Khi Lý Đông A đưa ra ý niệm về Bình Sản Kinh Tế thì không có nhiều chi tiết để trình bày thực chất và diễn tiến để thực hiện. Nhưng với những gì nhân loại trải qua thì có thể hiểu lờ mờ rằng ông đã nhận thấy kinh tế thị trường dẫn tới các đại công ty, do thiểu số tư bản thu nắm các nguồn sản xuất bóc lột đại đa số dân nghèo. Trong khi đó, nền kinh tế chỉ huy của các nước cộng sản (hay độc tài) cũng nắm gọn các phương tiện sản xuất, tài nguyên trong tay một đảng (hay nhà độc tài) và người dân cũng chỉ sống thoi thóp. Đó là sự phân phối tài nguyên không hợp lý khi thiểu số thụ hưởng quá thừa thãi trong khi đa số sống trong đói rách mặc dù mỗi con người đều có cơ thể như nhau. Vậy thì không có lý do gì để cá nhân có nhiều hơn cần thiết trong khi số đông sống thiếu thốn ngay cả với điều kiện tối thiểu (điện, nước, nhà, vệ sinh…)
Một nhà lãnh đạo tôn giáo nào đó đã nói “nếu bạn có nhiều hơn nhu cầu thì bạn đã ăn cắp phần của người khác”.
Hiểu Lầm Bình Sản Kinh Tế
Ý niệm đầu tiên của mọi người khi nghe nói Bình Sản Kinh Tế đều nghĩ rằng chia đều tài sản. Đó là một sự hiểu lầm tai hại vì một người thông thường cũng có thể nghĩ rằng đó là một sự kiện không hợp lý: có lẽ nào người siêng năng cũng chỉ hưởng như người lười biếng? Vậy thì chẳng có ai sẽ chịu làm việc cả. Kinh nghiệm nông trường tập thể dưới chế độ cộng sản đã cho thấy “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” đã thất bại vì khi đã được hưởng theo nhu cầu (dù tối thiểu) thì cũng chẳng có ai chịu làm theo năng lực cả. Kết quả đã được lập lại nhiều lần qua các nước theo chế độ cộng sản.
Vậy Bình Sản là gì?
Một số người khác lại diễn dịch là sự tranh chấp giàu nghèo. Giàu-nghèo chỉ cho thấy khía cạnh của người giàu thu tóm tài nguyên, của cải và từ đó dùng để khuynh đảo xã hội, gây khó khăn cho tầng lớp dân nghèo.
Người giàu cho rằng họ có tài năng, chịu khó làm và học nên mới làm giàu và như vậy, khi giàu thì họ có quyền sử dụng sự “giàu có” để mua nhà cửa, ruộng đất, cơ xưởng, vật dụng… mà họ thích, miễn là theo luật lệ của chính quyền đã quy định.
Dĩ nhiên họ sẽ chống lại Bình Sản Kinh Tế vì khi người giàu có dư tiền sẽ tìm cách đầu tư bằng cách mua các vật liệu, bất động sản (nhà ,xe, máy móc…) gây khan hiếm giả tạo làm xáo trộn sinh hoạt xã hội và khiến dân nghèo vất vả hơn vì tài chính giới hạn. Đây là lý do kinh tế thị trường dựa trên luật Cung-Cầu nhưng thế nào là nhu cầu thật và nhu cầu giả tạo? Cũng như chuyện đầu tư: thế nào là lãnh vực cần đầu tư? Có thực sự cần thiết hay chỉ làm phí phạm nguyên liệu và gây ô nhiễm? Tương tự về lý luận tạo công ăn việc làm cho người dân (nghèo)? Đồng ý con người cần có việc làm nhưng không phải loại việc làm tạm thời, mà là việc làm vững bền, có quyền lợi lâu dài chứ không phải loại việc làm trong các công ty, dịch vụ được tạo ra để che mắt nhà nước, làm chuyện phi pháp của nhà giàu trốn thuế và khi đổ bể thì nhân công (dân nghèo) lại phải gây dựng lại từ đầu.
Vậy “bình sản” ở đây có nghĩa là hạn chế sự thao túng chiếm giữ các tài nguyên thiên nhiên, hay khuynh đảo sự phát triển kinh tế, kỹ nghệ có thể gây thiệt hại hay tạo bất ổn xã hội.
Trong khi người nghèo thì phải tìm hiểu lý do đầu tiên là vì sao nghèo? Nghèo vì sinh ra trong cảnh nghèo, không được đi học nên đã bị thất thế ngay từ khi còn nhỏ. Còn loại nghèo vì không có khả năng tiến thân trong học vấn, ngành nghề hay thương mại thì chỉ có thể đi làm công, chịu bóc lột và ngóc đầu không nổi. Cũng có loại nghèo vì chọn con đường sai lầm trong lối sống: người nghèo thay vì để dành tiền để mua xe đi làm thì lại đổ vào cờ bạc, ăn chơi … vì nghĩ rằng mình nghèo thì nhà nước sẽ trợ giúp, tranh đấu làm chi cho khổ cực? (thí dụ: nghèo mà đẻ nhiều khi chính bản thân còn lo không nổi. Nghèo mà ham muốn đua đòi trong cuộc sống. Chi tiêu là kinh tế căn bản của cá nhân phải biết cân nhắc không thể kiếm bao nhiêu xài hết cho dù con cái không có tiền ăn học vì tin rằng xã hội nhà nước sẽ phải giúp).
Đó cũng là một sự bất công xã hội. Thật khó mà xây dựng xã hội khi cá nhân không chịu làm chủ bản thân, thiếu tinh thần trách nhiệm thì có giúp đỡ bao nhiêu cũng không đủ.
Gần đây Tây Phương (Đức, 2007) có đưa ra ý niệm về “chủ nghĩa giới hạn” (Limitism). Theo đó thì con người vẫn có thể làm giàu như chủ nghĩa tư bản (Capitalism) nhưng có giới hạn việc sử dụng sự giàu có của mình để không cản trở sự vươn lên của tầng lớp dân nghèo (thí dụ: nhà cửa trong các đô thị thường được các giới đầu tư chú ý để tạo ra các khu thương mại và từ đó tăng giá thuê mướn để làm giàu. Sự cạnh tranh khiến các chung cư của giới bình dân, dân nghèo bị đe dọa vì sự lên giá hay biến thành các cơ sở kinh doanh. Trong khi các chung cư thiết lập tại ngoại ô thường thiếu phương tiện giao thông hay có nhưng không ai bỏ tiền đầu tư vì không có lời như đầu tư các cơ sở thương mại trong thành phố).
Vậy “bình sản” ở đây còn có nghĩa là sự phối hợp giữa “đầu tư” và “nhân công” là 2 yếu tố không thế thiếu trong đời sống kinh tế và xã hội. Có đầu tư mà không quan tâm đến nhân công (hay ngược lại) thì cũng không xong.
Loài người đi từ chủ nghĩa Duy Tâm, Duy Sinh, Duy Vật… cho đến Thực Dụng, Tư Bản… và gần đây là Giới Hạn (Limitism). Nhưng từ chủ nghĩa đi đến Hiến Pháp là bộ luật nền tảng để con người kết thành xã hội, quốc gia thì không thể chỉ đơn giản là: tự do, dân chủ, phân quyền, mưu cầu hạnh phúc… khiến con người tha hồ hiểu lầm và quyền lực chính trị không còn là thiết kế và điều hành nhân sinh mà chỉ còn là vai trò thao túng quyền để thủ lợi (cho cá nhân hay tổ chức).
Cho nên muốn thay đổi thì khó mà tiến hóa từ từ (evolution) vì những thế lực chống phá. Do đó cần phải có một cuộc cách mạng (revolution) thay đổi toàn diện.
Phải chăng đó là điều Lý Đông A muốn thực hiện?
Trở ngại chính của tư tưởng Lý Đông A là sự giáo dục (khởi điểm và chung điểm của chính trị). Nhưng phải có người được giáo dục theo tinh thần cách mạng, giáo dục trước cách mạng thì ai giáo dục ai? Sau cách mạng thì làm sao thực hiện?
Tuy Lý Đông A khởi đầu bằng Tu Dưỡng Thắng Nhân và cuối cùng đi đến Bình Sản Kinh Tế. Nhưng loài người đang trong thời kỳ của chế độ tư bản. Vậy nhà giàu sẽ hỏi: vậy tôi làm giàu để làm gì? Một khi tôi có tiền bạc dư giả mà không thể đầu tư để tiếp tục giàu hơn nữa (mà cũng có thể là tạo công việc làm cho giới nghèo). Còn nếu nhà giàu có một đống tiền chỉ để ngồi đếm chơi thì có lẽ chẳng ai sẽ làm giàu cả. Hoặc là nhà giàu đem tiền đi mua hột xoàn (kim cương), vàng, đồ cổ hay tranh Picasso thì cũng chẳng có ai tranh giành hay mua du thuyền chạy long nhong ngoài biển thì sẽ chẳng có ai gây chuyện làm gì. Nhưng nếu làm giàu để rồi mua đất, mua nhà cho mướn và tiếp tục lên giá; như vậy là tiếp tục bóc lột người nghèo. Còn nếu mua nhà, đất trên đồi, trong rừng hay xa thành phố thì chẳng ai thắc mắc cả.
Khía cạnh phức tạp là nhà giàu thường giao du, vận động giới chính trị cầm quyền để biết những dự án phát triển đô thị, kinh tế và nhảy ra ăn chặn, bóp cổ cả xã hội chứ không riêng dân nghèo. Cái khổ là người ta thường nghĩ nghèo là “ngu” và “giàu” là khôn nên cứ bỏ phiếu cho “người khôn”. Kết quả là nhà giàu nắm cả chính trị lẫn kinh tế thì thằng dân nào ngóc cổ lên nổi.
Một câu hỏi ngược lại: nếu chặn khả năng tung hoành của người giàu thì Bình Sản Kinh Tế sẽ làm gì để tăng cường khả năng vươn lên của người nghèo thay vì tạo sự ỷ lại, lười biếng? Vì một khi biết nhà nước theo chính sách Bình Sản Kinh Tế thì dân nghèo sẽ ỳ ra, thụ động và trở thành gánh nặng cho nhà nước.
Dĩ nhiên khi một cá nhân đã có ý “ăn vạ” thì khó mà trở thành công dân tốt cho xã hội. Đó trở thành bệnh tâm thần mà nhà nước vô tình gây ra khi con người không “tận kỳ sở năng” để đạt “toại kỳ sở nhu” vì nghĩ rằng không cần làm việc cũng có ăn mà không nghĩ là họ trở thành gánh nặng cho xã hội. Như thế để thay đổi xã hội thì phải làm cách mạng. Mà cách mạng (hay chính trị) là giáo dục như Lý Đông A đã đưa ra.
Trở về cách mạng gốc
Để hiểu Bình Sản Kinh Tế của Lý Đông A thì phải trở về căn bản của Duy Dân. Trong đó Lý Đông A đã nói đến Sinh Mệnh Tâm Lý và Tu Dưỡng Thắng Nhân. Một khi đã có tu dưỡng thì sẽ không còn thái độ ỷ lại, lười biếng để ăn vạ; để nghèo mãi hay bóc lột; lường gạt để làm giàu; cũng như hiểu sinh mệnh của mình để chọn một vai trò thích hợp trong xã hội. Đó là cái mà Lý Đông A gọi là “Đạo Kỷ” (trông về trước, ngoái về sau hầu biết quá khứ mà nhìn ra tương lai để biết phải làm gì). Khi mà chủ nghĩa tư bản tiếp tục làm giàu qua kinh tế thị trường với Cung-Cầu để rồi thế giới đi đến tình trạng ô nhiễm, khí hậu thay đổi tạo thiên tai mà vẫn không chịu sửa. Họ (tư bản) dựa vào khoa học để làm giàu nhưng khi khoa học chứng minh kỹ nghệ khai thác thiên nhiên gây ô nhiễm thì lại không chịu nhìn nhận sự thật?
Khi nói đến con người-xã hội-thiên nhiên thì Lý Đông A đã thấy giới hạn của thiên nhiên (trái đất) với tài nguyên giới hạn. Khi giới giàu ỷ vào tài năng khai thác thiên nhiên để làm giàu thì cuối cùng sẽ đưa thiên nhiên đến cạn kiệt (chưa kể đến những tai nạn làm ô nhiễm môi sinh, khí hậu…).
Nếu con người không chịu phấn đấu để xây dựng bản thân, gia đình và nơi họ quốc gia họ đang sinh sống thì cho dù có di dân, tỵ nạn sang xứ khác để hy vọng rằng khi giới nghèo đòi hỏi (những thứ, điều kiện, nhiều hơn khả năng của chính họ làm ra) thì nhà nước sẽ cung cấp cho họ? (thí dụ: đóng thuế 1 đồng mà đòi hỏi nhà nước cung cấp dịch vụ 100 đồng?).
Vậy một khi trái đất khô cằn thì nhà giàu sẽ làm gì để khôi phục lại thiên nhiên? Có lẽ là không. Điều họ có thể làm là cùng nhau lên phi thuyền đi tìm một trái đất mới trong vũ trụ để lại đám dân nghèo chết với trái đất tiêu điều.
Còn nếu bảo rằng khi tôi giàu tôi sẽ làm thay đổi xã hội (cách mạng) thì chưa thấy ai làm được cả. Vì khi bạn làm giàu thì quá khứ làm giàu đã đè bẹp bao nhiêu người khác và khi họ bị tê liệt vì ngóc đầu lên không nổi thì sự giúp đỡ quá muộn của bạn có ích lợi gì chăng? Tại sao không giúp họ khi họ còn sức phấn đấu. Nếu bài học tranh sống bằng cách chứng tỏ tài năng “chụp giựt” tài nguyên, làm giàu, rồi mới tỏ lòng nhân đạo thì khác gì giết trăm họ để cứu một người?
Mục tiêu ngoại lý
Nếu nói Bình Sản Kinh Tế là tranh chấp giàu nghèo thì phe nào cũng có lý và tranh luận không bao giờ hết. Vậy thì cái “lý” nằm ở đâu?
Trái đất và nhân loại phải sống chung. Để có thể sống chung thì con người phải sống chỉ vừa đủ. Thế nào là vừa đủ thì đó tùy thuộc vào dân số thế giới và khả năng của con người cai quản thiên nhiên.
Thuở còn sơ khai, loài người sống bằng tay chân (săn bắn, nông nghiệp bằng dụng cụ thô sơ) thì không thể chiếm giữ tài sản nhiều. Bây giờ văn minh với máy móc, kỹ thuật giúp con người lưu giữ của cải lâu hơn và lòng tham phát sinh để chiếm nhiều hơn (đất, sông, biển, rừng…). Nhưng khi quá dư thừa thì sẽ làm gì với sự thừa thãi đó. Một cá nhân sẽ không có thời giờ để chiêm ngưỡng tài sản ngoại trừ những con số trên giấy tờ.
Nghịch lý là khi trẻ thì lo làm giàu. Khi về già, thì giàu có cũng đâu có hưởng được bao nhiêu khi thân tâm suy yếu? Cho (từ thiện) thì tiếc công lao gầy dựng, cho con cháu để chúng phá của thì cũng đau lòng, mà giữ thì cũng chẳng đem theo khi chết. Tại Mỹ, dân nhà giàu khi về già thường lập những cơ quan vô vụ lợi (trust, foundation) để làm việc ích cho xã hội.
Đó là đối với dân giàu, còn dân nghèo lỡ chọn sống bê tha, cẩu thả để dở dang một kiếp người thì khi ý thức có quyết tâm sửa đổi được không, hay lại đi phá hoại để được ở tù (có chỗ ở, đi học…), hay kiếm chuyện tự tử bằng cách bắn cảnh sát (để chết có lý do).
Đối với người tài giỏi, thông minh có khả năng làm giàu thì chuyện làm giàu chỉ là thử thách của cuộc đời. Một khi giàu thì lại có trách nhiệm của con người giàu đối với kẻ nghèo. Cho dù nhà nước không ép buộc bạn phải giúp kẻ nghèo nhưng đó là sự biểu hiện tình người. Làm người hay không cái đó tùy thuộc lương tri của bạn.
Khi con người đã “chính kỳ” vì biết “sở mệnh” thì giàu hay nghèo đều biết mình phải làm gì để tiến tới đóng góp cho xã hội. Đến mức độ này thì có lẽ Bình Sản Kinh Tế, hay “limitism”, hay sự tranh chấp giàu nghèo cũng không còn là vấn nạn của xã hội nữa.
Bình sản không có nghĩa là “chia đều” mà là “vừa phải” (tri túc=biết đủ). “Vừa phải” để thấy rằng “thiểu số có nhiều” (giàu) hay ” đa số có ít” (nghèo) thì xã hội cũng chẳng sống yên bình vì mục đích của cuộc sống không phải chạy tới mục tiêu cuối cùng là làm giàu (hay nghèo) mà là bài học “của Thiên trả Địa” để ngay từ lúc nhỏ hãy tập sống lương thiện, có lương tâm, nhân cách, nhân bản. Bình Sản Kinh Tế chỉ là tấm gương soi để thấy rằng ôm giữ tài sản không giải quyết được các vấn nạn xã hội.
Mà con người không thể sống thiếu (hay ngoài) xã hội.
Trần Công Lân
Tháng 2 năm 2022 (Việt lịch 4901)
How Much of Anything Is Enough? – Big Think
Limitism
https://www.cbsnews.com/news/the-billion-dollar-question-can-you-be-too-rich/
https://news.yahoo.com/homeless-silicon-valleys-shadow-help-202757895.html