KHÔNG THẾ SỐNG CHUNG VỚI BẤT CÔNG!
Những khám phá từ chân lý cây ngay không sợ chết đứng tới lẽ phải sống lâu mới biết lòng người có nhân là sự khám phá về một mãnh lực: nhân sinh không chấp nhận bất công, vì nhân tính công bằng làm nên nhân lý công tâm! Thấy bất công thì phải đấu tranh, mà ngay bước đầu tiên của bất nhẫn là nói rõ để hét to, nói lớn để gào lên là: Không thế chấp nhận bất công! Không thế sống chung với bất công! Không thế nhượng bộ bất công! Số người ủng hộ và bảo vệ tôi chống lại bạo quyền mờ-tà quyền nhăn-ma quyền cống phải được phân tích cho thật rõ và sâu chừng nào hay chừng ấy. Tại đây, tôi nhận ra có một nội lực trong mỗi con người của chúng ta để chống bất công, hãy biến nội lực này thành sung lực có sẵn, nằm chờ để khi bối cảnh thuận lợi thì nó sẽ thành hùng lực lật đổ bạo quyền, vùi dập tà quyền, chôn lấp ma quyền, để cuối cùng xuất hiện như mãnh lực để xây dựng lại nhân tâm cho nhân sinh, nhân từ cho nhân thế, nhân nghĩa cho nhân loại.
NHÂN VIỆT
Cứ suy nghĩ mãi nhiều năm về hệ lực (nội lực, sung lực, hùng lực, mãnh lực) và vài năm gần đây tôi đã đưa nó vào hệ thống lý luận của tôi để giải thích và xử lý chuyện đời, chuyện người. Số là trong xã hội học chính trị khi song hành cùng xã hội học dân chủ và xã hội học quyền lực thì chúng tôi khám phá ra là chỉ cần 5% dân số đứng lên chống bất công thì một xã hội có thể làm thay đổi một thể chế. Và chỉ cần 10% dân số đứng lên chống bạo quyền thì một quần chúng có thể làm thay đổi cả một chế độ độc tài toàn trị, một sớm một chiều biến nó thành mây khói. Hãy tin tưởng vào ngày Việt tộc đứng lên mà vùi bất công lẫn bạo quyền của công an trị, của tham nhũng trị, của tham tiền trị hiện nay, tôi thầm nghĩ ngày đó không xa! Hãy vất bỏ các loại phân biệt tiêu cực là «nhân trí Việt thấp», các loại phân tích dễ dãi là «nhân tri Việt tồi», các loại phân định chớp nhoáng là «nhân bản Việt hèn», các loại phân giải cực đoan là «nhân tâm Việt tệ». Chỉ vì trong quá khứ, qua Việt sử: Việt tộc vừa là một minh tộc, vừa là một dũng tộc, biết lấy thông minh của chính mình để thắng mọi bạo quyền, biết lấy sự dũng cảm của chính mình để thắng mọi tà quyền, dù nó là nội xâm hay ngoại xâm!
KIÊN NHẪN, KIÊN ĐỊNH, KIÊN TRÌ, KIÊN CƯỜNG
Trong công cuộc đấu tranh chống bất công, hãy nhận ra sự bất nhẫn của tập thể, của cộng đồng, của xã hội là một hùng lực, mà chớp nhoáng nó sẽ thành mãnh lực đập vỡ được thành lũy của bạo quyền, phủ lấp mọi chiến hào của tà quyền, cuốn trôi luôn mọi cống rãnh của ma quyền. Chuyện chính là phải biết chuyển hóa bất nhẫn thành kiên nhẫn để kiên định trong đấu tranh dài lâu với bạo quyền, với tà quyền, với ma quyền, mà tránh biến bất nhẫn thành phẫn nộ không kiềm chế được, cơn giận không quản lý được. Hệ kiên (kiên nhẫn, kiên định, kiên trì, kiên cường) vừa là nội công, vừa là bản lĩnh; cụ thể vừa là gân cốt, vừa là tầm vóc của người đấu tranh chống bất công, bằng đường trường, bằng trường kỳ, bằng cuộc sống lẫn cuộc đời.
BẤT CHÍNH TRONG SINH HOẠT XÃ HỘI
Chạy, là động từ kể-để-tả sự vận dụng thể lực để làm nhanh theo một yêu cầu bức bách gì đó, chạy thì nhanh hơn đi, nên chạy là để xử lý tức khắc một việc mà ta muốn có kết quả nhanh. Chạy nhanh, có khi để rượt đuổi, có khi bị rượt đuổi. Chạy trong sáng suốt ngược chiều, nghịch lý với chạy trong hoảng sợ, với tâm trí rối loạn, với tâm thần bị thất thần. Chạy để ôm người thương, người yêu đối nghĩa, nghịch luận với chạy loạn, chạy giặc xa cái chết, để chạy về cõi sống. Nếu là chạy bộ như môn thể thao thường nhật, thì ta chạy trong thoải mái, vui vẻ, với chủ đích là tăng thể lực để trợ lực cho trí lực, trợ duyên cho tâm lực, nên ta chạy thong dong trong thư thái, thư thả để thong thả… Nhưng động từ chạy có một nội dung hoàn toàn khác, có khi bất chính trong sinh hoạt xã hội đầy tham nhũng, của một tổ chức xã hội dựa trên tham ô, với quan hệ xã hội của tham quyền như xã hội Việt hiện nay, đã bị trùm phủ bởi tham tiền trị. Đây là đứa con đích tôn của độc đảng toàn trị, từ đây động từ chạy mang một nội hàm mới, bất bình thường trong ngữ nghĩa như bị ép uổng để được “bình thường hóa” trong một xã hội đã bị lắm ung thư ngay trong nội tạng của nó, bởi lót tay, bôi trơn, bao bì, sân sau, ô dù, chống lưng… Động từ chạy giờ đây trong giao tế xã hội đã chuyển tải không những các thói hư tật xấu của đời sống xã hội, mà nó còn thiêu hủy tận gốc rễ đạo đức một tập thể, đạo lý một cộng đồng, luân lý một dân tộc. Động từ chạy cho ta thấy rõ quan hệ giữa người với người đã bị tha hóa, đã bị thối tha hóa.
TÀ NẠN
Ít ai ngờ là bất công có anh em cùng mẹ khác cha, hay cùng cha khác mẹ với lòng ganh tị, nơi mà tâm địa tỵ hiềm lẳng lặng gieo tẩm những toan tính thâm, độc, ác, hiểm để làm ra những hậu quả xấu, tồi, tục, dở trong quan hệ xã hội. Đây là loại tâm địa bùn, nơi ẩn náo của loại chó cắn trộm, thường là bọn âm binh chuyên nghề chém sau lưng, theo mô thức của các nạn nhân thời Nhân văn giai phẩm để vạch mặt bọn bút nô, ký nô, văn nô đã hãm hại họ. Loại chuyên nghề chém sau lưng này bây giờ mọc như nấm độc trong chế độ độc đảng toàn trị hiện nay tại Việt Nam. Vì chúng được lảnh lương, nhận bổng lộc của ĐCSVN, mà «trăm này sinh ra trăm kia» để «ngàn này sinh ra ngàn kia», chúng là hàng trăm ngàn; từ bút nô, ký nô, văn nô tới dư luận viên, với lương tháng tới từ tiền thuế của dân do «đảng ta, chính phủ ta» quản lý và phân phát lại cho chúng. Khi loài quái thai thâm, độc, ác, hiểm sinh đôi cùng xấu, tồi, tục, dở đồng xuất hiện như âm binh giữa nhân sinh thì sinh hoạt xã hội sẽ rơi vào họa nạn, quan hệ xã hội sẽ đi vào hoạn nạn, và đời sống xã hội lâm rơi vào tà nạn nhiệt lực của sự thực, hỏa lực của chân lý, thần lực của lẽ phải đã tạo ra quá trình «bùng cháy» có lớp lang thứ tự, chớ không hề là một cuộc «cháy rừng», hỗn loạn, vô trật tự, mà «bùng cháy» này.
VĂN MINH DÂN CHỦ VÀ VĂN HIẾN NHÂN QUYỀN TRÁNH TÀ
Độc đảng thì tục thân trong bẩn dạng, chính là hoạn kiếp của kẻ gây bất công, vì ngay trong hình thể của nó chúng ta thấy lộ cái tục của bất nhân, cái thô của thất đức. Nhưng chứng nào tật nấy, vì tà quyền thì luôn vận dụng cái thối tha của tham nhũng quốc nội qua cái thối nát của chế độ độc đảng toàn trị hiện nay tại Việt Nam để giải thích lòng lương thiện của nhân quyền, tính liêm khiết của dân chủ, qua luật chơi sòng phẳng của tam quyền phân lập tại phương Tây. Họ mang một tâm bịnh khá nặng là lấy độc đảng thì độc tài nhưng bất tài để giải thích thực thể đa nguyên, mà không bao giờ họ giải thích được tại sao bản chất của đa nguyên là đa tài nên không muốn độc tài, vì văn minh dân chủ và văn hiến nhân quyền tại phương Tây, sợ đám âm binh sinh đôi độc tài-bất tài còn hơn sợ tà!
AN SINH XÃ HỘI
Không có kiến thức xã hội sẽ không thể hiện được ý thức xã hội. Chính bộ ba bảo hiểm xã hội, dịch vụ công cộng, luật xã hội là tiền đề và là gốc rễ của mọi quan niệm và tri thức về an sinh xã hội. Không có an sinh xã hội thì sẽ không có nền móng để xây dựng một xã hội văn minh, một thể chế vì nhân quyền. Không có nhận thức an sinh xã hội chỉ vì không được giáo dục bằng giáo lý tập thể, bằng đạo lý cộng đồng của tổ tiên Việt có nền là tương thân tương trợ trong nhân lý nhìn xa trông rộng của ăn ở có hậu trong đối nhân xử thế. Đây chính là luân lý xã hội làm nền cho tổ chức xã hội, trợ lực cho bảo hiểm xã hội, dịch vụ công cộng, luật xã hội có chỗ đứng trung tâm trong các cơ chế xã hội văn minh. Nhưng chính hệ độc (độc đảng, độc quyền, độc tài, độc trị, độc tôn) khi mở cửa cho hệ tham (tham quyền, tham quan, tham ô, tham nhũng, tham tiền) thì sinh hoạt xã hội bị “bôi trơn hóa”; quan hệ xã hội bị “sân sau hóa”; đời sống xã hội bị “chống lưng hóa”. Đây là thực tế xã hội hằng ngày bị thống trị bởi liên minh bạo quyền độc đảng công an trị-tà quyền tham quan trị-ma quyền tham tiền trị. Chính liên minh này đã tha hóa mọi chính sách, mọi tiến bộ tới từ an sinh xã hội, mọi văn minh tới từ bảo hiểm xã hội, dịch vụ công cộng, luật xã hội. Độc trị mà không biết quản trị chỉ là hiện thân của độc tài nhưng bất tài, đã lạc vào quỷ lộ của bất nhân thất đức, ngày ngày trôi dạt xa bờ văn minh của dân chủ, xa bến văn hiến của nhân quyền.
XÃ HỘI DÂN SỰ
Xã hội dân sự, có hùng lực của dân chủ để bảo hành bộ ba bảo hiểm xã hội-dịch vụ công cộng-luật xã hội, có sung lực của nhân quyền để trợ lực cho an sinh xã hội, đó là định nghĩa của xã hội dân sự, bằng định chế của công bằng làm nên các cơ chế của công lý. Còn có cả định đề làm nên định luận của xã hội dân sự là công dân thực sự là chủ thể trong chính tư tưởng của họ để có chủ quyết khi bỏ phiếu cho các chính sách xã hội được đại diện bởi các đảng phái, các công đoàn, các hội đoàn, để chủ động qua đa nguyên chính là nơi hẹn của đa trí, đa tài, đa dũng, đa năng, đa hiệu… Hệ chủ (chủ thể, chủ quyết, chủ động) dựa trên tự do biết song hành cùng công bằng để chế tác bác ái chính là nội công làm nên bản lĩnh của xã hội dân sự. Mà xã hội dân sự được vận hành và được củng cố bằng chính các thử thách trong khủng hoảng kinh tế, bằng chính các thăng trầm trong lạm phát tài chính, trong đó thiên tai và nhân tai đều được phân tích và giải quyết bằng công pháp dựa trên công lý. Cụ thể là bảo hiểm xã hội sẽ được bảo hiểm bởi chính quyền và chính phủ khi gặp các biến cố bất thường xảy ra ngay trong đời sống xã hội. Dịch vụ công cộng được bảo đảm ở mức nhất định trước các sự cố dị thường đang xảy ra ngay trong sinh hoạt xã hội. Luật xã hội được bảo hành trong quan hệ xã hội và được tuân thủ như là hằng số của luật pháp.
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).