Tương quan giữa Đất và Người là tương quan có từ thời Con Người xuất hiện trên trái đất này. Sự tương quan này gắng liền với Con Người và tạo ra quyền tư hữu (xin xem bài viết nói về Quyền Tư Hữu https://nganlau.com/2013/04/15/quyen-tu-huu/ ) mà mỗi thành viên sống trong xã hội có quyền hưởng tài sản do chính mình tạo ra và chuyển nhượng hoặc bán tài sản đó cho người khác mà không bị bất cứ nhà cầm quyền nào làm khó dễ.
Những dân oan đang đòi hỏi trả lại đất đai của mình hoặc tiếp tục đấu tranh giữ gìn mảnh đất của cha ông để lại mà ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng là thí dụ điển hình; đây là những vấn đề gây gắt, nhậy cảm mà giới làm truyền thông trong nước, do không đủ khả năng và trình độ, hoặc do căn bệnh nô lệ, đã không mổ xẻ vấn đề cho đúng với sự kiện của nó. Bài viết này sẽ phân tích từng phần trên lãnh vực này, để chúng ta thấy rõ tương quan giữa Đất và Người ra sao, và tại sao người dân không muốn rời bỏ mảnh đất hay căn nhà, cho dù chỉ là một mái tôn lũng chẳng đáng giá là bao nhiêu.
Để tìm hiểu rõ vấn đề, chúng ta cần phải đi ngược thời gian, cái thời mà loài người vừa xuất hiện trên trái đất này. Ở thời điểm nguyên thủy này, Con Người không có khái niệm nhiều về đất đai. Cuộc sống săn bắn cần dy chuyển để tạo ra thức ăn cần thiết, cho nên đất không phải là vấn đề con người nguyên thủy quan tâm. Đất đai của thời điểm này là của chung. Chẳng ai làm chủ và cũng chẳng ai quan tâm đến chuyện này.
Khi Con Người nâng cấp từ đời sống săn bắn sang đời sống trồng trọt thì sự chiếm hữu đất đai bắt đầu xuất hiện. Sự chiếm hữu này thực hiện bằng chính sức lao động của Con Người sống trong thời đại đó. Những Con Người này phải sử dụng sức lao động của mình để khai phá những khu đất hoang dã trở thành những khu đất có thể trồng trọt tạo ra thức ăn, đồng thời xây lên một căn nhà chống nắng, chống mưa. Những mảnh đất hoang dã không có chủ trở thành có chủ khi mà Con Người của thời điểm nguyên thủy đó đã bỏ chính công sức lao động của mình để tạo ra tài sản đất đai trồng trọt, hoặc xây dựng nhà cửa. Những tài sản này được chuyền từ đời này qua đời khác, hoặc bán cho những người có tiền nhưng không muốn bỏ công sức lao động để khai phá đất hoang.
Khi mà các hình thức chính quyền được hình thành (xem link để hiểu rõ các hình thức chính quyền ra sao https://nganlau.com/2013/04/15/tai-sao-phai-vi-dan-do-dan-va-cua-dan/ ), thì những đất đai không thuộc sở hữu của ai đó sẽ nằm trong sự quản lý và phân phối của cơ quan cầm quyền — đại diện cho người dân cư ngụ trong quốc gia đó. Sự phân phối đất đai hay bảo quản môi trường trên những đất đai chưa có chủ thuộc về quyền của nhà nước và mục đích là để phục vụ đất nước chứ không phải để phục vụ một tổ chức nào đó trong bộ máy cầm quyền. Bộ máy nhà nước cần phải bảo đảm những tài sản (đất đai, nhà cửa, tiền bạc) đã có chủ của tất cả thành viên đang cư ngụ trên quốc gia mà bộ máy nhà nước đang điều hành.
Trên đây là những lý thuyết rất căn bản để chứng minh là quyền sở hữu đất đai đã có từ thời Con Người từ bỏ săn bắn — chuyển sang trồng trọt, định cư một chỗ để dựa vào đất đai đó tạo ra thức ăn cho chính bản thân và gia đình mình. Cái quyền sở hữu này bị đảng Cộng Sản Việt Nam tước đoạt trắng trợn bởi không một cá nhân nào có quyền sở hữu đất đai tại VN mà chỉ có quyền sử dụng đất đai mà thôi. Đất đai của cá nhân đã được chuyền từ đời này qua đời khác nay trở thành đất đai của “toàn dân” và “toàn dân” lại không có cái quyền xử lý đất đai đó ra sao. Chỉ có đảng cầm quyền có được cái quyền xử lý đó.
Năm 2003 nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra một số bộ luật để thay đổi quyền làm chủ đất tại VN. Hình thức thẻ đỏ được cấp cho những ai đang làm chủ mảnh đất nào đó và cá nhân đó có quyền bán, chuyển nhượng những mảnh đất mình đang hiện hữu. Tuy nhiên, nhà cầm quyền VN vẫn có quyền đặt ra những quy hoạch đất đai và thu mua đất đai của người dân với giá thật rẻ để bán lại cho các nhà đầu tư giá gấp ngàn lần mua lại từ người dân.
Nói đến chuyện thu mua đất đai từ người dân thì có lẽ chúng ta nên tìm hiểu rõ tại sao các chính quyền trên thế giới có luật thu mua đất đai từ tư nhân và họ sử dụng quyền thu mua đó ra sao.
Có thể nói rằng tất cả quốc gia trên thế giới, chính quyền có nhu cầu thu mua đất đai từ tư nhân để thực hiện những dự án công cộng có lợi cho mọi người. Những dự án này thường là xây thêm đường mới, mở rộng đường mới, mở rộng phi trường, hoặc thành lập một khu công viên tại một địa điểm nào đó. Đây là những dự án công cộng cho nên chuyện thu mua đất đai hay nhà cửa từ người dân là chuyện phải xảy ra để làm những dự án công cộng. Luật cho phép chính quyền được quyền thu mua để thực hiện những dự án công cộng và đồng thời luật bảo vệ những người bị bắt buộc phải bán đất — nhà của mình cho nhà nước trong những dự án công cộng, nghĩa là giá cả bồi thường phải hợp lý chứ không phải ép giá. Cần phải nhấn mạnh là chính quyền thu mua đất – nhà từ người dân là chỉ để dành cho những dự án công cộng, chứ không phải những dự án tư nhân trong việc đầu tư bất động sản cho một công ty, một tổ chức nào đó.
Thông thường chính quyền sẽ thương lượng với chủ nhà, chủ đất về giá cả. Và cũng theo lẽ thường, chính quyền biết rằng mình sẽ phải trả một giá cao — có thể gắp đôi hoặc gắp ba so với giá thị trường — tùy theo trường hợp của mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Nếu chính quyền chịu trả giá gấp hai, ba lần giá thị trường mà chủ đất vẫn không bán thì lúc đó chính quyền sẽ dùng cơ quan tư pháp để có những trát toà bắt buộc chủ đất phải bán. Sử dụng trát toà ít khi xảy ra bởi sự bồi thường rất là thoả đáng cho nên ai cũng vui vẻ chuyển nhượng đất để dọn đi nơi khác.
Bây giờ hãy nhìn về cách hành xử trong việc thu mua đất — nhà của nhà cầm quyền Việt Nam với người thường dân Việt Nam. Thông thường những việc thu mua này không phải để cho những dự án công cộng mà là cho những dự án đầu tư bất động sản. Nghĩa là nhà cầm quyền VN sử dụng quyền điều hành đất đai của mình, bắt buộc người dân bán với giá rẻ để rồi nhà cầm quyền VN bán lại cho các nhà đầu tư với giá thật cao. Hoặc vả chính các vị lãnh đạo trong cơ cấu cầm quyền là những nhà đầu tư, cho nên lợi dụng quyền của mình để đàn áp, ép buộc người dân bán giá rẻ, đôi khi sử dụng côn đồ để quậy phá những người chưa chịu bán đất hầu làm họ nản lòng, hoặc sử dụng lực lượng công an cướp đất của người dân.
Ngay cả việc mở rộng đường, sự bồi thường của nhà cầm quyền VN đã không được trả giá xứng đáng cho người dân. Khi thu mua một căn nhà của người dân, nhà cầm quyền lấy lý do là căn nhà đã rách nát, không đáng bao nhiêu tiền, nên trả giá rẻ và dùng nhiều hình thức sách nhiễu người dân để người dân phải nhượng lại căn nhà với giá rẻ mà nhà cầm quyền đã quy định.
Để định giá những mảnh đất hay căn nhà cần phải mua dành cho những dự án công cộng (mở đường, làm công viên) thì những vấn đề sau đây cần phải đặt ra để trị giá cho giá tiền bồi thường: (1) sự bất tiện cho người dân và chi phí dy chuyển; (2) đây là mảnh đất hay căn nhà có nhiều kỷ niệm, để xoá bỏ kỷ niệm này giá tiền không phải nhỏ bởi kỷ niệm thường là vô giá, (3) với số tiền bồi thường, người dân có đủ để mua một căn nhà tương đương trong thành phố hay không? Nhu cầu bán nhà trong thành phố ra sao? Nếu không ai muốn bán nhà thì số tiền dù bồi thường cao nhưng vẫn không đủ để mua một căn nhà tương đương thì sự bồi thường xem ra vẫn chưa thoả đáng; (4) kinh tế cho cuộc sống. Nếu phải chuyển nhượng tài sản mà mất đi nguồn lợi kinh tế thì nguồn lợi kinh tế đó phải giải quyết trong giá tiền bồi thường. Nghĩa là nếu người chuyển nhượng tài sản phải về trong vùng xa xôi thành phố thì sẽ không có cơ hội buôn bán, nhu cầu tài chính sẽ bị mất cần phải được bồi thường.
Bốn điều kiện trên để đánh giá thế nào là bồi thường xứng đáng đã không xảy ra ở VN. Luật tại VN thì nhà cầm quyền muốn quy hoạnh như thế nào là quyền của người cầm quyền và người dân phải thực thi theo những quy hoạch đó, cho dù những quy hoạch đó là cho mục đích cá nhân nhiều hơn là mục đích công cộng. Chưa kể nếu là mục đích công cộng, nhà cầm quyền đã không quan tâm về cuộc sống kinh tế của người dân bị xáo trộn nếu phải dọn đi một nơi khác mà nơi đó khả năng tài chính không có để làm ăn, buôn bán.
Người dân bình thường chống đối chuyện thu mua đất – nhà của mình dựa vào điều kiện kinh tế nhiều hơn mà không nhìn vào những điều kiện khác trong bốn điều kiện nêu bên trên. Các cơ quan truyền thông của VN không hề phân tích vấn đề này một cách mạch lạc, rõ ràng; trái lại các cơ quan truyền thông đứng về phía cầm quyền, không lên án hành động cướp đất trắng trợn của nhà cầm quyền với danh nghĩa quy hoạch đất đai (và nếu có lên án cũng chỉ là sự lên án cho có lệ, không mổ xẻ vấn đề cho sâu sắc).
Hy vọng bài viết này sẽ tạo cho người dân một số lý luận để hiểu biết trong việc định giá cả bồi thường đất — nhà mà nhà cầm quyền VN muốn thu mua từ người thường dân. Chúng ta không thể nào tiếp tục để những người cầm quyền bất tài này muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Đã đến lúc chúng ta phải chống đối lại các hành động cướp tài sản của người dân dành cho những dự án bất động sản chỉ làm lợi cho thành phần đầu tư và giới cầm quyền. Sự im lặng của chúng ta sẽ làm cho họ tiếp tục đàn áp, cướp của, bán đất cho ngoại bang.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 6 năm 2015
Orlando, FL