Yêu Luận (P14)

BIỂN TRẦN LƯNG YÊU
Bao lần trong tình yêu thật dài, em cứ trách: «Sao lại so sánh tình yêu với biển cả?»; «Em thấy tình yêu có hai đời, hai kiếp, hai thân là đủ, biển xen vô đây làm gì!»; «Sao cứ ra biển hoài vậy? Lại nói là ra biển vì tình yêu! Yêu em thì ở nhà chớ ra biển làm gì?»…. Em ơi, vì anh muốn tình yêu mang kích thước của biển, không bờ, chẳng bến. Khi anh bơi ngoài khơi xa, có khi anh chợp hứng gọi lớn: «Em ơi bên cõi vô cùng tận, có gặp tình anh đang nổi trôi…. Em có thấy tình yêu lớn không?».
Chợt hứng đến ngẫu hứng chỉ là một sải tay bơi, anh gào với giọng càng to: «Anh không với tới tận em giữa biển khơi, vạn kiếp anh bơi một cuộc tình…. Em đã thấy tình yêu rộng chưa?». Ngẫu hứng đến hứng đến ngẫu vui cũng chỉ là một sải tay bơi, giọng anh càng reo vui giữa biển khơi: «Em cứ gối đầu trên biển, em sẽ đẹp hơn trên giường biển gối sóng, em nhớ trần lưng và trần thân trên biển, vì anh đã trần lưng và trần thân rồi»; «Em đã hiểu trần lưng và trần thân là thượng nguồn của nghệ thuật tạo hình (thể)…. Vậy em cứ thong thả gối đầu trên sóng… Em cứ thong dong duổi thân trên biển là chiếc giường. Anh vẫn vạn thủa chờ mong những sóng tình». Đây không phải là mỹ cảm tạo nên mỹ quan để mỹ thuật dắt mỹ học vào sức tưởng tượng của mỗi người yêu làm nên tri thức tình yêu của hai kẻ đang yêu nhau sao?
Câu chuyện tình yêu đẹp với biển xa sóng rộng, có gốc, rễ, cội, nguồn của nó em ạ! Khi ta thấy tình yêu của chúng ta thật đẹp vì nó đẹp thật trong mỗi thời khắc hạnh phúc của tình yêu. Ta cảm nhận là đẹp nhưng ta không mô tả trúng, kể lể đúng tại sao nó đẹp; nếu chúng ta càng đặt để nhiều tĩnh từ rồi trạng từ để vinh danh nó thì tình yêu càng trơ trẽn trong vô duyên. Nếu chúng ta thay vào đó các khái niệm, các lý thuyết, các tư tưởng thì tình yêu sẽ từ vô duyên mà tới vô cảm, vô giác. Cái đẹp của tình yêu có thật, nhưng nó có khi trừu tượng nên ta không mô tả đủ, không kể lể đầy được. Mà có lúc nó cũng thật cụ thể bằng cảm nhận, vì làm ta rợn da, buốt óc… vì hạnh phúc của tình yêu được xây dựng bằng cảm xúc, chính cảm động làm nên cảm quan của chúng ta.
Khi em thì thầm với anh là: «Tình yêu của chúng ta thật đẹp!» thì anh nghe như em đang đại diện cho tất cả những kẻ đang yêu, đã yêu mà nói lên câu này. Vì anh nhớ rõ là em nói: «Tình yêu của chúng ta thật đẹp!» chớ em đâu có nói: «Em nhận thấy tình yêu của chúng ta thật đẹp!», em đâu có nói cho riêng em đâu. Nên câu chuyện mỹ học của tình yêu cũng là câu chuyện làm nên tính phổ quát về cái đẹp của tình yêu, là câu chuyện làm nên tính vĩnh hằng về cái đẹp của tình yêu. Không cảm nhận được cái đẹp này thì đúng là một thiệt thòi lớn đấy!
Khi em nói: «Tình yêu của chúng ta thật đẹp!» vì em thấy tình yêu đẹp thật ! Mà em đâu cần phải định nghĩa danh từ đẹp làm nên cái đẹp, giải thích bằng tự điển tĩnh từ đẹp. Chính cảm quan làm nên cảm nhận của em đã nhập vào tính phổ quát về cái đẹp, đã đi vào tính vĩnh hằng về cái đẹp; mà chúng ta không bị lao lý hóa bởi định nghĩa, lao tù hóa bởi tự điển giam lỏng hay nhốt kỹ chúng ta trong chữ nghĩa. Cái đẹp là đẹp bằng cảm nhận, không lý thuyết, chẳng tư tưởng…
Nhưng lỡ khi có kẻ bàng quan lại nói ngược lại: «Tao đâu thấy tình yêu của mày đẹp đâu! Thú thật nó chẳng đẹp gì cả»; nó ác mồm nên khẩu nghiệp vì nó thêm vào: «Tao thấy người yêu của mày đâu có đẹp, sao mày khen cô ấy đẹp!». Chúng ta là hai kẻ trong cuộc (cuộc yêu) thấy tình yêu của mình đẹp, và anh thấy em đẹp, em biết anh trả lời nó ra sao không? Anh thủ thỉ vào tai nó là: «Tao tôn trọng từ bình giải tới bình phẩm của mày, nhưng cái đẹp của tình yêu và sắc đẹp của người yêu không thể có mặt trong bình giải của mày, nên phải vắng mặt luôn trong bình phẩm của mày! Vì mày biết tại sao không? Vì khi mày bình giải cái đẹp của tình yêu, rồi bình phẩm về sắc đẹp của người yêu thì mày tự làm mọi bình giải tan đi, mọi bình phẩm biến đi như: ác quỷ phải biến mất trước mặt trời! Vì ác quỷ và mặt trời không sống chung với nhau được!».
Anh thấy nó từ «cứng họng» rồi «nghẹn họng», anh bồi thêm luôn bằng ái ngữ (để tránh khẩu nghiệp): «Tình yêu đẹp vì cảm quan về tình yêu đẹp, giúp hai kẻ yêu nhau có cảm nhận đẹp mà chính hai kẻ này không định nghĩa được cái đẹp là gì? Và tĩnh từ đẹp có mức độ, cường độ, mật độ, trình độ ra sao? Cũng như phạm trù của tự do, người ta có thể đấu tranh bằng chính sinh mệnh của mình vì tự do, mặc dầu người ta không định nghĩa được đầy đủ tự do là gì? Và trạng-tĩnh-từ tự do có mức độ, cường độ, mật độ, trình độ ra sao? Tính song hành của tình yêu và tự do thật đẹp, mặc dầu tình yêu phải bồng hệ cảm (cảm nhận, cảm xúc, cảm động…); còn tự do phải cõng hệ tự (tự do, tự chủ, tự tin, tự giác…). Tự do trong tình yêu thật đẹp vì tình yêu trong tự do đẹp thật; mặc dầu hai hệ này hoàn toàn khác nhau trên thượng nguồn, nhưng khi hai kẻ yêu nhau xuôi nguồn trong yêu đương cho tới hạ nguồn thì: tự do và tình yêu chỉ là một, nội chất của cả hai đều rất đẹp, và khi cả hai nhập lại làm một thì càng đẹp hơn!».
Anh có bị lạc đề không, vì anh bắt đầu bằng biển trần lưng yêu với biển xanh sóng ngát mà. Không! Anh không lạc đề đâu vì khi anh một thân một mình trôi dạt trên biển, anh lại có đầy đủ thời giờ để trông xa rồi nghĩ gần về tình yêu của chúng ta có được như biển xa sóng rộng không? Trong tình yêu có hai cái đẹp mà ta nên phân biệt: thứ nhất là sự thật về cái đẹp thì phân tích không hết lời, phân giải không hết chữ vì mỗi người có sự thật riêng của mình. Nhưng thứ nhì là hiển nhiên đẹp, từ cảm quan tới cảm nhận, tình yêu thản nhiên đẹp trong tự nhiên đẹp, thì đây là nội lực làm nên hùng lực của tình yêu, sung lực làm nên mãnh lực của yêu đương.
Không có sự thật về cái đẹp trong tình yêu, cũng như không có một khoa học để nhận diện ra cái đẹp trong tình yêu, nhưng có một cảm quan khi nó cộng thân với cảm xúc làm nên cảm động giúp cảm tính định hình cái hiển nhiên đẹp. Mà cái hiển nhiên đẹp lại được chia sẻ giữa hai kẻ đang hoặc đã yêu nhau, lại còn được những người chung quanh công nhận là tình yêu của hai người này đẹp; thì hiển nhiên đẹp vẫn đang bồng tính phổ quát, vẫn đang cõng tính vĩnh hằng của tình yêu.
Khi bơi ra khơi, khi vật vờ trên sóng lạ, anh nghĩ về không gian lớn rộng như biển trời chính là kích thước của không gian tình yêu, một cõi rộng vô vàn mà chỉ có hai người yêu đang tuyệt đối hóa không gian này, và đang bất chấp chung quanh, chính là xã hội đang xoay vần để vây bủa họ. Tuyệt đối hóa tình yêu để vô hiệu hóa sự vây bủa của ngoại giới. Câu chuyện tình yêu hiển nhiên đẹp là câu chuyện có thật, vì trong không gian vô vàn rộng của tình yêu, thực chất của tình yêu không cần hai kẻ yêu nhau phải thành diễn viên trên sân khấu để tình yêu được ca tụng bằng những mỹ từ làm nên mỹ ngôn của tình yêu.
Tình yêu cần cái thật của người thật, của hai kẻ đang yêu nhau thật luôn vun xới rồi bồi đắp cho tình yêu ngày thêm đẹp. Chính cái thật của người thật làm nên chuyện thật trong tình yêu thật đã tới để xóa đi sự cô độc của người này, đã bứng đi sự cô lẻ của kẻ kia, không có tình yêu thì hai kẻ này như lưu vong ngay trong chính cuộc đời của mình, có tình yêu rồi thì lưu vong sẽ ra đi để nhường chỗ đứng, ghế ngồi, giường nằm cho yêu đương.
Không có tình yêu thì khuyết điểm của nhân diện làm nên khuyết tật của nhân dạng, có tình yêu rồi cùng với yêu đương có lứa, có đôi, có cặp thì ngay trong khổ đau, ngay trong từng giọt nước mắt, những kẻ yêu nhau vẫn tìm thấy hy vọng. Vì hy vọng vào tình yêu làm nên kỳ vọng trong yêu đương, chấp nhận thử thách trước mắt, có khi ứa nước mắt, nhưng sau những giọt nước mắt là chân trời hy vọng. Chính chân trời này làm nên quyết định trong quyết đoán của hai kẻ yêu nhau. Chia chân trời vì chung chân trời, đây là tụ điểm của hai đời chỉ vào một chân trời, phải biển trần lưng yêu, một mình giữa trời biển mới thấy hết tầm nhìn của tình yêu làm nên tầm vóc của chân trời hy vọng.
Tình yêu hiển nhiên đẹp có đường đi nẻo về của nó, ngay trong cô đơn chờ yêu tới, ngay trong cô độc trước giờ hẹn với người yêu, kẻ đang yêu phải đợi, vẫn nhận ra sự có mặt ngay trong cái trống vắng, ngay trong sự vắng mặt của người yêu vẫn chưa có mặt. Không có chuyện kẻ chờ là bại, kẻ sắp tới là thắng, mà chỉ có sự hiển nhiên đẹp của tình yêu từ trống vắng người yêu tới sự xuất hiện đúng hẹn của người yêu chính là tình yêu tự trao hạnh phúc cho tình yêu, mà không cần một toan tính nào, không dựa trên một mưu toan nào! Người yêu này thích tự do trong tình yêu thì người yêu sẽ được tôn trọng ngay trong tự do của mình, tình yêu hiển nhiên đẹp không hề có sự sang đoạt rồi tướt đoạt tự do của nhau. Tình yêu chỉ hiển nhiên đẹp khi tình yêu hiển nhiên tự do giữa nhân sinh, tự chủ giữa nhân gian, tự tin ngay trong không gian của tình yêu.
Trong cõi biển xa với sóng rộng của không gian tình yêu, chỉ có hai người nhưng cả hai tự suy nghĩ rất nhiều, đến khi ngoại giới tới đe dọa tình yêu với rất nhiều người: bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, xã hội… thì lúc đó tình yêu lại suy nghĩ rất ít. Vì tình yêu tự tin là tình yêu không lo ra vì suy nghĩ nhiều, mà suy nghĩ ít vì quyết tâm bảo vệ tình yêu đã có, đã cao; vì quyết chí bảo trì yêu đương đã có, đã trao; thì quyết định đầu cần phải suy nghĩ nhiều, vì quyết đoán đã lên đường đi về hướng chân trời chung đời để chia kiếp rồi!
Riêng chỉ có một điều thôi cũng làm tình yêu tự hiển nhiên đẹp là trong cõi yêu thì hai kẻ đang yêu phải học lại thật kỹ về cuộc đời, vì thủa nào trong quá khứ giữa đời khi chưa có tình yêu thì họ chẳng chịu học đời gì cả. Có tình yêu rồi, thì họ học thật kỹ về nhân sinh, để họ hiểu rõ về nhân gian, để họ thấy đúng nhân loại mà thấu sâu được nhân tình-thế thái. Câu chuyện học-hiểu-thấy-thấu chữ nhân này (nhân sinh, nhân gian, nhân loại) để thông chữ nhân kia (nhân tâm, nhân từ, nhân nghĩa) chính là câu chuyện của động từ có thần lực của tình yêu: xí xóa (chín bỏ làm mười), để tình yêu được tiếp tục hưởng một chữ nhân khác: nhân đạo trong tình yêu, nhân bản trong yêu đương, nhân ái trong thương yêu.
Tình yêu hiển nhiên đẹp vì sự thông minh của người yêu này làm nên nhân tâm của người yêu kia, sự sáng tạo của người yêu kia làm ra nhân từ của người yêu này. Vì chỉ thông minh trong đơn lẻ, chỉ thông thạo trong đơn độc, thì không gian của tình yêu chỉ là bẫy sâu rồi thành bãi mìn cho hai kẻ yêu nhau… Nhưng lỡ khi tình yêu bắt đầu bằng cuộc khởi hành không tốt, với điểm khởi hành tồi, thì bạn phải làm gì?
Nếu bạn tin vào tình yêu, có niềm tin vào người yêu, bạn cứ đi thêm, đi nữa để nhận diện được tình yêu ngay trong nhân dạng của người yêu. Vì trên nhân lộ của tình yêu bạn có giông to, có gió dữ; bạn có luôn sóng to, bão lớn…. Trong thử thách thì nhân cách của bạn đang song hành cùng nhân cách của người yêu trên nhân lộ dày thử thách, ngập thăng trầm, hãy thấy-để-thấu là hai nhân cách này đang nhập lại để cùng nhìn về một chân trời; hay ngược lại hai nhân cách này đang phải dội ra để rồi chóng chầy gì mỗi người sẽ đi mỗi hướng, để phải xa nhau….
Tình yêu không sợ khuyết điểm của hai kẻ yêu nhau có thể làm tổn thương tình yêu; tình yêu chỉ sợ sự thiếu vắng của nhân từ đã quên chế tác ra nhân ái. Trong nhân vị của mỗi người yêu luôn có sự mong cầu của nhân tâm, có sự kỳ vọng của nhân bản, để chế tác ra kho báu của nhân tình, nơi có dấn thân của tình yêu, nơi có đam mê của yêu đương. Chính khi yêu và được yêu, thì khuyết điểm của hai kẻ yêu nhau sẽ nhẹ đi, nên khuyết tật của mỗi người yêu sẽ không tạo ra hoạn nạn trong tình yêu, những hoạn nạn thường tới từ các họa nạn của ngoại giới luôn muốn xen vào tình yêu.
Khi tình yêu nhập vào biển rộng trời cao, với chân trời dù xa nhưng đã có sẵn trước mắt để hai kẻ yêu nhau biết được định hướng của tình yêu mà định vị được yêu đương. Từ đây, nhân tâm hai kẻ yêu nhau chính là nhân tri tình yêu của họ. Từ đây họ biết là không sao họ sống được nếu không có tình yêu. Từ đây họ chối bỏ cái yên tâm của cá chậu, cái yên trí của chim lồng. Và từ đây họ đeo tự do trên lưng để tự ý bỏ chậu, rời lồng….

Yêu Luận (P15)

Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s