Nền Tảng Cần Thiết Của Người Hoạt Động

Trong bất cứ sinh hoạt nào của xã hội đều có hai vấn đề cần phải quan tâm đó là Nhân Sự và Tiêu Chuẩn. Tổ chức nào không quan tâm đến hai vấn đề trên thì sẽ chọn sai người và tổ chức không bao giờ lớn mạnh.
Nhân Sự
Nhân sự tức là nói về người. Câu hỏi đặt ra là người lãnh đạo một tổ chức (xin giới hạn vào đảng chính trị và thiện nguyện người Việt) muốn chọn người ra sao?
Có người chủ trương chọn người có lòng. Có lòng không vẫn chưa đủ mà còn phải xét lại người có lòng đó có tinh thần tự chủ hay chỉ là người ai bảo sao thì nghe vậy.
Người có tinh thần tự chủ là người có suy xét, sẵn sàng lên tiếng đối chọi lại ý kiến của người lãnh đạo mà không ngại địa vị xã hội, cấp bậc, tuổi tác, hay bằng cấp mà người lãnh đạo có. Khi lên tiếng phản bác ý kiến của người lãnh đạo thì có đầy đủ lý luận để chứng minh người lãnh đạo sai, cần phải nhìn lại. Loại người tự chủ này thì người lãnh đạo, hình như, rất ngại khi chọn những người này vào trong tổ chức. Bởi tâm lý của người lãnh đạo, khi đã đạt được vị thế lãnh đạo với thành quả sinh hoạt, thì cứ nghĩ mình hiểu hết, biết hết và chỉ muốn những người vào tổ chức để phục vụ tổ chức thay vì vào tổ chức để làm cho tổ chức tiến bộ hơn.
Những người có tinh thần tự chủ thì khó mà tồn tại ở một tổ chức mà người lãnh đạo không có tinh thần học hỏi, không tạo cơ hội và điều kiện để cho những người trẻ hơn thách thức cách làm việc, suy nghĩ của người lãnh đạo. Nói một cách khác thì những người lãnh đạo chỉ muốn tìm người “lính” (follower) chứ không phải tìm người giỏi, có khả năng lãnh đạo, cùng nhau đồng hành để giúp tổ chức lớn mạnh. Ngay cả những người sẵn sàng tình nguyện là “lính”, nếu có tinh thần tự chủ thì sẽ sẵn sàng lên tiếng phản đối những cái sai trái của lãnh đạo, không thực thi chỉ thị của lãnh đạo khi quyết định đi ngược lại tinh thần dân chủ, tự chủ.
Dĩ nhiên nhân sự trong một tổ chức có nhiều nhiệm vụ khác nhau và có những nhiệm vụ không cần có khả năng lãnh đạo. Khả năng lãnh đạo với tinh thần tự chủ hoàn toàn khác nhau. Có người có tinh thần tự chủ nhưng không muốn làm vị trí lãnh đạo. Có người có tinh thần tự chủ và có khả năng lãnh đạo nhưng không muốn trực tiếp làm chuyện lãnh đạo. Có người có khả năng tự chủ nhưng không có khả năng lãnh đạo; tuy nhiên muốn học hỏi để rèn luyện khả năng lãnh đạo hầu có thể đóng vai trò lãnh đạo ở tương lai. Tất cả những vấn đề này, người lãnh đạo của tổ chức có nhìn ra để nhận diện người hầu tạo điều kiện cho mọi người cùng tiến? Nếu mọi người cùng tiến thì tổ chức sẽ tiến bộ bởi có người nối tiếp khi người lãnh đạo lớn tuổi, không còn khả năng để làm chuyện lãnh đạo.
Tinh thần tự chủ đóng một vai trò rất quan trọng trong phát triển nhân sự và tìm người nối tiếp sinh hoạt của tổ chức ở tương lai. Cái tinh thần tự chủ này mọi người đều có. Vấn đề là chúng ta có phát huy được tinh thần tự chủ này, hay để cho cái tinh thần này ngủ vùi trong tri thức của bản thân để đóng vai ai nói sao thì tôi nghe vậy.
Ngoài tinh thần tự chủ thì cá nhân đó có nhân cách, tư cách ra sao trong giao tiếp giữa người trong gia đình, bạn bè, xã hội. Thái độ xem thường người khác, xem mình là cái rúng của vũ trụ; hoặc quan niệm sống bất cần, vô trách nhiệm, chỉ sống vì dục vọng thì cho dù cá nhân đó có tinh thần tự chủ cũng chẳng có giá trị gì trong việc giúp đỡ tổ chức lớn mạnh. Những người có đặc tính này thì tổ chức cần phải loại bỏ và lánh xa.
Sinh hoạt trong một tổ chức là để thực hiện những dự án hiệu quả mà muốn làm được điều này thì cần phải có nhiều bộ óc, trao đổi, va chạm để đo lường sự hiệu quả của dự án. Khi dự án được đem vào thực tế và thất bại thì cần phải bàn thảo trở lại, tìm ra nguyên do thất bại và sửa đổi, để học hỏi từ thất bại mà biến thành công. Cá nhân nào tự cao, tự đại bởi nghĩ mình tài giỏi hơn mọi người và xem thường người khác thì chắc chắn sẽ không thích hợp cho bất cứ tổ chức nào. Nên nhớ rằng, dù một người tài giỏi cách mấy, tự bản thân của cá nhân đó sẽ không làm được gì nếu không có sự hợp tác từ những người khác. Sự hợp tác là sự đồng hành, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau chứ không phải sự hợp tác là mình làm cha, làm chú người khác.
Tiêu chuẩn
Vấn đề kế tiếp là khi đã có nhân sự đúng thì cái nhân sự đó cần phải có tiêu chuẩn nào? Tùy theo tài năng, khả năng, vị thế của cá nhân trong cơ cấu tổ chức ra sao để đưa ra những tiêu chuẩn cho phù hợp của từng trường hợp. Tuy nhiên có những tiêu chuẩn căn bản mà bất cứ thành viên nào trong tổ chức, không cần biết nằm ở vị thế lãnh đạo hay không lãnh đạo cần phải có.
a. Nói và làm song hành
Nhiều người nói rất hay nhưng chỉ nói mà không làm. Hoặc nói một đàng làm một nẻo. Làm việc với nhau thì không thể nào tương tác với những người chỉ nói mà không làm, hoặc chờ đợi người khác làm để giành công. Khi nói và làm không song hành thì không thể nào tạo niềm tin cho những người khác trong tổ chức nói riêng và quần chúng nói chung.
b. Thành thật
Sống thành thật với chính mình và người khác. Thành thật có nghĩa là tôn trọng sự thật cho dù đó là một sự thật đau lòng; không gian dối trong cuộc sống của chính mình hoặc với người khác. Thành thật để nhận lãnh trách nhiệm cho một đề án nào đó nếu có đủ khả năng. Nếu thấy mình không có đủ khả năng thì thành thật với chính bản thân là từ chối nhận lãnh trách nhiệm cho dù ai đó đề nghị, giao phó.
c. Tinh thần tự nguyện, tự giác
Từ tinh thần tự giác sẽ tác động vào tinh thần tự nguyện. Người có tự giác sẵn sàng tự nguyện, tham gia nhận lãnh trách nhiệm cho một dự án mà cá nhân đó thấy mình có khả năng. Hoặc sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai để đạt được hiệu quả cho một sinh hoạt của tổ chức mà không chờ đợi ai đó lên tiếng yêu cầu.
d. Tinh thần học hỏi
Học hỏi là tiến trình không ngừng nghỉ cho đến khi trái tim ngừng đập. Học hỏi là tiến trình để tự bản thân nâng cao tri thức của chính mình cho phù hợp với thực tế của thời đại. Cái hiểu biết hôm nay có thể không phù hợp cho ngày mai. Cho nên luôn luôn phải có tinh thần học hỏi để bản thân tự điều chỉnh, đạt sự tiến bộ và từ đó giúp đỡ tổ chức, xã hội tiến bộ.
e. Tinh thần nâng đỡ
Bản thân mình học hỏi vẫn chưa đủ mà phải luôn luôn tạo điều kiện để giúp đỡ cá nhân khác tiến lên. Chia sẻ học hỏi ở bản thân với những người đồng hành và sẵn sàng giúp đỡ để người bạn đồng hành có những khả năng mà mình có. Tinh thần giúp đỡ không sợ hãi người khác hơn mình bởi mục đích chung là tạo điều kiện cho mọi người, cho tổ chức lớn mạnh; cho nên khi ai đó tài giỏi hơn mình qua những điều mình chỉ dạy thì đó là một điều mừng bởi tổ chức sẽ phát triển ở tương lai với những người tài giỏi đó.
f. Làm việc có quy củ
Bất cứ dự án nào đều phải có tiến trình (1) nhận diện thực tế hay vấn nạn, (2) tìm ra phương cách để giải quyết thực tế đã nhận diện ra, (3) chương trình hành động để biến phần 2 vào thực tế hành động với nhân sự và tài chính.
Làm việc có quy củ là bất cứ công việc nào cũng đều phải có sự chuẩn bị với thời gian và không gian để giải quyết — hầu đạt mục tiêu đặt ra chứ không phải làm theo ngẫu hứng.
Hy vọng những chia sẻ bên trên có thể đóng góp cho các tổ chức người Việt có cách sinh hoạt trong việc tìm người và tiêu chuẩn làm việc ở tương lai, hầu tạo ra sức mạnh của toàn thể cộng đồng người Việt.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 2 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s