Sinh hoạt trong tổ chức Cách Mạng (CM): độc tài hay dân chủ?
Có người cho rằng trong CM phải độc tài chứ không thể là dân chủ vì lãnh đạo là “tối cao” (không thể sai lầm?) và kẻ dưới chỉ có tuân lệnh thi hành chứ không có ý kiến và như vậy sẽ không có phê bình hay tự phê bình (kiểm thảo) mà nếu có chỉ là hành động để truy tìm kẻ “phản động” chống đối lãnh đạo. Vậy nếu lãnh đạo sai lầm thì sao? Chúng ta đã thấy trường hợp của các đảng CS Nga, Tàu, VN… lôi một giới chức cao cấp nào đó để làm dê tế thần và ban lãnh đạo tiếp tục lãnh đạo sau khi ban hành một vài biện pháp xoa dịu quần chúng.
Có người cho rằng sinh hoạt dân chủ mới đúng tinh thần CM. Vì nếu mục đích của CM là lật đổ chế độ độc tài để xây dựng dân chủ thì phải dân chủ ngay từ đầu (trong khi thi hành CM). Nhưng đấu tranh trong CM không phải là tiến trình xây dựng dân chủ của thể chế chính trị có hiến pháp, luật pháp có phân quyền quy định.
Trong CM, đối đầu với thế lực cầm quyền sử dụng bạo lực để tiêu diệt mọi chống đối (như trong chiến tranh) thì không thể do dự, phân tán lực lượng, thi hành công tác một cách hòa bình, thong thả…. Hoạt động CM chỉ có đúng và sai. Đúng thì tồn tại. Sai thì bị đối phương tiêu diệt. Vậy thì làm sao phân định đúng, sai? Trong CM — Đó không phải là sinh hoạt dân chủ trong một thể chế chính trị. Trong CM — Đó là lý luận: Biện chứng pháp.
Sử dụng biện chứng pháp không phải là nói cho hay, lý luận cho giỏi để thuyết phục người nghe như trong sinh hoạt chính trị. Trong CM, biện chứng pháp là tìm giải pháp đúng để tiến hay thoái.
Trong tôn giáo có Thần học, nhưng lý luận để tin vào “thần” thì đã là có thần thì mới học lý luận để thuyết phục là — đó là “thần” chứ không phải là quỷ. Và phải lý luận để bài bác các luận thuyết khác thì “thần” của mình mới là “chính” để theo. Do đó trong tôn giáo thường có tranh chấp về tín ngưỡng.
Trong một tôn giáo khác có môn học về “Nhân Minh Luận” (lý luận về con người sáng suốt). Sáng suốt để chọn con đường, giải pháp để đạt mục đích. Mục đích gì? Mục đích của người đã đưa ra “Nhân minh luận”: là hạnh phúc, là giải thoát. Làm sao biết rằng lý luận này đúng? Vì nếu lý luận không đúng thì không đạt được những gì người đi trước đã đạt được. Vì con đường này vẫn còn có người theo đuổi và đã đạt được, thực tế cho thấy đã thoát khỏi nhiều vướng mắc mà các con đường “thần quyền” khác đã vướng mắc.
Để phân định cái nên làm và không nên làm (thay vì gọi là đúng hay sai có thể chỉ là tạm thời) thì khi phán đoán, chúng ta phải vô tư không để cho những xúc động riêng tư chi phối, hay “thần thánh” ảnh hưởng đến quyết định. Và khi quyết định, chúng ta cũng phải nhìn ra những hậu quả, biến thái, cơ hội sẽ có thể xảy ra trong hướng đi của đa số cũng như thiểu số.
Cách mạng và hành động
CM đòi hỏi hoạt động kín đáo, bí mật vì đang ở tình trạng bị nhà cầm quyền truy tầm, đàn áp.
Khi mục tiêu của tổ chức CM là mở rộng hoạt động tuyên truyền, chiêu mộ nhân sự trong giai đoạn phát triển, huấn luyện và củng cố địa bàn, hậu cứ trước khi bước qua giai đoạn công khai hoạt động. Nếu chưa bảo đảm sự thông tin an toàn và hậu cứ không bị đe dọa bởi đối phương để sự chuyển thế công- thủ không bị rối loạn thay vì vội vã gây tiếng vang sẽ bị càn quét, tiêu diệt và phải trở lại xây dựng từ đầu. CM đòi hỏi sự tính toán không phải tình cảm xung động. Tình cảm chỉ tốt khi đặt đúng chỗ, đúng lúc (tình quê hương, tổ quốc, đồng bào, dân tộc… khi vận động, tuyên truyền).
CM và con người
Khi xã hội rối loạn cùng cực và đòi hỏi cuộc CM để thay đổi toàn diện, triệt để và hướng thượng thì có thể nhiều người đồng ý nhưng làm thế nào để thực hiện cuộc CM đó đòi hỏi mọi người phải trả lời nhiều câu hỏi hơn là thực tế trước mắt (xã hội hay đất nước suy thoái).
* Thay đổi để đi về đâu? (mục đích của CM sẽ là gì)
* Thay đổi như thế nào? (lý thuyết chỉ đạo cuộc CM: chủ nghĩa?)
* Làm thế nào để thực hiện? (tổ chức và lãnh đạo)
* Ai (nhân sự) sẽ lãnh đạo, tham dự cuộc CM? (nhân diện con người CM)
* Làm thế nào để ngay từ đầu gạn lọc con người, lý thuyết, hành động, kết quả… để biết rằng con đường nào sẽ dẫn đến mục đích đặt ra mà không là:
ảo tưởng (100% không có),
lường gạt (10-90% không đúng sự thực đã đưa ra lúc đầu), hay
phản bội (hoàn toàn 50-100% đi ngược lại lúc ban đầu)?
Tất cả từ con người và như vậy do con người: thực, giả, biến chất.
Trước hết hãy tìm hiểu bản chất của CM:
* CM là một trò chơi vĩ đại, mọi mặt đòi hỏi tầm nhìn rộng, suy đoán kỹ, sâu và hợp lý.
* CM là trò chơi muôn mặt từ trong mỗi con người (thể chất, tinh thần) đến gia đình, thân nhân, dòng họ (huyết thống, gia tộc, gia phả) cho đến vùng, miền, dân tộc, chủng tộc và cuối cùng là thế giới. CM không có tầm nhìn thế giới là CM nửa mùa.
* CM trong phạm vi một quốc gia đòi hỏi kiến thức căn bản về mọi mặt của xã hội (tây phương): kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa, tôn giáo, quân sự; (đông phương) y-lý-số, tử vi, tướng pháp ….
* CM là một khoa học đòi hỏi sự hợp lý, nguyên tắc đồng thời khả năng về trực giác của mỗi cá nhân. Tình và Lý, Tài và Đức là những điều đòi hỏi nơi con người CM. Cũng như Vô công -Vô kỷ-Vô danh-Vô ngã là những gì con người CM phải có như một thầy tu chân chính. CM không phải tôn giáo mà cũng không phải phàm tục. Thánh nhân hay phàm tục đều không thể làm CM được. Chỉ có con người CM sinh ra để làm CM mới thực hiện được.
Do đó trong CM không thể có tình cảm lãng mạn, ngây thơ, mơ mộng hay xúc cảm, kiêu căng, hung hãn, quá khích, thiên Tả hay Hữu đều phải bỏ, giai cấp hay tôn giáo cũng vậy…. Nói tóm lại con đường Trung Đạo của nhà Phật cần được xiển dương không phải vì tôn sùng Phật giáo mà vì đó là lối lý luận (Nhân Minh Luận) cân bằng và chính xác nhất cho con người (cá nhân tu dưỡng). Vì Phật giáo không làm chính trị mà chỉ tìm sự giải thoát nên có thể nói bất kỳ ai đem Phật giáo vào chính trị là giả dối. Tuy nhiên vì không nhắm đến chính trị (cai trị) lý luận của Phật giáo không giúp gì trong CM. CM cần biện chứng pháp (lý luận) cho CM, cho thế gian thường tục.
Tại sao cần có CM? Vì xã hội cũ đã thối nát hay vì chính quyền đã bất lực, tham nhũng, hủ hóa, độc tài, làm tay sai ngoại bang, bán nước, diệt dân, diệt chủng, phá hoại văn hóa dân tộc…. Vậy nếu CM muốn thay đổi thì phải có chính sách về xã hội và chính quyền. Tương quan giữa người dân (hay xã hội) với chính quyền là Hiến Pháp. Hiến Pháp cần nói lên điều gì? Mấu chốt của xã hội, chính quyền cũ cần phá bỏ vì (?): Tham-sân-si (?) hay vì đạo đức nơi con người (dân và giới lãnh đạo chính trị) đánh mất đạo đức lương tâm? Xã hội cũ cũng có luật pháp chứ, có người làm luật, hành luật mà tại sao nên cớ sự? Phải chăng vì chính người làm luật, thi hành luật cũng đã hủ hóa?
Vậy Hiến Pháp mới phải nhấn mạnh về quy luật của đạo đức, cương thường để duy trì giềng mối xã hội. Khi đạo đức nơi con người hành luật, làm luật biến chất là đầu mối hỗn loạn. Đặt vấn đề kỷ luật kiểm soát chất lượng của người lãnh đạo, biết luật, làm luật, thi hành luật là chính sự của xã hội loài người. Hiến Pháp Mỹ bỏ lơ đạo đức để luật sư, quan tòa toàn quyền quyết định trật tự xã hội đã đưa đến khủng hoảng đạo đức trong xã hội và chính quyền Mỹ.
Đạo đức, cương thường mới là dưỡng khí (oxy) nuôi dưỡng con người sống (thở) trong xã hội chứ không phải dân chủ (democracy) như Tây phương thường quan niệm. Vì dân chủ mà không đạo đức thì Tham-sân-si nổi lên và con người, xã hội rối loạn.
Bình đẳng và công bằng là điều căn bản của xã hội công ước. Nếu con người sinh ra như nhau thì không thể vì khôn ngoan hơn hay khỏe mạnh hơn để lấn áp kẻ khác mà chiếm lấy tài nguyên thiên nhiên, hủy diệt đồng loại. Bình đẳng và công bằng sẽ giúp tránh mọi tranh chấp về quyền lợi kinh tế, vật chất (vì có giới hạn. Duy Vật) và đó là lý do đưa ra Bình Sản Kinh Tế.
Yếu tố nào (hay tiêu chuẩn) sẽ được cứu xét khi tiến hành quyết định cho một vấn đề (decision making process)?
Lãnh đạo càng cao thì càng cô đơn; càng nhiều cố vấn, ý kiến thì càng khó quyết định. Yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến cá nhân người lãnh đạo. Vậy ngược lại cá nhân của giới lãnh đạo cần tránh (giảm bớt) những điều kiện có thể chi phối trong quyết định: tài sản, tình cảm, gia đình, thân nhân…. Trong khi tiến hành CM thường đòi hỏi ly khai gia đình để tránh những ràng buộc không cần thiết. Nhưng khi giai đoạn đấu tranh xong, và nắm chính quyền thì những ràng buộc trên trở lại (khi cuộc CM chưa hoàn tất vì đòi hỏi một thời gian dài).
Hướng thượng nằm trong mọi chi tiết nhưng thể hiện trong một tiến trình lâu dài mà ít người thấy. Hướng thượng cũng nằm trong tiến trình tu thân (tu dưỡng) của mỗi cá nhân. Khi cá nhân có nhiều hoạt động thường trực thì không thể tu dưỡng thâm sâu để có những quyết định cao cấp khi lãnh đạo.
Hướng thượng đòi hỏi cuộc sống giản dị mà có suy nghĩ phức tạp để nhân diện các khó khăn khi quyết định trong điều kiện hiện tại phù hợp với kế hoạch tương lai mà không tái diễn lỗi lầm quá khứ.
Khi Lý Đông A (LĐA) nói về CM với tính hướng thượng hiển nhiên LĐA đã dựa trên triết học chính thống. Lý do? LĐA đã không nói đến tôn giáo vì tôn giáo là tin vào thần quyền. Mà một khi tin vào thần quyền thì con người dễ mù quáng và lạm dụng. Triết học là đỉnh cao của sự khôn ngoan và lý luận. Không có triết học thì lý luận của con người dễ lầm lạc, mâu thuẫn hay nghịch lý. Do đó lãnh đạo CM đòi hỏi phải nắm vững triết học mà LĐA đã nói: sống biết, sống đúng, sống thực.
Mà đã sống biết, sống đúng, sống thực thì phải là quá khứ đã tu dưỡng (gột rửa) chứ không phải đợi lúc chụp thời cơ mới nói để an lòng dân thì là giả tạo rồi. Nhìn vào lãnh đạo CM phải nhìn cả 3 thời: quá khứ, hiện tại và tương lai.
Nếu quá khứ không thông, hiện tại mơ hồ: lúc có lúc không thì tương lai sẽ là gì?
LĐA nói về thời đại 2000s, khen LĐA không bằng thực hiện những gì LĐA nói qua Duy Dân.
Nếu có người đã từng nói “trong suốt 40 năm qua, ta chưa từng nói một lời nào” thì toàn bộ tư tưởng của LĐA có thể gom lại trong một lời hay chăng?
Mời bạn….
Trần Công Lân
Tháng 12 năm 2020 (Việt lịch 4899)