Đa đảng
Nhân tiện cũng xin nói qua về đa đảng. Có người đòi dân chủ, “đa nguyên”…. Đã là dân chủ là đa đảng (đa nguyên). Yếu tố chính là mỗi đảng có chính sách (nguyên do, chủ trương) gì để khác với đảng khác hay chỉ là tên hiệu? Nếu khác mà vẫn là thiểu số thì có sẵn sàng hợp tác với đảng khác để có đa số? Hay vẫn nhất định đường ai nấy đi? Thế nào là chính đảng và thế nào là bè đảng?
Nói về đảng chính trị với mục đích cầm quyền điều khiển đất nước thì phải có chính sách, chương trình…chứ không thể nào tham dự quốc hội chỉ để chống đối chương trình A của phe đa số bằng cách không góp ý hay hợp tác. Nhưng đến khi trở thành đa số nắm quyền thì chỉ tìm cách phá bỏ những gì người đi trước đã làm mà không đưa ra được gì thay thế. Cũng như danh hiệu, khi đã đặt tôn giáo ra khỏi chính quyền thì tại sao lại lấy danh hiệu “Dân Chủ Thiên Chúa giáo”(Christian Democratic)? Hay “Tự do bảo thủ”?
Một khi lớp lãnh đạo suy yếu thì để trở lại vị thế đa số (cầm quyền) thì đảng A bắt đầu dở trò gian lận, trước còn che giấu qua tổ chức ngoại vi nhưng khi thắng thế thì bắt đầu sửa đổi luật chơi để tìm cơ hội duy trì vị thế ưu thắng. Dĩ nhiên đảng B sẽ bắt chước. Ăn miếng, trả miếng sẽ kéo sinh hoạt chính trị tới vũng lầy (swamp). Và người dân khi bỏ phiếu bắt buộc phải chọn ứng cử viên ít xấu hơn. Đó là tại sao dân chủ suy thoái.
Đa số và thiểu số
Nói tới sinh hoạt dân chủ thì phải nói tới đa số và thiểu số. Nhưng khi những ứng cử viên mỵ dân lọt vào quốc hội thì cho dù đảng A nắm đa số nhưng khi soạn thảo các dự luật đưa ra biểu quyết đã gặp chống đối của thiểu số trong đảng (Tea party). Nhóm này vì quyền lợi của các thế lực đứng sau giựt dây đã bắt chẹt lớp lãnh đạo đảng A vì biết nếu không có sự ủng hộ thì sẽ không đủ đa số để thông qua dự luật. Mặc dù các yếu tố đòi hỏi của họ không hẳn là phe đối lập (đảng B) mong muốn hay đa số người dân chờ đợi.
Hoặc trong trường hợp khác thường xảy ra tại Thượng Viện, khi bàn thảo một dự luật cần con số khít khao để thông qua (51/100 hay 60/100) thì một Thượng Nghị Sĩ chờ đến phút chót mới quyết định để bắt chẹt nhóm đa số phải thỏa hiệp một số điều kiện, bất kể nhu cầu của dân chúng (ông Manchin và bà Sinema là thí dụ điển hình). Như vậy luật đa số đã bị cá nhân lợi dụng để bắt chẹt cấp trên và cố tình phản bội cử tri vì đã không thật lòng làm việc. Nếu ông/bà ta đắc cử với tỷ số 52 % thì cử tri có thể đòi hỏi “trưng cầu dân ý” nếu đạt 52 % số phiếu “bất tín nhiệm” thì sẽ truất phế ông ta và chọn người đại diện khác? Hay chờ đợi kỳ bầu cử để chọn người khác đánh dấu sự thất bại của nền dân chủ.
Mặt khác là thượng nghĩ sĩ đứng đầu phe đa số A ngăn chặn việc bổ nhiệm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện vì Tổng Thống là người có quyền chọn lựa thuộc đảng B nhưng khi có Tổng Thống của đảng A thì lại đảo ngược quyết định của chính mình để giành vị trí trong Tối Cao Pháp Viện cho ứng viên đảng A. Đó là sự phá vỡ nguyên tắc có từ lâu trong Thượng Viện. Một khi sự bổ nhiệm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện như vậy thì công lý đã hoen ố.
Khi dân biểu (hay nghị sĩ) đại diện cho đảng A đang làm việc bỗng dưng đổi ý, tuyên bố chuyển sang đảng B thì những lời hứa hẹn phục vụ theo chủ trương của đảng A và nhu cầu của cử tri địa phương đã bỏ phiếu cho vị dân biểu đó có biện pháp gì để ngăn chặn sự phản bội cử tri? Chưa kể là sự biểu quyết các dự luật sẽ bị xáo trộn vì tỷ số phiếu của đảng B nay hơn đảng A.
Hãy trở lại câu hỏi ban đầu: tại sao cần đa đảng (hay đa nguyên)?
Đảng chính trị nào cũng nhắm mục đích cầm quyền để thực hiện chính sách hay chủ trương, đường lối mà họ nghĩ là có ích lợi cho dân tộc và đất nước. Nếu vậy thì mỗi đảng có thực sự là đã và đang có chính sách hay kế hoạch để thực hiện chứ không phải khẩu hiệu suông như: dân chủ, tự do, hòa bình…. Một khi có thì đảng và cán bộ có tuyên truyền để thuyết phục quần chúng tin, tham dự và chọn đại diện đảng qua các cuộc bầu cử hay không? Nếu không thì vì lý do nào?
Không những vậy, đảng và cán bộ phải trực tiếp, công khai tranh luận với các đảng khác (về chính sách) để quần chúng có cơ hội tìm hiểu. Có thể các đảng có cùng mục đích nhưng khác nhau về tiến trình thực hiện thì các ưu-khuyết điểm cũng phải được trình bày và trách nhiệm cũng cần đưa ra trước công chúng. Sự tranh quyền của các đảng không thể là cơ hội để phá hoại, xuyên tạc hay lừa gạt đối thủ cũng như quần chúng.
Tổng thống và nội các
Khi xét vai trò của một Tổng Thống không thể xét trên một cá nhân mà là tập thể xung quanh vị nguyên thủ quốc gia. Một cá nhân không thể điều hành việc nước nếu không có những phụ tá và nội các giúp sức. Nhưng trước khi đắc cử thì căn cứ vào đâu? Vào quá khứ làm việc của ứng cử viên, của các người đã từng làm việc chung với ứng cử viên đó cũng như các cộng sự viên mà ứng cử viên đó đã chọn làm việc trong ủy ban tranh cử. Cổ nhân đã nói “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Người ngay không thể làm việc chung với kẻ gian hay ngược lại. Khi bạn đi tìm việc thì người phỏng vấn sẽ hỏi: “bạn có kinh nghiệm không?” Nếu bạn mới ra trường và tìm việc đầu tiên thì làm sao có kinh nghiệm? Nếu họ không cho bạn một cơ hội để làm việc? Vậy thì chỉ có thể nhìn vào quá khứ để quyết định bạn có thể đảm đương công việc hay không. Chọn ứng cử viên Tổng Thống cũng vậy.
Nếu bạn chọn ứng viên (có quá khứ nói láo) chỉ vì ông ta hứa hẹn (hay cam kết) những điều bạn muốn thì có khi nào bạn tự hỏi: Một kẻ có quá khứ nói láo sẽ thực hiện lời hứa với bạn? Một khi đắc cử và hắn không thực hiện lời hứa thì bạn sẽ làm gì? Vậy lỗi tại ai? Bạn (người tin kẻ nói láo) hay kẻ nói láo?
Đừng đánh trống lảng là “tôi chỉ là một cá nhân, không làm gì được”. Hãy nhớ rằng kẻ nói láo thành công chỉ vì hắn lừa người thứ nhất đã có phản ứng như bạn, rồi đến người thứ hai, ba… và kẻ lừa dối tiếp tục sống trong xã hội vì xã hội có những người như bạn, không vạch mặt chỉ tên kẻ xấu đang làm ung thối xã hội.
Dân chủ
Căn bản của dân chủ là “dân” làm “chủ”: người dân phải tham dự, hoạt động, theo dõi cho dù có bận rộn gia đình, cơm áo… vì nếu lấy lý do như vậy để tránh nhiệm vụ dân chủ thì nền dân chủ sẽ suy yếu và kẻ độc tài sẽ thống trị thì gia đình, việc làm, cơm áo của bạn có còn hay không?
Đừng cho rằng vai trò của bạn không quan trọng. Từ người dân thường, lao động tới các bậc học giả, chuyên môn… mỗi người có vai trò của mình trong xã hội và xã hội cũng cần những vai trò khác nhau như vậy để vận hành. Một ứng cử viên xứng đáng cầm quyền phải là người hiểu rõ tình trạng của mọi tầng lớp dân trong xã hội thì mới có chính sách phát triển xây dựng xã hội và đất nước. Những quốc gia thất bại chỉ vì lãnh đạo không nắm được nhu cầu xã hội, đất nước mà chỉ dựa vào một giai cấp, thành phần trong xã hội (quân đội, tôn giáo) để nắm quyền.
Dân chủ không phải đi từ trên (các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo, đảng, tổ chức…) xuống dưới mà là từ dưới lên trên.
Căn bản của xã hội là cá nhân. Cá nhân thành lập gia đình. Gia đình cần có xã hội tương trợ. Làng, xã là đơn vị nhỏ nhất của một quốc gia. Nếu dân chủ không được thành hình ở cấp độ này thì khó mà thiết lập cơ chế dân chủ cấp cao hơn. Mọi người trong làng, xã tham dự sinh hoạt để chọn đại diện. Người đại diện làm việc tốt sẽ được chọn để nắm vai trò ở cấp cao hơn: Quận, Tỉnh…. Đó là hàng dọc từ dưới lên.
Hàng ngang là những người có trình độ chuyên môn tham dự tranh cử chức vụ công quyền. Quá khứ hoạt động của họ là giá trị để người dân chọn lựa. Kẽ hở là người có khả năng chuyên môn chưa chắc đã là người hoạt động xã hội giỏi. Ngăn chận kẽ hở là luật pháp quy định giữa cử tri và ứng cử viên. Kiểm soát sự lạm quyền của kẻ cầm quyền là một điều khó khăn nhưng nếu không thực hiện được biện pháp chế tài thì cơ hội độc tài sẽ xảy ra chấm dứt nền dân chủ.
Cho tới nay chưa thấy các đảng chính trị đưa ra biện pháp giúp người dân (cử tri) ngăn chận sự lạm quyền của các vị đại diện dân cử. Nền dân chủ cũng rất cần sự đóng góp trung thực của giới truyền thông. Một khi truyền thông sai lạc, hay bị mua chuộc, lũng đoạn để tung tin giả thì xã hội sẽ rối loạn. Giới truyền thông phải độc lập, không lệ thuộc tam quyền phân lập nhưng đó chỉ là cũng là một nghề nghiệp. Các phóng viên, ký giả, các nhà bình luận… đều làm việc để kiếm sống cho nên họ vẫn có thể bị mua chuộc, đe dọa, khủng bố… hay bị ảnh hưởng của tôn giáo. Có hiến pháp, luật lệ nào bảo đảm cho đời sống của họ để họ có thể góp phần vào việc xây dựng dân chủ một cách công bằng, vô tư?
Đã là sinh hoạt dân chủ thì phải có ý kiến khác biệt. Có khác biệt thì phải có tranh luận. Đã tranh luận thì phải công khai trước công chúng (public). Nhưng tranh luận không phải chỉ để thắng trên lý luận. Tranh luận là cơ hội cho mỗi bên giải thích tiến trình suy nghĩ, lập luận phương thức đạt mục tiêu đề ra. Đó cũng là cơ hội để quần chúng biết đến nhân tài mỗi bên. Cá tính và đức tính của người chủ xướng và người thực hiện có xứng đáng để giữ vai trò họ đề nghị hay không? Đây cũng là dịp để người dân đặt vấn đề chữ “tín” với người thực hiện dân chủ: nếu bạn không giữ đúng cam kết hay lời hứa trước khi nhận nhiệm vụ thi hành chính sách đã đề ra thì người dân sẽ có thể làm gì?
Hoặc bạn tự ý từ chức hay dân sẽ phải biểu quyết yêu cầu bạn từ chức? Bạn có chấp nhận để phe đối lập thực hiện chương trình của họ vì kế hoạch của bạn đã thất bại?
Hoặc khi có vấn đề rắc rối (controversy) thì họ có tham khảo ý kiến của cử tri hay họ làm theo ý họ (hoặc đề nghị của các tổ chức vận động hành lang)?
Đã là dân chủ mà người dân chỉ là tôi tớ mà các vị đại diện dân cử muốn làm sao thì dân cũng phải chấp nhận thì đâu còn là dân chủ nữa.
Kết
Nếu chúng ta muốn thấy Việt Nam có dân chủ trong tương lai thì ngay bây giờ, chúng ta đang sống trên đất nước dân chủ — chúng ta đã học được gì? Những gì chúng ta đồng ý hay không đồng ý với ưu khuyết điểm của nền dân chủ mà chúng đang sống. Nếu chúng ta muốn thay đổi, sửa đổi thì đây là lúc chúng ta có thể tranh luận. Đừng nhắm mắt chấp nhận một nền dân chủ “dịch thuật” (dịch bản hiến pháp của họ thành tiếng Việt và áp dụng). Không phải những gì chúng ta làm hôm nay sẽ áp đặt lên xã hội Việt Nam và người dân trong nước nhưng ít nhất đó cũng là một món quà cho Việt Nam đón mừng ngày thoát khỏi chế độ độc tài đảng trị. Có như vậy mới nói lên lịch sử của những người tỵ nạn chính trị mà dân tộc Việt Nam đã phải trả một giá quá đắt sau biến cố 4/1975.
Trần Công Lân
Tháng 12 năm 2022 (Việt lịch 4901)