THÂN PHẬN BỤI ĐỜI: THẢM KỊCH CỦA BẤT CÔNG
Thân phận bụi đời cũng có thể là những đoạn đường của một cá nhân, một gia đình, phải chịu nhiều lần thảm cảnh thân bụi; đã thoát ra được họa cảnh bụi đời, nhưng họ luôn là con mồi trước mọi áp bức, bất công, bạo lực… đẩy đưa họ lại con đường cũ: bụi đời. Đây là hệ lụy của các nạn nhân ngắn cổ bé họng, trong một hệ thống hàng dọc của bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham quan, ma quyền tham đất vì tham tiền, biến dân lành thành dân oan, rồi thành dân bụi, mà không có một cơ chế công lý nào bảo vệ các nạn nhận này. Thân phận bụi đời nói lên thảm kịch của bất công trong xã hội, tại đây các nạn nhân bụi đời bị xem như sống ngoài lề của đời sống xã hội hiện tại, bị loại ra khỏi trong sinh hoạt xã hội hằng ngày, bị bứng gốc khỏi quan hệ xã hội bình thường. Họ vô hình trong cách tính của chính quyền, họ vô dạng trong thống kê của chính phủ. Nhưng họ là kết quả tất yếu làm ra hậu quả tức thời tới từ bạo quyền lãnh đạo vô luân, tà quyền tham quan vô cảm, ma quyền tham tiền vô giác. Chính ba cấu trúc: đời sống xã hội, sinh hoạt xã hội, quan hệ xã hội là nội công của xã hội học nạn nhân hóa, làm nên nội lực cho nhân học nhận thức về các nạn nhân trong một xã hội, trong một dân tộc, trong một đất nước.
BỤI KIẾP TRONG LOẠN KIẾP
Loạn kiếp là không có được nghĩ ngơi trong bình thường của trong ấm ngoài êm, trong thực cảnh không nơi nương náu. Nhưng nghiên cứu, khảo sát, điều tra, điền dã… về trẻ mồ côi của Việt Nam có không gian đặc thù của nó, có thời gian đặc biệt của nó, có thời điểm mang đặc tính của nó. Nó không giống như tác phẩm văn chương hiện thực Những Kẻ Khốn Cùng (les Misérables) của V. Hugo, thực trạng của các trẻ bụi đời Việt hiện nay mang cường độ và mức độ bạo động tới từ bạo quyền của một chế dộ công an trị. Bạo lực lãnh đạo sinh ra bạo động trong một xã hội Việt đã mất phương hướng về giáo dục và đạo đức, với một chính quyền độc đảng chọn độc tài nhưng bất tài trong quản lý, chọn độc trị nhưng lại không biết quản trị, chọn độc tôn nhưng không tôn vinh được một đạo lý nào cho dân tộc, một luân lý nào cho đồng bào. Loạn kiếp là không có mái ấm gia đình, mất đi mọi quy luật từ cha mẹ sinh thành tới tổ ấm có gia phong, trong đời sống bình thường có gia giáo: con cái ở đâu, ông bà ở đó. Hiện trạng trẻ bụi đời tại Việt Nam có dây dưa rễ má của một đất nước bị loạn tâm bởi chiến tranh trong thế kỷ qua, bị loạn thần qua nghèo đói, lại vô phúc song hành cùng bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham nhũng, ma quyền tham tiền, với túi tham không đáy, tạo ra vô cảm “ai chết mặc ai”, làm ra vô nhân “bây chết mặc bây”.
“NGƯỜI DƯNG NƯỚC LÔ?
Loạn kiếp có ngay trong văn hóa thân tộc, nơi mà thống tộc trong quy luật “cùng máu mủ”, khinh kẻ ngoại nhà, ngoại họ: “người dưng nước lã”, rồi đặt tên ác để vinh danh bao quy luật khép kín này: khác máu tanh lòng. Chính vòng kín này đã loại đi các cơ may, các cơ duyên để kẻ lạ được chấp nhận vào nhà, vào xóm, vào làng…. Tại Việt Nam, hiện nay có các nhà, các xóm, có khi có cả làng chọn: ăn xin, ăn mày… như một nghề, dính tới một nghiệp, đã có từ bao đời. Nhưng chính các kẻ cùng nhà, cùng xóm, cùng làng này làm nghề này, họ không hề tự xem họ là: bụi đời; vì họ có nhà, có họ, có thân tộc… và họ vẫn hãnh diện về họ hàng của họ: chim có tổ, người có tông, nhưng họ không hề có tình tương trợ, cụ thể là nơi nương tựa của những nạn nhân bụi đời mà không có quan hệ thân tộc với họ.
«TRÂU ĐỒNG NÀO ĂN CỎ ĐỒNG NẤY»?
Văn hóa của cộng đồng song hành cùng giáo dục của gia phong, Việt tộc vinh danh lòng đoàn kết, thăng hoa tình tương trợ: máu chảy ruột mềm, lại cùng lúc xiết kín lối vào cửa ra của các cá nhân cùng thân tộc: trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy. Đây là thực tế của văn hóa, nó như con dao hai lưỡi, nó biết củng cố quan hệ gia đình họ hàng, nhưng lại đóng cửa với: người dưng nước lã; rất tương trợ trong thân quyến, nhưng hững hờ, lạnh nhạt với đồng loại. Thậm chí họ lại dễ dàng dùng luân lý gia tộc để buộc tội tha nhân trong hoạn nạn: đem con bỏ chợ. Hãy xem lại để xét lại văn hóa cộng đồng, giáo dục gia tộc: có thực mới vực được đạo, tại đây phương pháp luận thực nghiệm nhận diện ngữ văn: thực, phải làm nên hai ngữ pháp: thực (phẩm) và (sự) thực, dùng điền dã, điều tra, khảo sát, nghiên cứu hiện tượng bụi đời với thượng nguồn là hệ: thực (phẩm), tại đây trẻ bụi đời thiếu ăn, thiếu uống, tức là thiếu thực (phẩm), không có cơm ăn, áo mặc tức là không có các điều kiện vật chất bình thường. (sự) thực qua các chặng đường của các nạn nhân bụi đời trước bạo quyền tham nhũng, trước tà quyền tham quan, trước ma quyền tham tiền, nguồn gốc của bất bình đẳng, có cha sinh mẹ đẻ là bất công.
«NGỰA CHẠY CÓ BẦY, CHIM BAY CÓ BẠN»?
Hai hệ: thực (phẩm) và (sự) thực, đã nhập một để giải luận rõ là bất công luôn trá hình dưới ngữ thuật: bất hạnh để chỉ kẻ bụi đời, môt kẻ đã mất tất cả. Mất gia đình lẫn họ hàng, vì đã mất trọn (chú như cha, dì như mẹ). Mất thân quyến lẫn thân tộc, vì đã mất trắng (sẩy cha còn chú, sẩy mẹ ấp vú dì). Mất đạo lý lẫn luân lý lẫn thân tộc, vì đã mất luôn gia giáo (Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mẹ có cha không thờ). Nhất con nhì cháu, thứ sáu người dưng đẩy xuống hạng thấp nhất người dưng, rồi đạp xuống tận cùng kẻ mồ côi cha lẫn mẹ, đã rơi vào họa bụi đời: sống bờ chết bụi, với cách xếp hạng để xếp loại: cháu mười đời hơn còn hơn người dưng; không cho kẻ gặp nạn mồ côi có cơ may: ngẩng cổ ngóc đầu. Khoa học luận phản chứng dùng phản biện để lập ra phản diện, bằng xác chứng là: ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn chỉ dùng những ai có cha mẹ, gia đình, mái ấm có đủ tâm lực, trí lực, lý lực để thực thi được đạo đức: một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, trong khung khép kín giữa với ông bà, cha mẹ, anh em, con cháu trong cùng gia đình; kiểu tứ đại đồng đường; hay có thể dùng rộng hơn vì có đủ ý nguyện, ý chí, ý lực phá vỡ khung khép kín của gia tộc, để thực hiện trí khoan dung, tâm dung thứ, lòng vị tha với đồng bào, đồng loại hay không?
«NHẤT CON NHÌ CHÁU, THỨ SÁU NGƯỜI DƯNG »
Nhất con nhì cháu thứ sáu người dưng, làm người dưng có khi không được làm: hạng thấp, hàng kém, mà còn là hạng cuối, hạng bét trong một văn hóa thân tộc khép kín, người dưng thì không có lối ra cổng vào như người nhà, trong loại giáo dưỡng này thì người dưng không những là người lạ, mà còn là người «không đáng quan tâm» theo kiểu nói vô cảm hiện nay. Nên từ văn hóa tới giáo dục, người ta xem người dưng như người mà ta nên phải: lạnh lùng, mà không nên có xúc cảm gì, thế nên mới có câu: người dưng nước lã; đã là người dưng thì khó trông mong gì vị tha, đừng mong cầu gì về rộng lượng, chớ mong chờ gì về chuyện «rộng lòng», trong cõi này thì không sao một đứa trẻ mồ côi bụi đời có thể được chấp nhận, có thể «lọt vào» được. Cháu mười đời hơn còn hơn người dưng, cái quan hệ thân tộc thành quan hệ thống tộc, nó bền bỉ, nó dài lâu, cháu mười đời mà sao còn rất dai dẳng; nhưng tại sao lại khép rào đóng cửa với người dưng? Tại sao chuyện thân tộc bền vững là chuyện hay, chuyện đẹp, sao không làm cho nó cao hơn, sâu hơn, nhất là sao không làm cho nó xa hơn để tiếp người dưng? Để mở-lòng-rồi-mở-cửa mà đón người dưng, đón trẻ bụi đời (đưa bụi vào đời để hiểu đời)! Đây đâu phải là chuyện vô bổ, nó là chuyện nhân tâm làm nên nhân tính mà!
CON QUAN THÌ ĐƯỢC LÀM QUAN?
Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, đây là chuyện tái tạo gia đình mà xã hội học đặt tên là: tái sản xuất xuyên thế hệ, đây là ý nguyện của ông bà, cha mẹ muốn thấy con cháu giống mình từ nhân diện tới nhân dạng, đây là lẽ thường vì là chuyện có thể hiểu được quan hệ máu mủ. Nhưng con vua thì được làm vua, con sãi nhà chùa thì quét lá đa, thì đây là loại tái sản xuất xuyên thế hệ dựa trên bất công, loại này có trong xã hội chỉ làm ta lợm giọng, vì nó lấy bất bình đẳng để tạo ra bất công. Trong thảm kịch của Việt tộc hiện nay con quan thì được làm quan trong một chế độ độc tài với cha làm quan nhưng rất bất tài, sinh ra các đứa con trong một hệ thống giáo dục học giả-thi giả-bằng giả với mua điểm bán thi, để mua bằng bán cấp, và sau đó cha cùng con sẽ cùng nhau thực hiện mua chức bán quyền, rồi lần mò đến buôn dân bán nước cho Tàu tặc. Trong một chế độ độc đảng để độc trị nhưng vô minh trong quản trị. Điếm lộ trong gian kiếp! Vậy sao không thấy cái hay, cái đẹp, cái lành, cái tốt của người dưng? Vì nhân thế muôn màu, nhân sinh muôn vẻ, nhân tình muôn dạng trong nhân loại mà! Có đa nguyên là có đa trí, đa tài, đa lực, đa hiệu, đa năng; cũng như có người dưng là có đa diện, đa dạng, đa sắc….
Vì nhân tính biết dựa trên nhân từ biết giúp kẻ bơ vơ, vì nhân đạo biết dựa vào nhân tâm biết cứu người lạc lõng, bụi đời, để tạo nên nhân nghĩa biết làm nền cho nhân hậu (ăn ở có hậu). Vì không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời mà! Vì sông có khúc, người có lúc mà!
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).