II. Kinh tế tư bản
Chúng ta sẽ khảo sát qua nền kinh tế tư bản.
Chủ nghĩa Tư bản (Capitalism) có những đặc tính sau đây:
1. Sở hữu tài sản cá nhân (private property).
2. Ý tưởng về sự thừa tự (Idea of inheritance).
3. Tự do thương mại (Free enterprise).
4. Khuynh hướng về thị trường sản xuất (Market oriented system of production).
5. Một chính quyền ưa chuộng cho sự duy trì hệ thống tư bản.
6. Tổ chức sản xuất hợp lý.
7. Cạnh tranh.
1. Quyền sở hữu tài sản
Con người lao động và làm ra sản phẩm. Đó là do sự kết hợp của 3 yếu tố: trí óc tạo sự suy nghĩ, nhu cầu vật chất và tài nguyên thiên nhiên. Khởi đi từ nhu cầu căn bản: thực phẩm và cư trú. Để đối phó với bất trắc của xã hội và thiên tai con người đi tìm sự phòng ngừa tai biến nên phải dự trữ tài vật. Nhưng thế nào là đủ?
Con người có giới hạn (ngủ, nghỉ, bài tiết, sống-chết…). Khi kết thành xã hội là để nương tựa lẫn nhau nhưng chính trị gia đã biến dân tộc, quốc gia thành bộ máy tranh chấp nhân danh quyền lợi kinh tế, chủ nghĩa, tôn giáo…và giáo dục người dân theo quyền lợi của giới lãnh đạo.
2. Sự thừa tự
Khi cha mẹ làm nên tài sản để nuôi con cái thì cũng đã nghĩ đến chuyện để lại tài sản gây dựng lại cho con cái. Để bảo đảm đời sống của đứa trẻ dĩ nhiên cha mẹ muốn càng nhiều càng tốt đưa đến sự tích trữ của cải và tranh cấp trong xã hội.
Khi đời sống của cha mẹ trải qua bao cực nhọc thì ai cũng muốn con cái được sung sướng hơn và vì thế sự tranh giành của cải để làm vốn cho con. Tính nhân chủ, lòng nhân đạo sẽ giải quyết như thế nào khi con trẻ gia đình A dư ăn lại còn chê bai, đòi hỏi món ăn trong khi đứa trẻ hàng xóm gia đình B không đủ ăn hay chết đói. Bạn có thể đổ thừa là cha mẹ B không biết lo cho con (hay đó là nhiệm vụ của chính quyền). Nhưng nếu gia đình B nổi loạn gây chiến (cộng sản xúi giục) thì tương lai con của gia đình A sẽ như thế nào?
3. Tự do đầu tư
Để khuếch trương khả năng sản xuất và kiếm lợi khiến con người khai thác sự thương mại trong xã hội để làm giàu, tranh đoạt tài nguyên thiên nhiên. Sự ganh đua có mục đích khuyến khích sự sáng tạo đã bị bóp méo thành tranh chấp đưa đến chiến tranh giữa các bộ lạc, chủng tộc, quốc gia. Và trong một quốc gia, xã hội cũng xảy ra cảnh người bóc lột người.
Như hiện nay chúng ta thấy về mặt phát triển xã hội đòi hỏi kinh tế và những nhà kinh tế chỉ chạy theo con số mà những kẻ đầu tư thao túng. Yếu tố làm giàu là số 1, thuận tiện (lòng người, nhu cầu, kỹ thuật) là số 2, thời cơ (xã hội, chính trị) là số 3…. Khi con người còn dùng ngựa, thuyền buồm làm phương tiện giao thông, chuyên chở thì thế giới chưa bị ô nhiễm. Khi chuyển qua kỹ nghệ máy móc (sắt thép, máy hơi nước, than đá, dầu hỏa) thì ô nhiễm bắt đầu nhưng vì tham tiền nên che giấu những yếu tố xấu, nguy hại. Khía cạnh đạo đức, thông tin, bình đẳng dần dần bị bóp méo, chụp mũ và xuyên tạc cho đến khi sự thật phơi bày không thể chối cãi.
4. Thị trường dẫn đến sự sản xuất có hệ thống
Từ khi con người biết trao đổi hàng hóa, sản phẩm cho đến khi con người biết sản xuất hàng loạt đã dẫn đến phương cách sản xuất có hệ thống để thâu lợi nhiều hơn và hữu hiệu hơn cho xã hội tiêu thụ.
Hệ thống là có trên có dưới. Nếu ai cũng là chủ, kỹ sư giám đốc hết thì ai làm thợ? Khi cấp trên làm sai thì phải sửa đổi bằng cách cải tổ. Việc đầu tiên là sa thải nhân công (bị cho là không hữu dụng). Nếu nói là lãnh đạo có tài nên công ty mới thâu lợi hàng trăm triệu, vài chục tỷ… và giới lãnh đạo được thưởng vài chục triệu. Kết quả là sau vài thập niên, tỷ lệ lương của giám đốc tăng hơn 200% trong khi lương công nhân hầu như không thay đổi trong khi các quyền lợi khác bị cắt giảm (hưu trí, bảo hiểm sức khỏe, ngày nghỉ bệnh…).
5. Chính quyền cần thiết cho sự sống còn của hệ thống kinh tế tư bản
Vai trò điều hòa sinh hoạt xã hội của một chính quyền thì cần thiết để duy trì các sinh hoạt kinh tế tư bản. Vậy khi một đảng chính trị chủ trương cắt giảm vai trò của chính quyền để cho các công ty, hãng xưởng tự điều động các sinh hoạt kinh tế là đã đi ngược lại chủ nghĩa tư bản. Cũng như việc cắt thuế là ngăn cản các hoạt động của chính quyền điều hòa các sinh hoạt kinh tế. Nếu nói là cắt thuế để các công ty có tiền tạo công ăn việc làm là điều mơ hồ vì nếu kinh tế tư bản dựa trên cung cầu thì nếu không có nhu cầu tiêu thụ (hay sản phẩm) thì công ty có được giảm thuế cũng không ngu dại mướn nhân công làm sản phẩm khi không có người tiêu thụ thì chỉ có phá sản; và như vậy chuyện giảm thuế là vô lý. Ngược lại nếu có thị trường thì công ty sẽ cần và mướn nhân công (tạo việc làm) để làm sản phẩm bán kiếm lời thì cho dù có phải đóng thuế thì công ty vẫn phát triển.
Vậy khi các chính trị gia kêu gọi cắt thuế để tạo công việc chỉ là xảo thuật chính trị.
Chúng ta đã thấy tại Mỹ các nhân sự thuộc nội các chính phủ thường là các nhân vật cao cấp của các đại công ty trên thị trường (Wall street) hay các cơ quan chuyên môn nhưng khi hết nhiệm kỳ họ trở thành tai mắt, cố vấn cho các đại công tỵ. Vậy nếu gọi là xã hội dân chủ thì chỉ có nhà giàu mới có dân chủ.
6. Hợp lý hóa tổ chức sản xuất
Để điều hòa sự sản xuất các sản phẩm trong xã hội dựa trên sức lao động, sự sản xuất và quản lý. Các điều kiện này đòi hỏi chính quyền và tư nhân (công ty) phối hợp nghiên cứu, tạo các dự luật, cơ chế kiểm soát… để cân bằng các hoạt động kinh tế trong xã hội. Vì tài nguyên thiên nhiên có giới hạn, những cá nhân có khả năng, kiến thức đã vượt lên để khuynh đảo chính quyền, quốc hội, giới truyền thông đưa đến sự bóc lột giới lao động, các nước nghèo… tạo bất công xã hội và dẫn tới chiến tranh.
Không ai sẽ phản đối sự hợp lý hóa sản xuất nhưng tình trạng ô nhiễm môi sinh ngày nay cho thấy khi kinh tế thị trưởng (tư bản) chú trọng về sản phẩm, phẩm chất thì quên đi phó sản (rác, cặn bã) điển hình là các công ty dầu hỏa che dấu nạn ô nhiễm. Đó là về mặt vật chất còn về mặt tinh thần là con người: người nhân công bị sa thải vì kỹ thuật tối tân thay thế con người. Không phải nhân công nào cũng có thể chuyển nghề, hay có thì giờ, tiền bạc, khả năng để đi học lại. Những kẻ tụt hậu ngày càng sa sút và nạn vô gia cư ngày càng tăng.
7. Cạnh tranh
Khi ranh giới các quốc gia, lãnh thổ, chủng tộc, tôn giáo… đã dẫn đến sự cạnh tranh không chỉ còn là thuần túy trên mặt kinh tế hay khoa học kỹ thuật mà là sự đàn áp, chiếm đoạt tài nguyên, diệt chủng…. Nếu nói cạnh tranh dẫn đến sự tiến bộ thì bản chất suy nghĩ của con người có tư tưởng là cải thiện đời sống qua những phát minh vẫn còn trong tâm trí con người, và kết quả của những sáng kiến vẫn là phục vụ loài người. Khác nhau ở chỗ quy định quyền lợi của người có công. Mặt trái của sự cạnh tranh là những kẻ đua đòi theo thị hiếu, bắt chước những sản phẩm sáng kiến tốt để tạo ra những sản phẩm kém giá trị mà hậu quả chỉ là phí phạm tài nguyên và tạo ra rác rưởi cho xã hội và thiên nhiên.
Chúng ta đã chứng kiến lời rêu rao “cạnh tranh có lợi cho dân tiêu thụ” và kết quả là khi các hãng máy bay đồng loạt lên giá nhưng có tai biến (tài chính, khủng bố) thì mối lo vỡ nợ (bankruptcy) đã có nhà nước cứu bằng tiền thuế của dân. Cũng như khủng hoảng tài chánh 2008, nhà nước cũng đã cứu các đại ngân hàng bằng tiền thuế nhưng khi nhà băng có lời bạc tỷ thì tiền chạy về túi giới nhà giàu. Các hãng bào chế thuốc (pharmacy) cũng giả vờ cạnh tranh nhưng thực tế chỉ là bóc lột có hệ thống.
Đi tìm một lối thoát cho kinh tế thị trường (P3)
Trần Công Lân
Tháng 3 năm 2022 (Việt lịch 4901)