Sinh Mệnh và Tâm Lý (P2)

II. Sinh mệnh Tâm lý cũng có thể nhìn dưới khía cạnh: Sinh lý, Mệnh lý và Tâm lý.
Sinh lý
Con người có bản chất là con vật có đầy đủ thú tính. Khi não bộ phát triển giúp con người suy nghĩ, quan sát, phán đoán và từ đó học hỏi để phát triển hơn các loài thú. Nền văn minh của loài người tạo nên tôn giáo, khoa học, kỹ thuật nhưng cho tới nay con người vẫn còn duy trì thú tính trong cách cư xử với nhau đặc biệt quan hệ Nam-Nữ khi nhu cầu sinh lý đòi hỏi. Các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo đã mất hàng thế kỷ để duy trì trật tự, an ninh xã hội nhưng chiến tranh và rối loạn vẫn còn tiếp diễn vì ngoài miếng ăn, chỗ ở thì con người vẫn còn nhu cầu đòi hỏi sinh lý.
Lịch sử loài người đã có biết bao nhiêu cuộc chiến chỉ vì người đàn bà. Tôn giáo cũng không thể ngăn cấm hay giảm vai trò của người phụ nữ trong xã hội cho dù có tôn giáo cấm phụ nữ ra đường một mình, phải che mặt và người thân đi cùng. Hay phụ nữ không được phá thai cho dù bị hiếp dâm và người nam vẫn tiếp tục hiếp dâm phụ nữ dù có luật hay không. Không có chế độ chính trị nào có thể ngăn cản thú tính của đàn ông khi nổi dậy. Phải chăng vì xã hội được cai trị bởi đàn ông (cũng như tôn giáo) nên chỉ ngăn cấm lấy lệ. Hay cố ý để phụ nữ phải sinh đẻ thì mới có dân để các lãnh đạo tiếp tục cai trị?
Thuở xưa, các nước gây chiến tranh vì một người đẹp hay cũng vì sắc dục mà lãnh đạo quên dân khiến đất nước suy tàn. Vậy có cách nào để con người tự kiểm soát (tự chủ) đời sống sinh lý cá nhân trước khi gia nhập xã hội? Nhưng nếu chỉ có sinh lý không thôi thì con người khác gì con thú? Chỉ vì bộ óc con người phát sinh Tâm lý và Mệnh lý. Nếu không thì một xã hội với dân chủ, tự do, hạnh phúc, nhân quyền, bình đẳng, công lý … chỉ là bánh vẽ thôi sao?
Tâm lý
Trong khi tôn giáo tại Tây phương ngày càng giảm hiệu lực gây ảnh hưởng đến đời sống cá nhân và xã hội thì ngành tâm lý học được khai thác và phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Giá trị của tâm lý học áp dụng vào đời sống con người, đặc biệt là lớp trẻ và người bệnh tâm thần nhưng trên thực tế đã được áp dụng vào chính trị và kinh tế nhiều hơn là y khoa.
Trong chính trị (tại Mỹ), các chính trị gia đã dùng tâm lý để vận động quần chúng khi tranh cử, kể cả kích động gây bạo loạn, tung tin giả, thủ thuật đe dọa, chụp mũ đối thủ hay những xảo thuật của cộng sản, xã hội đen hay lợi dụng kẻ hở của luật pháp để thủ lợi tuy vẫn đề cao giá trị tự do, dân chủ, công bằng xã hội….
Khi nền kinh tế tư bản khuyến khích con người làm giàu thì mọi người nghèo cắm đầu làm 2, 3 công việc quên cả con cái, ăn uống, ngủ nghỉ…. Người giàu thì lo hưởng thụ, tiếp tục làm giàu và không sinh đẻ vì sợ bận rộn, trách nhiệm. Trong khi tại các nước nghèo thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu việc làm thì lại đẻ quá nhiều; khi thiên tai xảy ra thì chết đói, bệnh dịch, trộm cướp và chiến tranh.
Tại các nước theo kinh tế thị trường thì lợi nhuận là trên hết. Do đó các nhà tư bản, đầu tư đã khai thác tối đa tâm lý quần chúng qua quảng cáo, truyền thông, giáo dục trong mọi sinh hoạt xã hội dựa trên nguyên tắc Cung-Cầu. Nhìn vào kỹ nghệ thực phẩm, chúng ta thấy sự sản xuất thực phẩm nông ngư nghiệp cũng như các phó sản chế biến (thịt nguội, rượu bia, đồ hộp, đông lạnh…) nhiều hơn nhu cầu thực tế nhưng vẫn tiếp tục ngày càng nhiều. Có những nơi dư thừa đổ đi vì quá hạn trong khi nhiều nơi khác vẫn có người chết đói, thiếu ăn. Mặt khác là các hàng, sản phẩm tiêu dùng (quần áo, vật dụng điện tử dùng trong nhà, ngoài vườn…) được sản xuất hàng năm mặc dù đồ cũ chưa bán hết nhưng dịch vụ quảng cáo kêu gọi sự cám dỗ của dân tiêu thụ: có mới, bỏ cũ. Kết quả kỹ nghệ rác được chuyển từ nước giàu đến nước nghèo để tiêu thụ và tạo việc làm?
Theo Đông phương học thì “tâm lý” là sự biến chuyển của qua tám giai đoạn trong đời sống con người (Duy Thức: sáu thức căn bản, mạt na thức, a lại da thức) mà mọi người đều có. Nhưng qua tiến trình sinh trưởng từ nhỏ đến lớn, sự thu nhận, tiến hành của mỗi cá nhân qua các giai đoạn chung của Thập Nhị nhân duyên (Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Diệt) khiến mỗi cá nhân có những đặc tính tâm lý khác biệt tạo nên cái “Tôi” (bản ngã).
Mệnh lý
Để giải thích tại sao “cái tôi” khác nhau nơi mỗi con người thì Đông phương dùng Tử Vi mệnh lý. Theo Đông phương, Mệnh Lý được giải thích theo khoa tử vi mệnh lý. Có người cho rằng đó là mê tín, thiếu khoa học nhưng cũng có người chứng minh tử vi hoàn toàn theo khoa học (Tử Vi Hoàn Toàn Khoa Học, Đằng Sơn). Tin hay không tùy người đọc nhưng ít nhất cá nhân nào đã trải qua 60 năm trong cuộc đời và nhìn lại số tử vi của mình mới thấy. Vậy thì Mệnh lý của tử vi nói gì?
Con người có “Thân” (bản thân) và thường nghĩ mình có toàn quyền hành động với thể xác và tâm hồn riêng biệt. Nhưng cho dù khôn ngoan hay cố gắng tới đâu cá nhân cũng không vượt qua được “Mệnh”. Lý (logic) của mệnh được trình bày qua 12 cung của một người: Mệnh (số phận của bạn), Phụ Mẫu (cha mẹ), Huynh đệ (anh chị em), Nô bộc (người làm việc chung, bạn bè), Tài (tiền bạc, phú quý), Quan lộc (chức vụ, công việc làm), Tử (con cái), Ách (tai họa, bệnh tật), Di (đi lại), Phúc (may mắn), Phu thê (vợ chồng), Điền (nhà cửa, ruộng đất). Tất cả được chi phối bởi Tiểu hạn, Đại hạn là vận hành của biến cố xảy ra theo năm tháng. Rất ít người xem có khả năng truy xét ra ngày, giờ xảy ra biến cố (thí dụ: chết, tai nạn) nhưng tháng và năm thì rất rõ. Thông thường thì những ai tốt số mọi chuyện trong cuộc đời xảy ra suôn sẻ thì không quan tâm đến số mệnh (Mệnh lý). Chỉ có những người phong trần, trải qua năm chìm, bảy nổi, phấn đấu nỗ lực trong suốt cuộc đời về mọi mặt thì mới thấy giá trị của Mệnh lý. Vậy mục đích của Mệnh lý là gì?
Đó là sự giáo dục của bản thân và xã hội. Nếu tử vi đã không có giá trị thì đã không được truyền bá từ người xưa cho đến nay. Thực sự Mệnh lý cũng chưa đủ để giải thích hết mọi rắc rối của đời người vì sao khác nhau mà đa số chỉ cho là hên xui hay dựa theo khoa học Tây phương để đả phá cái gọi là mê tín bói toán. Những ngôi sao (chính tinh, phụ tinh, bàng tinh) trong tử vi có liên hệ gì với ngày sinh của một cá nhân? Đằng sau Mệnh lý là Nghiệp. Theo nhà Phật thì nghiệp là những gì con người làm trong đời này sẽ ảnh hưởng đến đời sau. Chứng minh duy nhất hiện nay chỉ là chuyện các cao tăng Tây Tạng tái sinh để tiếp tục thực hiện những gì đã và đang làm từ kiếp trước. Dĩ nhiên nhiều người không tin. Chỉ khi nào con người vận dụng tất cả trí năng, khoa học kỹ thuật để giải thích sự kiện mà không có giải đáp thì nếu có người cho lời giải đáp thì bạn có chấp nhận không? Đó là trở về với “cái tôi”. Bạn có cách nào giải thích “cái tôi” khác hơn không?
Kết
Vì con người có suy nghĩ khác biệt từ “cái tôi” nên xảy ra xung đột, tranh chấp trong khi mọi người đều muốn sống trong một xã hội hòa bình, hạnh phúc. Khi lối sống của loài người hiện nay dẫn đến nguy cơ hủy diệt môi trường sống thì mọi người đều tranh nhau giải thích hiện tượng và phương thức giải quyết. Nhưng vì nhu cầu của giới lãnh đạo, thành phần ưu tú trong xã hội khác với nhu cầu của quần chúng nên chẳng đi đến đâu. Chỉ khi nào con người trở về với “Sống biết, Sống đúng, Sống thực” để “toại kỳ sở nhu, tận kỳ sở năng, chính kỳ sở mệnh” thì mới biết đầu ngọn vấn đề để đi đến giải pháp chung.
Trần Công Lân
Tháng 12 năm 2022 (Việt lịch 4901)

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s