Yêu Luận (P1)

Nhập yêu
Tình yêu xí xóa
Hãy đi tìm, hãy tìm lại tình yêu trong Yêu Luận này qua không gian của kẻ biết yêu, có đam mê, có ham muốn, có luôn cả mong cầu, chờ đợi, thấy cả dày vò, đày đọa của kẻ biết yêu trước sự thờ ơ, lãnh đạm của kẻ không biết người khác đang yêu mình.
Những kẻ không biết yêu vì vô minh trước tình yêu, vô tri trước người đang yêu mình, hãy cứ ráng sức mà tìm chỗ đứng, ghế ngồi, giường nằm trong Yêu Luận này nhé!
Mà muốn đứng vững, ngồi bền, nằm lâu trong không gian tình yêu, còn phải biết một động từ linh diệu của tình yêu xí xóa: Yêu nhau chín bỏ làm mười.

Tình yêu phân bày

Đã sống mà không yêu thì như suốt đời phải cõng khuyết tật nhân tri của chính mình cho hết kiếp.

MỘT BÓ NIỀM TIN
Khi ta tới gặp người yêu, ta mang một bó hoa để tặng người yêu, nếu người yêu hiểu là mỗi lần bó hoa có trong tay ta tới tận tay người yêu tức là tình yêu đang hiện diện, nhìn khuôn mặt của người yêu sau khi nhận hoa đã trở thành khuôn mặt của tình yêu, thì ta mừng vô kể!
Nhưng ta thường hay quên, lắm khi là không tự suy nghĩ là trước khi ta tặng người yêu một bó hoa, thì trước đó tâm não của ta đã tặng cho người yêu: một bó niềm tin! Một bó là vài niềm tin, có khi là hàng chục niềm tin, có bận lên hơn chục niềm tin… có những niềm tin vững chắc sống lâu với tuổi thọ của tình yêu, nhưng cũng có những niềm tin mù quáng, khi tình yêu bị bội bạc vì người yêu bội phản, nên tình yêu chết yểu với tuổi bụi của nó. Nhưng không có một, vài, chục làm thành một bó niềm tin thì chắc chắn sẽ không có tình yêu!
Trong một bó niềm tin này có một niềm tin chủ đạo nó được mở lối đưa đường bằng một mãnh lực vừa làm ta xúc động mạnh, vừa làm ta hoảng hốt trong vui sướng, ta không biết gọi tên nó là gì, thì tổ tiên Việt đã gọi nó là: duyên rồi! Chữ duyên thật nhẹ nhàng trong hiền lành, nhưng sao lần đầu tiên gặp được người yêu thật là dữ dội, long trời lở đất; người yêu ngẫu nhiên như trên trời rơi xuống đất, làm động đất rồi động tâm, động não, mà dư chấn sao bao năm vẫn còn đây.
Trong khoái cảm hoang mang dẫn tới cảm xúc hoang đàng, khi ta lần đầu gặp người yêu nên ta tưởng đây là tiên giáng trần, không biết có phải là tiên không? Nhưng đã giáng vào não bộ của ta một đòn không phải là thập tử nhất sinh, mà là: thập cảm nhất yêu, đến độ ta phải thấy-để-thấu đây là người mà ta sẽ «trao thân gởi phận». Trong chớp nhoáng, số phận của ta giờ đây là số kiếp của một bó hoa niềm tin, mà ta đang tung lên trời mà khi nó rơi lại xuống đất thì phần số nó sẽ ra sao? Rồi một ý thức đột nhiên lộ dạng trong tâm tư sâu thẳm của ta là ta đang đi trên một lưỡi dao, mà hai bên là hai bờ vực thẳm, đời ta sẽ ra sao?
Tại sao ta lại đặt niềm tin này vào một người chỉ vừa mới gặp, rồi tự đặt tên để tự an ủi mình đây là: tiếng sét ái tình! Có những tiếng sét làm ta điếc tai, chóa mắt, điếng môi. Ngược lại có tiếng sét làm ta sáng mắt, thính tai, thuận ngôn trong tỉnh táo và hòa ngữ trong sáng suốt, có khi biến tiếng nói thành lời ca, nên khi ta yêu ta thường hát nhiều, tâm trạng sướng vì yêu đã thành tâm lý yêu thích hát. Khi tình yêu có mặt thì tiếng người thành tiếng hát, một tiếng hát vừa vui, lại vừa liều, vì ta biết là ta đã liều, đã trao xác lẫn hồn cho người mình yêu, mà mình chưa biết hết từ đâu tới? Chưa biết rõ tâm hồn lẫn tâm địa của người yêu này. Ta chưa chắc bẩm là người yêu này có dám cùng ta trong đồng vợ đồng chồng, tát bể Đông cũng cạn hay không? Mà ngay trong nội dung của câu này cũng là thuộc loại ngạn ngữ liều, chỉ được sử dụng bởi những kẻ liều, thí hồn rồi thí thân, thí đời rồi thí mạng cho tình yêu, vì chỉ có hai người thì làm sao tát cạn bể Đông!
Niềm tin của tình yêu là niềm tin sử dụng, vận dụng, tận dụng cảm xúc vì tình yêu để đấu giá về hai niềm tin (có khi giống nhau, có khi khác nhau) của hai kẻ yêu nhau. Họ mặc cả bằng quyết đoán, họ trả giá bằng quyết chí; mà có khi là quyết đoán liều sinh ra quyết chí loạn. Khi đi vào tình yêu, thì quyết đoán trong phiêu bồng, quyết chí trong phiêu lưu, nên tình yêu chính là cuộc phiêu bạt.
Phiêu bạt trong phiêu lưu có khi không cần chân trời của tương lai, có khi không cần phương hướng ngay trong hiện tại. Có khi bất chấp cả quá khứ không đẹp, không hay, không lành của nhau để xây dựng một viễn cảnh chẳng dính dáng gì với quá khứ. Một bó niềm tin sáng lên như đuốc hải đăng giữa biển khuya đưa hai kẻ yêu nhau phải vượt biên trên biển cả.
Phiêu bồng rồi phiêu lưu chấp nhận luôn phiêu bạt, thì đây rõ ràng là một cuộc mạo hiểm! Mạo hiểm trong tình, mạo hiểm giữa đời, mạo hiểm với một bó niềm tin, giờ đã thành bó đuốc soi đường kẻ đang bị mù lòa vì tình yêu. Mạo hiểm để thay đời đổi kiếp, hai kẻ yêu nhau họ thách thức thách nhau bằng góc bể chân trời, rồi bằng chớp bể mưa nguồn. Nên khi hai kẻ yêu nhau mà nhớ nhau họ biến nhân sinh quan của họ thành vũ trụ quan của tình yêu: Đêm qua chớp bể mưa nguồn/ Hỏi người bên ấy có buồn hay không?
Những kẻ ích kỷ đếm tiền rất kỹ nên không thấy người, thì làm sao thấy được tình yêu, họ vụ lợi vì tư lợi, nên khi nghe phiêu bồng là họ sợ, thấy phiêu lưu là họ hoảng, nhận ra phiêu bạt thì họ lùi. Họ mong cầu tình yêu, nhưng cho tới dứt kiếp không sao họ gặp được tình yêu. Vì họ không dám mạo hiểm vào một chốn không có toan tính lời lỗ, không có mưu tính kiểu tiền trao cháo múc. Vì tình yêu chỉ có trao, mà chẳng cần toán học của lợi nhuận là phải nhận rồi đếm; khi chỉ biết nhận-rồi-đếm thì nên đi chỗ khác, đừng ở trong cõi yêu mà bội nhục hóa, mà ghẻ lạnh hóa, mà âm binh hóa tình yêu! Những kẻ ích kỷ, vụ lợi vì tư lợi, có tiền thì mua được một bó hoa, nhưng cho tới mãn kiếp họ không sao có được một bó niềm tin.
Khi hai kẻ yêu nhau, họ cầm một bó niềm tin của tình yêu trên tay, thì họ nhận ra là tình yêu khác nhiều với tình dục chỉ là ham muốn tức khắc qua đam mê tức thời. Từ đây, họ càng nhận ra là họ nên đóng cửa không cho tình đồng chí bén mảng tới cõi tin của tình yêu, vì tình đồng chí là gần nhau qua ý thức hệ, chớ không gần nhau qua tình yêu. Mà ý thức hệ chỉ là một ý thức của tính toán trên một hệ tư tưởng có toan tính, nó sớm nở tối tàn, vì nó dễ bị lột mặt nạ trước sự thật của nhân phẩm; dễ bị vạch mặt chỉ tên trước chân lý của nhân bản; dễ bị lột trần trước lẽ phải của nhân tâm. Còn tình yêu thì đi trên lưng, trên vai, trên đầu mọi ý thức hệ để tới tận nơi, dò tận chốn: nhân diện của nhân tình, nhân dạng của nhân ái, nhân cách của nhân nghĩa.
Trong tình yêu chỉ có hai người yêu nhau có mặt trong cõi yêu, gia đình vắng nhà, xã hội vắng mặt, bạn bè vắng tanh, nên hai kẻ yêu nhau thở cùng nhau rồi hôn nhau bằng thách đố tát cạn bể đông, bằng thách thức trao thân gởi phận, bằng thử thách góc bể chân trời…. Những người yêu nhau khi họ chọn tình yêu thì họ không hề do dự, nên họ cấm tình đồng chí bén mảng tới cõi yêu của họ. Có khi họ xua cả bạn bè ra khỏi cõi này, thậm chí cả gia đình quyến thuộc cũng không được lai vãng tới cõi (thiêng) yêu này, nói chi tới xã hội đừng mong xen vào nội chất làm nên nội giới của tình yêu. Nên một bó niềm tin này chỉ có một người được nhận, đó là người được yêu, không ai khác cả, ý thức hệ hãy tránh xa ra, gia đình nên lùi ra, bạn bè hãy mau tháo bước, xã hội nên khuất dạng để một bó niềm tin thành một bó của đời-thân-mệnh-kiếp, trao tất cả, và biết là trao rồi thì khó lấy lại được!
Đi đâu cho thiếp theo cùng/ Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam, những kẻ không biết yêu nghe câu ca dao này như nước đổ đầu vịt, những kẻ chưa biết yêu nghe câu ca dao này như nước xuôi mái chèo. Nhưng những kẻ đã yêu nghe câu ca dao này có khi rùng mình rợn tóc vì sự thật sắc nhọn của nó; còn lại là những kẻ đã yêu nhưng vì hoàn cảnh ngặt nghèo đã phải bội bạc với tình yêu, bội phản với người yêu, nghe ca dao này có khi phải nhức óc buốt tim! Vì một bó niềm tin mà không biết nâng niu, ôm ấp, ấp ủ… thì giờ đây chỉ là một bó nhang tàn…
Một bó niềm tin! Khi ta dấn thân trọn vẹn trong thách thức yêu nhau cởi áo cho nhau; khi ta dấn kiếp tròn đầy trong nhân kiếp một duyên hai nợ ba tình, thì ta không còn ngần ngại gì mà không gọi nó là: lòng tin!

Yêu Luận (P2)

Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

 

 

Bình luận về bài viết này