Loài người xuất hiện trên trái đất là do điều kiện thiên nhiên thuận lợi cho đời sống các sinh vật. Con người sinh ra và sống trong xã hội để khắc phục thiên nhiên nhưng vẫn chịu chi phối bởi điều kiện Thời gian và Không gian. Cuộc sống xã hội đầy biến chuyển là một thách thức lớn cho mỗi cá nhân. Thử thách đòi hỏi con người phải đối phó để vươn lên hay bị đè bẹp. Vậy mỗi cá thể có thể chuẩn bị những gì về vật chất và tinh thần trước khi bước vào đời? Mỗi biến cố trong đời mà mỗi người có thể gặp các sự kiện giống hay khác nhau, sẽ tác động vào tâm lý của mỗi người đưa đến phản ứng khác nhau gây nên những thay đổi trong đời sống cá nhân và xã hội. Chu trình tác động hỗ tương giữa cá nhân và xã hội tiếp diễn liên tục khiến nhiều khi con người không biết là nếu cần có sự thay đổi thì bắt đầu từ đâu: Từ xã hội hay từ cá nhân? Dĩ nhiên theo tiến trình lịch sử thì con người có trước rồi mới đi tới sự thành lập xã hội. Nhưng khi xã hội hiện đại hóa thì con người bị cuốn hút vòng kiềm tỏa của xã hội và quên đi bản tính tự chủ nơi cá thể. Từ đó phát sinh hệ thống “chính trị”: kẻ cầm quyền cai trị xã hội sẽ quyết định an sinh của xã hội và mọi người chịu lệ thuộc trong xã hội đó. Chẳng may nếu gặp lãnh đạo có Ác tâm thì xã hội sẽ đối phó như thế nào?
Nhu cầu sống trong một xã hội dân chủ, tự do của loài người đòi hỏi tầng lớp lãnh đạo (chính trị) cần quan tâm đến các biến chuyển tâm lý của quần chúng để tạo sự đoàn kết, xây dựng xã hội hay đưa đến xung đột, hủy diệt xã hội qua chiến tranh. Muốn điều hòa đời sống xã hội thì phải biết Sinh Mệnh Tâm Lý.
I. Sinh mệnh Tâm lý
Sinh mệnh
Con người sinh ra là đã có một sinh mệnh riêng. Ý thức về một bản thể riêng biệt trong xã hội dần dà thành hình khi con người phát triển và đi tìm một bản chất cho chính mình: Tôi là ai? Tôi sẽ làm gì với cuộc sống này? Và như vậy yếu tố tâm lý xuất hiện. Làm sao biết được đời người sẽ biến đổi như thế nào trong một xã hội phức tạp và một thế giới đầy biến chuyển?
Mỗi người sinh ra trong một hoàn cảnh cá biệt và phát triển không giống nhau. Nếu hiểu “sinh mệnh” là cuộc sống thì con người từ khi sinh ra, lớn lên trong gia đình rồi hội nhập vào xã hội, tranh đấu với nhau để giành một vị thế trong xã hội; rồi thời gian trôi qua tinh thần, thể chất suy yếu và bị đào thải. Như vậy thì đâu là ý nghĩa cuộc sống của con người? Con người sống để làm gì? Để học hỏi hay để tranh giành danh vọng, quyền lực? Đâu là hạnh phúc mà con người theo đuổi? Con người có một cơ thể với những đòi hỏi sinh lý còn có đầu óc, suy nghĩ để phân biệt tốt-xấu, phải-trái. Thế nhưng vì sao xung đột trong xã hội loài người vẫn tiếp diễn qua nhiều thế kỷ với những bài học lịch sử vẫn tái diễn, đe dọa hủy diệt văn minh nhân loại. Con người sinh ra với cơ thể giống nhau nhưng có suy nghĩ khác nhau gây nên xung đột. Vậy thì những suy nghĩ, tư tưởng đó phát xuất từ đâu? Vì sao mỗi người thấy cùng sự việc nhưng lại có suy nghĩ khác? Vì sao cùng một sự kiện mà A nghĩ ra X, B nghĩ ra Y? Phải chăng đó là “Tâm Lý”?
Tâm lý
Tâm lý là gì?
Các nhà tâm lý học cho đó là môn học về trí óc (mind) và cư xử của con người.
Khi đứa trẻ lớn lên chúng được giáo dục để hội nhập với thế giới bên ngoài. Nhưng xã hội bên ngoài là gì? Lớp người đi trước đã thiết lập hệ thống giáo dục như thế nào để đào tạo thế hệ mới? Khi trí óc non trẻ của đứa bé được khuôn đúc trên một căn bản nào đó thì khó mà gột rửa hay thay đổi khi qua tuổi thiếu niên. Chính trị quyết định môi trường đứa trẻ sẽ lớn lên và tôn giáo sẽ quyết định lương tâm của đứa trẻ có đủ can đảm để thực hiện những thay đổi quan trọng trong đời sống khi gặp khó khăn.
Trong xã hội tư bản (kinh tế thị trường) thì giáo dục là khuyến khích tiêu dùng bằng cách quảng cáo kêu gọi cha mẹ cung ứng đủ thứ cho đứa trẻ mà không cho đứa trẻ biết về giá trị, nguồn sản xuất và hậu quả của sản xuất là rác. Nền giáo dục này cũng kêu gọi đứa trẻ có giấc mơ Mỹ (American dream) mà không nói rõ về 2 mặt trái – phải của vấn đề. Kỷ luật đối với trẻ cũng rất lơ là, nhất là tuổi vị thành niên. Vì là kinh tế thị trường nên các công ty, dịch vụ, kỹ nghệ rất am tường về tâm lý người dân để quảng cáo mặt hàng. Và trong mọi hình thức quảng cáo chỉ nói đến mặt tốt, trúng ý muốn người dân mà không nói cái hại (hay mặt trái) ngoại trừ loại quảng cáo thuốc. Biện chứng “Cung-Cầu” đã được ngụy tạo tối đa để qua mặt chính quyền (thí dụ: giá xăng. Khi chính quyền kêu gọi các công ty xăng dầu không được bán quá giá thì các đại diện công ty trả lời: đó là luật “Cung-Cầu. Khi có nhu cầu đòi hỏi thì ai trả giá cao sẽ được hàng). Có thực vậy không hay chỉ khi nào sản lượng dầu giảm thì giá mới lên cao còn khi sản lượng vẫn đều hòa thì tại sao tăng? Nhu cầu nào?
Cũng như các sản phẩm mỗi năm, mỗi mùa có thực sự cần thiết thiết hay giới tư bản tạo ra để con người chạy theo mua sắm những mặt hàng không cần thiết mà cuối cùng chỉ có một kết quả: rác.
Các nhà tư bản đã tạo ra những ước lệ xã hội về giá trị đời sống qua sản phẩm vật chất đặc biệt qua hệ thống giáo dục, thông tin (quảng cáo), giải trí… cũng như văn hoá của từng sắc tộc, chủng tộc được dàn trải qua những màn lưới tinh vi của “kẻ tung, người hứng” mà không hề nhắc tới những mặt trái của vấn đề. Một khi bạn mắc nạn thì mới hiểu và vết thương đã thành hình.
Chỉ có những ai hiểu thuyết “Thập Nhị nhân duyên” của nhà Phật mới thấy rõ từng bước “tâm” con người chuyển động qua các giai đoạn trong đời sống. Ai có đủ can đảm để chận đứng sự chuyển biến đó để làm chủ vận mệnh của mình?
Đời sống cá nhân hay xã hội tạo ra những nhu cầu cần thiết để bảo đảm an sinh của hôm nay và ngày mai. Khởi đi từ các nhà lãnh đạo chính trị muốn an dân trị quốc đã tạo cơ hội cho những nhà buôn, thương mại phân phối các mặt hàng đi các nơi để thỏa mãn nhu cầu quần chúng. Tâm lý làm giàu của nhà buôn đưa đến tư bản tạo nên các nhu cầu không cần thiết nhưng được biến hóa để trở thành cần thiết (hay khan hiếm giả tạo) được ngụy danh “Cung-Cầu” và đưa xã hội vào cơn lốc tiêu thụ. Càng sản xuất để đáp ứng nhu cầu giả tạo thì cuối cùng chỉ đi đến sự cạn kiệt tài nguyên và gia tăng số lượng rác phế thải làm ô nhiễm đất, nước và biển.
Từ đó, nhân danh kinh tế thịnh vượng, tạo công ăn việc làm… các nhà kinh tế, đầu tư khai thác thiên nhiên dưới chiêu bài tự do, dân chủ, hạnh phúc… và áp lực chính quyền phải ủng hộ nếu không xã hội sẽ rối loạn. Tuy có những trở ngại bộc phát như chiến tranh, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội… nhưng giới tư bản đủ khôn ngoan để lèo lái qua cơn bão tố cho đến khi tài nguyên thiên nhiên cạn (rừng, biển, mỏ…), ô nhiễm môi sinh và khí hậu thay đổi. Một lần nữa tư bản cải tổ dưới hình thức E S G (môi sinh, xã hội, quản trị) nhưng liệu có thành công hay không?
Mối nghi ngờ là các nhà đầu tư, tư bản, kỹ nghệ chỉ nhìn thấy vấn đề trở ngại trong lãnh vực môi sinh, xã hội và cách quản trị nên tìm cách cải tổ. Giả sử họ có thật lòng đi chăng nữa thì đó cũng chỉ là ngọn. Cái gốc của vấn đề vẫn là từ con người. Không phải người tiêu thụ hay dân nghèo vì họ là nạn nhân của nền kinh tế thị trường.
Tầng lớp ưu tú của xã hội (elite) qua nhiều thế hệ đã thả trôi theo khuynh hướng lấy lợi nhuận (GDP) làm tiêu chuẩn phát triển và các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế đã phụ họa theo để giữ vai trò của họ trong xã hội mà quên đi con người mới là gốc của xã hội. Đây cũng là nguồn gốc xung đột giữa tư bản (kinh tế thị trường) và cộng sản (kinh tế tập trung). Trong khi xã hội chủ nghĩa (Bắc Âu) theo kinh tế thị trường, vẫn có đại công ty nhưng đánh thuế rất nặng.
Đời sống con người (sinh mệnh) phần lớn dựa vào tâm lý. Kẻ nào nắm tâm lý quần chúng kẻ đó sẽ thao túng xã hội. Tự do, dân chủ, hạnh phúc… chỉ có khi con người làm chủ được sinh mệnh, nắm vững tâm lý không để cho kẻ khác lợi dụng. Khác biệt tâm lý dưới cách nhìn của Phật học (Duy Thức) là: Ngã ái, Ngã kiến, Ngã si, Ngã mạn của Mạt Na Thức được lưu giữ trong Tâm (A lại da thức) đã dẫn đến cái “tôi” khác với thiên hạ. Đây cũng là nguồn gốc “dân chủ”: Dân (cá nhân) có làm chủ tâm lý của bản thân trong cuộc sống hay không?
Nếu không làm chủ được chính mình thì làm sao làm chủ trong đời sống xã hội?
Nếu làm chủ được mình thì khi gia nhập xã hội với đa số mọi người đều làm chủ hết thì ai mới thực sự là “chủ” ?
Xem ra đi từ dân (cá nhân) tự làm chủ đến tập thể dân chúng để có dân chủ (xã hội) không phải dễ. Đó chính là “nói như vậy mà không phải như vậy, mới chính là như vậy” (kinh Duy Ma Cật).
Sinh Mệnh và Tâm Lý (P2)
Trần Công Lân
Tháng 12 năm 2022 (Việt lịch 4901)