Thế nào gọi là dân chủ? Câu trả lời không đơn giản. Những ai cho rằng dân chủ như hình ảnh các nước ở Âu Châu hay nước Mỹ đó là dân chủ thì cần phải xét lại.
Câu hỏi cần phải có câu trả lời thì dân chủ đặt trên nền tảng nào? Nếu không có nền tảng vững chắc thì nền dân chủ đó chỉ là dân chủ hình thức để che đậy cái dã tâm độc tài mà hình ảnh cuộc “đảo chánh” vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 tại Mỹ là thí dụ điển hình. Người ta có thể không hài lòng với cuộc bầu cử đã xảy ra trên 200 năm nhưng chỉ vì đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi của tập thể, ông Trump cho rằng cuộc bầu cử có gian lận và kêu gọi mọi người ủng hộ mình để lật đổ một nền dân chủ đã hiện diện trên 200 năm. Đến giờ phút này, ông Trump vẫn tuyên truyền cuộc bầu cử năm 2020 là gian lận.
Rất nhiều người cho rằng tham dự cuộc bầu cử tức là dân chủ. Tham dự cuộc “đảo chính” ở Quốc Hội ngày 6 tháng 1 năm 2021 là thực hiện quyền tự do biểu tình. Những nước độc tài, người dân cũng tham dự cuộc bầu cử thì phải chăng đó là dân chủ? Những cuộc đảo chính bằng quân đội ở các nước độc tài cũng thực hiện quyền tự do biểu tình để lật đổ một chế độ mà họ cho rằng không hợp hiến như lý luận của Trump? Dĩ nhiên sẽ có người cho rằng ở những nước độc tài khác với các nước dân chủ bởi họ không có sự lựa chọn người ra lãnh đạo.
Phải chăng ở Mỹ, người dân thực sự có quyền chọn người ra lãnh đạo và người lãnh đạo dựa trên tiêu chuẩn nào?
Về mặt tiêu chuẩn thì các công ty, các cơ sở chính quyền, khi chọn nhân viên vào làm việc, tùy theo công việc, họ có những tiêu chuẩn rất cao và trong cơ cấu chính quyền, họ làm thêm một việc nữa là điều tra quá khứ của bạn. Nếu quá khứ của bạn biển thủ tiền bạc thì đừng mong được nhận vào các cơ quan tài chính dính dáng đến tiền bạc. Nếu quá khứ bạn là dâm dục, có gia đình mà vẫn liên hệ ái ân với người khác, thì đừng hòng người dân chọn bạn vào cơ cấu lãnh đạo quốc gia mà hình ảnh ứng cử viên Gary Hart ra tranh cử chức vụ tổng thống trong đảng Dân Chủ vào năm 1988 nhưng phải tự động rút lui bởi sự kiện ông ta quan hệ với người phụ nữ khác trong khi vẫn còn vợ con hiện tại. Đó chỉ là hình ảnh của quá khứ khi người dân còn đặt nặng chuyện đạo đức.
Thời đại của mạng xã hội, của dục vọng cá nhân đặt cao hơn mọi thứ cho nên những cá nhân vô nhân cách có thể ra tranh cử và thắng cử dễ dàng bởi người dân bị tinh thần đảng tranh biến họ thành những con cừu, ngoan ngoãn bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng mình mà không cần quan tâm đến cá nhân đó ra sao, đạo đức hay không đạo đức, có tài hay không có tài. Mà hình như càng nói láo nhiều thì khả năng thắng cử càng cao.
Điều lạ là những chức vụ trong Quốc Hội, Tổng Thống, có toàn quyền sinh sát cả một dân tộc, thế nhưng những người đó hoàn toàn không qua một thủ tục lựa chọn để đạt tiêu chuẩn về nhân cách, nhân phẩm, đạo đức và tài năng trong việc lãnh đạo quốc gia. Điều đó tạo ra Trump, một con người xem thường phụ nữ, người tàn tật, thành phần thiểu số. Điều đó tạo ra những vị trong Quốc Hội ăn nói chẳng ra gì, dựa vào thuyết âm mưu và sẵn sàng nói sai sự thật bởi đó là điều số đông quần chúng muốn nghe. Điều đó tạo ra “còn đảng còn mình” để sinh hoạt Quốc Hội trở thành đảng tranh thay vì quyền lợi của đất nước.
Người dân cứ tưởng mình thực hiện quyền tự do dân chủ của mình bằng lá phiếu nhưng khi làm ra luật thì các vị trong Quốc Hội dựa vào đảng tranh, dựa vào các lực lượng vận động hành lang để làm luật cho quyền lợi của công ty. Quyền lợi của người dân, nếu có chỉ là một và quyền lợi các công ty là 10. Đấy là sinh hoạt “dân chủ” ở xứ Mỹ và nhiều người vẫn cho rằng Mỹ rất là dân chủ dù rằng bản chất của “dân chủ” đó thực ra chỉ là một sự giả hiệu. Người dân bị “mù” trong vấn đề bỏ phiếu bởi các ứng cử viên nào có qua sự lựa chọn trong việc xét đoán khả năng, đạo đức để người dân cứ bỏ phiếu trong cái “mù” đó và tưởng là mình thực thi quyền tự do dân chủ của mình.
Thực tế thì các nước dân chủ trên thế giới chỉ quan tâm đến nền “dân chủ” cho chính họ thôi. Một nước khác không có dân chủ nhưng đem lại quyền lợi cho đất nước họ thì họ sẵn sàng ủng hộ nền độc tài. Hình ảnh Ukraine bị Nga đem quân thôn tính với sự tàn phá về tài sản và mạng người, cả thế giới chỉ lên tiếng bằng những cấm vận và mặc nhiên nhìn sự kiện giết người, phá tài sản của Nga đối với dân tộc Ukraine. Có lẽ nếu Unkraine có mất thì chẳng phải là sự mất mát của quốc gia họ cho nên họ không tham chiến để chống lại những nhà lãnh đạo có tham vọng chiếm lãnh thổ của đất nước khác. Khác với sự kiện Iraq tấn công Kuwait trong năm 1990, Mỹ vận động Liên Hiệp Quốc để đưa quân vào giúp Kuwait vì quyền lợi dầu hỏa và quân sự ở tương lai. Ukraine không phải như Kuwait nên Mỹ và quốc tế có lối ứng xử khác, để mặc Ukraine chống đối lại sức mạnh quân sự của Nga.
Sự thỏa thuận của Anh, Mỹ và Nga đối với nước Ukraine sau sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết là nếu Ukraine bỏ hết những vũ khí nguyên tử thì ba nước này sẽ không tấn công Ukraine. Thế nhưng Nga làm ngược điều thỏa thuận đó và hai nước kia không làm gì trong việc trả đũa thái độ tàn bạo của Nga. Nếu ông bạn hàng xóm của bạn, phá nhà người kế bên, giết người trong nhà người kế bên thì bảo đảm là cả xóm sẽ đứng lên, dùng sức mạnh của số đông để tham dự vào cuộc ngăn cản sự tàn phá này. Tiếc rằng điều đó không xảy ra đối với chiến tranh Ukraine bởi các nước dân chủ chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân mình chứ không quan tâm đến nền dân chủ của toàn thế giới mà trong đó không chấp nhận bất cứ quốc gia nào đem quân thôn tính một nước láng giềng.
Tại sao gọi đó là “dân chủ hình thức”? Bởi nền “dân chủ” đó không đặt trên nền tảng của Duy Nhân Cương Thường (những điều kiện căn bản sống của một con người trong thế giới của Người, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ bị lâm nạn). Chúng ta đang ở thế kỷ thứ 21 với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nhưng cách ứng xử giữa con người đối với con người, giữa quốc gia đối với quốc gia vẫn là hình ảnh mạnh được yếu thua của thời kỳ ăn lông ở lổ. Khác chăng người ta gọi cái thời đại này là “dân chủ” hoặc mặc cái áo “dân chủ” nhưng lối ứng xử thì vẫn như thời kỳ ăn lông ở lổ.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 3 năm 2022 (Việt lịch 4901)