Từ nghiện được người Mỹ gọi là addiction. Khi nói về nghiện thì người ta nghĩ đến chuyện nghiện rượu, cờ bạc, tình dục, hoặc thuốc. Có một thứ nghiện khác mà số đông không nhìn ra bởi họ nghĩ là họ chỉ sử dụng phương tiện mới của kỹ thuật điện thoại thông minh. Giữa sử dụng phương tiện điện thoại thông minh với nghiện là hai cái hoàn toàn khác nhau. Chuyện nghiện này được nhiều người đã nói trên TED Talk hay youtube. Người Việt có bao nhiêu người nhìn ra được vấn đề này?
Thế nào gọi là nghiện trong việc sử dụng điện thoại thông minh? Để trả lời câu hỏi này cần phải quan sát những hành động của người sử dụng điện thoại thông minh và hành động này trở thành thói quen để người bị nghiện hoàn toàn không hề biết mình bị nghiện.
Hành động của người nghiện và tình nguyện làm nô lệ cho điện thoại thông minh
Không chối bỏ sự tiện lợi của điện thoại thông minh. Tuy nhiên, khi người ta lợi dụng sự tiện lợi đó thì họ đã bị nghiện hoặc trở thành nô lệ cho khoa học kỹ thuật qua cái điện thoại thông minh.
Thời buổi hôm nay ai cũng có một điện thoại cầm tay. Tìm một điện thoại cầm tay không có hệ thống nối với mạng hoàn toàn không hề có ở thời điểm hôm nay. Đây là một thực tế.
Khi một cá nhân lúc đi ngủ mà vẫn đem cái điện thoại vào phòng ngủ với lý do là để ai đó gọi khi có chuyện khẩn cấp bởi cá nhân đó không có điện thoại ở nhà thì chuyện này còn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên khi có điện thoại nhà mà vẫn đem điện thoại cầm tay vào phòng ngủ thì đây là hình ảnh của người nghiện. Chưa kể điện thoại đó vẫn bật lên và nối liền với mạng xã hội để khi ai gửi gì đó vào mạng xã hội của mình thì điện thoại run lên hoặc lên tiếng nào đó mà người sử dụng đã cài đặt. Giấc ngủ đã bị cản trở bởi hành động đem điện thoại vào phòng ngủ. Có người vì đã có điện thoại ở phòng ngủ, hai ba giờ sáng thức dậy vội vàng xem điện thoại và trả lời sau đó ngủ tiếp. Làm như họ là những người lãnh đạo của quốc gia cần phải trả lời ngay trong giờ ngủ của chính mình.
Khi ở nhà có máy vi tính 13 hoặc 16 inches thì người ta chọn cái điện thoại thông minh nhỏ bằng bàn tay để sử dụng cho việc giao lưu trên mạng. Họ tình nguyện trở thành người “tàn phế” bởi với máy vi tính, bạn đánh máy 10 ngón tay nhưng với cái điện thoại, bạn đã trở thành người “tàn tật” đánh máy gửi lá thư bằng hai ngón tay. Họ muốn có cái Tivi 65 inches trở lên ở trong nhà nhưng họ sẵn sàng dùng điện thoại để xem những clip trên điện thoại trong khi họ có thể dùng máy vi tính hoặc Tivi để xem những clip đó. Đây là thái độ của người nghiện chứ không phải là hòa hợp vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật.
Sự tiện lợi đã được tận dụng tối đa để cơn nghiện càng gia tăng. Tức là trong lúc nấu ăn, trong lúc vào phòng vệ sinh, họ cắm đầu vào cái điện thoại cầm tay nhỏ xíu mà không hề nghĩ đến sự thiệt hại mắt của họ ra sao. Họ xử dụng txt như là một thói quen mà không hề nghĩ rằng mình đã bị nghiện bởi những cái txt đó.
Trong lúc đi bộ, lái xe hoặc dừng xe trước đèn xanh-đỏ, thay vì quan sát những gì chung quanh để bảo vệ sự an toàn cho mình thì họ chọn thái độ là nô lệ cho điện thoại cầm tay. Khi chiếc xe ở trước bạn mà đèn xanh đã bật lên nhưng xe đó vẫn nằm ì một chỗ thì phần trăm rất cao là cá nhân đó đang nhìn vào màn ảnh điện thoại thay vì nhìn hệ thống đèn giao thông. Khi xe phí trước bạn chạy không thẳng mà lạn qua lạn lại thì (1) cá nhân đó say rượu, hoặc (2) cá nhân đó vừa lái xe vừa xem điện thoại hoặc gửi txt trong lúc lái xe. Theo thống kê thì tai nạn xe cộ xảy ra ở Mỹ giữa người uống rượu say và sử dụng điện thoại lúc lái xe thì người sử dụng điện thoại làm tai nạn xảy ra càng ngày càng gia tăng kể từ năm 2020.
Thái độ nghiện này xảy ra ở bất cứ giờ nào, bất cứ nơi đâu khi mà những người nghiện này cầm điện thoại trên tay và chính cái điện thoại này đã trở thành vũ khí có thể giết cá nhân sử dụng, giết người khác bởi sự nghiện này mà người ta không hề nhìn nhận đó là nghiện.
Hành động người không nghiện
Người không nghiện là người tự mình làm chủ lấy chính mình chứ không để khoa học kỹ thuật, hoặc điện thoại thông minh làm chủ con người của họ. Những người nghiện cho rằng những người này không theo kịp sự tiến bộ của kỹ thuật mà vẫn sống với kỹ thuật lỗi thời. Lối lý luận này hoàn toàn mang cảm tính hơn là thực tế. Người không nghiện không hề sống với kỹ thuật lỗi thời. Khác chăng họ là họ chọn máy vi tính thay vì điện thoại nhỏ bằng bàn tay và trở thành người “tàn tật” của cái điện thoại nhỏ đó.
Đối với những người này, điện thoại thông minh duy nhất là để liên lạc qua điện thoại. Họ từ chối dùng điện thoại đó để đọc điện thư, để vào mạng bởi màn ảnh quá nhỏ. Nếu trong việc làm cần phải sử dụng điện thoại thì họ cũng rất giới hạn trong việc làm và khi giờ làm đã hết thì điện thoại không còn giá trị đối với họ.
Để làm những gì mà những người nghiện đã làm thì họ chọn thái độ vào mạng bằng máy vi tính đặt ở đâu đó trong nhà. Tức là họ chỉ có một nơi để vào mạng khi cần thiết — bằng máy vi tính cho mọi liên lạc dính dáng đến mạng. Thời buổi hôm nay mọi thứ đều dùng mạng cho nên họ không có sự lựa chọn nhưng ít nhất họ lựa chọn thái độ tự mình làm chủ mình trong vấn đề vào mạng. Khi họ ra khỏi nhà, họ không có nhu cầu phải vào mạng bất cứ lúc nào và dù có điện thoại thông minh và có cơ hội vào mạng, họ chọn thái độ không dùng điện thoại đó để vào mạng vì bất cứ lý do nào đó.
Họ cũng có mạng xã hội nhưng họ không bật mạng xã hội lên 24/24. Họ có thể vào mạng xã hội vài tiếng và sau đó ra khỏi mạng xã hội ngay chứ không phải như những người nghiện luôn luôn ở tư thế sẵn sàng trên mạng xã hội 24/24 bởi điện thoại của họ không hề tắt. Nên nhớ họ (người không nghiện) chỉ vào mạng bằng máy vi tính chứ không dùng điện thoại để vào mạng.
Những người không nghiện hoàn toàn không lạc lõng trong khoa học kỹ thuật trái lại họ chọn khoa học kỹ thuật phục vụ những nhu cầu của đời sống và không bị lệ thuộc hoặc làm nô lệ cho khoa học kỹ thuật bởi các công ty dùng tâm lý cho rằng họ có nhu cầu.
Sự lựa chọn
Hình ảnh người sử dụng điện thoại thông minh để bị nghiện và hình ảnh chọn thái độ tự mình làm chủ lấy mình của những người không nghiện chung quy ở sự lựa chọn.
Người nghiện tình nguyện làm nô lệ cho điện thoại thông minh, luôn luôn xem đó là phương tiện duy nhất, tiện lợi nhất để vào mạng xã hội bất cứ giờ phút nào, ở đâu. Họ không hề nghĩ rằng đó là hành động của người nghiện. Dĩ nhiên những người nghiện nào nhìn ra được sự kiện trên. Bởi nếu nhìn ra được thì họ đã tìm cách để cai, để có lối ứng xử ra khỏi “cơn nghiện” mà họ chưa bao giờ nghĩ đó là nghiện.
Người không nghiện họ biết điểm phải dừng. Họ sử dụng mạng nhưng họ không có nhu cầu phải vào mạng bằng cái điện thoại nhỏ, biến họ thành “tàn tật” trong việc đánh máy. Họ không có nhu cầu phải trả lời điện thư hay lời nhắn của ai đó cho đến khi họ vào được máy vi tính để làm chuyện đó. Điện thoại thông minh hay không thông minh đối với họ chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là để nói chuyện, để nghe tiếng nói từ bên kia.
Giống như người nghiện rượu, lúc đầu họ cho rằng uống rượu giải sầu. Nhưng khi từ sự giải sầu trở thành nghiện họ không hề hiểu được điều đó mà họ vẫn cho rằng rượu giúp họ giải sầu. Người nghiện điện thoại thông minh cũng vì sự tiện lợi mà họ không nhìn ra họ bị nghiện.
Sự lựa chọn nào tốt đẹp đó là do tri thức của mỗi người nhìn ra được sự kiện nghiện hay không nghiện.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 3 năm 2022 (Việt lịch 4901)