D. Thông tin (media)
Sự truyền bá tin tức giúp người dân hiểu biết sự kiện đang xảy ra trong đời sống xã hội. Nhưng khi giới tài phiệt nắm quyền kiểm soát giới truyền thông thì tin tức đã bị xuyên tạc, sắp đặt theo khuôn mẫu có lợi cho giới tài phiệt tiếp tục làm giàu. Đặc biệt là nhu cầu quảng cáo các món hàng mới thường chỉ chú trọng đến mặt tốt nhưng không hề mặt xấu, tai hại cho người tiêu thụ. Trong thời đại điện toán, các bộ máy tìm kiếm (search engine) đã được chế tạo để dẫn dắt người dân theo chiều hướng mà công ty chủ muốn hướng tới và ngăn chặn các nguồn tin khác.
Vậy nền giáo dục nào sẽ giúp con người có đủ lý luận để tìm ra sự thật hay ít nhất nhận diện những bản tin, nguồn tin thiếu trách nhiệm?
Một khi các cơ cấu chính trị, kinh tế và truyền thông cùng chạy theo một chiều hướng (của đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa) thì Hiến Pháp nào sẽ ngăn cản nổi?
E. Giáo dục
Khi con người kết thành xã hội thì nhu cầu giáo dục xuất hiện. Đó là hệ thống các phương pháp lưu truyền kiến thức của lớp người đi trước cho các thế hệ sau để từ đó tiếp tục duy trì và phát triển văn hóa và văn minh của nhân loại. Nhưng nhu cầu của mỗi chủng tộc, sắc tộc, quốc gia với địa lý, tôn giáo khác nhau đã dẫn đến xung đột khi kinh tế toàn cầu xảy ra với mạng tin học (internet). Khi thế hệ cha mẹ đã không đủ suy nghĩ chín chắn và các nhà giáo dục đã không thể tự giáo dục bản thân cho đúng nghĩa trong những xã hội mà con người không còn nhân bản, nhân cách, nhân tính thì những chế độ dân chủ không thể tồn tại khi không có nhân chủ.
Làm sao để có được các nhà giáo dục có tính nhân bản, nhân chủ một khi chính bản thân các nhà giáo dục đã quan niệm sai lầm về giáo dục vì chính họ đã được giáo dục bởi hệ thống giáo dục đã có sẵn chứ không phải tự họ giáo dục (tự tìm hiểu, học hỏi) để có thể suy nghĩ độc lập với cái đã có sẵn.???
Con người ngày nay loay hoay với câu hỏi: người ta có thế chế tạo người máy để phục vụ loài người nhưng liệu với trí thông minh nhân tạo (AI) thì người máy có thể nào “giành độc lập” và chế ngự lại con người?
Nếu con người có nhân chủ (có đạo đức) thì đã không phải đặt câu hỏi như trên.
Vì nền giáo dục của kinh tế thị trường (tư bản) đã khiến con người chỉ nghĩ đến lợi nhuận, tài sản, vật chất… chiếm đoạt và sở hữu nên Tâm Lý học được khai thác để làm giàu chứ không còn là phương pháp tìm hiểu bộ óc con người vận hành ra sao để chọn cách sống nhân chủ.
Không có nhân chủ thì các cơ chế dân chủ chỉ là giả tạo. Chính trị và kinh tế chỉ là 2 mặt của lá bài vong thân. Khi tôn giáo và chính quyền đều dùng con người như phó sản để vận dụng cho mục đích riêng của đảng chính trị và các hệ thống tôn giáo thì con người sẽ làm gì để có thể thoát khỏi cạm bẫy đó?
Nền giáo dục tại Mỹ chỉ khuyến khích đứa trẻ ôm mộng lớn (American dream) mà không dạy đứa trẻ lý luận để cân nhắc, trưởng thành và tinh thần trách nhiệm. Nhà giáo dục chỉ chú trọng đến những tài năng có ích lợi về mặt kinh tế hơn là xây dựng con người. Khi luật pháp che chở những đứa trẻ phạm tội ác đã vô tình mở đường cho tệ đoan xã hội. Đồng thời bao che cho sự khiếm khuyết của hệ thống giáo dục: dạy trẻ tiêu xài, phóng túng hơn là suy nghĩ về tương quan giữa người và người. Chủ nghĩa cá nhân được yểm trợ bởi những tài phiệt kinh tế “săn sóc” đứa trẻ từ khi mới sinh cho tới chết với mọi thứ dịch vụ rào đón qua các hình thức quảng cáo gọi là thông tin nhưng thực chất là một cách nhồi sọ như chế độ cộng sản tuy rằng khéo léo hơn.
F. Biến thái
Trong xã hội tư bản, quảng cáo thương mại đã trở thành chiến dịch với kế hoạch quy mô đánh vào tâm lý người dân đủ mọi giới mà giới truyền thông, các nhà làm luật luật gia, tâm lý học đã cùng góp phần để xiết chặt con người trong guồng máy: làm việc và tiêu xài (gọi là hưởng thụ cho có vẻ nhân đạo) với cạm bẫy là mắc nợ, phạm pháp….
Núp dưới chiêu bài “dân chủ” (constitution rights) và “tự do chọn lựa” (freedom of choice) giới tài phiệt núp trong bóng tối của các công ty đầu tư (private equity investment) hút máu người dân một cách hợp pháp mà mọi người vẫn vui vẻ cắm đầu vào nước Mỹ.
Vì sao? Vì nước Mỹ sẵn sàng trả giá (lương) cao cho tài năng. Và nếu bạn không có tài năng thì sự siêng năng (làm thêm giờ phụ trội, làm không lương) cũng là cách giúp bạn tiến lên trong nghề. Cho tới khi (1) bạn lăn đùng té ngửa vì bệnh, vì làm việc quá sức, vì ăn uống không kiểm soát, vì thiếu thể dục, nghỉ ngơi…(2) hoặc công ty hay chủ nhân đem bán công ty cho kẻ khác (hay công ty mạnh hơn) thì số phận bạn sẽ ra sao?
Rồi khi bạn dư giả tiền bạc thì bạn sẽ làm gì ngoài nhu cầu căn bản (ăn, ở)? Thị trường chứng khoán và nhà cửa là 2 môi trường đầu tư nổi tiếng tại Mỹ đã sản xuất các nhà triệu phú nhưng không phải ai cũng thành công cả. Đó là chưa nói tới nạn cờ bạc, rượu chè, tình dục và ma túy.
Tuy làm giàu có vẻ dễ dàng nhưng thực tế đầy cạm bẫy. Đó là con đường rất khó lùi bước. Một khi đã đạt bước đầu thì bạn sẽ tiếp tục tiến tới cho tới ngày bạn ngã ngựa. Vì đã đi vào con đường làm giàu thì biết bao nhiêu cho đủ? Bài học 2008 là một bằng chứng khi lãnh đạo kinh tế và chính trị cùng sai lầm.
Trong một quốc gia dân chủ, hợp chủng đã giáo dục con người sống để tiêu thụ chứ không phải để làm người. Và để kiếm tiền, tranh ăn thì dễ đi đến xung đột chứ không còn là sống để học hỏi và xây dựng hòa bình.
G. Tôn giáo
Khi loài người còn kém văn minh thì tôn giáo được đặt ra như một thế lực siêu nhiên để hướng dẫn con người sống. Dần dà con người trở nên văn minh, tìm hiểu thiên nhiên và bản thân thì ảnh hưởng của giáo quyền sa sút. Sự tranh chấp giữa chính quyền và giáo quyền trở thành nạn nhân của kinh tế tư bản: vật chất. Nếu các giới chức chính quyền và tôn giáo đều sống với tiêu chuẩn như nhau, làm việc như nhau, thụ hưởng quyền lợi như nhau trên căn bản tối thiểu thì có gì để tranh chấp, nhũng lạm?
Tôn giáo dựa vào thế lực siêu nhiên để kiềm giữ con người sống trong một trật tự của các nhà lãnh đạo tôn giáo đã vạch ra. Khi nền kinh tế sơ khai thì dân chúng dựa vào tôn giáo. Khi kinh tế phát triển (cùng với khoa học kỹ thuật) thì dân chúng chạy theo chính quyền (giữ vai trò điều hòa kinh tế, đời sống dân chúng). Và khi con người có đời sống vật chất phong phú thì giáo quyền suy thoái. Cuối cùng tiêu chuẩn đạo đức (trong đời sống) đi xuống cùng với nền giáo dục vật chất thì xã hội hỗn loạn và chính quyền không muốn thay đổi cũng chỉ vì quyền lợi kinh tế. Làm sao chính quyền có thể tự hạn chế quyền lợi kinh tế của chính mình và của xã hội khi tôn giáo không còn ảnh hưởng trong đời sống người dân?
Mục đích của tôn giáo là giúp con người sống an hòa trong xã hội, với thiên nhiên nhưng khi các nhà lãnh đạo tôn giáo biến chất, không còn là gương mẫu cho tín đồ thì tôn giáo trở thành bè phái trục lợi nhưng một số người yếu tinh thần vẫn không thể rời bỏ giáo hội. Và đó là trở ngại cho sự tiến bộ của xã hội khi duy trì những cái xấu vô hình trong đời sống hàng ngày khi sống trong chế độ dân chủ mà người dân không tự chủ vì vẫn tin theo lời dạy của giới lãnh đạo tôn giáo. Tôn giáo thì không biên giới nhưng sinh hoạt dân chủ vẫn còn bị giới hạn vì trình độ dân trí và biên giới quốc gia.
H. Di dân
Di dân khác với tỵ nạn chính trị. Nước Mỹ có tiêu chuẩn thu nhận người di dân trên thế giới với con số quy định bởi chính quyền. Đa số di dân chịu ảnh hưởng kinh tế hơn là chính trị. Khác nhau ở chỗ ý thức chính trị. Từ một nước có nền văn hóa, chính trị, kinh tế khác chuyển sang một quốc gia hợp chủng, dân chủ với tiềm năng kinh tế rộng lớn… đa số người di dân chạy theo xu hướng kinh tế (làm giàu) nhiều hơn là hội nhập về mặt chính trị. Thiếu ý thức dân chủ vì ham làm giàu, người di dân sẽ dễ chạy theo những hứa hẹn về kinh tế (việc làm) hơn là sự hy sinh (đóng thuế) để xây dựng quốc gia.
Khởi đi từ khi lập quốc: đất rộng dân thưa nên mới du nhập nô lệ da đen từ Phi Châu để làm việc tại các nông trại. Tuy bản chất là những người di dân nghèo khổ từ Âu Châu, họ đã tiêu diệt dân da đỏ địa phương và dồn vào các khu vực khô cằn (reservation). Cuối cùng là người di dân Trung Hoa trong việc thực hiện đường hỏa xa Đông-Tây trong các điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên. Chu kỳ của di dân là các thế hệ đầu sẽ chịu cực khổ để các thế hệ sau vươn lên và khi đó con cháu người di dân sẽ không còn chọn công việc lao động nữa. Vì vậy xã hội tư bản (Mỹ) luôn luôn thiếu nhân công rẻ. Để giải quyết vấn đề là mở cửa cho làn sóng di dân mới.
Lịch sử Mỹ với tượng Nữ Thần Tự Do đón nhận những người di dân nghèo khổ không nhắc tới nạn kỳ thị ẩn tàng trong tim óc người da trắng nhưng thực tế của thời đại 2000s cho thấy kỹ nghệ thực phẩm (từ nông trại cho đến nhà hàng), kỹ nghệ du lịch, kỹ nghệ xây cất… cần nhân công (và nhân công rẻ). Và chỉ có người di dân với màu da và ngôn ngữ là chủ đề cho nạn kỳ thị để phải nhận công việc với đồng lương thấp kém so với người bản xứ (hay di dân đã đi trước). Đó là chưa nói tới chất xám. Trong số di dân dĩ nhiên có người khôn, kẻ ngu; người hiền kẻ ác. Vậy thì cơ quan di trú có gạn lọc được hết không? Dĩ nhiên là không. Và kết quả của tự do ngôn luận (free speech) dẫn đến các chính trị gia nói xấu, nói láo… và tự do vũ trang (giữ súng để tự vệ) trở thành tự do giết người vì “tự vệ” (cho dù khiêu khích rồi có cớ tự vệ) còn chuyện Đúng-Sai tính sau bởi người chết thì không cãi trước tòa được và kẻ sống tuy ở tù vẫn có hy vọng giảm án. Tự do “mưu cầu hạnh phúc” có nghĩa tự do làm ăn bóc lột cho đến khi luật pháp can thiệp chỉ khi nào nạn nhân có cơ hội kêu gào. Ai cũng yêu nước Mỹ nhưng không ai thích đóng thuế? Luôn luôn kêu gọi đoàn kết nhưng vẫn bóc lột lẫn nhau hàng ngày.
Mà quyền lợi kinh tế liên quan chặt chẽ với quyền lực chính trị.
Đi Tìm Một Lối Thoát Cho Kinh Tế Thị Trường (P5)
Trần Công Lân
Tháng 3 năm 2022 (Việt lịch 4901)