ĐẶC THÙ-ĐẶC ĐIỂM-ĐẶC TÍNH CỦA CHỦ THỂ
Chủ thể không chỉ là một cá nhân, nhận ra nhân diện đặc điểm của chủ thể không chỉ là một cá thể, nhận ra nhân dạng rất có đặc tính của chủ thể không chỉ là một công dân bình thường của chén cơm manh áo, tầm thường của giá áo túi cơm, mà chính cụ Tiên Điền đã mượn lời của Từ Hải để lập nên nhân cách của chủ thể chính là phản diện của loại người: “những phường giá áo túi cơm xá gì!”. Chính liên kết của đặc thù-đặc điểm-đặc tính làm nên cá tính của chủ thể, rất nhiều với cá nhân, cá thể, công dân, ta sẽ thấy chủ thể cho xuất hiện trong hành động lẫn hành tác của mình ít nhất các hệ sau: hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái); hệ chuyên (chuyên cần, chuyên môn, chuyên nghiệp); hệ tinh (tinh lực, tinh thông, tinh hoa). Cả ba làm nên hệ sáng (sáng kiến, sáng chế, sáng tạo) chính là nội công, bản lĩnh, tầm vóc hay, đẹp, tốt, lành của chủ thể, biết chủ quyết trong đòi hỏi, biết chủ vị trong đấu tranh, biết chủ động trong đàm phán, nơi mà công bằng làm nên công lý vừa là động cơ vừa là mục đích của chủ thể. Nên đừng hàm hồ mong đợi là chủ thể sẽ nhắm mắt trước bạo quyền độc đảng, cúi đầu trước tà quyền tham quan, khoanh tay trước ma quyền tham tiền, quỳ gối trước cực quyền độc trị, khom lưng trước cuồng quyền độc tôn.
THỰC THỂ NHÂN QUYỀN: TỰ TRỌNG ĐỂ GIỮ GÌN TỰ DO
Thực thể nhân quyền luôn bị tấn công và công kích ngay bên trong hành tác của nó khi nó bảo vệ tuyệt đối tự do cá nhân, phạm trù nhân trọng được đề nghị trong tiểu luận này, đưa thuật ngữ nhân trọng vào ngữ pháp của tự trọng vì tự trọng giữ gìn tự do, nơi mà tự do tạo nên tự tin để đi tới tự chủ mà củng cố tự trọng, nếu tự do muốn bảo vệ tự trọng thì tự do phải biết tự giới hạn tự do của cá nhân trước tự do của tha nhân, của đồng loại. Tự trọng sẽ tự tan biến đi khi tự do tuyệt đối của một cá nhân đe dọa và trấn áp một tự do khác, tự do của tha nhân, tự do của của đồng loại; tại đây tự do cá nhân sẽ tự cô lập mình vì chính nó đánh mất đi chính nghĩa của công bằng trước tha nhân, trước đồng loại.
NHÂN TRỌNG VÌ NHÂN QUYỀN
Câu chuyện nhân trọng vì nhân quyền luôn là thử thách thường xuyên trong hành tác nhân quyền, nơi mà nó luôn gặp ít nhất ba trở lực đe dọa nhân phẩm ngay trong nhân quyền. Vì chủ nghĩa tự do cá nhân sinh ra chủ nghĩa ích kỷ của cá nhân, từ thái độ ai chết mặc ai tới cách hành xử bây chết mặc bây, đây chính là hiểm họa của nhân quyền chứ không phải chiến thắng của nhân quyền. Chủ nghĩa cạnh tranh kinh tế mà thực tế không những kẻ giàu ngày càng giàu hơn, người nghèo ngày càng nghèo hơn, với bất bình đẳng ngày càng nhiều, ngày càng sâu, mà còn có cả thảm trạng người bóc lột người. Chế độ nô lệ trong xã hội không còn nữa nhưng chế độ nô lệ trong lao động vẫn còn, với chủ bóc lột người làm công như súc vật, như máy móc, phải làm và chỉ làm mà không được nghỉ ngơi. Chủ nghĩa sở hữu tài sản, xuất hiện trong các quốc gia nơi mà chỉ có vài gia đình mà lại nắm trong tay đa số tài sản, tài nguyên, tài chính của một dân tộc; nơi mà toàn cầu hóa hiện nay cũng là toàn cầu hóa của bất công về tài sản chung của nhân loại với khoảng trên dưới 30 gia đình đã giữ trong tay lượng tài sản hơn cả 3 tỷ cá nhân đang có mặt hiện nay trên thế giới. Thuật ngữ nhân trọng tại đây là đề nghị đôi, nơi mà nhân quyền phải song hành cùng nhân bản, nhân văn biết tự trọng, vì biết tôn trọng tha nhân và đồng loại. Và không quên nhân tri, nhân trí biết tự trọng, vì biết cẩn trọng bảo vệ tha nhân và đồng loại.
DÂN CHỦ KHỬ CUỒNG QUYỀN
Khi dân chủ không chỉ là một thể chế lấy công lý để đảm bảo cho một chế độ vì tự do-công bằng-bác ái, mà còn là sinh hoạt dân chủ làm nên quan hệ dân chủ, với giáo dục dân chủ làm nên đời sống dân chủ. Muốn có tất cả thực tế này, thì sinh hoạt dân chủ luôn dựa vào thượng nguồn chính là tiền đề của dân chủ, đó là sự thật. Với sự thật từ dữ kiện tới chứng từ, từ giải thích tới giải luận để sự thật phải là chân lý, tức là gốc, rễ, cội, nguồn của mọi phân tích về cái thật của sự việc. Hãy định nghĩa sự thật: “sự thật là diễn biến của sự việc được mô tả trung tín từ quá khứ qua hiện tại cho tới tương lai”. Sự thật luôn mang ít nhất ba nội chất: sử tính, đức tính và luật tính. Chính sự thật có chân lý sẽ mở cửa cho lẽ phải xuất hiện, để sinh hoạt dân chủ luôn có hùng lực để chống mà loại đi cái nói sai của mỵ dân; cái nói láo của đạo đức giả; cái nói khoét của tuyên truyền. Mà tất cả ba: nói sai, nói láo, nói khoét đều có trong hệ độc (độc đảng, độc quyền, độc tài, độc trị, độc tôn) mà Việt tộc đã nghe quen tai, rền tai, điếc tai từ khi ĐCSVN nắm chính quyền. Thảm trạng của nói sai, nói láo, nói khoét không những là động cơ tuyên huấn của toàn trị mà còn là phản xạ của liên minh tham quyền-lạm quyền-lộng quyền mà sinh hoạt dân chủ quyết trừ khử cho bằng được; nếu không nó sẽ vào quỹ đạo của cực quyền chính là cha sinh mẹ đẻ của cuồng quyền.
MÊ THỨC CỦA ĐỘC ĐẢNG, MÊ CHẤP CỦA CÔNG AN TRỊ
Cực quyền và cuồng quyền thì không đội trời chung với dân chủ, vì dân chủ lấy dân quyền để làm chủ quyền vì nhân quyền! Bi nạn độc đảng từ độc đoán đã bứng đi ba nội chất của sự thật: sử tính, đức tính và luật tính, đã và đang đi trên lưng, trên vai, trên đầu của Việt tộc hiện nay là: nói sai của mỵ dân không bị xử, nói láo của đạo đức giả không bị phạt, nói khoét của tuyên truyền không bị án. Vì mê thức của độc đảng bằng công an trị làm nên độc quyền không có văn minh của nhân cách biết và phải từ chức khi nói sai, nói láo, nói khoét bị vạch mặt chỉ tên như trong sinh hoạt dân chủ. Cuộc đấu tranh cho dân chủ xuất hiện trên số phận của Việt tộc là cuộc đấu tranh gặp cũng ít nhất ba trở ngại: sử tính, mang sự thật lịch sử đã bị thay trắng đổi đen bởi ĐCSVN; đức tính, mang giáo lý của tổ tiên Việt đã bị vùi dập bởi ĐCSVN; luật tính, mang công lý của luật pháp đã bị bóp nghẹt bởi ĐCSVN. Khi cả ba: sử tính, đức tính, luật tính bị loại ra khỏi không gian quyền lực của độc tài, thì chính trị học và xã hội học đã có cùng một phân tích là: tính can đảm của nhân lý làm nên nhân phẩm sẽ đứng lên để lập lại: sử định, hiểu lịch sử và quyết định làm tốt hơn lịch sử; đức định, hiểu đạo lý và quyết định làm tốt hơn giáo lý; luật định hiểu công lý và quyết định làm tốt hơn công luật.
CHỦ THỂ CỦA SỰ THẬT
Liên minh sử định-đức định-luật định, làm nên luân lý của dân chủ, quyết định đúng tới tự quyết đoán đúng, với chủ thể can đảm bảo vệ sự thật để chủ động bằng nhân lý biết bảo vệ nhân phẩm. Mọi chọn lựa của can đảm có cái giá của nó, và cái giá của can đảm là chấp nhận hy sinh, với các hậu quả mà chủ thể của sự thật lường trước được là nói đúng sự thật để tố cáo độc tài là chấp nhận bị tra tấn bằng các ma thuật độc hại nhất. Nói đúng sự thật để luận tội độc trị là chấp nhận bị tù đày mà không được luật pháp bảo vệ. Nói đúng sự thật để buộc tội độc quyền là chấp nhận bị sát hại dưới nhiều hình thức. Với biệt danh “mưu hèn kế bẩn”, cùng biệt hiệu “hèn với giặc, ác với dân” thì các lãnh đạo của ĐCSVN đã sử dụng cả ba: tra tấn, tù đày, sát hại, đây cũng là ba thảm bại của người cộng sản từ gần một thế kỷ qua khi cướp được chính quyền đưa lịch sử Việt vào ma sử của tà quyền trong độc trị. Rồi dẫn nhân lý Việt vào tà lộ của vô minh trong độc tài, và đẩy nhân phẩm Việt vào quỷ thuật của thất đức trong độc đảng.
QUỶ LỘ “ÁC VỚI DÂN”
Quỷ lộ “ác với dân” của bạo quyền độc đảng luôn toan tính để tính toán trên ba hành vi vắng đạo lý, trống luật pháp để chống lại sự can đảm với ba hậu quả và hậu nạn: tính khuất phục của quần chúng để áp đặt tính thuần hóa không nhân lý; tính khiếp phục của quần chúng để áp đặt tính huấn nhục không nhân tính; tính vô cảm của quần chúng để áp đặt tính vô giác không nhân tri. Mỗi lần tính khuất phục, tính thuần hóa, tính khiếp phục, tính huấn nhục, tính vô cảm, tính vô giác xuất hiện thì nhân lý, nhân tính, nhân tri sẽ tiêu loãng rồi tiêu tán cùng nhân phẩm. Ngược lại, hành tác dân chủ từ định chế tới sinh hoạt luôn luôn bảo vệ, vinh danh, thăng hoa nhân lý, nhân tính, nhân tri để bảo đảm nhân bản, nhân văn, nhân tâm làm nền cho nhân vị để nhân phẩm nhìn thẳng, đứng thẳng, đi thẳng tới sự thật, chân lý để gặp lẽ phải. Chính dân chủ đã tạo tiền đề cho nhân phẩm nhận ra là nhắm mắt trong khuất phục, cúi đầu trong thuần hóa, khoanh tay trong khiếp phục, quỳ gối trong huấn nhục, để quỵ trong vô cảm, gục trong vô giác không phải là nhân lộ mà là súc đạo của vô tri. Nếu nhận súc đạo là đường đi nẻo về của mục súc không tri thức, thì không khác gì gỡ, tháo, bỏ, vứt đi nhân quyền ngay trong nhân sinh.
MÔ THỨC GIẢI LUẬN CUỒNG QUYỀN
Khi tính khuất phục, tính thuần hóa, tính khiếp phục, tính huấn nhục, tính vô cảm, tính vô giác đã nhắm mắt-cúi đầu-khoanh tay-quỳ gối trước bạo quyền độc tài thì các nhục tính này phải chấp nhận một loạt những hệ lụy khác: tạo quyền liên minh với tà quyền để tham quyền; bạo quyền liên minh với ma quyền để lạm quyền; bạo quyền liên minh với quỷ quyền để lộng quyền. Tại đây các thuật ngữ: tà quyền, ma quyền, quỷ quyền không phải là những ngữ văn để chỉ trích, chê bai, thóa mạ, phỉ báng, mà chúng chính là những mô hình giải thích quyền lực của hệ bất (bất tín, bất trung, bất tài, bất nhân) diệt đạo lý, triệt pháp lý; để từ đó chúng ta lập được mô thức giải luận để phân tích tham quyền, lạm quyền, lộng quyền, đây là các quyền lực chống hệ công (công lý, công luật, công pháp, công tâm). Nếu không giải luận rồi diễn luận tới nơi tới chốn quá trình từ mô hình giải thích tới mô thức giải luận, thì ta sẽ không thấy để thấu là trong quyền lực có hệ lụy mà tâm lý học, phân tâm học, tâm thần học, đã giải thích là bạo quyền sẽ thay hình đổi xác để thành cực quyền, một loại quyền lực tuyệt đối sẵn sàng khử trừ mọi đối trọng, đối kháng khác với nó. Bạo quyền sẽ thay thân đổi dạng để thành cuồng quyền, loại quyền lực tuyệt đối sẵn sàng truy diệt mọi đối thoại, đối luận khác với nó.
MÔ THỨC GIẢI LUẬN CỰC QUYỀN
Cực quyền là chuyện có thật tại Việt Nam hiện nay, chỉ một nhúm nhỏ có cực quyền trong Thành ủy của thành Hồ, đã ký một quy hoạch mà ta có thể gọi là quỷ hoạch biến hơn chục ngàn dân tại Thủ Thiêm là dân lành một sớm một chiều thành dân oan từ hơn hai mươi năm qua. Cuồng quyền là chuyện có thật tại Việt Nam hiện nay, chỉ cũng một nhúm nhỏ chóp bu nắm cuồng quyền đã dùng ba ngàn công an để hành sát xã Đồng Tâm, để hành quyết cụ Lê Đình Kình, một đảng viên kỳ cựu của ĐCSVN rồi phanh thây mổ bụng cho quần chúng xem để gây sự khiếp phục rồi thuần hóa quần chúng bằng cực của cực đoan, cuồng của cuồng điên; bất chấp đạo lý của nhân tính, bất tuân công lý của pháp luật. Từ khi ĐCSVN cướp được chính quyền 1945, tới thắng cuộc trong nội chiến huynh đệ tương tàn, thì cực quyền và cuồng quyền là chuyện “cơm bữa” ngày ngày gieo lên lưng, lên đầu con dân Việt. Khi nghiên cứu về sự khác biệt giữa thể chế dân chủ và bạo quyền độc đảng, thì ta phải đặt trước ánh sáng của sự thật để vạch trần bóng tối của âm binh, tại đây bạo quyền độc đảng chính là cha sinh mẹ đẻ của tà quyền, ma quyền, quỷ quyền; rồi của tham quyền, lạm quyền, lộng quyền cho tới cực quyền, cuồng quyền.
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).