Đi Tìm Một Lối Thoát Cho Kinh Tế Thị Trường (P3)

III. Hiện tại
Vậy thì chúng ta đánh giá nền kinh tế tư bản (Hoa Kỳ) như thế nào?
Nếu bạn cho rằng kinh tế tư bản là nhất, sau khi so sánh ưu-khuyết điểm, thì không có gì để thảo luận nữa.
Nếu bạn cho rằng có điều gì không ổn trong tiến trình xây dựng kinh tế tư bản thì chúng ta thử xét nghiệm và tìm xem có hướng giải quyết những sai lầm của hệ thống kinh tế tư bản.
Căn bản của kinh tế tư bản là thị trường (market) với luật Cung- Cầu. Mới nghe thì hợp lý lắm nhưng nhìn lại tình hình kinh tế thế giới hiện nay thì ra sao?
Nước Mỹ được ưu thế vì địa lý thiên nhiên: đất rộng, nằm giữa 2 đại dương. Tuy thành lập sau nhưng có nhiều tài nguyên, có nhiều phát minh về khoa học kỹ thuật, tránh được hai trận chiến thế giới. Vì là quốc gia kết hợp bởi những người di dân nên có nhiều nỗ lực và thành quả cải tiến đời sống con người về mọi mặt.
Sau thế chiến thứ hai 1945, thế giới rơi vào chiến tranh lạnh (Cold war) giữa khối tư bản do Mỹ lãnh đạo và khối cộng sản do Liên Xô lãnh đạo. Các nước nhỏ Á, Phi, Nam Mỹ là môi trường tranh chấp thế lực kinh tế và chính trị. Phong trào giải phóng các thuộc địa đã để lại các quốc gia cố gắng xây dựng dân chủ nhưng đa số rơi vào chế độ độc tài, quân phiệt hay tệ hại hơn: quốc gia thất bại (failed state).
Các nước tiên tiến Tây Phương (Âu-Mỹ) cố gắng giúp các nước nhỏ thực hiện dân chủ nhưng trước khi có dân chủ thì nhu cầu kinh tế đã đè bẹp những nỗ lực xây dựng cơ chế dân chủ vì lòng tham của người đi giúp và kẻ được giúp.
A. Sự thật?
Phải chăng kinh tế thị trường có thể tóm gọn vào một quy luật duy nhất “giữ cho đồng tiền luân chuyển trong xã hội bằng mọi cách khuyến khích người dân tiêu thụ” qua các điều kiện:
-Sản xuất hàng mới, tốt, đẹp, bền (?).
-Quảng cáo tối đa (nhiều khi gian xảo hay chỉ là nửa sự thật).
-Tạo điều kiện cho các món hàng bán chạy qua: phim ảnh, thời trang, chương trình truyền hình, từ thiện, âm nhạc hay nghệ thuật (mục đích không phải vì âm nhạc hay nghệ thuật mà chỉ là giới thiệu mặt hàng mới). Nếu nói về thực phẩm thì Mỹ sản xuất thực phẩm đủ cung cấp cho thế giới nhưng kỹ nghệ thực phẩm, nhà hàng đã lợi dụng sự ham muốn của người dân để chạy theo các sản phẩm mới, tăng gia sự phí phạm thực phẩm xảy ra bởi các công ty cũng như tư nhân cần phải giữ giá (chẳng thà bỏ thay vì bán rẻ) trong khi các nơi khác chết đói vì chiến tranh, thiên tai.
-Gọi là tạo công ăn việc làm nhưng loại “việc làm” như vậy không bền vì tùy thuộc sản phẩm và khả năng lãnh đạo của chủ tịch công ty.
-Gọi là làm giàu hay hưởng thụ như một cách sống nhưng chỉ có kẻ khôn ngoan là biết phòng thân bằng cách đầu tư, giữ tiền… còn kẻ ngu dại thì tiêu xài cho hết và cuối cùng đi đến bần cùng sinh đạo tặc (rượu, cờ bạc, ma túy…)
-Khi chủ nghĩa tư bản cho phép tự do kinh doanh. Các nhà đầu tư tha hồ phát minh các sản phẩm hay phương pháp khai thác thị trường tiêu thụ cho đến khi người tiêu thụ bị nạn, khiếu nại với chính quyền thì lúc đó các cơ quan mới đặt luật kiểm soát (luật pháp luôn luôn đi sau). Nếu đã có luật kiểm soát thì các nhà đầu tư sẽ mướn luật sư tìm kẽ hở để luồn lọt.
B. Thịnh vượng?
Chúng ta thường thấy các nhà đầu tư khoe công “tạo việc làm” (create job) và người tiêu thụ nhân danh “kẻ đóng thuế” (taxpayer) để tạo áp lực với chính quyền phải thỏa mãn các điều kiện đòi hỏi.
Như vậy xã hội tư bản dựa vào kinh tế tư bản của 2 thành phần:(1) Giàu, biết đầu tư, có kiến thức, tài năng…(2) Nghèo, chỉ biết lao động và hưởng thụ, chạy theo thời trang để chứng tỏ mình có tiền (“giàu” bề ngoài).
Cung – Cầu chỉ là luật “”đưa-đẩy”(push-pull). Nhà giàu (đầu tư, sản xuất) cần nhà nghèo (tiêu thụ) nên không muốn nói thật (mất lòng người ngu). Người ngu (không nhận mình ngu) muốn được kính trọng ngang hàng với mọi người nên đua đòi mà quên đi sự thật (cần học hỏi, giúp đỡ). Người khôn ham làm giàu và người ngu ham hưởng thụ. Chính trị gia ve vuốt mọi chiều để lãnh đạo cho nên ngày nay chúng ta thấy lời kêu gọi các nhà làm luật cần có “xương sống” (đối diện với sự thật, khó khăn, trách nhiệm).
Sự phát triển và thịnh vượng của nền kinh tế tư bản đưa đến một mục đích chung: làm giàu, càng giàu càng tốt. Chuyện làm ăn bất chính, gây nguy hại cho con người và thiên nhiên sẽ tính sau như việc khai thác dầu hỏa cho kỹ nghệ xe hơi (thay vì xe điện), chăn nuôi (ăn thịt), đánh cá (khai thác hải sản, biển), xây đập thủy điện, xây dựng các khu du lịch…. Sự cạnh tranh bất chính đưa đến tình trạng bóc lột nhân công, triệt hạ nhân phẩm, buôn người, ma túy và bất công xã hội. Khi Mỹ trở thành siêu cường duy nhất vì khối Liên Xô sụp đổ thì trật tự thế giới mới đưa ra với kinh tế toàn cầu. Các công ty Tây phương tràn lan khắp các nước nghèo để lợi dụng nhân công rẻ. Ngay tại các nước Tây phương thì công đoàn, nghiệp đoàn cũng bị chèn ép vì các nhà tài phiệt vận động để thay đổi luật và tòa án (bổ nhiệm các ông tòa có khuynh hướng bảo thủ).
Kinh tế toàn cầu tuy nâng cao đời sống tại các nước nghèo nhưng đồng thời duy trì mức lương của giới lao động tại các nước giàu ở mức độ không đủ sống vì giá thuê nhà tăng khiến dân nghèo không vươn lên nổi. Kẻ giàu thì quá giàu, dư thừa để bỏ tiền đi du lịch không gian trong khi giới nghèo vẫn nghèo qua nhiều thế hệ. Sự thất bại trong việc phân phối lợi tức đã khiến số người vô gia cư ngày càng tăng và trở thành tệ nạn xã hội tại các thành phố lớn.
Nếu nói kinh tế tạo thịnh vượng cho xã hội thì nếu cái tốt được 1 mà cái xấu gây ra là 10 thì đó có là thịnh vượng hay không? Nếu các hãng dược phẩm chế tạo thuốc trị bệnh A mà gây ra tai biến BCDEF… thì đó là cứu người hay giết người bệnh?
Khi bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ nói về sự mưu cầu hạnh phúc đã không xác định là sở hữu tài sản (vật chất) sẽ đem lại hạnh phúc. Vậy nếu ngày nay con người tìm ra sự bình an tâm hồn mới là hạnh phúc thì kinh tế thị trường sẽ đi về đâu?
Khi luật pháp cho phép giới nhà giàu để tài sản thừa tự cho con. Dĩ nhiên họ đầu tư để tiếp tục làm giàu. Cũng như chuyện nhà nước giảm thuế để nhà giàu đầu tư tạo việc làm cho giới nghèo. Nhưng để làm giàu nhanh thì đầu tư vào thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn là lập công ty, mở hãng xưởng, mướn nhân công với nhiều phí tổn. Quyền sở hữu tài sản cho phép người có tiền mua bất động sản cho người nghèo thuê mướn. Tuy kinh tế tư bản nói đến cạnh tranh có lợi cho người tiêu thụ nhưng thực tế cho thấy khi các hãng máy bay, ngân hàng, dầu khí, thuê nhà… đồng loạt lên giá thì người tiêu thụ bị bóc lột đồng loạt. Và khả năng thưa kiện không thuộc về kẻ nghèo.
Vậy giáo dục như thế nào để có hòa bình thế giới? Lại phải trở về căn bản giữa 2 cá nhân sẽ chấp nhận “bình” như thế nào? “Bình” không phải từ bên ngoài (hay từ chính quyền) đưa đến và 2 bên phải chấp nhận. “Bình” phải có “hòa” là sự đồng thuận giữa đôi bên. Muốn “hòa” thì phải hiểu nhau. Nếu mỗi người đều được cho 10 ký gạo (hay 10 đồng). Anh A xài 9 để dành 1. Anh B xài hết. Vậy khi A để dành được 10 thì có vốn làm ăn và phát đạt được 100 trong khi B vẫn như cũ. Anh B không thể đòi nhà nước phải cấp cho 100 để “bình” hay “hòa” với A.
Nhưng nếu A dùng 100 để mua đất, nhà ruộng của B khiến B trở nên “vô sản” trong khi B vì không có khả năng tranh đấu trong môi trường tư bản nên hết vốn. Kinh tế thị trường như vậy sẽ trở nên phân biệt “giàu-nghèo” và mục tiêu thịnh vượng bỏ quên những người không thích hợp với đời sống kinh tế cạnh tranh: cá lớn nuốt cá bé. Có ai tự hỏi khi hết cá bé thì cá lớn lấy gì sống?
Khác biệt giữa Giàu-Nghèo không phải chỉ dựa trên sự thông minh, khôn ngoan mà còn dựa trên tài sản, vật chất và khi vật chất có giới hạn (vàng, kim cương, đất ruộng, quặng mỏ) thì ai (quốc gia) kiểm soát tài nguyên đó sẽ làm chủ thế giới và quy định số phận của người khác.
Vậy thì có Hiến Pháp nào quy định người dân có thể làm giàu nhưng đừng dùng sự giàu có để chén ép, bóc lột người khác?
C. Hiến pháp
Khi bản Tuyên ngôn độc lập 1776 ghi rằng “con người được tạo ra bình đẳng” (all men are created equal) thì cho dù mọi người có đầy đủ hình hài, cơ phận như nhau nhưng sự suy nghĩ không giống nhau và sự bất bình đẳng phát sinh từ đó. Người khôn ngoan thành công trong xã hội và kẻ u mê thì vất vả suốt đời. Nhưng cho dù là tỷ phú thì bạn cũng không thể ăn quá 3 bữa một ngày và sống trong 5, 7 căn biệt thự trong cùng một lúc.
Trong khi chế độ nô lệ xuất hiện tại Mỹ từ 1621 thì tuyên ngôn độc lập nói đến sự bình đẳng giữa con người thì phải kể luôn người nô lệ nhưng khi thực hiện Hiến Pháp thì chỉ nói đến sự phân quyền. Quyền lực đến từ lời nói và hành động. Do đó các nhà chính trị, đảng đã lợi dụng tình trạng di dân ô hợp để người đi trước bóc lột người đi sau và gọi đó là tự do cạnh tranh tạo nên giới tư bản. Đó cũng là sự khác biệt giữa tư bản Mỹ và Âu Châu hay Nhật.
Vậy vai trò của chính quyền là điều hòa sinh hoạt xã hội có thể nào giúp đỡ những kẻ kém may mắn hay thông minh để có thể sống trong một xã hội “mạnh được, yếu thua” hay “khôn sống, ngu chết”?
Lịch sử đã cho thấy khi tầng lớp ưu tú của xã hội áp bức, bóc lột dân chúng tạo nên bất công xã hội thì sẽ dẫn đến nổi loạn (thường gọi là cách mạng). Nếu nói rằng giới lãnh đạo phải là những kẻ khôn ngoan, có tài thì xã hội mới tiến bộ. Nhưng trong cái khôn ngoan để cai trị có cái Thiện và Ác.
Con người vì lòng tham đưa đến sự tranh giành của cải (tài nguyên) và các tiện nghi trong đời sống. Cho dù khôn khéo hay tàn ác đến đâu thì con người cũng không thể chối bỏ sự chênh lệch giữa kẻ quá dư thừa, phung phí trong khi xã hội đầy rẫy những người thiếu thốn, khốn khổ. Và bần cùng sinh đạo tặc.
Vậy thì nền giáo dục Nhân bản nào sẽ giải quyết tranh chấp của loài người ? Trong khi mọi người đều muốn có hoà bình nhưng trong hành động thì chỉ dẫn đến xung đột, chiến tranh. Nghịch lý nhất là trong mọi tôn giáo đều kêu gọi sống chung hòa bình nhưng vì các vị lãnh đạo tôn giáo đều muốn tôn giáo mình phát triển (có thêm tín đồ) bằng cách nô lệ hóa con người và điều đó dẫn đến chiến tranh.
Vậy thì cơ chế chính quyền, kinh tế nào sẽ giải quyết được những bất công xã hội?
Vòng luẩn quẩn của con người là các hệ thống, cơ cấu chính trị, kinh tế hiện thời được thiết lập qua nhiều thời đại. Một khi đã vươn lên thì các nhà lãnh đạo (chính trị, kinh tế) cho rằng đã đi đúng đường nên cần được tiếp nối qua hệ thống giáo dục để các thế hệ sau tiếp nối. Do đó mọi ý kiến, khuynh hướng đổi mới sẽ bị dập tắt. Cho đến khi cả chính trị lẫn kinh tế gặp bế tắc (môi sinh, khí hậu, nghèo đói) trong khi thiên tai, bệnh tật, chiến tranh vẫn tiếp tục thì đã quá trễ để gọi là sửa sai. Lối thoát cuối cùng là một cuộc cách mạng Duy Dân nhưng tinh thần Duy Dân đòi hỏi sự giáo dục (tu dưỡng) và đó không phải là điều có thể xảy ra tức thì.
Bất công xã hội là sự chênh lệch thái quá. Điều chỉnh sự chênh lệch là làm cho bằng nhau (hay không quá sai biệt). Vậy thì nền giáo dục sẽ như thế nào để mỗi cá nhân có thể sống trong xã hội với căn bản tối thiểu về đời sống.
Cho dù Hiến Pháp (luật pháp) ghi nhận vai trò của con người đối với nhau như thế nào chăng nữa thì các nhà chính trị, kinh tế cũng không thể chụp mũ những người không may mắn hay thiếu khả năng để vươn lên là lười biếng hay ỷ lại. Nếu bảo rằng họ ngu thì cái ngu không phải là điều họ muốn và nếu ai cũng khôn hết thì ai sẽ hơn ai để gọi là lãnh đạo?

Đi Tìm Một Lối Thoát Cho Kinh Tế Thị Trường (P4)

Trần Công Lân
Tháng 3 năm 2022 (Việt lịch 4901)

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s