Nói Về Một Cuộc Cách Mạng Hướng Thượng (P1)

Hướng thượng ở đây không phải hướng về chúa, phật hay thượng đế. Hướng thượng chỉ là đi lên, tiến lên một bước nữa trong đời sống, trong xã hội, trong suy nghĩ của một con người để đóng góp cho nhân loại được hòa bình, hạnh phúc hơn chứ không phải làm gia tăng bản ngã, ham muốn của cá nhân.

Tại sao nước Mỹ tiến bộ? Tại sao ai cũng muốn đến nước Mỹ, nếu không là du học thì cũng là làm ăn, tìm hiểu (du lịch). Vậy nước Mỹ có gì đặc biệt?

Trong Hiến Pháp Hoa Kỳ, 17-9-1787 có ghi (Article I, section 8): ” Quốc hội có quyền thăng tiến sự phát triển khoa học và nghệ thuật bằng cách bảo toàn thời gian ấn định cho tác giả và người phát minh có quyền về sự khám phá của họ”.

Về mặt khoa học, kỹ thuật thì quyền lợi của người sáng chế là 20 năm. Bất kỳ cá nhân hay công ty nào sử dụng sẽ phải trả một số tiền hay chia xẻ lợi tức cho người sáng chế. Sự kiện này đã xảy ra từ 1641 khi Samuel Winslow được toà án Massachusetts xác định quyền sử dụng phương pháp khai thác muối trong vòng 10 năm.

Từ đó, những người dân Mỹ đứng trước lãnh thổ rộng lớn mà thiếu nhân lực, kỹ thuật nên đã cố gắng phát minh các máy móc, dụng cụ để cải tiến đời sống con người. Mỗi năm có hàng trăm ngàn đơn xin bằng sáng chế nộp tại Mỹ.

Phát minh không hẳn là một cái gì hoàn toàn mới. Đa số là sự cải tiến những gì đã có nhưng thay vì sửa đổi chút một thì mất công mà không đáng. Bằng phát minh đòi hỏi sự nhảy vọt, vượt trội hơn những gì đã có từ trước. Chính vì thế cứ khoảng mỗi thập niên là nền kinh tế Mỹ đổi khác chính vì dụng cụ, phương pháp, kỹ thuật… đã thay đổi mau lẹ.

Để đáp ứng nhu cầu kinh tế, lợi nhuận, các nhà phát minh đã bắt tay sản xuất trước khi bằng sáng chế được chấp thuận, thường là mất hơn 5 năm cứu xét để chấp thuận nếu không bị kiện cáo sau đó. Sau 20 năm thì sáng kiến sẽ trở thành tài sản chung của xã hội (public properties) và ai cũng có thể sử dụng mà không phải trả tiền cho người phát minh.

Nhưng mọi phát minh có phải đều hướng thượng hay không?

Không hoàn toàn như vậy.

Lúc đầu là vì sự cải thiện đời sống của con người. Nhưng rồi sau là vì quyền lợi kinh tế. Và khi khoa học- kỹ thuật (đòi hỏi sự chính xác) phải phối hợp với nghệ thuật (art) là sự trừu tượng, uyển chuyển, mơ hồ, nhập nhằng… thì hỗn loạn xảy ra.

Thí dụ một nhạc sĩ A sáng tác một bản nhạc “top hit” A-1, có nhãn hiệu trái táo “tròn”, bán chạy bạc triệu (dĩ nhiên có xin bản quyền). Một nhạc sĩ B, kém khả năng hơn, muốn cạnh tranh cũng nhái lại bản nhạc khác có âm điệu và lời nhạc “hơi hơi” giống như A-1 hay có nhãn hiệu trái táo “méo”. Dĩ nhiên nhạc sĩ A sẽ kiện B vì làm thiệt hại thương vụ của mình.

Hoặc như Trung Cộng ăn cắp (hack) các phát minh, kiểu mẫu về phi cơ, thuốc men, điện thoại…của các nước tây phương để… “hướng thượng”?

Tuy rằng hiện nay các nước đã phối hợp nhau để cùng thỏa thuận về quy ước cho sự phát minh theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng tại mỗi quốc gia đều có luật riêng.

Và đó là vấn đề: thượng tôn pháp luật. Nhưng pháp luật vẫn có thể bị bẻ cong bởi miệng lưỡi của luật sư (Mỹ) hay của chế độ chuyên chính độc tài (Trung Cộng).

Khi các nhà khoa học, kỹ sư cặm cụi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để hoàn thành bản mẫu, họ đã ghi nhận lại tiến trình thực nghiệm. Tài liệu này sẽ giúp khi nộp đơn xin bằng phát minh vì xác định ngày tháng nhà phát minh đã phát kiến vấn đề cần giải quyết. Ngày khởi công sẽ đánh giá ai là người đầu tiên có ý định và sẽ được ưu tiên cấp bằng nếu thành công. Cho dù nếu A có chậm hơn B nhưng vì khởi công trước thì A vẫn được coi như tiên phong trước B mặc dù B đã thành công đưa ra thị trường.

Quy luật phát minh đòi hỏi người có sáng kiến phải trình bày rõ ràng để một kỹ thuật gia bình thường cũng có thể dựa theo đó để thực hiện sản phẩm. Vì thế sự bảo mật rất quan trọng. Các công ty, đại học, viện nghiên cứu có thể rình rập mua chuộc người, tin tức để vượt lên, qua mặt, sản xuất mặt hàng trước đối phương.

Nếu chỉ giản dị như vậy thì đã không có vấn đề. Nhưng vì con người có lòng tham. Người có thực tài thì ít mà tài lanh thì nhiều.

Khi một sản phẩm hữu dụng được phát minh thì sẽ có hàng trăm sản phẩm “nhái lại” do các nhà “phát minh” cóp nhặt chạy theo để hưởng lợi. Tuy không đầy đủ, chính xác, hữu dụng như sản phẩm chính gốc nhưng vì bán rẻ, vừa đủ xài… nên vẫn là thị trường tiêu thụ cho những người dân ít tiền nhưng tạo ra vấn đề khác là xả rác, tạo những công việc không lâu bền nên phí phạm nhân lực.

Hướng thượng là hướng về đâu trong đời sống thực tế?

Bạn là một nhà kinh tế thì sẽ phát triển kinh tế như thế nào?

Bạn là một nhà giáo dục thì sẽ phát triển giáo dục như thế nào?

Bạn là một nhà văn hóa thì sẽ phát triển văn hóa như thế nào?

Bạn là một nhà chính trị thì sẽ phát triển chính trị như thế nào?

Bạn là một nhà khoa học thì sẽ phát triển khoa học như thế nào?

 

Có muôn ngàn hướng để đi lên. Vậy khi nào rẽ trái, rẽ phải? Khi nào ngừng để kiểm soát?

Khi hướng thượng là sức ly tâm thì kinh tế không phù hợp với chính trị, giáo dục không thích hợp với văn hóa. Khi hướng thượng chỉ là phát minh về khoa học, kỹ thuật để đẩy mạnh phát triển kinh tế mà luật pháp, giáo dục không theo kịp thì sẽ xảy ra những hậu quả mà kinh tế toàn cầu cùng với trật tự thế giới mới chỉ đem lại những xáo trộn không cần thiết… và như vậy là phân hóa, không hội tụ thì còn gì là xã hội, quốc gia. Vậy thì đâu là sức hướng tâm? Hướng thượng mà không quy tụ về một mối thì đâu có thể gọi là hài hòa, hạnh phúc, cùng nhau xây đắp quê hương, dân tộc. Còn đâu là nhân loại chung sống trong một môi trường duy nhất: trái đất.

Khi làm việc trong một tổ chức, tất có ý kiến khác biệt, có sự phê bình (không phải chỉ trích) phải có lý do (so sánh, chọn lựa, đề nghị thay đổi). Khi một sinh hoạt trong tổ chức mà không có phê bình thì tổ chức đã chết rồi.

Tuân Tử: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn của ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy”.

Khi nào biết mình phải giữ vững lập trường? Khi nào phải thay đổi? Đó là công phu tu dưỡng của bạn chứ không phải lấy quyền thế để quyết định.

Nếu bạn là cấp lãnh đạo, bạn phải biết đi về đâu? Mục đích gì? Bao nhiêu điều lợi? Bao nhiêu điều hại? Nếu thay đổi thì như thế nào? Nhân sự dưới quyền có thể đảm đương được nhiệm vụ giao phó hay không? Hướng thượng không phải là ra trận thí quân để đạt mục tiêu. Đó là sự xây đắp ngôi nhà với từng viên gạch. Đặt một viên gạch sai là cả bức tường méo, sẽ làm sụp đổ cả ngôi nhà.

Nếu bạn là thuộc cấp, bạn có đủ can đảm lên tiếng phê bình cấp lãnh đạo trong lĩnh vực chuyên môn của bạn không? Nếu tổ chức của bạn không chấp nhận phê bình thì bạn sẽ phản ứng ra sao? Bỏ đi hay ở lại tiếp tục “tuân lệnh”? Đó cũng là công phu tu dưỡng của bạn.

Cũng chẳng vì muốn “hướng thượng” mà không có ý kiến, không biết làm sao, nên chắc ăn là đi hỏi “thầy” (vị lãnh đạo tôn giáo, linh mục, thượng tọa…). Nhưng gặp thời buổi mạt pháp thì tôn giáo suy đồi, còn đâu mà hướng thượng khi các vị lãnh đạo tôn giáo còn sa lầy.

Nói Về Một Cuộc Cách Mạng Hướng Thượng (P2)

Trần Công Lân

Tháng 12 năm 2020 (Việt lịch 4899)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s