Xây Dựng Dân Chủ Việt Nam Qua Khái Niệm Công Đảng (P1)

Ngày nay, khái niệm và nền chính trị dân chủ đã trở nên phổ biến khắp thế giới. Tại các quốc gia độc tài cộng sản, họ cũng cho thể chế của họ là dân chủ, thậm chí dân chủ gấp nghìn lần tư bản qua cụm từ “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Tuy nhiên, ai cũng thấy là với thể chế độc đảng, không thể có dân chủ theo nghĩa người dân thực sự quyết định lấy vận mệnh chính trị của mình. Trong thể chế này, đảng quyết định tất cả, không dựa trên quyền lợi nhân dân mà trên quyền lợi và quyền cai trị tuyệt đối của một nhóm người, đánh tráo khái niệm thành “đảng lãnh đạo”. Nói cách khác, đó là tư đảng chứ không phải công đảng, tức chỉ lo cho quyền và lợi của đảng chứ không cho toàn dân.

Hoạt động chính trị tại các quốc gia dân chủ đa đảng với tam quyền phân lập tất nhiên tiến bộ hơn các chế độ độc đảng bội phần khi có sự cạnh tranh giữa các chính đảng; tuy vậy, sự tranh đoạt quyền lợi và lá phiếu của người dân để đưa đảng mình vào vị trí lãnh đạo hai ngành hành pháp và lập pháp, và phần nào ảnh hưởng đến tư pháp, cũng tạo ra hình thái tư đảng lẫn đảng tranh, được Lý Đông A (LĐA) nêu ra từ thập niên 40 của thế kỷ trước.

Người ta có thể tìm thấy nhiều ví dụ về tranh chấp quyền lợi giữa các đảng phái, nhiều khi đem đến bế tắc vì sự khác biệt giữa hai hay nhiều triết lý quản trị khác nhau (governing philosophies). Rõ nét nhất là khác biệt giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà trong nền chính trị Hoa Kỳ. Đảng Cộng Hoà thường được xem là bảo vệ quyền lợi của những người giàu có, trong khi Đảng Dân Chủ được coi là đi với dân nghèo. Hai quan điểm này thường tranh chấp với nhau tạo ra một nền dân chủ mà Lý tiên sinh gọi là “dân chủ kéo co”, khiến cho các dự luật tốn rất nhiều thời gian để thông qua, hoặc dùng dự luật để bắt bí nhau, chưa kể còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi tài phiệt chi tiền cho các nhóm vận động hành lang chuyên nghiệp chi phối, đôi khi dẫn tới bế tắc chính trị phải đóng cửa một số hoạt động của chính phủ như tại Hoa Kỳ, hoặc phải giải tán quốc hội để bầu lại như một số nước châu Âu.

Trong quá trình bầu cử, vai trò của người dân là thứ yếu và gián tiếp. Các đảng phái cử ra ứng viên và điều hành toàn bộ quá trình, cử tri cả nước chỉ việc bỏ phiếu – một hình thức đa đảng cử, dân bầu chứ chưa thực sự là dân cử, dân bầu một cách trực tiếp nhằm thực hiện việc chọn lựa đúng đắn người đại diện dân. Chính sách quốc gia cũng do đảng thắng cử quyết định, thường là nghiêng về quyền lợi hoặc tạo uy tín cho đảng mình nhằm kiếm phiếu để tiếp tục nắm quyền trong cuộc bầu cử kế tiếp, quyền lợi dân bị đưa xuống hàng thứ yếu, hoặc bị các đảng phái coi như món hàng thương lượng, thoả hiệp với nhau. Cử tri thấy rằng ai thắng cử, đảng nào nắm quyền rồi cũng vậy thôi. Hứa hẹn nhiều nhưng thực hiện cho dân chẳng là bao. Phẩm chất đời sống của tầng lớp trung lưu ngày càng giảm, ngăn cách giàu nghèo ngày càng tăng.

Tình trạng nói trên lập đi lập lại khiến người dân ngán ngẩm với thể chế dân chủ đại diện (representative democracy) của thành phần ưu tú (elite and establishment) cấu kết với nhau về chính trị và kinh tế trên mặt tầng lãnh đạo, thay nhau cầm quyền mà ngày càng xa rời đời sống đáy tầng quần chúng (mass, populace base). Mỗi khi bất bình với một chính sách hay điều luật nào đó, người dân chỉ có thể lên tiếng bằng báo chí hoặc biểu tình, thậm chí xông vào toà nhà quốc hội phản đối, đập phá như đã xảy ra tại nhiều nước, kể cả tại Mỹ. Có thể nói nền dân chủ đại diện mà người dân được hưởng là tự do bầu cử cho ứng viên các đảng thắng cử vào lập và hành pháp, hay biểu tình phản đối nếu không đồng ý với chính sách quốc gia, còn nhân dân chưa có thực quyền.

Với khung cảnh chính trị đảng tranh của các quốc gia dân chủ dựa trên hoạt động tư đảng như vậy, người Việt học được gì qua kinh nghiệm đó?

Đề nghị hướng giải quyết

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, muốn giữ được bản sắc đặc thù, chúng ta cần kết hợp những phương cách điều hành chính trị hữu hiệu giữa quốc gia – trải qua hàng ngàn năm sống còn và tiến hoá -với thành tựu dân chủ của thế giới trong hơn ba trăm năm qua.

Nền dân chủ với hệ thống chính quyền dựa căn bản trên đảng phái cùng các chính trị gia chuyên nghiệp đã càng ngày càng tỏ ra kém hữu hiệu, dễ vướng vào bế tắc nếu các chính đảng không thể thoả hiệp với nhau về một vấn đề nào đó. Các chính trị gia lại thường có khuynh hướng sử dụng quyền làm luật và vai trò thiết kế chính sách quốc gia để đánh phá nhau mỗi khi quyền lợi phe phái bị ảnh hưởng. Vai trò của người dân trong sinh hoạt chính trị trở thành thứ yếu. Quyền lực và quyền lợi của người dân thay vì được thực thi và tôn trọng, đã bị các đảng phái thao túng, cho dù vẫn hoạt động trong khuôn khổ luật pháp cho phép.

Thể chế dân chủ chúng ta trông đợi không chỉ là dân chủ từ trên mặt tầng chính quyền xuống, mà còn phải phối hợp thông lưu nhịp nhàng từ đáy tầng dân chúng lên, bảo đảm quyền lực thực sự là của toàn dân. Quan hệ giữa chính quyền và nhân dân là quan hệ hỗ tương, đối lập mà thống nhất, không phải quan hệ giữa kẻ cai trị, dù là hệ thống đa đảng, và người bị trị.

Với các tiến bộ trong thời đại hiện nay, nhất là hệ thống thông tin liên lạc điện tử, một nền dân chủ hành quyền (empowered democracy), toàn dân trực tiếp tham gia (participatory democracy), không cần thông qua các chính đảng có thể thực hiện được.

Chính trị thường được hiểu là hoạt động của các chính trị gia, các đảng phái và của chính quyền. Chính trị, theo Lý Đông A là thiết kế và chấp hành dân sinh (vừa thiết kế vừa thực hiện các chính sách dân sinh) – phải là công việc của cả chính quyền và nhân dân, cùng thiết kế và thực hiện đời sống chung, không thể chỉ là nhiệm vụ riêng của các chính đảng hay chính trị gia chuyên nghiệp, hoặc chỉ của nhà nước độc tài ‘quyết’ hết mọi việc thông qua bộ chính trị. Cần có một cơ chế dân chủ mới, tạo điều kiện để toàn dân cùng tham gia vào việc nước, tránh nạn độc tài hay đảng tranh dễ đưa đến khủng hoảng chính trị.

Phong trào dân tuý trỗi dậy khắp nơi cho thấy rằng nhân loại đang có nhu cầu cho một nền dân chủ mới, cao và sâu rộng hơn nền dân chủ đại diện hiện nay để mỗi người dân thực sự quyết định đời sống cá nhân và tập thể mà mình là thành viên, chứ không giao khoán cho các đảng phái (more inclusive, more comprehensive, more “down to the ordinary citizen”, more “popular” (than just representative), less elite, less establisment).

Nói theo nhà tư tưởng Việt Lý Đông A, đó là một nền dân chủ nhân chủ.

Trong nền chính trị như thế thì dân có quyền và nhà nước có lực, chứ không phải quyền lực đều tập trung vào tay chính quyền do các chính đảng chi phối.

Quyền dân càng cao thì lực nhà nước càng mạnh.

Nền dân chủ mới này phải mang ba nội hàm sau. 

Vai trò khác biệt giữa chính và trị(*)

Thứ nhất, cần phân biệt giữa chính và trị trong từ kép “chính trị”.

‘Chính’, thuộc quyền người dân; ‘trị’, thuộc phần chính quyền.

Chính, bao gồm các sách lược, chính sách quốc gia trên mọi bình diện, từ văn hoá, giáo dục, kinh tế, xã hội đến an ninh, ngoại giao, quốc phòng v.v… cần được đề xuất từ người dân thuộc mọi thành phần dân tộc, chứ không chỉ dành riêng các đảng hay tuỳ thuộc vào các chính đảng như hiện nay. Trị (quản trị), vai trò điều hành guồng máy sinh hoạt quốc gia thuộc trách nhiệm nhà nước. Một trong những nhiệm vụ quan yếu của chính quyền là tạo phương tiện và cơ hội cho mọi cá nhân, tập thể và xã hội dân sự phát huy hết khả năng và sức sáng tạo, chứ không phải lạm dụng quyền lực rồi đàn áp người dân làm thui chột tài năng con người.

Vai trò chính phủ, thay vì là cai trị hay ra quyết sách theo cách nhìn cổ điển, sẽ trở thành cơ quan phối trí, tạo điều kiện cho toàn dân thực hiện sứ mạng thực hiện nền chính trị quốc gia.

Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của toàn dân cần hoạt động độc lập với các đảng phái. Sự độc lập này là nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột quyền lợi giữa công (quyền lợi quốc gia) và tư (quyền lợi đảng phái). Vì không phân biệt rõ ràng chức năng giữa chínhtrị, các đảng phái vừa làm luật, vừa tranh giành quyền thi hành luật của ngành hành pháp (có thể xem như vừa đá bóng vừa thổi còi) mặc dù được luật pháp cho phép. Sự lẫn lộn này dễ gây nên bế tắc chính trị mà ta thường thấy ở ngay các nước dân chủ tiên tiến nhất. Các bế tắc chính trị dễđưa những người có khuynh hướng dân tuý (theo nghĩa họ thường nói những điều người dân thích nghe, chưa hẳn đãích quốc lợi dân, thậm chí còn kích động kỳ thị lẫn nhau) vào các vị trí lãnh đạo.

Trong thế giới hội nhập và phát triển ngày nay, bất kỳ một sự khủng hoảng chính trị hay kinh tế nào tại mỗi quốc gia đều có thể ảnh hưởng đến khu vực hay toàn cầu, do đó đòi hỏi những bước cải tiến cơ bản trong sinh hoạt chính trị thế giới.

Tạ Dzu

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s