Nghe nói tới dân chủ thì ai cũng thích, “dân” làm “chủ”. Có là “chủ” thực sự hay không thì hồi sau sẽ rõ (như dân chủ kiểu cộng sản) nhưng sau “dân chủ” sẽ là cái gì (?) thì không thấy nói. Thường là “tự do” vì đó là thường tình: “dân” đã làm “chủ” thì “dân” muốn làm gì thì làm, và đó là “tự do”? Và dĩ nhiên “tự do” làm theo ý mình thì đó là “độc lập”. Dễ hiểu quá mà, có gì phải thắc mắc?
Nhưng có đến và sống ở nước Mỹ, quốc gia dân chủ nhất thế giới, cỡ gần nửa thế kỷ mới thấy là ngôn ngữ, lời nói không diễn tả hết sự thật về ý nghĩ của con người. Mâu thuẫn xảy ra khi người dân đáng lẽ phải tham dự sinh hoạt chính trị thì mới là dân chủ thì lại thờ ơ vì thiếu hiểu biết, lo sinh kế, ham vui …. Trong khi kẻ hô hào dân chủ mạnh nhất lại là những chính trị gia chỉ là người đại diện, trung gian trong sinh hoạt dân chủ và thay vì làm theo ý dân thì họ thường làm theo…ý muốn (tham vọng) của họ.
Chúng ta đã thấy sự kiện này xảy ra ngay trên đất Mỹ, là quốc gia có cơ chế dân chủ kiện toàn nhất thế giới. Khi một cá nhân đắc cử để thi hành nhiệm vụ dân cử mà hiến pháp quy định thì luôn luôn tìm lỗ hổng (loophole) để qua mặt pháp luật và dân chúng. Hàng rào cuối cùng là giới truyền thông với đạo luật tự do thu thập tin tức (Free information Act) để có thể đem lại sự thật cho dân thì đã bị các nhà tài phiệt mua và làm chủ. Người dân làm sao biết được sự thật?
Khi những giới chức cấp quận, hạt, thành phố gian lận, nhũng lạm thì dân hy vọng cấp trên: tỉnh, tiểu bang, liên bang sẽ điều tra, truy tố. Nếu là hành pháp thì lập pháp sẽ kiểm soát. Nếu hành pháp và lập pháp tranh chấp thì tòa án sẽ phân xử. Nhưng dưới thời Trump thì chúng ta thấy tòa án bắt đầu bị khuynh đảo chỉ vì tổng thống chọn những ông tòa (từ cấp thấp đến cấp cao) thiên vị và lập pháp (thượng viện) vì cùng đảng nên tìm cách thay đổi thủ tục để chiếm ưu thế. Khi các nhà đại diện cử thay vì thực hiện dân chủ thì lại hủy hoại sinh hoạt dân chủ chỉ vì đặt quyền lợi đảng tính cao hơn là dân tộc và quốc gia. Tuy rằng ai cũng đeo lá cờ Mỹ trên ve áo, hát quốc ca, chào cờ và tuyên thệ bảo vệ hiến pháp mỗi khi có dịp xuất hiện trước công chúng. Vậy khi các vị dân cử gian lận thì dân kiện ai? Tòa không thể xử vì các vị này có quyền bất khả xâm phạm. Các đồng viện có thể dùng kỷ luật để hạn chế hoạt động của đồng viện bất xứng. Nhưng khi có đảng tranh thì “phủ bênh phủ và huyện bênh huyện” và trò hề tiếp diễn.
Giả sử dân biểu A (đảng A) nói nhảm, làm bậy (tham nhũng, vi phạm tình dục với thiếu niên, gian lận hồ sơ…) nhưng dân địa phương A vì bất mãn với chính sách đảng B (đa số, cầm quyền) nên vẫn chọn dân biểu làm làm đại diện mặc dù qua 2 nhiệm kỳ dân biểu chẳng làm gì trong nhiệm vụ dân cử cho địa phương hay tại Quốc Hội. Lý do vẫn chọn dân biểu là để kiểm soát phe bên kia? Đó là cách cân bằng quyền lực mà người Mỹ muốn, bất kể là vị đại diện chỉ là một kẻ lừa đảo, nói dối hay gian lận để nắm chức vụ dân cử. Vậy là “dân chủ” hay sao? Hay đó là vì “tự do” và “độc lập”?
Nhưng nếu là viên chức Hành Pháp hay Lập Pháp bê bối, biến chất thì còn có thể hiểu. Nhưng khi ông tòa (từ cấp quận lên đến cấp Tối Cao Pháp Viện) mà còn thiên vị, thành kiến thì dân sẽ kêu cứu vào đâu? Chủ quyền của dân sẽ như thế nào khi ông tòa nhân danh Hiến Pháp để diễn dịch quyền tối thượng là “tòa án” phán quyết chứ không phải ý dân? Các nhân vật đã góp phần đề cử và chọn lựa các ông toà như vậy có phản ứng gì không? Họ đã làm gì để sửa đổi khuyết điểm đó?
Dân thường kính trọng tòa vì chánh án là người biết luật, áp dụng luật và khi phân xử thì phải cân nhắc lý luận của luật sư đôi bên (bị cáo và nguyên cáo) cũng như các tiến trình xét xử có công bằng, minh bạch hay không. Nhưng đó chỉ là lý thuyết, trên thực tế thì chúng ta thấy công lý của tòa án không như Thần Công Lý (bịt mắt) tượng trưng cho sự công bằng mà chỉ là cảm xúc của ông tòa lúc đó vui hay buồn. Các nhân vật dân cử (trực tiếp hay gián tiếp) là để phục vụ dân chứ không phải để thoả mãn niềm tự hào của họ.
Nhưng khi các ông chánh án phân xử theo cảm tính, thành kiến hay sáng kiến nào đó vì nghĩ rằng “ta là nhất” và phán quyết bản án thì đó là công lý tối thượng? Lịch sử tòa án với những bản án như chúng ta thấy đã xảy ra trên đất Mỹ thì dân chúng có phản đối cũng vô ích. Có những chánh án phải tranh cử theo luật tiểu bang. Có chánh án được thống đốc hay tổng thống bổ nhiệm. Cho dù có thành tích lâu năm trong ngành luật xử án, vẫn có những ông chánh thiên vị vì gốc gác, thành tích, chủng tộc… của tội nhân. Và khi tội phạm có cơ hội thứ hai (second chance) thì thử hỏi nạn nhân (đã chết) có cơ hội thứ hai hay không? Các ông chánh án là người có học, có kiến thức, có cơ hội để đem lại công lý cho xã hội và tạo khích lệ cho người dân tham dự sinh hoạt chung vì thấy mọi xung đột sẽ được giải quyết thỏa đáng. Nhưng khi các ông chánh án hủ hóa, biến chất thì đó là nguồn gốc rối loạn của cơ chế dân chủ vì dân chủ dựa trên luật pháp và trật tự. Như vậy sự phân quyền trong cơ chế dân chủ vẫn chưa đủ để bảo đảm khi mỗi ngành hành pháp, lập pháp, tòa án không làm tròn nhiệm vụ giao phó.
Giả sử hành pháp và lập pháp tranh chấp thì tòa án sẽ phân xử. Nhưng tòa phán quyết mà không có thẩm quyền thi hành bản án mà phải giao trách nhiệm lại cho bộ tư pháp (Department Of Justice) thực hiện (như Ủy Ban Quốc Hội điều tra biến cố ngày 6 tháng 1, 2021). Vậy nếu bộ tư pháp thuộc đảng cầm quyền (hành pháp) thì sẽ bênh hành pháp và như vậy lập pháp bất lực? Vậy đâu là dân chủ, phân quyền?
Nếu tòa xử mà không công bằng thì xã hội làm sao yên. Đã không yên thì dân chủ sẽ suy thoái và tự do, độc lập cũng tan biến theo. Như trường hợp tranh chấp tại Peru: tổng thống giải tán quốc hội vì bị đe dọa kết tội (impeach) về vi phạm đạo đức nhưng quốc hội lại ra lệnh bắt tổng thống giam lỏng. Dân chúng phản đối, biểu tình bạo động. Vậy vai trò của tòa án ở đâu?
Nhưng khi dân chủ thực sự quy định bởi hiến pháp đã không được thực hiện thì người dân lại chạy theo mạng xã hội vì ai cũng có thể lên tiếng, góp ý, bàn chuyện theo ý riêng (dân chủ), muốn bàn ngang, tán dọc tùy ý (tự do) mà không sợ ai cản trở (độc lập) lại được sự ủng hộ (like) hay chống (dislike). Nếu có nhiều người theo thì có tiền quảng cáo từ các công ty thương mại. Tai hại ở chỗ là diễn đàn ảo mà người chủ lẫn người tham dự đều cho là thật cho nên mới có nạn tin giả thành tin thật và kết quả là cái dân chủ giả (ảo) bao trùm cái dân chủ thực (sinh hoạt trong đời sống). Cuối cùng là chẳng ai biết đường nào ra khỏi bến mê.
Kết
Dân chủ chỉ được thực hiện khi dân tham dự sinh hoạt chính trị, không phải chỉ có hạn kỳ theo mùa bầu cử mà phải là thường trực mỗi khi có vấn đề ngoài khả năng quyết định của các vị đại diện dân cử (hay khi thấy vị đại diện dân cử hành động không phù hợp với ý dân). Tương quan liên hệ giữa người dân với hành pháp (tổng thống, thống đốc, tỉnh trưởng, quận trưởng…) phải là 2 chiều (hỗ tương). Người đại diện dân (hành pháp, lập pháp, tòa án) là những người có khả năng và kiến thức chuyên môn nhưng không hẳn là mọi quyết định sẽ làm vừa lòng dân. Vậy nếu trong sinh hoạt dân chủ phải là đối lập thống nhất (khác ý kiến nhưng cùng mục đích) thì giới đại diện dân (đều là do dân bầu) tại sao lại có ý kiến khác nhau để đi đến tranh chấp? Phải chăng để giải quyết khác biệt đó thì các vị đại diện dân nên quay trở về để tham khảo ý dân, lấy ý dân là phán quyết cuối cùng thì còn ai tranh cãi nữa? Đã “tung” thì phải “hợp”. Đưa ra ý kiến mà chỉ gây rối loạn thì không nên. Nhưng hiện nay, các vị đại diện dân đã ngăn chận ý dân (referendum) để bảo vệ uy quyền của họ. Và như vậy là phản dân chủ. Một khi dân chủ quên ý dân, tự do quên hiến pháp, và độc lập quên công bằng thì xã hội là một bãi chiến trường của bạo lực.
Trần Công Lân
Tháng 12 năm 2022 (Việt lịch 4901)