Đi tìm một lối thoát cho kinh tế thị trường (P1)

Câu hỏi đầu tiên đặt ra là: Tại sao chúng ta cần tìm một lối thoát cho kinh tế thị trường?
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta phải trở về tình trạng hiện nay của loài người.
Lối nhìn chính trị
Từ khi con người ý thức quyền lực chính trị dẫn tới lợi nhuận kinh tế thì xã hội loài người bị đảo lộn vì những kẻ lợi dụng vai trò lãnh đạo (dù là có tài hay bất tài) để bóc lột và chiếm đoạt tài sản trong xã hội. Bạo lực và thủ đoạn được dùng để thỏa mãn tham vọng cá nhân. Cao điểm của chính trị là quân sự đưa tới chiến tranh. Cho dù là tranh chấp về sắc tộc, tôn giáo, địa lý…tất cả chung quy chỉ vì lòng tham về sở hữu vật chất. Từ khi con người ý thức về dân chủ nhưng chưa bao giờ con người thực sự thực hiện được dân chủ mà không bị phá hoại bởi các thế lực khác có tham vọng kinh tế.
Chính quyền chỉ là điều hòa sinh hoạt xã hội tạo cơ hội cho người dân làm ăn, buôn bán và kinh tế có những quy luật để phát triển. Nếu chính quyền can thiệp quá nhiều sẽ gây trở ngại cho sự phát triển nhưng nếu thả lỏng thì tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” sẽ đưa đến bóc lột, bất công xã hội vì kẻ khôn ngoan sẽ chiếm đoạt các tài nguyên thiên nhiên, nhân lực và cuối cùng là khuynh đảo bộ máy chính quyền.
Vậy nếu hóa giải được tham vọng kinh tế thì mới hy vọng nền dân chủ phát triển và bền vững.
Lối nhìn kinh tế
I. Lịch sử
Khi loài người kết thành bộ lạc để nương tựa lẫn nhau thì nhu cầu về thực phẩm là mối lo ngại duy nhất cần được bảo đảm để duy trì sự sống còn. Từ đời sống du mục, săn bắn chuyển sang nông nghiệp, con người bắt đầu có tranh chấp về những vùng đất phì nhiêu.
Kinh tế thời cổ đại khởi đi từ việc đi kiếm miếng ăn (vì nhu cầu) để sống qua ngày cho đến thời kỳ nông nghiệp (tranh giành đất đai, biển) và thương mại (con đường tơ lụa, thương thuyền) thì tham vọng làm giàu xuất hiện qua sự tàng trữ và trao đổi hàng hóa. Có của cải nhiều hơn nhu cầu là biểu tượng sung túc. Con người bắt đầu giết nhau vì tài sản, vật chất.
Cổ nhân đã có câu: “Ăn để sống chứ không phải sống để ăn”.
Quốc gia được thành hình để bảo vệ (hay xâm chiếm đất đai). Khi loài người bước vào giai đoạn kỹ nghệ hóa thì các vùng đất có quặng mỏ được chú ý và những quốc gia mạnh xâm chiếm các nước yếu, nhỏ để khai thác tài nguyên thiên nhiên đưa đến phong trào chiếm thuộc địa.
Tranh chấp thuộc địa dẫn đến thế chiến. Phong trào giải phóng các thuộc địa đưa đến các nước nghèo độc lập nhưng thiếu dân chủ và thiếu khả năng phát triển kinh tế. Trong khi các nước Tây phương mở đường cho kỹ nghệ dầu khí gây ra nạn ô nhiễm không khí. Ngược lại các nước nghèo khai thác rừng, biển góp phần ô nhiễm môi sinh. Vậy thì ai (quốc gia, dân tộc nào) sẽ chịu hy sinh miếng cơm, manh áo để ngăn chận sự hủy diệt môi trường sống của nhân loại?
Khi cuộc cách mạng kỹ nghệ xảy ra tại Anh Quốc 1770s và lan tràn khắp Âu Châu đưa đến nền kinh tế tư bản. Kinh tế tư bản đưa đến sự bóc lột nhân công khiến Marx viết Tư Bản Luận (Capital) tạo cơ hội cho Lenin sau này khai thác để đưa vào cuộc cách mạng vô sản tại Nga, thiết lập nền kinh tế xã hội chủ nghĩa hứa hẹn dẫn đến cộng sản chủ nghĩa, triết học Duy Vật, kinh tế tập trung (hay chỉ huy).
Nhưng đến 1989 khi khối Xô Viết sụp đổ vì thất bại kinh tế và chạy đua vũ trang đã khiến Trung Cộng bừng tỉnh và đổi mới kinh tế. Trung Cộng thành công trong việc thiết lập kinh tế tư bản dưới sự kiểm soát của đảng cộng sản. Tuy trở thành cường quốc với nền kinh tế đứng thứ hai sau Mỹ, Trung Cộng vẫn phải núp dưới chiêu bài dân tộc (nationalism) vì những lời kêu gọi của Tập Cận Bình về sự phát huy tinh thần xã hội chủ nghĩa (kiểu cộng sản), tư tưởng Mao… đối với dân chúng, trí thức và thương gia đều thất bại. Đảng cộng sản phải chấp nhận giới trí thức, thương gia… gia nhập đảng miễn là không chống đối chính sách của đảng đưa ra.
Như vậy cuối cùng, thế giới loài người chỉ còn theo đuổi nền kinh tế tư bản được coi như đem lại thịnh vượng và thỏa mãn đời sống con người, cho dù hệ thống chính trị là độc đảng, lưỡng đảng hay đa đảng.
Có thật như vậy không?
Cuối thế kỷ 20 khi con người bắt đầu ghi nhận sự thay đổi khí hậu (climate change) 1988 là sự kiện không thể chối cãi. Cùng với sự phát triển của kinh tế tư bản là sự ô nhiễm môi sinh (pollution) khi rừng bị triệt hạ, sông biển bị ô nhiễm vì rác và chất hóa học. Sự tranh chấp giữa các nước giàu (đã phát triển) và các nước nghèo (đang phát triển) đã cản trở các chương trình cải thiện khí hậu và môi sinh.
Tuy nhiên, một điều đơn giản nhất mà ai cũng hiểu là loài người hiện nay chỉ có một trái đất để sống. Nếu con người hủy diệt môi sinh thì có nghĩa là giàu nghèo đều chết và nền kinh tế tư bản có thịnh vượng đến đâu cũng sẽ chấm dứt.
Có người nghĩ rằng giai cấp ưu tú sẽ tìm ra hướng giải quyết về môi sinh và khí hậu (trường hợp lớp Ozone). Cuộc chạy đua giữa “làm giàu” và bảo vệ môi sinh của nền kinh tế tư bản gặp hai vấn đề.
1. Nhà giàu
Khi những người (làm giàu) tổ chức khai thác rừng, biển, hầm mỏ… mở hãng, xưởng, công ty… thì (thông thường) chỉ thấy họ quảng cáo mặt (phải) ích lợi cho xã hội, công việc làm, phát triển đô thị, giáo dục nhưng không thấy mặt (trái) đền bù cho người dân (nghèo) mất đất, nhà, ruộng… hay hậu quả ô nhiễm, cũng như bệnh hoạn mà cộng đồng địa phương phải gánh chịu trong nhiều năm. Khi thành công thì tiền vào túi tư nhân (các nhà đầu tư) nhưng khi đổ vạ thì đó là trách nhiệm của chính quyền(?) và chính quyền lấy thuế của toàn dân ra chi phí? Trong khi nhà giàu phủi tay, bỏ chạy vì đó là luật không quy định?
Vậy nếu luật quy định hãng, xưởng, chủ nhân… phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc đầu tư gây ra cho cộng đồng địa phương trong vòng 10, 20, 30 năm… thì liệu có ai đứng ra “phát triển kinh tế ” hay không? Hay chỉ vì “cầu” nên “cung” chỉ làm, thu lợi và bỏ chạy?
Liệu những nhà tỷ phú có đồng ý với nhau về các phương thức giải quyết vì sẽ có kẻ tiếp tục làm giàu và nghĩ đó là trách nhiệm của chính quyền, không phải tư nhân có thể làm được.
Giả sử các tỷ phú đồng ý ABC… thì các nước nghèo có tham dự hay sẽ đòi hỏi XYZ… vì tình trạng địa lý, xã hội, thiên tai, bệnh tật…
Rồi nếu 2 bên Giàu-Nghèo đồng ý thì có đem lại kết quả hay không vì tham nhũng sẽ phá hoại các chương trình, kế hoạch được đưa ra.
Bài học tại Mỹ cho thấy các tay tổ tài phiệt nắm giữ nhiều khu vực kỹ nghệ khác nhau (Koch industries, Amazon, Warren Buffetts, Dupont, Elon Musk, Facebook, Google …) và sẵn sàng “giết” nhau để thâu tóm toàn bộ chìa khóa chủ yếu của nền kinh tế. Vậy khi nền kinh tế lọt vào tay của một vài nhân vật như vậy thì chính quyền và nhân dân trở thành công cụ của họ vì miếng ăn và đồng tiền. Một xã hội (hay thế giới) như vậy không thể nói là dân chủ, nhân chủ, hay bình đẳng.
2. Nhà nghèo
Các nước nghèo gặp nhiều khó khăn hơn là các nước giàu. Tuy rằng các nước giàu có cách giải quyết riêng nhưng không phải là giải pháp cho toàn cầu.
Lãnh đạo (chính quyền) của các nước nghèo có nên chấp nhận sự đầu tư của các nước (hay công ty) giàu để phát triển kinh tế và chấp nhận hậu quả của sự đầu tư gây ra sau này trong xã hội về vật chất cũng như tinh thần?
a. Thực phẩm: không đủ ăn thì dân sẽ làm loạn. Một khi mất an ninh thì chẳng có chương trình gì thực hiện được.
b. Việc làm: dân cần có việc làm để đóng góp vào sinh hoạt quốc gia. Nhưng nếu không có giới nhà giàu đầu tư (hay lớp ưu tú tạo việc làm qua dịch vụ, hãng, xưởng) thì dân làm sao có việc làm? Muốn có đầu tư thì phải có an ninh. Nhưng nếu chính quyền địa phương tham nhũng sẽ tạo bất công xã hội và hỗn loạn.
c. Cư trú và vệ sinh
Tối thiểu chính quyền địa phương phải thực hiện các nhu cầu tối thiểu của đời sống: điện, nước, nhà, vệ sinh, giao thông… nếu không thực hiện được thì đó là một quốc gia thất bại (failed state) và dân sẽ bỏ đi tị nạn, bệnh dịch lan tràn và không có cơ quan từ thiện nào có thể thay thế được.
d. Chính quyền và an ninh
Chính quyền được thiết lập để duy trì sinh hoạt xã hội và an ninh. Để điều hành các cơ quan, quân đội, cảnh sát… chính quyền cần thu thuế để trả lương công chức. Đã là nước nghèo thì kinh tế khó mà vươn lên; nếu công ty quốc tế đầu tư vào thì họ sẽ vì lợi nhuận của họ hay vì lợi ích cho dân địa phương? Trong khi chính quyền nước nghèo dễ bị nhũng lạm khiến mất lòng dân. Thường thì quân đội đảo chánh chính phủ dân cử nhưng quân đội không được huấn luyện để điều hành quốc gia. Một khi đã quen sử dụng bạo lực thì dễ trở thành độc tài và bị thế giới xa lánh.
Có dư luận cho rằng người nghèo là lười biếng, ăn bám, ỷ lại…. Nhưng hãy trở về thời đại khi mọi người đều phải lao động để có miếng ăn (săn bắn, nông nghiệp) thì rõ ràng loại người như vậy không có đất sống. Chỉ đến khi nền kinh tế đi vào giai đoạn kỹ nghệ (chủ, thợ) và con người bắt đầu dùng trí óc để bóc lột kẻ yếu kém. Từ đó phát sinh lớp người tuyệt vọng và bệnh ăn bám xã hội. Nếu bạn không tin thì hãy thử trong gia đình bạn (nếu đông con). Nếu bạn có đứa con giỏi (thuộc giai cấp nhà giàu sau này) và đứa con dở (thuộc giai cấp nhà nghèo) và bạn đứng giữa (vai trò của chính quyền) thì bạn sẽ làm gì?
Vậy chúng ta hãy đi sơ qua những đặc tính của nền kinh tế tư bản.

Đi tìm một lối thoát cho kinh tế thị trường (P2)

Trần Công Lân
Tháng 3 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s