Đi Tìm Một Lối Thoát Cho Kinh Tế Thị Trường (P5)

IV. Kinh tế
A. Cá nhân
Con người có ý thức sống còn qua sự tìm miếng ăn, kiếm chỗ cư trú, sống nương tựa lẫn nhau. Nhất là nhu cầu tồn chủng. Sự tranh giành, chiếm đoạt người nữ khác với loài thú bởi chỗ con người có suy nghĩ. Từ những suy nghĩ để chiếm đoạt sản vật gia tăng mức độ thụ hưởng và quyền sở hữu.
Nhưng bản thân con người có giới hạn: con người cần ngủ 8 giờ/ngày. Cá nhân chỉ có thể sống trong vài thập niên rồi cơ thể lão hóa và chết. Với 24 giờ/ngày cá nhân phải đối diện với nhiều vấn đề trong đời sống. Đời sống càng phức tạp thì càng nhiều khó khăn đe dọa cuộc sống cũng như xoá bỏ tất cả những gì cá nhân đã cố gắng thực hiện trong xã hội. Đối diện với những bất trắc của thiên nhiên, cá nhân cần bảo đảm lương thực lâu dài nhưng khả năng tiêu thụ thực phẩm qua dạ dày của cá nhân chỉ là 2 lít. Thế nhưng đời sống văn hóa khiến cá nhân biết ăn ngon, mặc đẹp. Tai nghe, mắt thấy, miệng nếm… tất cả làm gia tăng quyền sở hữu vật chất và cạnh tranh với cá nhân khác. Với trí óc khôn ngoan, cá nhân có thể đạt những gì mong muốn một cách ôn hòa, êm thắm nhưng không phải ai cũng vậy. Có những cá nhân ngu, ác hay thâm độc không chọn phương thức đó mà sử dụng bạo lực để chiếm đoạt như xã hội loài thú.
Nếu nói kinh tế thị trường là tốt, vậy hãy nhìn vào nước Mỹ có nền dân chủ vững chắc và kinh tế tân tiến đã đối xử với con người ra sao.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh (cold war) các thế lực tài phiệt còn e ngại kẻ thù cộng sản lợi dụng tầng lớp dân nghèo, lao động để xúi giục nổi loạn nên các tổ chức nghiệp đoàn, vô vụ lợi, thiện nguyện (nonprofit, advocate, volunteer) được giúp đỡ để củng cố hạ tầng cơ sở.
Nhưng khi sự đe dọa của cộng sản không còn 1989 thì trật tự thế giới mới đưa ra kinh tế toàn cầu tạo cơ hội cho các đại công ty đè bẹp các công ty nhỏ tại quốc nội cũng như hải ngoại.
Riêng tại Mỹ các đại công ty tổ chức vận động chính trị (lobby) đã ảnh hưởng và lèo lái chính giới Mỹ đi vào vũng lầy để chận sự cạnh tranh từ các hãng nhỏ, tư nhân với mục đích thâu tóm các nguồn lợi từ mọi ngành dịch vụ, kỹ nghệ…. Từ căn bản là các phát minh (invention) cho đến nông phẩm, dịch vụ chuyên chở, phục vụ người già, trẻ em, thuốc men, nhà cửa… dần dần rơi vào tay các tập đoàn tài phiệt.
Để khuynh đảo thị trường, từ thị trường chứng khoán đến sinh hoạt hàng ngày trong đời sống người dân (Wall street to Main street) giới tài phiệt đã mua chuộc các cấp lãnh đạo lưỡng đảng từ sau 1989.
Khi lãnh đạo chính trị rơi vào mê hoặc thì không phải chỉ kinh tế khủng hoảng mà an ninh thế giới cũng lâm nguy khi Trung Cộng phục hồi tiềm năng kinh tế, quân sự. Khi nguy cơ chiến tranh Trung Đông giữa Do Thái và khối Hồi Giáo trở thành chiến tranh giữa các nước Hồi Giáo. Các cuộc cách mạng tại các nước độc tài trở thành nội chiến. Dân tỵ nạn chạy sang các nước Âu Châu mang theo các nhóm khủng bố gây ra nạn kỳ thị. Và cuối cùng trao đổi khoa học kỹ thuật với Trung Cộng dẫn đến họa đại dịch Covid-19 chỉ vì đặt lòng tin nơi đảng cộng sản Trung Quốc sẽ hợp tác với thế giới qua WTO và Liên Hiệp Quốc.
B. Xã hội
Loài người thành lập xã hội qua nhiều giai đoạn, thử thách với nhiều kiểu mẫu khác nhau và cuối cùng đã có nhưng phát triển giống nhau. Từ bộ lạc tiến quốc gia, từ săn bắn tiến đến nông nghiệp, kỹ nghệ… từ chế độ quân chủ đến dân chủ, cộng sản, xã hội chủ nghĩa… tất cả chỉ là vấn đề giải quyết đời sống tập thể của con người.
Những khó khăn của chủng tộc, sắc tộc, lịch sử, địa lý, tôn giáo… cùng với tài nguyên thiên nhiên đã gây tranh chấp, chiến tranh giữa các quốc gia. Qua hai trận thế chiến mà hậu quả của một chiến tranh nguyên tử có khả năng tiêu diệt loài người đã khiến Liên Hiệp Quốc được thành lập để giải quyết các vấn đề quốc tế.
Nhưng làm sao có thể giải quyết những vấn đề chung của nhân loại khi mỗi quốc gia, chủng tộc, cơ chế chính trị… phát nguồn từ những ý niệm khác nhau (nếu không nói là đối nghịch, triệt tiêu lẫn nhau)?
Khi các quốc gia thi nhau khai thác tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế (cuối cùng đến thế kỷ 21 là kinh tế thị trường) và gây ra ô nhiễm môi sinh cũng như thay đổi khí hậu.
Với tiềm năng đe dọa đời sống con người ngày càng tăng. Các quốc gia họp hàng năm về chính trị và kinh tế (Davos) cũng như về môi sinh (UNFCCC) cho thấy mối nguy càng gia tăng nhưng với những tiêu chuẩn, cơ chế, hệ thống, quan điểm khác nhau thì thật khó mà đạt kết quả. Thời gian trôi qua thì mối nguy cơ càng tăng mà khác biệt, khó khăn càng chồng chất trong khi con người càng phân hóa về chính kiến cũng chỉ vì quyền lợi của từng cá nhân cũng như từng quốc gia Giàu và Nghèo.
Có người ví trái đất như cái bánh (pizza) hình tròn mà khi nhân loại gia tăng thì phần chia (tài nguyên thiên nhiên) càng nhỏ. Vậy thì tại sao không làm chiếc bánh lớn hơn (nghĩa là tăng cường độ sản xuất). Nhưng càng tăng sản phẩm thì mức độ tiêu thụ, xa xỉ của nhân loại cũng tăng theo mà nghịch lý là các nước giàu có khả năng phung phí thực phẩm là nhu cầu tối thiểu của các nước nghèo.
Khi 62 người giàu nhất thế giới có tài sản bằng 1/2 tổng số dân trên thế giới mà người ta thường nói là người giàu vì khôn ngoan nên hãy chọn nhà giàu làm lãnh đạo (?). Nhưng làm giàu có phải là yêu nước, lo lắng cho xã hội, dân tộc hay không? Mỗi lần nghe tăng thuế là nhà giàu đe dọa sẽ bỏ đi quốc gia khác. Nhưng quốc gia nào có thể bảo vệ tài sản của bạn như nước Mỹ?
Mặt khác nỗ lực của các nước tiên tiến là tăng sản xuất thực phẩm nhưng giảm thiểu ô nhiễm trong khi các nước nghèo cố gắng gia tăng thực phẩm đồng thời gia tăng ô nhiễm (phá rừng, nước, rác…) .
Nhưng cơ hội thành công của các nước nghèo rất ít so với phần trăm thất bại. Và sự thất bại về chính trị hay kinh tế đưa đến nạn di dân. Dân từ các nước nghèo, chiến tranh tràn sang các nước tân tiến. Vậy các dân tộc giành độc lập để rồi rơi vào cảnh nhà nước, chính quyền không đủ khả năng điều hành quốc gia, lo an sinh xã hội cho dân thì giải quyết ra sao? Bán nước hay di dân?
Tuy các nước giàu có khả năng tiếp nhận người tỵ nạn nhưng khác biệt văn hóa và sự hội nhập đòi hỏi con số ấn định và thời gian để người tỵ nạn thích ứng với đời sống mới. Sự cách biệt quá xa giữa đời sống tại quốc gia chậm tiến bỗng dưng chuyển sang sinh hoạt tại quốc gia dân chủ, tân tiến gây ra những xáo trộn về chính trị và kinh tế tại nơi định cư và dĩ nhiên người dân địa phương không chấp nhận.
Khi chính trị, kinh tế sai lầm thì chiến tranh sẽ xảy ra. Chiến tranh do loài người khởi xướng cũng phát xuất từ đó. Vậy sai lầm khởi đi từ con người và con người dùng chiến tranh để xóa bỏ dấu tích sai lầm cho dù có thể đưa đến hủy diệt nền văn minh (Maya, Ai Cập…) cho dù người thắng trận có viết lịch sử để che giấu tội ác.
Gần đây các nhà lãnh đạo Mỹ thường tranh luận về ngân sách chi tiêu quá mức sẽ để nợ cho con cháu (debt to our children) nhưng đó chỉ là xảo thuật chính trị vì mỗi cá nhân đều tiếp tục hoang phí trong đời sống hàng ngày.
Rõ ràng các nước giàu (hay giới nhà giàu) không thể bỏ mặc nước nghèo (hay giới nghèo) vì chiến tranh, bệnh tật, thiên tai… xảy ra thì cả thế giới phải chịu. Một khi môi trường sống hủy diệt thì loài người cũng tận diệt bất kể giàu nghèo.
Cuối cùng câu hỏi còn lại là con người sống để làm gì? Đâu là ý nghĩa của cuộc sống?
Kết luận
Để trả lời về câu hỏi “đâu là ý nghĩa của cuộc sống” thì chúng ta phải trở về lãnh vực giáo dục. Với những nền văn hóa khác nhau, chúng ta có thể nào đồng ý chung trên một nền giáo dục Nhân Bản?
Có thể nào một nền giáo dục Nhân Bản sẽ loại trừ (hay kiểm soát) những cá nhân có tiềm năng đe dọa cuộc an sinh xã hội?
Nếu là cưỡng bách giáo dục thì sẽ chẳng bao giờ thành công vì các “nhà giáo” dưới ảnh hưởng của hệ thống chính trị sẽ đặt ra khuôn phép, kỷ luật mà tuổi trẻ sẽ tìm cách phản kháng, chống đối hoặc sẽ trở thành công cụ của chế độ, của người đi trước đã vướng mắc sai lầm thì làm sao chúng có thể thay đổi được những sai lầm chồng chất nhiều thế hệ?
Nếu là tự giáo dục thì đâu là tiêu chuẩn chung để mọi người cùng hướng về mục đích chung: bảo vệ môi trường sống và sống hòa bình?
Muốn bảo vệ môi trường sống (thiên nhiên) thì bạn không thể làm cho trái đất lớn hơn hay chế tạo một trái đất khác. Vậy thì cái bánh “trái đất” (pizza) phải chia cho 7 tỷ (hay 9 tỷ) người thì phần chia đều phải nhỏ hơn, ít đi. Bạn tự ý thức và chấp nhận như vậy (trước khi khoa học kỹ thuật giúp con người tìm ra và du hành tới một trái đất khác) thì sự chia đều cho mỗi người với khả năng của mỗi người chứ không phải sự chia 1% dân số có 75% tài sản quốc gia còn 99% dân số còn lại chia nhau 25% tài sản quốc gia (trong khi 1% số người đó nếu không có 99% còn lại, họ chẳng làm được gì dù rằng họ có tài. Một anh CEO dù tài giỏi cách mấy thì không thể nào tự mình làm cho công ty lớn mạnh nếu không có những người khác. Sự trả lương cho các anh CEO một năm bằng sự trả lương vài triệu người thì sẽ tạo ra giai cấp 1% chiếm 75% tài sản quốc gia). Đó có gọi là “Bình sản” kinh tế?
Nếu bạn hỏi tôi “thực hiện Bình sản kinh tế như thế nào?” thì xin thưa đó là tư tưởng do người xưa (Lý Đông A) để lại vốn không nhiều chi tiết. Và như mọi người thường hỏi: “Bình sản” có phải là mọi người sẽ có “tài sản” như nhau?”. Làm sao có thể “như nhau” khi khả năng suy nghĩ, làm việc khác nhau tuy rằng nhu cầu ăn, ở giống nhau?
Nhưng rõ ràng “bình sản” nhằm mục đích giúp mọi người có ăn , đủ sống để tránh chiến tranh, nạn đói… cũng như cảnh một số ít kẻ quá dư thừa trong khi đại đa số sống trong tuyệt vọng. Cho tới nay tất cả những ai viện lý do ABC chỉ là che dấu dã tâm làm giàu và muốn phủi trách nhiệm cho lý do khác.
Nhưng trong khi tư bản tiếp tục tạo khoảng cách Giàu-Nghèo ngày càng xa và lệch thì tuy người làm giàu có tài năng nhưng rõ ràng cá nhân đó không thể làm một mình mà phải dựa vào xã hội; mà xã hội là những người nghèo tập họp lại để phục vụ cho kế hoạch làm giàu của cá nhân. Xem ra nền tảng “người nghèo” vẫn cần có để nâng đỡ người giàu. Và người giàu vẫn cần giữ (bằng mọi cách) cho người nghèo còn thở thoi thóp để giúp cá nhân làm giàu tiếp qua trung gian chính quyền “dân chủ”.
Vậy thì để biến tư tưởng thành hiện thực thì mọi người dân phải ngồi xuống để chia lại cái bánh trong tinh thần tự chủ (nhân chủ) và dân chủ.
Để có Nhân Chủ và Dân Chủ thì mỗi cá nhân phải “Sống biết- Sống đúng- Sống thực”. Bạn có thể tự giáo dục để sống như vậy không?
Trần Công Lân
Tháng 3 năm 2022 (Việt lịch 4901)

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s