Yêu Luận (P15)

GÓI QUÀ LAO LÝ
Tôi đặt gói quà đầy tin yêu vào một góc bàn thật khuất, nhưng luôn nhìn nó, nó phải ở trong tầm mắt tôi, gói quà này tôi sẽ tặng người yêu vào dịp sinh nhật của người được tôi yêu, người này hẹn tôi hôm nay, giờ này, sao lại trễ vậy? Hay không tới? Người được tôi yêu đang biến tôi thành kẻ lạc yêu, trống trí, vắng tâm, lạnh thân, cô lẻ thành cô quẻ là đây!
Tôi đợi và tôi thấy sao lâu quá, sao lại phải đợi, sao người yêu lại không gởi một tin nhắn, dù thật ngắn? Gói quà luôn trong tầm mắt tôi, không có người yêu kề cạnh, tôi cứ nhìn gói quà sinh nhật mà tôi sắp tặng người yêu, tôi nhìn nó mãi và dần dần tôi thấy chính tôi là gói quà, một gói quà chưa vui hứng đã «tang thương» trong bất động vì bị ngột ngạt trong bất lực.
Đúng rồi! Tôi chính là gói quà mà sự chờ đợi đã biến một kẻ đang yêu phải tự gói như tự trói vào gói, vào hộp như bị nhốt vào một nhà tù, bị đày ải trong bóng tối của gói quà, như bị sa vào vòng lao lý của một loại gói (tang tóc) mà người được tặng không tới để nhận để mở nó ra, để giải thoát cho tôi khỏi vòng lao lý của cõi đợi.
Bị lao lý rồi lao tâm vào gói quà tù này, tôi âu lo là người yêu của tôi quên hay đang gặp nạn, tôi thấy rõ ràng những đợt sóng bàng hoàng đang biến thành một trận bão hốt hoảng ngay trong lồng ngực của tôi đang bị bóp nghẹt cứ lại nhỏ theo kích thước của gói quà. Tôi muốn đập gói quà cho vỡ, cho toang, vì chính lồng ngực của tôi sắp vỡ, sắp toang ngay chốn tình chờ trong bội bạc này?
Người yêu tới trễ, đẩy cửa quán vào, chồm tới hôn tôi, miệng lời chỉ là một: «Em xin lỗi, bị kẹt xe, tới trễ, đừng giận nhe…. Ủa sao anh mặt mũi sao vừa buồn bã, vừa căng thẳng vậy?». Bây giờ tới phiên tôi: «Anh cũng xin lỗi em, vì trong tù buồn, và ngộp lắm, anh vừa được thả ra, xin cho anh vài phút để anh hoàn hồn mà trở lại với tình yêu». Rồi «Quà sinh nhật của em đấy, mở ra đi!», rồi người yêu «tía lia»: «Quà gì vậy anh? Trong đó có gì vậy anh?», rồi tôi mắt buồn, miệng còn buồn hơn: «Trong đó chỉ có một người tù thôi em ạ!». Bạn ơi! Mỗi lần bạn gặp một người tù trong một gói quà, bạn cứ chắc bẩm là bạn đã gặp: tình yêu!
Những lần các gói quà nằm trong tầm tay của người yêu, không biết người ấy có hình dung được những ngày mình hăm hở đi tìm quà, những giờ mình háo hức đứng chọn quà. Rồi những phút giây quyết định chọn một món quà sao cho vừa lòng, sao cho vừa ý, sao cho người yêu được vui, để tôi có giờ phút vui nhất khi gói quà được mở ra. Những ngày, giờ, phút, giây đi tìm, chọn, ra những món quà từ mùa này qua mùa nọ là những thời khắc của khoảng trống của sự vắng mặt, vắng sự hiện diện của người yêu.
Tự mình phải lấy chính sự cô đơn của mình để thổi vào món quà tâm hồn người yêu, vì món quà phải có chiều sâu của linh hồn của tình yêu, chưa xong: chính món quà là bản lĩnh của chính mình khi chọn quà, vì người yêu sẽ trông món quà mà bắt hình dong, từ tâm lực tới trí lực làm nên thể lực tình yêu mà mình muốn trao. Hình như có sự sống còn của hạnh phúc trong chuyện lựa-rồi-chọn món quà, vì khi trao món quà tới tay người yêu là lúc ta đang tặng món quà cho chính tình yêu của mình, nơi mà hạnh phúc tặng và hạnh ngộ trao chỉ là một.
Tình yêu có không gian là những món quà không tới từ phản xạ của một xã hội tiêu thụ, mà mỗi món quà là ngọn hải đăng sáng giữa biển khuya của tình yêu, trợ duyên rồi trợ hướng cho hai kẻ yêu nhau, nhận ra nhau qua những món quà, giữa khuya khoắt của tình yêu, sẻ sớm vô duyên trước yêu đương, vì có những món quà biết tăng yêu, và cũng có những món quà vô tình dìm, lấp, vùi tình yêu chỉ vì các món quà này không nhận ra người yêu.
Có những người yêu đi chọn quà với tâm sự đang yêu vì sắp gặp người yêu. Có những người yêu đi chọn quà với với tâm trạng của kẻ chưa được yêu đúng, yêu đủ, yêu đầy; lựa quà trong thắc mắc, chọn quà trong thơ thẩn, vì trong não trạng luôn có một câu hỏi: Người yêu mình yêu mình tới mức độ nào? Với cường độ nào? Để mình mua món quà trúng với mật độ của tình yêu, đúng với trình độ của yêu đương. Sao lạ vậy? Món quà mà còn phải có nội lực giúp ta suy nghĩ về: mức độ, cường độ, mật độ, trình độ của người yêu? Đây là chuyện thật vì nó rất thật trong tình yêu, lỗi cũng tại ta, ta đơn phương yêu, yêu một chiều, yêu mà không thấy đủ, không thấu đầy về người yêu của mình.
Thời khắc suy tư về mức độ, cường độ, mật độ, trình độ trong tình yêu có hai không gian khác nhau, không gian chung chia với người yêu, và không gian hoàn toàn không có người yêu. Hình như không gian hoàn toàn không có người yêu cận kề ta nhiều hơn không biết bao nhiêu lần không gian chung chia với người yêu. Nhất là khi ta bị bỏ quên như một món quà đã chọn xong mà vẫn nằm chờ đó, vì không có người yêu đến nhận.
Lúc người yêu nhận món quà ta nhớ quan sát kỹ nhân diện nhận, nhân dạng nhận, nhân cách nhận ta sẽ đoán được phần nào mức độ, trình độ của tình yêu, và cường độ, mật độ của yêu đương. Có những món quà dắt người yêu từ tình yêu tới tình thương; cũng có những món quà dắt tình yêu tới tình dục với yêu đương đang giành ngôi vị ưu tiên. Như vậy, các món quà buộc ta phải học ăn, học nói, học gói, học mở để nhận diện được nhân diện, nhân dạng, nhân cách, giúp ta thành thật mà trao, mà tặng đúng với mức độ, cường độ, mật độ, trình độ của tình yêu.
Tại sao lại có chuyện mức độ, cường độ, mật độ, trình độ qua nhân diện, nhân dạng, nhân cách để hai kẻ yêu nhau nhận được những tín hiệu chính xác về tình yêu. Có chứ, khi kẻ trao quà là kẻ về tự ngàn dặm xa, gói quà là lời xin lỗi những tháng rộng năm dài của sự vắng mặt làm nên sự trống vắng trong tình yêu. Cũng có khi kẻ trao quà lại là kẻ ngồi chờ bằng ngày trống đêm vắng về một sự ra đi, có cớ hay không có cớ để biện minh cho một vắng mặt. Nhưng phải chờ người yêu thì đã là «vọng phu», «vọng tình», «vọng yêu » rồi… nên kẻ nhận quà trở về tự phương xa phải biết xin lỗi người yêu để tạ ân tình yêu.
Cô độc trong chờ đợi chính là sự bất công, vẫn thường có mặt trong tình yêu, bất công vì vắng mặt một lần, hay vài lần thì còn chấp nhận được, còn tha thứ được. Chớ bất công vì vắng mặt nhiều lần từ năm này sang tháng nọ, liên tục trong thường xuyên thì không sao chấp nhận, nên đừng tha thứ cho sự bất công này. Nếu sự vắng mặt không có lý do chính đáng của nhu cầu gắt gao trong khắc nghiệt của chuyện tha hương cầu thực, phải mưu sinh phương xa để nuôi gia đình.
Thậm tệ hơn nếu bất công tới từ sự vắng mặt do một tính toán vụ lợi, của một toan tính trục lợi, thì sự bất công này đang dẫn dắt tình yêu vào tà lộ của thất nhân bất đức, vì tình yêu chỉ là quan hệ một chiều trong ích kỷ để kẻ này bóc lột được người kia! Cõi yêu này là cõi yểu có chất đểu, chính nó bắt tình yêu phải nhận kiếp bụi đời để rồi chết bờ chết bụi rồi thành oan hồn trong oan kiếp qua ăn chực nằm chờ. Tình yêu loại này mang ít nhất hai nỗi đau: nỗi đau của bạo hành bằng chờ đợi, nỗi đau của bạo lực cam nhận cô độc trong đợi chờ.
Khi trong tình yêu có người nhận phận chôn chân tại chỗ, và có kẻ lại tự cho phép mình kẻ du mục trong tình yêu, ngao du thưởng ngoạn, chính đây là nguồn cơn của bất bình đẳng trong tình yêu. Khi chính kẻ tự cho phép mình ngao du để hưởng thụ mà hưởng đời, và không chấp nhận người yêu của mình được du mục, ngao du, thưởng ngoạn, hưởng đời như mình thì đây là loại người yêu rất đáng ngờ! Vì nhân diện sớm nở tối tàn, vì nhân dạng nắng sớm mưa chiều, vì nhân cách vật đổi sao dời của người này không đáng tin cậy. Vì kẻ này đe dọa tình yêu hàng ngày, hàng giờ.
Chính trong não trạng của kẻ ngao du thưởng ngoạn này đã xem người yêu của mình là một món quà vô tri, chấp nhận sự bất động, chỉ chờ kẻ này mở ra mà xài thôi! Trời ơi câu chuyện tình yêu mà lại tồi tàn trong phụ bạc như vậy à? Có chớ, hãy suy đi nghĩ lại về những món quà, có những món quà bồi đắp cho tình yêu; có những món quà vun xới cho yêu đương. Nhưng cũng có những món quà là những bất công trá hình, là những món quà đang «vô nhân đạo hóa» tình yêu; chúng ta có quyền sáng suốt trong tỉnh táo để nhận hay không nhận những món quà này!
Trí thức tình yêu không phải là những món quà làm nên kỷ niệm của tình yêu, vì nhận thức tình yêu, trợ duyên người biết yêu trong các hành vi sáng suốt, trợ lực người biết yêu có được các hành tác tỉnh táo. Vì trong tình yêu luôn có sự xung đột giữa sự hiện diện và sự vắng mặt trong tình yêu. Có mặt hay vắng mặt làm nên sự xung khắc nằm ngay trong nội chất của tình yêu; người yêu này xuất hiện bình thường trong thường xuyên, còn người yêu kia xuất hiện bất thường trong lạ thường vì đã vắng mặt quá lâu.
Như khi ta mở một gói quà bình thường trong thường xuyên, tự nó mang lại cái trong ấm ngoài êm của tình yêu; ngược lại khi ta mở một gói quà bất thường của thiếu vắng trong lạ thường của đột xuất, chính ta lạ lẫm với loại quà, tại đây ta phải trưởng thành để nhận hay không nhận những gói quà. Có lúc, ta nhận một món quà nhưng lại để nó qua một bên, rồi quên ngay, vì nó giả dối nhiều hơn thành thật, nó chẳng bồi đắp gì cho tình yêu, chẳng vun xới gì cho yêu đương.
Như vậy, những gói quà không hề vô tri, nó mang hơi thở của tình yêu vì nó đã được chế tác ra từ hơi hướm của yêu đương, có những gói quà quen hơi như vợ chồng quen hơi. Ngược lại có những gói quà vắng hơi như vắng chung, vắng chia, vắng tình, vắng ân, vắng đời, vắng kiếp…. Đó là những món quà chưa mở ra đã thấy buồn trong tận tâm can, không nói ra, mà cũng chẳng cần nói ra, nỗi buồn về nhân cách của người yêu dùng các món quà để «mua chuộc tình yêu»; để «mặc cả yêu đương».
Người yêu đã ra đi thật xa, đã rời xa ta thật lâu, khi trở về với ta thì người ấy trao ta một món quà, ta nhận ra người ấy đang khó thở, đang dùng món quà để xin lỗi, để tạ lỗi. Nhưng kẻ này không thành thật xin lỗi trước khi trao quà, mà dùng món quà để lấp liếm cái lỗi vắng mặt trong tình yêu. Một cái lỗi có thể trở thành một cái tội, nếu kẻ này có sự toan tính trong vắng mặt, có sự tính toán trong vắng bóng, chính ta cũng đang ngộp thở trước khi nhận và sau khi nhận món quà. Chuyện khó thở, ngộp thở là chuyện có thật, chính chuyện này kể rõ cho ta nghe thể lực bịnh, trí lực hao, tâm lực gầy của tình yêu, khi người yêu tự ý cho phép họ vắng mặt dài lâu trong yêu đương.
Khi ta nhận một món quà của người yêu về từ phương trời nào mà ta không biết, nhưng ngày vắng tình, những tháng trống yêu, vì chính kẻ này để đặt tình yêu vào lộ trình vô định, vào nhân lộ vô minh! Ta nên tự suy ngẫm kỹ để suy nghiệm rõ bằng chính tri thức tình yêu tại sao ta lại hân hoan nhận quà, tại sao ta lại hối hả mở gói quà, tại sao ta lại vồ vập ôm chầm lấy người yêu rồi cảm ơn không hết lời?
Ta lại vô tình hay cố tình tự tha lỗi, thứ tội cho kẻ đã bỏ ta mà đi xa bao lâu nay. Tại đây, ta nên ngẫm đi nghiệm lại để tự tội nghiệp cho chính ta, khi luồng suy tư cứ đeo đuổi khôn nguôi não trạng ta: «Mình vui hân hoan nhận quà, mình hối hả mở gói, vồ vập ôm chầm lấy người yêu chỉ vì trong tận đáy não trạng của mình, mình chỉ sợ người yêu đã chết rồi. Mà người yêu chết, thì tình yêu cũng chẳng còn, mà cuộc đời của mình tự dưng sẽ đêm tối giữa ngày, rồi chân trời yêu đương bỗng dưng khép kín lại…. Đáng sợ thật».
Tại sao ta có thể chờ đợi như gỗ đá, rồi thoáng khắc ta vụt dậy như pháo hoa chồm lên nhận quà rồi ôm chầm lấy người yêu với lồng ngực vui khốn như muốn vở toang? Tình yêu bắt ta phải tìm ngữ vựng trúng, ngữ văn đúng với những thử thách tàn nhẫn, tình yêu đã bắt buộc ta phải trả một giá rất đắt trong tình yêu: vui khốn là vui vẻ trong khốn đốn, là vui vầy trong khốn khổ, là vui tươi trong khốn đợi.
Ta đã đợi người yêu trong khốn cùng như kẻ bị nhấn đầu thật lâu trong nước cho đến khi gần ngộp thở, để khi ta bị cái chết đe dọa thì người yêu đang vắng mặt, bỗng dưng tái xuất, như kéo đầu của ta ra khỏi nước, cứu ta thở-lại-để-sống-lại, trong thập tử nhất sinh. Đây không phải khốn đốn của đợi, khốn khổ của chờ làm nên vui khốn thì còn là gì nữa?
Khi yêu, ta phải sống với ít nhất ba nỗi sợ: nỗi sợ người yêu chết, nỗi sợ tình yêu chết, nỗi sợ chính ta phải chết, cả ba làm nên một nỗi niềm luôn được ẩn giấu sâu kín trong tri thức tình yêu, đó là: nhận thức tự tội nghiệp mình! Một nhận thức mình có, mình giữ mà không kể, không than với một ai khác, kể cả với người yêu.
Chính nhận thức tự tội nghiệp mình làm nên nội chất sinh linh của tình yêu, tình yêu là một sự sống linh thiêng, là một sinh linh luôn bị đe dọa, mà kẻ thật sự biết yêu luôn mong cầu tình yêu phải là không gian đề kháng, phải che chở cho nhận thức tự tội nghiệp mình. Mặc dầu trong não bộ tự tội nghiệp mình đã có não trạng tự chấp nhận bất công trong tình yêu.
Yêu Luận (P16)
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s