm giác tốt đẹp và một cuộc sống tràn đầy năng lượng.”[1]
Còn Lý Đông A (LĐA) viết như thế nào về hướng thượng?
“Hướng thượng” dùng trong tài liệu Lý tiên sinh chỉ một quá trình vận động đi tới tiền tiến, diễn tả một xu hướng tiến hóa của sinh mệnh trở nên văn minh hơn; ngược lại với kiểu cách mạng làm cho văn minh của chúng ta thoái bộ. “Hướng thượng” trong chủ nghĩa Duy Dân là một trong 3 mặt của hai tầng: Cách mạng và Sáng tạo – đây cũng là một điểm đặc trưng trong lý luận Duy Dân. Thường thì người ta hàm ý Cách Mạng là làm cho tốt hơn, nhưng thực tế cho thấy có cả kiểu “Cách mạng giật lùi” (chữ này LĐA đã dùng) như tình trạng miền Nam VN rơi vào tay CS sau 1975; do đó, cách mạng của Duy Dân cần phải hướng thượng; sáng tạo cũng vậy.
Hướng thượng theo LĐA cũng bao hàm một phạm vi rộng hơn Cách Mạng và Sáng Tạo, hướng thượng được xem là một nguyên tắc trong tầm nhìn và suy nghĩ của con người.
Tóm lại, hướng thượng cần hiểu theo nghĩa những cái gì ở hiện tại/thực trạng phát triển theo xu hướng tốt đẹp hơn. Hướng thượng của Duy Dân không có trạng thái “có thể” hoặc thoái bộ giật lùi.
Hướng thượng chắc chắn không phải hướng về Thượng đế vì chẳng ai biết Thượng đế ở đâu và hướng về. Ngay chính Thượng đế chắc cũng không muốn thiên hạ biết mình ở đâu vì chúng sinh sẽ kéo về quay rầy, phiền lắm.
Vậy hướng thượng là hướng về đâu? Là đi lên, thêm một nấc nữa. Đối với kẻ nhà giàu muốn giàu thêm. Đối với kẻ có vợ lại muốn có vợ…nhỏ, đào nhí. Đối với kẻ có con lại muốn có thêm, cho vui, mà chẳng biết có nuôi nấng dạy dỗ chúng ra gì hay không.
Cứ coi hướng thượng là hướng đi lên, tốt hơn vì nếu xấu hơn chỉ là đi đến hủy diệt.
Có bao nhiêu ngả đi lên tốt hơn? Đi về đâu? Làm thế nào để tốt hơn trong cơn hỗn loạn của xã hội, khi cách mạng bùng nổ?
Hướng thượng không phải chỉ nói suông. Hướng thượng chỉ đề cập trong tôn giáo và triết học.
Trong tôn giáo thì bán cái cho Chúa, Phật và vị giảng sư tha hồ nói hươu, vẽ vượn về một thiên đàng hay niết bàn mà chính ông ta chưa hề biết tới.
Trong triết học thì đó phải là sự suy nghĩ sâu xa, thấu đáo của một thời gian dài suy ngẫm, lựa lọc dựa trên đạo đức, cương thường.
Nhưng trong chính trị, chiến tranh, các nhà lãnh đạo không có thì giờ để “hướng thượng”. Họ dùng thủ đoạn, chiến thuật, chiến lược để đạt kết quả.
Và khi phương tiện đã không hướng thượng thì làm sao cứu cánh sẽ hướng thượng?
Trường hợp của tư bản và cộng sản.
Trong xã hội tư bản, hướng thượng là con đường tiến lên giàu sang, phú quý; tuổi trẻ được giáo dục để thực hiện giấc mơ (American dream) cá nhân. Đúng hay sai, lương thiện hay bất lương không được nhắc tới miễn là làm giàu, có danh tiếng là coi như thành công trong xã hội; còn chuyện tội ác, tù đày, luân lý, đạo đức không quan trọng. Vì vậy học đường Mỹ không có triết học mà chỉ có cố vấn (counselor) để khuyên bảo mỗi khi tuổi trẻ lạc đường: cha mẹ nói thì không nghe nhưng lại nghe theo cố vấn vì đó là con đường cuối cùng trước khi vào tù vì phạm pháp hay sa ngã vào trụy lạc. Vợ chồng xung đột cũng đưa ra cố vấn (counselor) trước khi quyết định ly dị. Ly dị để hy vọng hướng thượng? Hay suốt đời “gà trống nuôi con”? Hay sa ngã vào tay những kẻ dùng tình gạt tiền? Trong khi các nhà chính trị trong mỗi mùa tranh cử có cả trăm “chiến lược gia” (strategist) tham dự “bàn đề”: làm sao thắng cử. Như vậy, một khi đắc cử thì các chính sách trên mọi lãnh vực sẽ tùy theo chiến lược gia nào có kế hoạch phù hợp với tầm nhìn của vị lãnh đạo. Bởi vậy nếu cứ tin các tổng thống Mỹ sẽ hành động trước sau như một mà lầm to (nhất là mặt đối ngoại, nhân quyền). Đó cũng là lý do vì sao Mỹ không dựa vào triết học mà chỉ chú trọng đến làm giàu (kinh tế) và sức mạnh (quân sự)
Trong xã hội cộng sản, nhà nước và đảng sau khi mượn danh nghĩa “công- nông” để cướp chính quyền thì sau 70 năm thất bại nay chuyển sang “tư bản đỏ”: chấp nhận giới thương gia vào đảng để làm giàu cho đảng. Triết học mà cộng sản sử dụng chỉ là chiêu bài mà thực chất là độc tài, độc đảng biến con người thành công cụ để làm giàu, chiếm đoạt tài nguyên mà hiện nay Nga, Trung Cộng vẫn còn theo đuổi.
Hướng thượng như vậy được hiểu như là tìm cách “ngồi trên đầu cổ nhân dân” để bóc lột dưới danh nghĩa: tự do làm giàu (cá nhân) hay xây dựng tổ quốc giàu đẹp (xã hội).
Cả hai con đường đó kêu gọi nhân loại chạy theo nhưng lại để quên con người vì trên con đường đi tìm “cứu cánh” họ đã hủy diệt con người qua “phương tiện”. Các nhà lãnh đạo thường kêu gọi cứu cánh biện minh cho phương tiện nhưng lại quên nói rằng phương tiện xác định cứu cánh.
Nếu nói rằng vì giấc mơ giàu, đẹp mà một người phải làm 2, 3 công việc quên lập gia đình, hay có gia đình mà quên vợ con. Hay vì làm giàu nên có một căn nhà thì phải có thêm căn thứ hai để cho mướn, làm giàu. Muốn làm giàu phải làm thương mại; chuyện xả rác, ô nhiễm môi sinh để mặc ai lo. Ai nghèo đói là số phận, ráng chịu. Chính quyền phải giúp dân làm giàu (tư bản) hay nắm chính quyền để làm giàu (độc tài, cộng sản) và phân phát vật chất cho người dân nếu người dân chịu sống như con thú trong trại chăn nuôi (đừng đòi hỏi nhân quyền, tự do báo chí, ngôn luận…).
Đó là hướng thượng như chúng ta đang thấy.
Vậy khi LĐA nói đến hướng thượng thì phải hiểu đó là Tu Dưỡng Thắng Nhân, là Sinh Mệnh Tâm Lý, là Duy Nhân Cương Thường, là Cơ Năng Hiến Pháp, là Bình Sản Kinh Tế. Đó là một vòng tròn khép kín: không có Tu Dưỡng thì không hiểu Sinh Mệnh tâm lý và không có ABC để đi tới Cơ Năng Hiến Pháp và cuối cùng là Bình Sản kinh tế (BSKT). Nếu kinh tế (tài nguyên thiên nhiên) không được phân phối hay sử dụng đồng đều thì sẽ đưa đến hủy diệt môi trường và nhân loại tiêu vong. Chỉ có BSKT mới khiến con người chấp nhận tu dưỡng. Như vậy làm sao khởi sự từ đầu? Quả trứng hay con gà?
Đó cũng là sự khác biệt giữa triết học và tôn giáo. Triết học thì con người phải chủ động, tỉnh thức. Tôn giáo thì con người phó mặc cho kẻ hướng dẫn và thường là đi xuống vũng lầy.
Hướng thượng chỉ dành cho người có lý tưởng, có tâm tu dưỡng, muốn đóng góp cho xã hội. Vì nếu hướng thượng chỉ là cho bản thân thì đó chỉ là sự ích kỷ. Mà nếu sự hướng thượng không có tung-hợp thì chơi với ai?
Hướng thượng còn là mục tiêu chung để xã hội, dân tộc, quốc gia cùng đoàn kết xây dựng mục tiêu chung. Và mục đích của sự hướng thượng là trách nhiệm của giới lãnh đạo.
Cái gì trước, cái gì sau? Đó cũng là thử thách để tìm hiểu lãnh đạo. Đặt ưu tiên sai sẽ cản trở sự phát triển chung. Vì có tính triết học, nó cũng thử thách sự lý luận và đạo đức, cương thường của các nhà lãnh đạo.
Thử đi, các bạn: “hãy tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa”. Lời kêu gọi 1975 của nhà nước CSVN nay đi về đâu?
Giấc mộng làm giàu của nước Mỹ đưa con người đi vào không gian vô tận để tìm cái gì? Khi trái đất đang bị tàn phá môi sinh? Làm giàu thì phải có vũ khí để bảo vệ của cải, còn người nghèo thì có gì để giữ? Nhưng khi người nghèo đói bỏ nước đi tìm miếng ăn thì nhà giàu không chứa chấp. Nhưng nếu người nghèo chết hết thì lấy ai phục vụ nhà giàu?
Đã có những nền văn minh cổ chỉ vì hướng thượng không đúng mà tiêu vong. Những nền văn minh đó cũng có khoa học, tôn giáo, luật pháp (và có lẽ cả Hiến Pháp) nhưng chắc chắn thiếu một minh triết để soi đường.
Ngày nay chúng ta đã thấy các tôn giáo bắt đầu suy tàn khi chính nội bộ của các tôn giáo cho thấy các nhà lãnh đạo tinh thần đã không có Tu Dưỡng bản thân và các tín đồ ngày càng trở nên quá khích. Lời dạy của đấng sáng lập chỉ được dùng như là lời mời gọi gia nhập một thế giới cuồng tín mà quyền lợi bản thân trong cuộc sống hàng ngày là chính yếu. Các từ ngữ nhân quyền, dân chủ, tự do, thương yêu… chỉ là nhãn hiệu gắn lên khi bạn có cùng giá trị như họ.
Hướng thượng là đi theo hướng họ chỉ định.
Đó là vì sao LĐA đòi hỏi con người phải tu dưỡng để làm chủ bản thân: Nhân chủ rồi mới nói chuyện dân chủ khi đã thông qua Cương Thường. Rồi khi đó Hiến Pháp sẽ đến mà không cần phải có các luật gia gạo cội có mặt. Vì các luật gia chỉ dùng ngôn ngữ để biện luận mà ngôn ngữ thì có giới hạn của nó. Người xưa nói được ý thì quên lời nhưng ngày nay tư bản và cộng sản như nhau: mượn lời để ngụy tạo, xuyên tạc ý nghĩa.
Vô Ngôn?
Trần Công Lân
Tháng 12 năm 2020 (Việt lịch 4899)
[1] Trish Summerfield (từng sống 20 năm ở Việt Nam) viết tác phẩm này cùng với Frederic Labarthe, Anthony Strano.
đoạn trên được trích lại từ báo Tuổi Trẻ – theo bản dịch Việt ngữ “Tư duy tích cực ” của First News và NXB Văn Hóa Sài Gòn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nam-loai-suy-nghi-chinh-226845.htm